14-4-2022
Ông nhà thơ, người vừa bị một nữ đồng nghiệp tố cáo tội cưỡng dâm, trả lời báo chí rằng ông “không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào“, hơn nữa “theo quan điểm cá nhân thì những lời viết này không phải đúng hoàn toàn đâu“, nhưng “như thế nào thì chưa nói vội“. Vài câu mà thâu tóm một chân dung. Ngôn ngữ tiết lộ hết.
Ông không có ý kiến vì “chưa biết việc này sẽ đi đến đâu“. Chờ đã. Hạ hồi phân giải. Như thể tùy tình thế mà ông sẽ có ý kiến phù hợp. Như thể việc này “đi đến đâu” thì ý kiến đến đó. (Nhân tiện, tôi không thể nghe nổi cái điệp khúc “sai đến đâu, xử đến đó“, một công thức luật pháp rất nôm na, rất phổ biến và rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Nó giả định một sự trùng khớp thô thiển giữa tội ác và hình phạt. Nó cụ thể hóa đến mức ngô nghê nhất những nguyên tắc tất yếu trừu tượng của luật pháp trong một xã hội hiện đại. Nó vỗ về một dân chúng khát khao công lý bằng kiểu ngôn ngữ dân dã dễ nhớ, để che lấp sự bất lực hệ thống của guồng máy luật pháp Việt Nam hiện tại. Xử “đúng người, đúng tội” chỉ là bước đầu tiên trên hành trình công lý. Toàn bộ những chặng đường phức tạp còn lại là kiến tạo những cơ sở, điều kiện và phương tiện để thỏa đáng câu hỏi: Xử như thế nào.) Nhưng vụ việc này không thể có diễn tiến nào khác, kể cả về khía cạnh luật pháp với thời hiệu tố tụng đã hết. Chỉ có những lời cáo buộc nghiêm trọng của một phụ nữ, khác với ông, đã lên tiếng, bất chấp những tổn thương mới. Chỉ có một dư luận sẽ nhanh chóng hóng một tin nóng khác để tung hứng và nhấn chìm. Vụ việc này dĩ nhiên không “đi đến đâu“. Cứt trâu đã hóa bùn.
Dĩ nhiên ông có quyền im lặng. Và cả quyền im lặng về sự im lặng của mình, song không có ý kiến vì “chưa biết làm như thế nào” thì thảm hại. Chẳng lẽ có một cách “làm” nào khác ngoài hai lựa chọn: Hoặc bác bỏ lời cáo buộc. Hoặc công khai nhận tội, xin lỗi, từ chức. Không có “con đường thứ ba” để tính toán “làm như thế nào“. Chúng ta không ở trong một truyện cổ tích để thi dù là trí khôn vặt lưu truyền cho đời sau.
Chúng ta cũng không ở một cuộc họp cơ quan, chẳng hạn ở báo Văn nghệ mà ông hiện là Phó Tổng Biên tập, một chức vụ không mấy thực danh và lại càng ít thực quyền song cũng đủ để gắn với một kiểu ngôn ngữ mà tôi gọi là ngôn ngữ cán bộ nhà nước. Mùi cán bộ nhà nước ở bất kỳ ai từng sa vào chốn đó dù chỉ dăm ba tháng thật khó lẫn. Nó xộc ra từ điệu ngồi dáng đứng, từ cách hất mặt chỉ tay, từ sự loay hoay thu vén đầu tóc, từ trang phục không đi chệnh đường lối thẩm mĩ quốc doanh, và trước hết từ một tổng thể ngôn ngữ của không chỉ nội dung mà còn là từ vựng, công thức diễn đạt, thậm chí thói quen mở đầu và điều chỉnh tiết tấu một câu. Cán bộ nhà nước có một bộ nhiễm sắc thể đặc biệt, xoắn vào duỗi ra không hề giống phần đồng loại còn lại. Họ chỉ cần mở miệng là tôi biết nói chuyện với người ngoài hành tinh còn dễ hơn. Họ có thể phát ngôn trôi chảy một câu như “Theo quan điểm cá nhân thì cá nhân tôi không có quan điểm cá nhân” mà không nhất thiết là những nhà trào phúng vi hành hay những ca rối loạn nhân cách. Vợ bảo, mồm anh hôm nay thối quá. Ông chồng cán bộ có thể đáp, theo quan điểm cá nhân thì không hoàn toàn thối. Ông cán bộ nhà thơ báo Văn nghệ cũng “theo quan điểm cá nhân” mà đánh giá vụ bê bối của chính cá nhân mình.
Rằng lời tố cáo cưỡng dâm “không hoàn toàn đúng đâu“. Như thể ngoài cưỡng dâm hay không cưỡng dâm còn một khả năng nữa là không hoàn toàn cưỡng dâm. Có lẽ nạn nhân của vụ không hoàn toàn cưỡng dâm cũng không hoàn toàn có thai. Trong mô thức vận hành thi ca, tư duy dường như không đóng vai trò đáng kể; thậm chí phần lớn nhà thơ Việt quan niệm rằng tư duy cản trở cảm xúc mà cảm xúc mới là nhất, ăn nhau ở dạt dào cuồn cuộn, ở thiết tha nhức nhối, khắc khoải se lòng hoặc xé lòng. Chưa ai khen Nguyễn Du thông minh, có lập luận sáng tỏ vững chắc. Tôi không là người duy nhất bỏ phiếu cho thi ca hưởng quy chế tối huệ, ưu đãi đặc biệt, thiết nghĩ tuy có chút mê muội nhưng nhìn chung nó vô hại, rốt cuộc thì nhân loại đâm đầu vào những thứ kinh hoàng và mất thời gian hơn nhiều. Nhưng trước một nhà thơ không hoàn toàn cưỡng dâm thì xã hội nên đặt thơ ca sau rào chắn, đó là chỗ quá nguy hiểm cho lý trí thông thường. Song thực ra ông cũng là nạn nhân hay sản phẩm của một môi trường, nơi người dân thì đơn giản phạm tội, trong khi cán bộ chỉ “sai phạm” vì “thiếu trách nhiệm” – tức không vô trách nhiệm mà không hoàn toàn có trách nhiệm – hay “buông lỏng quản lý” – tức vẫn có quản lý nhưng không hoàn toàn. Tôi đã định đề nghị xử lý vụ nhà thơ cán bộ không hoàn toàn cưỡng dâm này là sai phạm do thiếu trách nhiệm giám sát dục tính và buông lỏng quản lý khuy quần. Song Ban Chấp hành Hội Nhà văn – mà ông nhà thơ là ủy viên! – vừa quyết định vô can, lý do là không có thẩm quyền và không đủ cơ sở.
Tôi đã khó nín cười trước những lời “không có ý kiến” của ông nhà thơ, song đến lời cuối, khi ông lấp lửng “như thế nào thì chưa nói vội” thì hết cười mà lạnh người. Như thể ông đang có tất cả thời gian trên đời để ngồi đó rung đùi, chờ thời điểm thích hợp sẽ tung ra ngón chí tử để dư luận ngã ngửa và đối phương cứng họng. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào nhé. Xem hồi sau sẽ rõ. Tiếng Việt quả thật kỳ diệu. Ba chữ “chưa nói vội” dựng nên một diện mạo, một không khí, những liên tưởng và hình dung kịch bản khác hẳn “chưa nói được”, “chưa thể nói” hay thậm chí “chưa vội nói”. Thực ra chỉ một chữ “vội“, ở chính xác một vị trí, đã bóc trần một tính cách. Những người đàn ông như thế sẽ làm tất cả để nạn nhân của họ phải chùn lòng.