Tổng thống Joe Biden nói sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ Đài Loan: Lỡ lời hay chiến thuật?

Trương Đình

Tổng thống Joe Biden trong buổi họp báo ở Tokyo hôm 23/5. (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

Trong chuyến thăm Nhật Bản tuần này, ông Biden tiếp tục biểu thị, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan. Chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan liệu có chuyển từ “mơ hồ” sang “rõ ràng” hay không đã khiến dư luận dậy sóng.

Mặc dù từ lâu, luật pháp Hoa Kỳ đã quy định rằng khả năng phòng thủ của Đài Loan phải được đảm bảo, nhưng Hoa Kỳ luôn áp dụng chính sách “chiến lược mơ hồ” về việc liệu có can thiệp quân sự hay không nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan.

Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã 3 lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng vũ lực nếu Trung Quốc xâm lược nước này. Đây chỉ là sự lỡ lời, hay thể hiện quan điểm thực sự của Chính phủ Hoa Kỳ phía sau “chiến lược mơ hồ”? Điều này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sâu rộng.

Cụ thể ông Biden đã nói gì?

Hôm thứ Hai (23/5), tại cuộc họp báo chung do ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tổ chức, một phóng viên đã hỏi rằng Hoa Kỳ không muốn can dự vào cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, nhưng nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng tham gia quân sự và bảo vệ Đài Loan hay không?

“Có”, ông Biden trả lời.

Phóng viên hỏi lại: “Các ông có sẵn sàng (can thiệp quân sự) không?”

“Đó là lời mà chúng tôi đã hứa”, ông Biden nói.

“Hãy nhìn xem, tình hình là thế này: Chúng tôi đồng ý với (ủng hộ) chính sách một Trung Quốc, chúng tôi đã ký chính sách đó và tất cả các thỏa thuận phụ kèm theo. Nhưng ý tưởng ĐCSTQ sẽ xâm lược Đài Loan bằng vũ lực… là không phù hợp. Nó sẽ khiến cả khu vực rơi vào hỗn loạn, một hoạt động khác tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine. Vì vậy, đó là một gánh nặng lớn hơn.”

Trong cùng bài phát biểu, ông Biden cũng nói rằng Hoa Kỳ “không hề thay đổi chính sách với Đài Loan”, tiếp tục dốc sức hỗ trợ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đảm bảo sẽ không bị đơn phương thay đổi hiện trạng.

“Hoa Kỳ có cam kết [với Đài Loan]. Chúng tôi đã cam kết. Chúng tôi ủng hộ chính sách một Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ mọi thứ chúng tôi đã làm trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa – không có nghĩa là Trung Quốc (ĐCSTQ) có khả năng này, có quyền xâm nhập và sử dụng vũ lực để chiếm lấy Đài Loan.”

Ông cũng nói rõ rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá đắt cho những hành động tàn bạo của mình ở Ukraine là nhằm ngăn Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden đã lấy việc Nga xâm lược Ukraine làm ví dụ, để nói rõ với Trung Quốc về hậu quả nghiêm trọng họ sẽ phải đối mặt nếu phát động chiến tranh.

“Ông ấy (Putin) phải trả giá, Nga phải trả giá lâu dài cho các lệnh trừng phạt đã được áp đặt.”

Ông Biden cũng giải thích lý do tại sao cần có các biện pháp trừng phạt dài hạn đối với Nga. Ông không chỉ nói về Ukraine.

Nếu có một cuộc dàn xếp cuối cùng giữa Ukraine và Nga sau khi ông Putin gây ra chiến tranh, và các lệnh trừng phạt này không còn tiếp tục trên nhiều lĩnh vực, “thì điều này đã gửi đến Trung Quốc tín hiệu về cái giá mà họ sẽ phải trả khi cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực là như thế nào”. ĐCSTQ hiện đang bay và tiến hành các cuộc tập trận quân sự khác nhau rất gần Đài Loan.

“Vì vậy, chúng tôi kiên quyết đứng cùng với Nhật Bản và các nước khác, ngăn không cho điều này xảy ra. Kỳ vọng của tôi là điều này sẽ không xảy ra, nó sẽ không được thử nghiệm.”

Nhưng ông Biden cũng cho biết đánh giá này được quyết định bởi việc thế giới sẽ cứng rắn nói rõ với Trung Quốc như thế nào, rằng hành động như vậy sẽ dẫn đến “sự phản đối lâu dài” từ cộng đồng quốc tế.

Chiến lược với Đài Loan “không còn mơ hồ”?

Nhận xét của ông Biden dường như đi ngược lại với chính sách lâu nay của Washington là giữ “chiến lược mơ hồ” đối với Đài Loan. Những người ủng hộ “chiến lược mơ hồ” cho rằng chính sách này cố tình lập lờ, vừa ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các hành động quân sự, vừa duy trì quan hệ của Hoa Kỳ với cả 2 bên eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà quan sát cho rằng trước sự khiêu khích ngày càng tăng của ĐCSTQ, nếu Hoa Kỳ không làm rõ chiến lược đối với Đài Loan của mình, có lẽ Bắc Kinh sẽ phán đoán sai, khiến nguy cơ 2 bên lâm vào chiến tranh càng gia tăng.

Hôm thứ Ba (24/5) trong thời gian ở Nhật Bản, phóng viên một lần nữa hỏi ông Biden, nhằm làm rõ liệu chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan có thay đổi hay không. Ông Biden nói: “Chính sách căn bản không hề thay đổi”, “Tôi đã nói điều đó vào ngày hôm qua.”

Nhưng bài xã luận của Wall Street Journal cho rằng có lẽ ông Biden đã cố tình làm vậy. Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biết rằng Hoa Kỳ có thể can thiệp, hơn nữa sẽ thực sự can thiệp, thì Anh, Úc và Nhật Bản cũng có thể tham gia, ông Tập sẽ cảnh giác với cái giá phải trả cho một cuộc xâm lược.

Một số chuyên gia cho rằng nhận xét của ông Biden có nghĩa là Hoa Kỳ đã chuyển sang chính sách “chiến lược rõ ràng”.

Ông Bryce C. Barros, một nhà phân tích tại Quỹ Marshall của Đức ở Hoa Kỳ, cho biết: “Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc liệu sự mơ hồ chiến lược của (Hoa Kỳ) còn sống hay đã chết, hay chỉ đang duy trì sự sống. Nhưng có một điều không làm tôi ngạc nhiên, đó là dù thế nào các quan chức ở Bắc Kinh cũng đều có khả năng giải thích những bình luận của Tổng thống như một sự rõ ràng về chiến lược.”

Thứ Ba (24/5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, cho biết Hoa Kỳ đã cố gắng hết sức để chơi trò chơi chữ theo nguyên tắc một Trung Quốc. “Nếu tiếp tục đi trên con đường sai lầm, nó không chỉ gây ra những hậu quả không thể cứu vãn đối với quan hệ Trung – Mỹ, mà cuối cùng sẽ khiến Mỹ phải trả một cái giá không thể gánh nổi.”

Hôm thứ Hai (23/5), ông Phelim Kine, phóng viên về vấn đề Trung Quốc của trang tin chính trị Politico đã tweet: “Bất kể Nhà Trắng và nhân viên của Ủy ban an ninh quốc gia (NSC) vớt vát (lời của Biden) như thế nào, điều này đã đánh dấu sự kết thúc chính thức của khái niệm ‘mơ hồ chiến lược’. Nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công Đài Loan, ông Biden đã nói rất rõ ràng rằng điều này sẽ tự động trở thành một cuộc chiến của Hoa Kỳ.”

Ông Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ cũng đưa ra nhận xét tương tự. Haass đã tweet vào thứ Hai (23/5) cho biết, ông ủng hộ tuyên bố của Tổng thống rằng Hoa Kỳ sẽ trực tiếp bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công.

Ông Haass cũng cho biết ông ủng hộ chính sách sự rõ ràng về chiến lược thay vì chính sách mơ hồ. “Xét về việc xây dựng quân đội của Trung Quốc (ĐCSTQ), điều này (chính sách rõ ràng chiến lược) là hoàn toàn chính xác.”

Nhưng không phải tất cả các nhà phân tích đều đồng ý rằng ông Biden đã chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược”. Ngày 23/5, tờ “Washington Post” đã đăng một bài xã luận nói rằng cách tiếp cận của ông Biden là có lợi. Bài xã luận cho biết, nếu nói rằng ông Biden đã chấm dứt sự mơ hồ chiến lược, thì chi bằng nói ông ấy đã thay đổi nó.

Những ám thị lặp đi lặp lại của ông Biden rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ Đài Loan (ám thị hôm thứ Hai (23/5) là lần thứ 3 kể từ tháng 8 năm ngoái), đã cho Bắc Kinh những lý do mới để suy nghĩ kỹ trước khi cử lực lượng vũ trang qua eo biển Đài Loan.

Mặt khác, Trung Quốc không thể hoàn toàn cáo buộc Mỹ vi phạm những thỏa thuận đã đạt được vào thời Nixon, “bởi vì về mặt kỹ thuật thì không có điều này”.

Bloomberg cho biết bình luận của ông Biden giống như một nỗ lực có chủ ý nhằm tăng khả năng răn đe đối với Trung Quốc, mà không phải trả giá cho việc chính thức thay đổi lập trường của Hoa Kỳ.

Một số thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã hoan nghênh phát biểu của ông Biden. Những nhận xét này được coi là đã xua tan nghi ngờ về việc liệu Hoa Kỳ có thực sự hành động trong thời điểm khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hay không.

“Nhận xét này vượt xa chiến lược mơ hồ của các chính phủ kế nhiệm. Nó sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông Masahisa Sato, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, kiêm thành viên nổi tiếng của Đảng Dân chủ Tự do, cho biết trong một bài đăng trên blog.

“Có rất nhiều lời khen ngợi trong đảng về điều này.”
“Lỡ lời” hay chiến thuật?

Ông James Millward, một nhà sử học về Trung Quốc và Trung Á, đã tweet vào hôm thứ Hai (23/5): “Có lẽ đây không phải là lỡ lời, mà là chiến thuật?”

“Phát biểu của Tổng thống rõ ràng đã vượt khỏi phạm vi chính sách. Các trợ lý đã đưa ra một tuyên bố nói rằng ông ấy chỉ đang nhắc lại chính sách.”

CNBC đưa tin, sáng thứ Ba (24/5), bà McNeal, cố vấn chính sách của công ty Longview Global, viết trong email rằng: “Đây không phải là một lời nói lỡ lời của Tổng thống Biden, mà là một tuyên bố có chủ ý, nó không chỉ gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh mà còn cho cả Đài Bắc.”

“Ông Biden muốn cho thế giới thấy cam kết của Mỹ có ý nghĩa như thế nào.” Bà McNeal nói thêm, ông Biden có thể cho rằng nhiều giả thiết làm cơ sở cho “sự mơ hồ chiến lược” của Mỹ có vấn đề, chẳng hạn như các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh và Đài Bắc sẽ dẫn đến một giải pháp hòa bình. Bà McNeal nói rằng mặc dù Tổng thống Mỹ Biden có thể vẫn tin tưởng vào chính sách một Trung Quốc, nhưng nhận xét của ông ấy có thể phản ánh mong muốn hiện đại hóa chính sách “mơ hồ chiến lược” của ông, nhằm xem xét đến những giả định lỗi thời này.

Ông Matthew Kroenig, Phó giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết mặc dù việc ông Biden có lỡ lời hay không đáng được thảo luận, nhưng những lời này của Tổng thống Mỹ đã làm rõ suy nghĩ của mình về Đài Loan.

“Một số người nói rằng đó là một chiến dịch mơ hồ được phối hợp nhuần nhuyễn. Những người khác nói ông Biden đã lớn tuổi và lỡ lời. Vào thời điểm này, tôi cho rằng kỳ thực điều đó không hề quan trọng.”

Ông Kroenig nói với đài Al Jazeera: “Trong tình huống xảy ra chiến tranh, bất kể chính sách chính thức ra sao, Tổng thống sẽ luôn là người quyết định có can thiệp hay không. Giờ đây, chúng ta đã có một sự rõ ràng về quyết định của ông Biden.”

Các nhà phân tích và cố vấn khác cho biết, trong chuyến đi này, ông Biden sẽ gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc: Đừng thử những gì Nga đã làm ở Ukraine ở bất kỳ đâu tại châu Á, đặc biệt là Đài Loan.

Một nguồn tin nói với Financial Times rằng Chuẩn đô đốc Michael Studeman, sĩ quan tình báo hàng đầu của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đang ở Đài Bắc họp với các quan chức an ninh cấp cao. Đây là một ví dụ khác về mối quan tâm ngày càng tăng đối với Đài Loan, đặc biệt là sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Gần đây Chuẩn đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã nói với Financial Times rằng cuộc xâm lược Ukraine nên là một lời nhắc nhở mọi người không nên tự mãn về hiện trạng ở Đài Loan.

Trương Đình / Epoch Times

Related posts