Du Uyên
Có một bài phát biểu được dân mạng từ Tây qua Ta chia sẻ rất nhiều, khi thì họ nói của Elon Musk, lúc họ lại bảo của Bill Gates… Có lẽ do những chân lý đắt giá trong bài khiến người ta tin đây là một phát biểu của người giàu.
Ông nói: “Trước hết, hãy hiểu rằng “Giàu có” không có nghĩa là có một tài khoản ngân hàng vô hạn. Giàu có trước hết là khả năng tạo ra của cải. Ví dụ: Một người nào đó trúng xổ số hoặc thắng bạc. Ngay cả khi anh ta thắng 100 triệu thì anh ta cũng không trở thành người giàu: Anh ta chỉ là người nghèo với rất nhiều tiền. Ðó là lý do tại sao 90% triệu phú xổ số trở lại nghèo khổ sau 5 năm.
Người giàu và người nghèo khác nhau như thế nào? Nói một cách đơn giản: Người giàu có thể chết để trở nên giàu có, trong khi người nghèo có thể giết người để có tiền
Ta có thể gặp những người giàu có nhưng không có tiền. Nếu bạn thấy một người trẻ quyết định rèn luyện, học hỏi những điều mới, luôn cố gắng cải thiện bản thân không ngừng, hãy tin rằng anh ta là một người giàu có. Nếu bạn thấy một người trẻ tuổi nghĩ rằng anh ta nghèo là do nhà nước, rằng người giàu toàn là người xấu, kẻ trộm và luôn chỉ trích người khác, hãy tin rằng anh ta là một người nghèo.
Tóm lại, khi tôi nói rằng con gái tôi sẽ không lấy một người đàn ông nghèo, tôi không nói về tiền bạc. Tôi đang nói về khả năng tạo ra của cải ở người đàn ông đó. Xin lỗi vì đã nói điều này, nhưng hầu hết tội phạm đều là những người nghèo. Khi đứng trước đồng tiền, họ mất lý trí, đó là lý do họ cướp giật, trộm cắp… Ðối với họ đó là lối thoát, vì họ không học hỏi được kỹ năng tự mình kiếm tiền…” – Hết trích.
Ở Việt Nam, “người giàu nhưng chưa có tiền” rất nhiều, nhất là ở Sài Gòn quê tôi. Nhưng “người có tiền nhưng chưa giàu” (Việt Nam hay nói: Giàu nhưng hổng có sang) cũng nhiều lắm, dễ nhận ra hơn. Ví dụ, năm 2022 rồi mà kiến trúc sư vẫn bị các chủ nhà “trọc phú” mới nổi yêu cầu tạo ra một căn nhà dát vàng từ hàng ba tới toilet, chạm rồng nạm phượng khắp nơi. Ðôi khi thiết kế theo ý gia chủ xong, chính kiến trúc sư đó cũng không dám khoe “tác phẩm” của mình cho bất cứ ai. Hay việc “nhức nhối” vài năm gần đây: nhiều gia đình phải khổ sở vì những người hàng xóm có tiền mua xe hơi sang nhưng không có ý thức, hay đậu xe trước cổng nhà người ta, thậm chí là chắn luôn nguyên con hẻm nhỏ, khiến đồng bào không thể thoải mái di chuyển được. Rất nhiều vụ án to xuất phát từ việc tưởng như nhỏ này, vì không phải ai cũng chọn cách ôn hòa, bình tĩnh để xử sự với thế giới. Mới đây, Trần Xuân Phương -Ðại úy – phó đội trưởng thuộc Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) – đã bị đình chỉ 30 ngày và phạt hành chính, vì trước đó ông đã cùng vài người đàn ông khác hành hung phụ nữ khi bị nhắc việc đậu xe chắn lối đi.Xem thêm: Nhiều chuyện
“Người có tiền nhưng chưa giàu” khiến người ta cảm thấy đáng khinh là chính, nhưng không làm người ta bất bình bằng các “ung nhọt” khác như: “người nắm quyền nhưng không có kiến thức về luật pháp”, “người làm ngành văn hóa nhưng chưa có văn hóa”, “người làm ngành giáo dục nhưng vô giáo dục”, “người làm luật mà dốt luật/thích ngồi lên luật”… Chính họ kéo lại sự tiến hóa của xã hội. Khiến cho một phần lớn giới trẻ bây chừ, hầu như không thể phân biệt được sự thật, điều đúng, điều sai, thiếu ý chí… Từ đó mà dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng với cuộc sống, dễ mắc các bệnh tâm lý hiện đại: tự kỷ, trầm cảm, nổi loạn xã hội… Ngày càng nhiều người trẻ tìm tới cái chết dễ dàng.
Mất bò mới lo làm chuồng, MV ca nhạc của Sơn Tùng đã bị buộc tiêu hủy chỉ vì một cảnh nhảy lầu ở cuối clip. Nhà nước cho rằng cấm rồi thì tụi nhỏ sẽ không thấy? Không thấy sẽ không bắt chước nhảy lầu nữa? (dầu trước khi MV ca nhạc này ra đời thì tin học sinh/sinh viên/người lớn nhảy lầu, nhảy cầu, nhảy sông… có mỗi ngày). Nhưng họ sai.
Ðầu tiên, cái gì càng cấm càng khiến người ta tò mò. Như bản thân tôi, không thích nhạc Sơn Tùng qua những thị phi đạo nhạc… Nhưng tôi đã tìm coi thử cái MV đó “ghê” cỡ nào. Và tôi thấy lệnh cấm đó thật vô nghĩa. Nền giáo dục thành công là làm sao để người xem phim sex vẫn biết đó chỉ là phim sex, coi cảnh lóc da, móc mắt vẫn biết đó chỉ là phim ảnh… Hồi mới vào đời, tôi đã được cô mẫu giáo đọc cho nghe chuyện nàng Tấm trả thù bằng cách đem Cám đi ủ mắm, xong cho mẹ Cám ăn, chẳng lẽ giờ tôi thành chủ vựa mắm?
Thứ ba, nếu cấm, phải cấm cho đều, cho đồng nhất. Tại sao cấm MV ca nhạc của Sơn Tùng chỉ vì một cảnh nhảy lầu, nhưng các tác phẩm tệ hại khác lại được tồn tại? Như MV ca nhạc mới đây của Ðen Vâu và nhạc sĩ Trần Tiến. Khi mục đích phát hành của nó được giới thiệu là “để cổ vũ tinh thần cho các chiến binh trong kỳ SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam”, nhưng lời bài hát lại nhắc đi nhắc lại việc “đi bão” sau trận banh thắng và tả rõ nó:
“Ðá có thắng có thua, có đá hoà
Thua về đi ngủ, thắng đi bão đêm” – lời bài hát Đi Trong Mùa Hè
“Rồi bà con cầm nồi và xoong, gõ boong boong móp cả nồi
Nhiều chị em má thắm môi son, mấy đứa bé lon ton, la quá trời
Ðoạn đường đông náo nức thanh niên đang bóp còi
Nhiều dân chơi đu lên nóc ô tô, vài ông Tây nói tiếng lơ lơ
Cờ Việt Nam mang đi bão xuyên đêm, đỏ rực góc trời” – lời bài hát Đi Trong Mùa Hè
“Ðối thủ cũng như là người tình, bám theo mình theo cách đầy vấn vương
Nhưng người tình thì mong cho mình khoẻ, còn đối thủ thì muốn mình chấn thương” – lời bài hát Đi Trong Mùa Hè.
Ðịnh nghĩa “tinh thần thể thao” của người Việt chúng ta đối với các đội tuyển đối thủ là như vậy sao? “Fair Play” trong thể thao là gì? Ðen Vâu, Trần Tiến, các nhà kiểm duyệt Việt Nam hiểu hông? Và:
“Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư
Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ 1 phần triệu biến anh thành người vũ phu (anh đùa đấy)”
…
“Sách tử vi nói anh đại lâm mộc, nhưng xem bóng đá anh lại là lửa dễ lan
Em mà chuyển kênh, anh sẽ từ một cậu bé, hoá thân thành lực lượng vũ trang” – lời bài hát Đi Trong Mùa Hè
Vì lòng yêu nước của anh, khi anh phe “Việt Nam”, em phải im lặng? Vì tình yêu bóng đá của anh, nếu em chuyển kênh, thì anh được quyền bạo lực? Nếu đây là bài hát hiện thực phê phán, mỉa mai thì rất đáng khen, vì trong nhiều gia đình Việt, phụ nữ vẫn luôn bị coi thường, gánh chịu bạo hành. Ngay cả trong thể thao, các môn thể thao đều có đội tuyển nữ (đội túc cầu nữ Việt luôn giành thành tích cao) nhưng luôn bị coi rẻ, không được “o bế”, nâng niu như đội tuyển nam. Nhưng mục đích đưa nó vào bài hát cổ động để làm gì? Cổ vũ thói xấu hay sao?
Lý do gì, một bài hát vừa coi thường luật giao thông (khuyến khích đi bão), coi thường tinh thần thể thao (đối thủ thì muốn mình chấn thương), tôn vinh bạo lực và… phản động như vậy lại có thể tồn tại? Còn một cái MV khác, chỉ vì một cảnh quay lại bị dìm cho chết? Trong khi, thứ được lưu truyền sau MV ca nhạc thường là lời bài hát, không phải là cảnh quay trong MV. Chẳng lẽ do Ðen Vâu hát nhạc cổ động, còn Sơn Tùng hát nhạc thị trường, nên Ðen Vâu được bảo hộ trước các tầng lớp kiểm duyệt sắc bén?
Quả tình, dầu tôi không thích Sơn Tùng lẫn Ðen Vâu nhưng tôi không ủng hộ việc cấm vô tội vạ các tác phẩm của họ. Ðiều tôi muốn đem ra so sánh ở đây là sự công bằng của luật pháp. Nếu luật pháp không giữ được nguyên tắc “mọi người bình đẳng trước pháp luật” thì nền pháp luật đó trở thành luật rừng, và điều này nguy hiểm hơn việc một hay hai cái MV bị cấm. Nhưng khi đòi hỏi sự công bằng của luật pháp, thật thiếu sót khi không đòi hỏi sự hiểu biết về luật pháp của những kẻ thi hành luật pháp ở Việt Nam. Hãy chứng minh cho dân thấy, bằng cấp, chức tước của các vị là thật, không phải chỉ là món trang sức được mua về để tô nạm bên ngoài, che giấu tâm hồn thối rữa bên trong!
Trên mạng xã hội gần đây loan truyền một câu chuyện, tính xác thực thì tôi chưa chắc. Nhưng tôi thích ý nghĩa của câu chuyện này và sự tương đồng với thực tế, nên xin mượn nó kết bài viết tuần này:
Một cư dân mạng “yêu nước” ở Trung Quốc đại lục đã vượt Tường lửa và để lại lời nhắn trên “Twitter” của Thái Anh Văn: “Bà luôn nói ‘dân chủ’ là tốt, vậy hôm nay “Lão ta” (“bố mày”) cố tình vượt Tường lửa để chửi thẳng mặt bà, để cho bà biết là “dân chủ” thì có gì hay?”
Bà Thái Anh Văn đã trả lời: “Dân chủ” có nghĩa là mọi người ở Ðài Loan có thể mắng chửi tôi mà không cần vượt Tường lửa. Bạn tự xưng là “Lão Ta” trước mặt tôi, và tôi chỉ cười trừ, nhưng nếu bạn tự xưng là “Lão Ta” trước mặt trưởng thôn hay xã trưởng của bạn, bạn biết rõ hậu quả hơn tôi!”
Du Uyên