Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý sự bất bình ngày càng tăng của công chúng đối với các biện pháp cứng rắn Zero Covid ở Thượng Hải, một trong những thành phố giàu có nhất và toàn cầu hóa nhất của quốc gia này.
Theo hãng tin Blomberg, vào đầu tuần này, gã khổng lồ công nghệ Tencent đã gỡ xuống hai video về một cuộc biểu tình hiếm hoi tại một khu nhà ở Thượng Hải sau khi chúng bắt đầu trở thành xu hướng trên nền tảng WeChat của công ty, theo nguồn tin từ một người giấu tên am hiểu về vụ việc. Người này cho biết thêm rằng các video đã được người dùng đăng lên dòng thời gian WeChat của họ.
Các video, đã được Bloomberg xem và xác minh độc lập, cho thấy hàng chục cư dân đứng phía sau cổng khu nhà ở Jiangnan Xinyuan ở quận Minhang, Thượng Hải, đã hô vang các khẩu hiệu như “chúng tôi muốn ăn”, “chúng tôi muốn có quyền được biết” và “chúng tôi muốn tự do”. Người dân tại đây bị buộc phải ở trong nhà của họ kể từ ngày 2/3 và họ đã phải trải qua hơn 10 đợt xét nghiệm virus hàng loạt, theo thông báo chính thức từ tài khoản WeChat của khu nhà.
Người giấu tên nói với Bloomberg rằng, Tencent nói với các nhân viên rằng các video bị gỡ xuống vì chúng vi phạm luật pháp và chính sách của Trung Quốc.
Đáng chú ý là một video thứ ba về các cư dân của khu nhà ở biểu tình vẫn được phép lưu truyền trực tuyến. Tuy nhiên, trong video đó, những tiếng hô khẩu hiệu kém rõ ràng hơn và không bao gồm các cụm từ như “tự do”.
Việc kiểm duyệt gia tăng phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Trung Quốc đối với cách tiếp cận không khoan nhượng đối với virus, vốn gây ra chi phí kinh tế và xã hội lớn hơn trong khi khiến đất nước bị cô lập trong một thế giới đang chung sống với Covid.
Trong tháng qua, các trường hợp mắc Covid ở Thượng Hải đã tăng lên hơn 32.000 ca. Đây là đợt lây nhiễm lớn nhất ở Trung Quốc kể từ đợt dịch ban đầu ở Vũ Hán.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc đã thể hiện sự linh hoạt hơn với chính sách Zero Covid. Họ đã cho phép các doanh nghiệp và nhà máy tiếp tục hoạt động trong bối cảnh đóng cửa. Và trong trường hợp của Thượng Hải, việc đóng cửa được thực hiện luân phiên giữa hai nửa phía đông và phía tây.
Có thể thấy rõ sự thất vọng và tức giận của dân chúng từ các bài đăng trên các nền tảng truyền thông xã hội lớn về các chính sách kiểm soát Covid của Thượng Hải. Hàng chục nghìn người dùng phàn nàn về việc hết lương thực hoặc chỉ trích chính phủ không cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế kịp thời cho những người cần. Hôm thứ Tư, một người dùng đã đăng lên Weibo những bức ảnh dường như là một cuộc biểu tình tại một khu nhà ở khác, nói rằng các cư dân đang phản đối việc thiếu nguồn cung cấp thực phẩm.
Một chủ đề trên Weibo về một người già chết vì bệnh hen suyễn sau khi xe cấp cứu từ chối đưa ông đến bệnh viện ở Thượng Hải đã thu hút hơn 55 triệu lượt xem và 23.000 bài đăng chỉ trong ngày thứ Năm.
Mặc dù Thượng Hải không đóng cửa toàn thành phố như những nơi khác ở Trung Quốc, việc đóng cửa một nửa vẫn dẫn đến sự tuyệt vọng của những người mắc bệnh mãn tính như suy thận. Các sự cố gợi lại cảnh đau thương vào đầu năm 2020 khi virus lần đầu tiên xuất hiện. Trước khi đóng cửa trong tuần này, các quan chức đã niêm phong các tòa nhà riêng lẻ và các khu nhà ở để kiểm tra bắt buộc, nhằm loại bỏ tận gốc các trường hợp nghi ngờ có virus.
Thượng Hải, thành phố chiếm 3,8% GDP của Trung Quốc, là nơi tập trung nhiều tầng lớp tinh hoa của đất nước trong các ngành từ dịch vụ tài chính đến thời trang xa xỉ. Nhiều người nước ngoài sống ở đó hơn bất kỳ nơi nào khác ở Trung Quốc và chất lượng chăm sóc sức khỏe tại đây được coi là tốt nhất trên toàn quốc. Trong hai năm qua, thành phố không có những đợt bùng phát lớn, do đó người dân ở đây không quen với chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc.
Theo tính toán của Bloomberg, khoảng 71 triệu người Trung Quốc đang trong tình trạng bế tắc hoặc sắp phải đối mặt với việc thiếu thốn lương thực. Do việc mua sắm hoảng loạn và thiếu nhân viên giao hàng góp phần gây ra tình trạng khan hiếm, các hộ gia đình bị ảnh hưởng thường thấy họ không có đủ khả năng để tiếp cận thực phẩm. Theo ước tính của các học giả tại Đại học Hồng Kông, những lệnh đóng cửa có thể khiến Trung Quốc thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP.
Bắc Kinh có một hệ thống kiểm duyệt tinh vi, nơi ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên đưa ra hướng dẫn về những gì các tổ chức truyền thông và nền tảng truyền thông xã hội trong nước cần kiểm soát. Thêm vào đó, Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc khiến các công dân không thể truy cập vào hầu hết các trang web và nền tảng tin tức nước ngoài như Google và Facebook, trừ khi họ sử dụng mạng riêng ảo.
Văn Thiện