Lê Tây Sơn
15 tháng 4, 2022
“Vụ chìm tàu Moskva là thiệt hại nặng nhất của Nga từ đầu chiến dịch tại Ukraine. Mất tàu chiến khác xa với những khí tài quân sự khác, bởi chúng thường được coi là lãnh thổ mở rộng của một quốc gia. Hiệu ứng tâm lý lại càng nghiêm trọng, khi chiến hạm được đặt tên theo thủ đô của Nga và mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng” – Tayfun Ozberk, bình luận viên quân sự kỳ cựu của Naval News, nhận xét.
Bạn hẳn xem những bộ phim thủy chiến với cảnh chiếc tàu đi đầu đi đầu treo cờ chỉ huy bay phần phật. Người ta gọi đó là flagship – kỳ hạm. Nó tượng trưng cho sức mạnh của một hạm đội hải quân và cũng là biểu tượng dũng mãnh của một trận hải chiến. Soái hạm Moskva là một chiếc như vậy. Việc Moskva bị chìm mang lại nhiều ý nghĩa hơn là một con tàu bất đắc dĩ trở thành phế vật của thủy cung…
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin tuyệt đối chính xác tại sao Moskva bị cháy. Chỉ có một thứ chính xác: Moskva (được xem là là bá chủ vùng biển nó neo đậu, vừa tấn công được đối phương vừa phòng thủ bầu trời và bảo vệ hạm đội Nga ở Hắc Hải) đã bị… xoá sổ! Trong khi Bộ Quốc phòng Nga đưa ra “phiên bản” giải thích: Một ngọn lửa không rõ nguồn gốc đã làm nổ kho đạn dự trữ gây ra cháy nổ khiến Moskva bị hỏng kết cấu sau đó bị chìm trong biển động lúc đang được kéo đến một cảng gần đó. Ukraine đưa ra phiên bản khác: Moskva bị trúng tên lửa hành trình Neptune chống hạm do chính nước này sản xuất. Các quan chức quốc phòng Mỹ và phương Tây có vẻ ủng hộ phiên bản Ukraine.
Lý do đơn giản, một con tàu hiện đại, đắt tiền (khoảng $750 triệu), “diện mạo quốc gia” phải được bảo vệ nhiều lớp trước mọi nguy cơ cháy nổ. Tàu Moskva được trang bị nhiều tên lửa chống hạm, phòng không, ngư lôi, pháo và hệ thống phòng thủ tên lửa; có nghĩa là nó mang theo một lượng lớn chất nổ trên tàu nên thiết kế phải cực kỳ đặc biệt. Một điều chắc chắn nữa: Moskva bỗng dưng “thám hiểm” thủy cung” là tổn thất lớn nhất trong thời chiến đối với một tàu hải quân trong vòng 40 năm qua và nó sẽ đặt ra những câu hỏi khó trả lời không chỉ đối với Moscow mà còn đối với các nhà hoạch định quân sự trên toàn thế giới về sức mạnh thật sự của những con tàu như thế. Lần cuối cùng một con tàu lớn cỡ Moskva bị chìm trong chiến tranh là khi nào?
Đó là ngày 2 Tháng Năm 1982 khi tàu tuần dương Argentina General Belgrano bị đánh chìm do ngư lôi phóng từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân HMS Conqueror của Anh, trong cuộc chiến quần đảo Falkland. General Belgrano và Moskva có kích thước tương tự, mỗi chiếc dài khoảng 600 feet (182 mét) và trọng lượng choán nước 12,000 tấn. Nhưng thủy thủ đoàn khoảng 1,100 người trên tàu General Belgrano đông gấp đôi thủy thủ đoàn của Moskva, khoảng 500 người. Nga không tiết lộ số thương vong còn General Belgrano mang theo 323 thủy thủ đoàn xuống đáy đại dương. Việc tổn thất tàu Moskva có ý nghĩa gì đối với cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine?
Ảnh hưởng lớn nhất là uy tín và lòng kiêu hãnh của Nga. Là soái hạm của Hạm đội Hắc Hải, Moskva là “vũ khí” đắt tiền nhất của Nga trong cuộc chiến Ukraine. Dù Moscow sàng lọc cẩn thận tin tức về cuộc chiến tại quốc nội, nhưng chắc chắn rất khó che giấu sự vắng mặt đột ngột của một con tàu danh tiếng như thế. Cái chết của soái hạm Moskva, “thiên thần hộ vệ” của Hạm đội Hắc Hải còn làm dấy lên nghi ngờ về khả năng chiến đấu thực sự của các khu trục hạm Nga, vốn được quảng cáo là “bất khả chiến bại” và được các nước cuồng Nga nói nống lên: “Quân thù sẽ phải khóc ròng khi nhìn thấy” và “run rẩy qui hàng”.
Nhóm phân tích Mason Clark, Kateryna Stepanenko và George Barros tại Viện nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War-ISW) nhận định: “Cả hai lời giải thích nguyên nhân đắm tàu Moskva đều chỉ ra ba khiếm khuyết nghiêm trọng của tàu Nga: Phòng không kém, quy trình an toàn quá lỏng lẻo và bất lực trong việc kiểm soát thiệt hại, dập lửa”. Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, nói: “Vụ soái hạm Moskva chìm đã đặt ra câu hỏi về năng lực của Hải quân Nga 10 năm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ khôi phục năng lực, tinh thần và tính chuyên nghiệp của hải quân”. Khôi phục kiểu gì không biết, chỉ biết, không chỉ có hải quân mà nhiều khu vực khác của quốc phòng Nga cũng rất tệ hại. Có vẻ Putin không hoàn thành được bất kỳ lời hứa nào trong việc cải cách quân đội, trừ những màn trình diễn rỗng tuếch tại các buổi duyệt binh.
Việc tàu Moskva bị tên lửa Ukraine đánh chìm sẽ khiến hải quân Nga phải điều chỉnh hoạt động, phải di chuyển các tàu chiến khác ra xa lãnh thổ Ukraine và xem lại hệ thống đánh chặn trên không. Nhiệm vụ chính của Moskva là phòng không cho lực lượng hải quân Nga ở Hắc Hải. Tàu chìm sẽ làm suy yếu khả năng này trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi được bổ sung tàu mới. Còn đến bao giờ bổ sung là câu hỏi lớn. Vụ tàu Moskva chìm cũng được các chuyên gia xem là bài học cho Trung Quốc. Họ tin rằng vụ việc sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng ở Đông Á, đặc biệt nếu nguyên nhân được xác định là do tên lửa Ukraine. Các nhà phân tích đang tìm kiếm bất kỳ manh mối nào để có thể liên hệ đến cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Trung Quốc với Đài Loan.
Bắc Kinh không loại trừ sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, khiến căng thẳng với Mỹ, nước cam kết cung cấp vũ khí phòng thủ cho hòn đảo này. Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của RAND Corp, cho biết cuộc tấn công vào tàu Moskva sẽ nhắc cả Trung Quốc và Mỹ về “tính dễ bị tổn thương của tàu chiến mặt nước” trong các cuộc đụng độ quân sự. Heath nói: “Hải quân Mỹ sẽ phải đưa những con tàu nổi ra ngoài tầm bắn của các tên lửa chống hạm mà Bắc Kinh đặt trên lục địa Trung Quốc. Còn Trung Quốc sẽ nhận thức được rằng các tên lửa chống hạm rẻ tiền giống như tên lửa mà Ukraine cho là đã bắn trúng Moskva mà Đài Loan đã mua sẽ gây nguy hiểm cho bất kỳ cuộc xâm lược đường biển tiềm tàng nào”.
Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm của Hải quân Mỹ, hiện là nhà phân tích tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét thêm: “Có quá nhiều tình huống chiến tranh. Trong khi hệ thống phòng không của Moskva không cùng đẳng cấp với hệ thống Aegis hiện đại hơn trên các tàu khu trục của Hải quân Mỹ thì tên lửa chống hạm của Ukraine cũng không bằng của Trung Quốc. Ngoài ra các tàu chiến thời Liên Xô như Moskva thường nổi tiếng với khả năng tấn công chứ không phải khả năng phòng thủ hay kiểm soát thiệt hại sau khi bị nạn.