Nguyễn Sơn
Một số nước đề nghị Solomon xem xét các hậu quả lâu dài “đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu không phải là toàn thế giới”, sau khi ký thoả thuận an ninh với Trung Quốc.
Quốc đảo Solomon ngày 31/3 thông báo đã ký một thỏa thuận an ninh quy mô lớn với Trung Quốc, động thái có thể sẽ mở đường cho Bắc Kinh mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương, theo hãng tin AFP.
“Các quan chức của Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký các điều khoản của Khung Hợp tác An ninh song phương giữa hai nước ngày hôm nay”, thông báo từ Solomon cho hay.
Quần đảo Solomon xác nhận vào tuần trước rằng họ thiết lập quan hệ đối tác với Trung Quốc để giải quyết các mối đe dọa an ninh và đảm bảo môi trường an toàn cho đầu tư như một phần của quá trình đa dạng hóa quan hệ an ninh của họ.
Quần đảo Solomon có chưa tới 1 triệu dân, nằm cách Úc khoảng 2,000km về phía đông bắc.
Thoả thuận giữa Trung Quốc và Solomon như thế nào?
Theo dự thảo của thỏa thuận bị rò rỉ vào tuần trước, chi tiết thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh và hải quân tới Solomon khi có khủng hoảng. Tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại quần đảo Solomon.
Ngoài ra, thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc triển khai theo yêu cầu của Solomon để đến quốc đảo này duy trì “trật tự xã hội”. Các lực lượng của Bắc Kinh cũng được phép bảo vệ “sự an toàn của nhân viên Trung Quốc” và “các dự án lớn ở quần đảo Solomon”.
Hiện thỏa thuận này chỉ chờ ngoại trưởng hai nước ký. Theo tờ The Guardian, chưa biết liệu sẽ có bất kỳ thay đổi đáng kể nào khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết hay không. Lực lượng cảnh sát hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) công bố ngày 29/3/2022 cho thấy các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đang đào tạo các sĩ quan RSIPF diễn tập các kỹ năng chiến đấu – Ảnh: Getty Images
Các nước khu vực Thái Bình Dương lo ngại
Úc và New Zealand đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tác động đối với an ninh khu vực sau khi thông tin về thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc – Solomon “rò rỉ” tuần trước.
Trung tướng Greg Bilton, chỉ huy các hoạt động chung của Lực lượng Quốc phòng Úc, cho rằng hiệp ước này sẽ làm “thay đổi tính toán” về các hoạt động của Úc ở Thái Bình Dương.
Charles Edel, lãnh đạo bộ phận Australia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết động thái trên là vấn đề nghiêm trọng với Mỹ và đồng minh trong khu vực.
“Việc một đối thủ chiến lược thiết lập căn cứ ở Solomon sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của Australia và New Zealand, gia tăng khả năng tham nhũng và khai thác quá mức tài nguyên”, ông Edel nói.
Ngày 28/3, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cho biết nước này hết sức lo ngại về khả năng khu vực Thái Bình Dương bị quân sự hóa.
Trong khi đó, Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, có thể cho phép hải quân của Trung Quốc phát huy sức mạnh vượt xa biên giới nước này.
Một hiệp ước an ninh sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc trong một khu vực mà Australia và New Zealand trong nhiều thập kỷ coi là “sân sau” của họ. Trước đó, Úc cũng đã ký hiệp ước an ninh với Solomon với điều khoản cho phép Canberra đưa lực lượng vũ trang tới quốc đảo khi cần.
Sau đó, Solomon đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào năm 2019.
Trong khi đó, Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia, một quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương, đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare xem xét lại hiệp ước an ninh gây tranh cãi và “chưa từng có tiền lệ” với Trung Quốc.
Ông Panuelo bày tỏ “quan ngại an ninh nghiêm trọng về thỏa thuận”. “Lo ngại của tôi là chúng ta – các quốc đảo ở Thái Bình Dương – sẽ trở thành trung tâm của các cuộc đối đầu trong tương lai giữa các nước lớn”, ông Panuelo cho biết.
Ông Panuelo đề nghị nhà lãnh đạo Solomon xem xét các hậu quả lâu dài “đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu không phải là toàn thế giới” khi ký hiệp ước an ninh. Ông bày tỏ lo ngại về việc Thái Bình Dương có thể hứng chịu thiệt hại trong một cuộc cạnh tranh tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare bác bỏ những lời chỉ trích về thỏa thuận, nói rằng “không có ý định hay yêu cầu từ Trung Quốc để xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon”.