Phong tỏa ở Thượng Hải khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 29 tỷ USD trong 2 tuần

Dorothy Li

Một nhân viên vận chuyển, mặc đồ bảo hộ, điều khiển lối vào đường hầm theo hướng quận Phố Đông bị phong tỏa như một biện pháp ngăn chặn virus corona Covid-19, ở Thượng Hải hôm 28/03/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images) Trung Quốc

Theo các nhà cung cấp dịch vụ logistics, nhiều xe tải bị trì hoãn, việc giao hàng bị chậm lại, còn chi phí thì tăng lên 

Theo ước tính tối thiểu của một nhà kinh tế Hồng Kông, đợt phong tỏa toàn diện đối với trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế thiệt hại 190 tỷ NDT (29.8 tỷ USD) trong hai tuần, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ông Tống Tranh (Zheng Michael Song), giáo sư khoa kinh tế của trường Đại học Trung Văn Hồng Kông, cho biết gần 7% thiệt hại sẽ là từ tác động lan tỏa đến các thành phố khác.

Ông Tống cho biết trong một bài viết gần đây, tổn thất này có thể lên tới 295 tỷ nhân dân tệ (63 tỷ USD), tương đương 3.1% GDP, nếu một phần mười các thành phố của Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa trong hai tuần.

Ông Tống, cùng với bốn nhà nghiên cứu kinh tế khác từ Hoa Kỳ, Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục, đã sử dụng dữ liệu lưu lượng xe tải giữa các thành phố từ vị trí thời gian thực của 1.8 triệu xe tải để đo lường tác động kinh tế từ những cuộc phong tỏa của Trung Quốc.

Nghiên cứu này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng đợt phong tỏa ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc và là nơi có cảng vận tải container lớn nhất thế giới, có thể làm gián đoạn thêm các hoạt động kinh tế ở thành phố biển này và hơn thế nữa.

Một nửa Thượng Hải bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa bốn ngày từ hôm 28/03, và nửa còn lại của thành phố sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế này trong bốn ngày kế tiếp kể từ thứ Sáu (01/04).

Các biện pháp sâu rộng chia làm hai giai đoạn này để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế hoàn thành ít nhất hai đợt xét nghiệm sàng lọc hàng loạt 26 triệu cư dân của thành phố nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng gia tăng theo chiến lược [ngăn chặn] COVID-19 không khoan nhượng của nhà cầm quyền.

Các hạn chế này đã cấm các phương tiện không có sự đồng ý ra đường, ngừng hoạt động giao thông công cộng, và yêu cầu hàng triệu cư dân phải ở nhà.

Trong khi đó, các công ty được phép tiếp tục hoạt động, với số lượng nhân viên hạn chế ở trong một “hệ thống vòng khép kín”, họ phải ở lại công ty ngăn cách với thế giới bên ngoài trong suốt thời gian phong tỏa. Nhiều chủ ngân hàng, nhân viên giao dịch, và các nhân viên chủ chốt khác của công ty hiện đang nằm ngủ tại văn phòng của mình.

Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn SMIC cho biết các nhà máy của họ ở Thượng Hải vẫn mở cửa sản xuất như bình thường, các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm 28/03. Trong khi đó, theo Reuters, dẫn lời những người am hiểu vấn đề này, Tesla, được cho là đã cho ngừng sản xuất trong bốn ngày từ thứ Hai (28/03).

Những tài xế xe tải bị mắc kẹt xếp hàng để làm xét nghiệm acid nucleic tại một bãi đậu xe, sau khi thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc bị phong tỏa, hôm 26/03/2022. (Ảnh: China Daily/Reuters)

Ước tính tối thiểu

Cuộc phong tỏa đáng kinh ngạc ở Thượng Hải đã đánh dấu một bước ngoặt đối với giới chính quyền thành phố. Thành phố này trước đây đã được coi là một tấm gương trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát thông qua một cách tiếp cận có mục tiêu hơn, mà không cần đến các biện pháp phong tỏa toàn diện.

Thành phố đã phong tỏa nhiều cộng đồng dân cư trong tuần qua và sàng lọc công dân của từng khu phố. Các quan chức cũng cho biết thành phố không thể ở trong tình trạng bị phong tỏa hoàn toàn, với lý do tác động đến nền kinh tế quốc gia và toàn cầu.

Nhưng đợt bùng phát hiện thời do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao của chủng virus này gây ra, dường như đã khiến các quan chức địa phương cảm thấy áp lực phải làm theo các biện pháp được thực hiện ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, một trung tâm sản xuất gần đây đã bị phong tỏa, và đẩy mạnh thực hiện chính sách Zero COVID.

Ông Tống cho biết trong một nghiên cứu sơ bộ đồng tác giả với bốn nhà nghiên cứu kinh tế phát hành ngày 15/03, nếu ba siêu đô thị khác trong nước — Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến — cùng áp đặt một cuộc phong tỏa nghiêm ngặt, thì thu nhập thực tế quốc dân sẽ giảm 12%.

Các ước tính này “chỉ nắm bắt được những tác động của việc phong tỏa trong thời gian ngắn,” các chuyên gia cho biết trong báo cáo.

Thâm Quyến đã nới lỏng các hạn chế trên toàn thành phố hôm 21/03, cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau một tuần bị phong tỏa.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi một tờ báo nhà nước cho thấy “cuộc chiến” COVID-19 của Thâm Quyến đã gây ảnh hưởng đến 93% các công ty vừa và nhỏ tại địa phương, trong đó nhiều công ty đã hứng chịu những gián đoạn trong sản xuất, gián đoạn trong chuỗi cung ứng, và sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng theo sau cuộc phong tỏa này.

Tàu chở hàng của Hoa Kỳ tại Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải vào ngày 09/04/2018. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP/Getty Images)

Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu

Khi hàng triệu cư dân ở Thượng Hải bị biệt lập trong nhà của họ, người tiêu dùng ở ngoài kia cũng có khả năng cảm thấy áp lực vì chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến ​​sẽ tiếp tục bị gián đoạn vì đợt phong tỏa này.

Các quan chức thành phố bảo đảm với các bến cảng và phi trường lớn rằng các hoạt động có thể vẫn sẽ được duy trì bình thường trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và nhà cung cấp dịch vụ logistics cảnh báo rằng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và vận tải đường bộ dự đoán sẽ có chậm trễ.

Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), kênh truyền thông do nhà nước hậu thuẫn, dẫn lời một nhà nghiên cứu từ Viện Vận tải Quốc tế Thượng Hải nói rằng, mặc dù cảng ở thành phố này vẫn mở, nhưng hiệu quả giảm xuống do hạn chế lao động và các yêu cầu cách ly kiểm dịch.

Dẫn lời một nhân viên ẩn danh từ một công ty logistics, báo cáo cho biết, các chuyến hàng dự kiến tới Nhật Bản và Thái Lan hôm 29/03 đã bị trì hoãn sang tuần sau.

Woodlands Group, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng của Anh, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai: “Đã có một sự gián đoạn đáng kể đối với hoạt động vận chuyển của xe tải.”

Sự gián đoạn này chủ yếu là do “các tỉnh lân cận với các xe tải buộc phải quay trở lại cảng Thượng Hải, khiến một phần lớn hàng hóa sẵn sàng bốc lên xe ngày hôm nay không thể được vận chuyển đến cảng,” báo cáo nêu rõ.

Đại công ty vận tải Maersk của Đan Mạch cũng cảnh báo về dịch vụ vận tải đường bộ ở Thượng Hải bị ảnh hưởng và chi phí vận tải có thể cao hơn vì cuộc phong tỏa toàn thành phố này.

Maersk, công ty vận tải container lớn thứ hai thế giới, cho biết trong một cuộc tư vấn cho khách hàng hôm 28/03: “Dịch vụ vận tải hàng hóa ra vào Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới 30%.”

Các kho hàng của Maersk ở Thượng Hải sẽ đóng cửa đến hôm 01/04.

“Do đó, thời gian giao hàng sẽ lâu hơn và có thể làm cho chi phí vận tải tăng lên như phí đi đường vòng và phí đường cao tốc.”

SEKO Logistics, một công ty vận tải hàng hóa và kho bãi có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết các nhà máy ở tỉnh Chiết Giang lân cận đang lựa chọn chuyển hàng hóa ra khỏi cảng ở Ninh Ba, phía nam của Thượng Hải, thay vì Thượng Hải.

Công ty cho biết trên trang web của mình: “Chúng tôi tiên liệu: giá cước vận tải hàng không sẽ tăng mạnh kể từ hôm nay.”

Bà Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Âu Châu.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts