Tân Thủ tướng Anthony Albanese tiếp tục lập trường cứng rắn của Úc đối với việc Bắc Kinh ép buộc kinh tế đối với các nhà xuất cảng địa phương, nói với chính phủ Trung Quốc rằng họ nên dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm xuất cảng nếu họ muốn quan hệ ngoại giao được khôi phục.
Điều này diễn ra sau khi Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Khắc Cường gửi thư chúc mừng tới tân thủ tướng, phá vỡ thời gian gián đoạn hai năm liên lạc ngoại giao cấp cao với các nhà lãnh đạo Úc.
Trong bức thư, ông Lý cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Úc để xem xét lại quá khứ và duy trì “các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và đạt kết quả cho cả đôi bên”, theo Australian Financial Review.
Ông cũng kêu gọi chính phủ Úc nhớ rằng đã 50 năm kể từ khi bắt đầu quan hệ ngoại giao giữa hai nước, được thiết lập vào năm 1971 sau một chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đảng Lao Động đương thời Gough Whitlam. Hành động của chính phủ Đảng Lao Động của ông Whitlam đã giúp thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa ĐCSTQ và các nước phương Tây.
Tuy nhiên, ông Albanese tỏ ra không sẵn sàng thỏa hiệp trước hành động mở màn đó và lưu ý rằng chính phủ của ông sẽ không đồng ý với bất kỳ yêu sách nào từ Bắc Kinh.
Ông Albanese nói: “Không phải Úc đã thay đổi, mà Trung Quốc đã thay đổi. Chính Trung Quốc đã đặt lệnh trừng phạt lên Úc. Không có lời biện minh nào cho việc làm đó và đó là lý do tại sao chúng nên bị loại bỏ.”
Thủ tướng cũng đưa ra tín hiệu rằng Bắc Kinh nên rút lại 14 yêu cầu được đưa ra vào năm 2020 khi bắt đầu đóng băng ngoại giao, gọi chúng là “hoàn toàn không phù hợp”.
Ông Albanese nói, “Úc là một nền dân chủ tuyệt vời. Chúng tôi ủng hộ các giá trị nhất quán của chúng tôi. Tôi, bất cứ khi nào được hỏi, chắc hẳn bây giờ đã đến hàng trăm lần, đã nói rằng những yêu cầu do Trung Quốc đặt ra là hoàn toàn không phù hợp; chúng tôi từ chối tất cả. Chúng tôi sẽ xác định giá trị của chính mình. Chúng tôi sẽ xác định hướng đi trong tương lai của Úc.”
Các bình luận từ Thủ tướng được đưa ra khi ông gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản, nơi trọng tâm chính là Thỏa thuận an ninh Bắc Kinh-quần đảo Solomon, một phần quan trọng trong chiến dịch gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương.
Ông Albanese nói, “Chúng tôi biết là như vậy. Úc đang đáp trả điều đó, cùng với Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết của Bộ tứ hợp tác nhiều hơn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đó là một chủ đề chung — làm thế nào để chúng tôi hợp tác, làm thế nào để chúng tôi bảo đảm rằng chúng tôi thúc đẩy các giá trị chung của chúng ta trong khu vực này vào thời điểm mà Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn?”
Thủ tướng nói rằng ông đã đề cập đến kế hoạch Thái Bình Dương mới của Đảng Lao Động, bao gồm Cơ sở Đào tạo Quốc phòng Thái Bình Dương của Úc và các chương trình di cư lâu dài và tạm thời cho người lao động Thái Bình Dương. Ông cũng báo hiệu chính phủ Úc sẵn sàng can dự sâu hơn vào khu vực về vấn đề an ninh hàng hải.
Ông nói, “Nguồn cá rất quan trọng đối với các nước láng giềng trên Đảo Thái Bình Dương của chúng tôi. Chúng tôi đã thảo luận về điều đó. Chúng tôi đã thảo luận về biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải hỗ trợ cơ sở hạ tầng về biến đổi khí hậu trong khu vực này.”
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.
Nhật Thăng biên dịch