Huyền Anh
ĐCS Trung Quốc che giấu ý định xâm chiếm Đài Loan thông qua một cuộc bao vây, xuất phát từ nguồn cảm hứng trong lịch sử quân sự và ngoại giao Trung Quốc – “Binh pháp Tôn Tử và ba mươi sáu mưu kế”.
Trong “Binh pháp Tôn Tử và ba mươi sáu mưu kế”, được viết cách đây hơn 1.500 năm, kế đầu tiên, “Dương Đông kích Tây”, được thiết kế cho các quốc gia có vị thế vượt trội. Kế sách này nhằm mục đích đánh lạc hướng đối phương, khiến đối thủ mất cảnh giác.
Phản ứng trước chiến thắng của cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2016 và 2020, cùng các sự kiện gây chấn động ở Hồng Kông và Ukraine, 80% người Đài Loan mong muốn giữ nguyên hiện trạng hoặc tiến tới tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục.
Khát vọng độc lập ngày càng tăng cùng nỗi sợ hãi về những hậu quả nghiêm trọng khi chịu sự khuất phục chuyên quyền và gian manh của ĐCS Trung Quốc đã hun đúc ý chí của họ. ĐCS Trung Quốc hy vọng rằng, nền dân chủ Đài Loan sẽ sụp đổ và gia nhập các khu vực bị đàn áp khác (Tây Tạng, Đông Turkestan, Nội Mông và Hồng Kông).
Chính vì người dân Đài Loan khao khát độc lập, nên ĐCS Trung Quốc mới xem xét các lựa chọn quân sự để tiến tới “thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc.
ĐCS Trung Quốc đã thể hiện ít nhất ba kiểu hành vi phù hợp với một chiến lược tích cực.
Đầu tiên, ĐCS Trung Quốc tiến hành chiến tranh chính trị và hành động quân sự chống lại các quốc gia, công ty và cá nhân đi chệch khỏi con đường mong muốn của nó. Gần đây nhất, ĐCS Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí chiến tranh chính trị trong bộ công cụ của mình chống lại Lithuania bằng một số biện pháp nghiêm khắc nhất “hệt như xã hội đen”.
Thứ hai, ĐCS Trung Quốc sử dụng câu châm ngôn của Vladimir Lenin, “Hãy thăm dò bằng lưỡi lê: nếu thấy hỗn độn, thì phải thúc ép. Nếu tìm thấy thép, cần phải rút lui”, ở Biển Đông bằng cách chiếm các đảo nhỏ và biến chúng thành các căn cứ quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Ví dụ về hành động gây hấn của ĐCS Trung Quốc: chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) của Việt Nam; tập trung hàng loạt các tàu thương mại, dân quân hàng hải và Cảnh sát biển Trung Quốc xung quanh Bãi cạn Scarborough của Philippines (2012) và Bãi đá ngầm Whitsun (2021).
Việc ĐCS Trung Quốc liên tục quấy rối hải quân Biển Đông là một ví dụ về cách nó “thăm dò”, trong trường hợp này là với các con tàu. Thật không may, các quốc gia đã không “tìm thấy thép” để ngăn chặn sự thăm dò và gây hấn này.
Tương quan lực lượng giữa Hải quân Mỹ và Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) về số lượng và năng lực cho thấy, PLAN đang cố gắng sánh ngang với Hải quân Mỹ. Hiếm khi lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc với các nước láng giềng được đem ra so sánh.
Vào năm 2015, Văn phòng Tình báo Hải quân của Hải quân Hoa Kỳ đã công bố một phân tích so sánh (bên dưới) của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc, cho thấy sự mất cân bằng sức mạnh rõ rệt trong khu vực của lực lượng bảo vệ bờ biển.
Thứ ba, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tiến hành nhiều hình thức diễn tập quân sự tích cực trong và xung quanh Đài Loan. Trắng trợn nhất trong số này là các chuyến bay không báo trước của máy bay PLA tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo ở phía đông nam, nam và tây nam.
Xâm nhập vùng nhận dạng phòng không
Ít được Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) báo cáo hơn cả là các chuyến bay của PLA tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản, chia cắt Đài Loan về phía đông bắc, bắc và tây bắc
Vào năm 2020, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) đã công bố một phân tích chi tiết về các chuyến bay của PLA xung quanh Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Các cuộc khiêu khích trên không của PLA đối với Đài Loan có ba hình thức:
- Các chuyến bay vòng quanh Đài Loan (hành động khiêu khích phổ biến nhất).
- Các cuộc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không ADIZ (khiêu khích phổ biến thứ hai).
- Vi phạm đường phân cách giữa hai bờ eo biển (được coi là hành động khiêu khích nhất và do đó, rất hiếm).
Các chuyến bay vòng quanh Đài Loan có thể không được Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo vì có vẻ như Lực lượng Không quân PLA bay quanh vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã báo cáo sự gia tăng đáng kể các cuộc xâm nhập của PLA vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan kể từ mùa thu năm 2020.
Một ví dụ về các cuộc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không ADIZ của máy bay PLA đã xảy ra vào ngày 28/11/2021, với 27 máy bay và các đường bay dài hơn.
Những sự kiện này có ý nghĩa gì?
Những hành động dân sự và quân sự này gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng ĐCS Trung Quốc đang nỗ lực chuẩn bị cho một kế hoạch ‘trọng đại’ sắp tới. Số lượng các hành động gây hấn gây khó khăn cho việc xác định và đánh giá khả năng xảy ra của cuộc chiến. Trên thực tế, ĐCS Trung Quốc đang ngụy tạo những gì nó dự định làm trong khi vẫn để ngỏ một số phương thức có thể xảy ra. Những hành động này nhằm giảm sự cảnh giác của Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ và những nước khác.
Những hành động này cung cấp cho Trung Quốc ít nhất ba phương án chính — phương án cuối cùng có vẻ khả thi nhất.
Phương án 1: Cuộc xâm lược Đài Loan
Lựa chọn đầu tiên, và rõ ràng nhất, là ĐCS Trung Quốc đang chuẩn bị lực lượng cho một cuộc xâm lược Đài Loan. Có không ít bài báo đã viết về cách thức Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan. Cuốn sách của tác giả Ian Easton, “Mối đe dọa từ cuộc xâm lược của Trung Quốc”, cung cấp một phân tích tuyệt vời về một cuộc xâm lược toàn diện.
Lựa chọn này của PLA là hành động “cứng rắn”, nếu Đài Loan hoặc các quốc gia khác vượt qua lằn ranh đỏ của ĐCS Trung Quốc.
Trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng năm 2020 trước Quốc hội, DOD đánh giá rằng ĐCS Trung Quốc có bảy lằn ranh đỏ:
Tuyên bố chính thức về nền độc lập của Đài Loan.
Các động thái không xác định đối với Đài Loan.
Nội bộ Đài Loan bất ổn.
Việc Đài Loan mua lại vũ khí hạt nhân.
Sự trì hoãn vô thời hạn trong việc nối lại đối thoại xuyên eo biển.
Sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ của Đài Loan.
Lực lượng nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ Đài Loan.
Trong báo cáo DOD năm 2021, lằn ranh đỏ thứ bảy, “lực lượng nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ Đài Loan”, có thể là do Nhóm Lực lượng Đặc nhiệm Thứ nhất đã đăng tải một video trên trang Facebook của họ cho thấy, các nhân viên đang huấn luyện lực lượng Đài Loan vào tháng 6/2020.
Vào tháng 10/2021, Tổng thống Thái Anh Văn thừa nhận sự hiện diện của quân nhân Hoa Kỳ ở Đài Loan là một phần trong sự trợ giúp của Hoa Kỳ để “tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan”.
Phương án 2: Chiến tranh tâm lý — Răn đe
Trọng tâm của phương án thứ hai là mối đe dọa xâm lược (chiến tranh tâm lý – nhằm ngăn chặn những người ủng hộ Đài Loan) hơn là một cuộc xâm lược thực sự. ĐCS Trung Quốc muốn nhắc nhở Đài Loan và phần còn lại của thế giới rằng, cần phải duy trì chính sách “Một Trung Quốc” của ĐCS Trung Quốc và không cung cấp cho Đài Loan sự công nhận ngoại giao nào, đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi về việc cung cấp “quá nhiều hỗ trợ” cho Đài Loan.
Trên thực tế, phương án thứ hai được thiết kế để ngăn chặn phần còn lại của thế giới và Đài Loan vượt ra ngoài “lằn ranh đỏ” của ĐCS Trung Quốc và cho phép ĐCS Trung Quốc linh hoạt tối đa chiến lược: phong tỏa tâm lý .
Phương án 3: Phong tỏa toàn bộ Đài Loan
Phương án thứ ba, và là phương án khả dĩ nhất, là phong tỏa toàn bộ Đài Loan và các hòn đảo của nó. Tại sao phong tỏa là kịch bản có khả năng xảy ra nhất?
Trong trường hợp thông thường, một cuộc phong tỏa sẽ là một hành động gây chiến, và hậu quả là dân số của một quốc gia sẽ bị chết đói, đồng thời sẽ bị coi là tội ác chiến tranh đối với các cuộc xung đột vũ trang quốc tế.
Tuy nhiên, theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), việc phong tỏa “tỉnh” của một quốc gia không phải là hành động gây chiến và việc bỏ đói dân số của chính mình không bị coi là tội ác chiến tranh.
Vì Đài Loan không được công nhận là một quốc gia có chủ quyền (không phải là thành viên Liên Hợp Quốc), luật pháp quốc tế không coi việc phong tỏa Đài Loan là một hành động gây chiến. Tòa án Hình sự Quốc tế khó có thể quy trách nhiệm về hậu quả vì nó không giải quyết các trường hợp xung đột vũ trang phi quốc tế.
Việc ĐCS Trung Quốc sử dụng luật pháp trong một cuộc phong tỏa bảo vệ ĐCS Trung Quốc trước các công cụ pháp lý quốc tế; phong tỏa và các hành động liên quan phù hợp với việc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc.
Sự chú ý của giới truyền thông sẽ là rất ít nếu PLA không tiến hành các hoạt động chống lại Đài Loan. Trái ngược với việc Nga xâm lược Ukraine, một lựa chọn phong tỏa có lẽ sẽ không thúc đẩy hành động quốc tế chống lại ĐCS Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chỉ ra rằng bất kỳ quốc gia nước ngoài nào can thiệp vào các hoạt động của họ chống lại Đài Loan sẽ bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. ĐCS Trung Quốc đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại sự can thiệp đó, do đó thiết lập một lằn ranh đỏ khác trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động nào chống lại Đài Loan.
Bắc Kinh sẽ buộc các quốc gia, công ty, tổ chức và cá nhân tuân thủ các yêu cầu của mình. Hơn nữa, bằng cách chặn tàu biển và máy bay đến và đi từ Đài Loan và các hòn đảo liên quan, ĐCS Trung Quốc sẽ tìm cách buộc người dân phải “quỳ gối” và chấp nhận sự cai trị của nó. Phong tỏa là chiến tranh bao vây cổ điển, và Mao Trạch Đông đã khuyến khích chiến tranh bao vây trong cuốn sách của mình, “Chiến tranh nhân dân”.
ĐCS Trung Quốc sẽ leo thang hoạt động chống lại Đài Loan và sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện một khi họ tin rằng có sự phản đối tối thiểu của quốc tế. Ukraine đã cung cấp cho ĐCS Trung Quốc những hiểu biết hữu ích về các hình phạt toàn cầu chống lại một siêu cường. Trung Quốc có nhiều đòn bẩy dựa trên thương mại thế giới và kinh nghiệm của họ hơn so với chính phủ Nga. ĐCS Trung Quốc sẽ chuẩn bị và cân đối sao cho phù hợp.
Chính phủ và người dân Đài Loan nên chuẩn bị trước kịch bản về “chiến tranh phong toả” có khả năng xảy ra này. Người dân Đài Loan nên có khả năng cung cấp lương thực dự trữ để giảm thiểu những phụ thuộc quan trọng như hạn chế đánh bắt có thể xảy ra. Tương tự với quân đội, bao gồm cả việc đảm bảo rằng Đài Loan có đủ nguồn cung dự trữ để tiến hành một cuộc chiến kéo dài.
Ngoài phong tỏa đường không và đường biển, ĐCS Trung Quốc còn có thể cố gắng thực hiện phong tỏa thông tin liên lạc — từ chối cho Đài Loan phương tiện liên lạc với thế giới bên ngoài bằng cách làm gián đoạn các vệ tinh và cáp biển. Cuộc chiến Nga-Ukraine năm 2022 cho thấy, các lựa chọn thay thế vệ tinh thương mại là khả thi và có thể duy trì liên lạc thiết yếu.
Kết luận
Trong cuốn sách “On Protracted war”, Mao Trạch Đông lập luận rằng “không bao giờ là quá nhiều lừa dối trong chiến tranh.” Theo lệnh của Mao, ĐCS Trung Quốc sử dụng sự lừa dối để ngụy trang cho việc chuẩn bị tiến hành một cuộc phong tỏa toàn diện: “lừa dối trời để vượt biển”.
Đài Loan và các đồng minh nên nhận ra sự lừa dối này và chuẩn bị cho một cuộc phong tỏa toàn diện. Một khi phong tỏa hoạt động, ĐCS Trung Quốc sẽ có thêm các tùy chọn để khuất phục Đài Loan.
Thông báo mối đe dọa phong tỏa của ĐCS Trung Quốc cho toàn thể Đài Loan có thể huy động được dân chúng và tăng cường khả năng phục hồi của nó. Thông báo mối đe dọa của ĐCS Trung Quốc với các đồng minh của Đài Loan có thể giúp ngăn chặn kế hoạch đồng hóa Đài Loan của ĐCS Trung Quốc thông qua chiến tranh bao vây.
ĐCS Trung Quốc đang sử dụng sự lừa dối để chuẩn bị chiến trường cho nỗ lực khuất phục Đài Loan. Người dân Đài Loan nên chú ý đến một câu tục ngữ cổ của Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuẩn bị cho tình huống hiện tại: “Tự đào giếng trước khi chết khát”.
Tác giả Guermantes Lailari là một Sĩ quan Đối ngoại của Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu chuyên về Trung Đông và Châu Âu cũng như chống khủng bố, chiến tranh bất thường và phòng thủ tên lửa. Ông đã học tập, làm việc và phục vụ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong hơn 14 năm và ở Châu Âu trong 6 năm. Ông từng là Tùy viên Không quân Hoa Kỳ tại Trung Đông, từng phục vụ tại Iraq và có bằng cấp cao về Quan hệ quốc tế và Tình báo chiến lược. Ông nghiên cứu các chế độ độc tài và toàn trị đe dọa các nền dân chủ.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times