Nguyễn Hoàng Văn
Môn học gọi là “lịch sử” đang bị rẻ rúng và chán ngán. Học trò chán đến độ các nhà quản lý giáo dục cũng ngán theo, khi thì loay hoay tìm “hướng ra” như thể một món hàng bị ế, khi thì loay hoay tích hợp vào môn khác, lại có lúc suy tính để cưỡng ép như là một môn không thể không học. [1]
Khung cảnh này khác xa với những câu chuyện mà tôi đọc đó đây trong hồi ức của nhiều người về thời Pháp thuộc khi bọn thực dân cấm dạy sử Việt, buộc dân ta phải học sử Pháp. Lúc ấy nhiều thầy giáo nặng lòng với đất nước vẫn lén út truyền bá các câu chuyện hào hùng về cha ông và các học trò – tác giả của những thiên hồi ký – nín thở lắng nghe, nuốt lấy từng lời. Và nó cũng khác xa với trải nghiệm của tôi như là một học trò tiểu học vào nửa đầu thập niên 1970 ở miền Nam. Nếu lịch sử là những chuyện kể về quá khứ thì tôi, cậu học trò nhỏ, đã hào hứng, say mê với bao nhiêu câu chuyện về cha ông của mình, rất đơn giản nhưng cũng rất sống động trong các bài học quốc sử, nào là “Chuyện ông Vũ Công Duệ”, nào là “Chuyện ông Tô Hiến Thành”, “Chuyện ông Lữ Gia”, v.v.
Cảnh dạy sử, học sử hiện tại đang bị phê phán đủ góc độ nhưng xem ra những nhà phê bình lại quên điều căn bản là tự thân cái “lịch sử” đang được dạy hay, cao hơn, cái mệnh danh “khoa học lịch sử” đã và đang được “nghiên cứu – tống kết” như thế nào. Sử đó phải được viết hay bị viết như thế nào, cái khoa học đó đã bị “nghiên cứu – tổng kết” như thế nào đó thì mới dẫn đến hệ quả không mong muốn này chứ?
Viết sử là kể lại câu chuyện lớn về dân tộc mình, ngôn ngữ kinh viện gọi là “đại tự sự”, là nền tảng của căn cước đối với mọi dân tộc: ngày nào con người còn kể nhau nghe tự sự ấy, ngày đó họ còn giữ được hồn cốt của nòi giống, nghĩa là dân tộc họ còn nắm chắc sự sống còn. Chính niềm tin vào tổ phụ Abraham và những câu chuyện trong Cựu Ước đã giúp người Do Thái lưu lạc khắp thế giới đến mấy ngàn năm có thể tập hợp để lập quốc trong thế kỷ 20. Mà, trước đó, vào thế kỷ thứ XIII trước Công nguyên, cuối thời đại đồ đồng, những câu chuyện như thế đã đóng vai trò của chất keo để thống hợp các bộ lạc rời rạc làm thành Vương quốc Do Thái.
Cha ông ta viết sử để khẳng định căn cước của mình sau nỗi sợ mất nước và, không phải ngẫu nhiên, hai bộ quốc sử chính thức nhất và lớn nhất đều hình thành sau họa xâm lăng. Đầu tiên là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Bộ sử ghi lại những diễn biến từ đời nhà Thục đến cuối đời nhà Lý và hoàn tất năm 1272, sau cuộc xâm lăng thứ nhất của quân Nguyên (1257-1258). Sau đó là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, dựa trên bộ sử của Lê Văn Hưu và Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên.
Bộ sử của Ngô Sĩ Liên chính thức bao quát giai đoạn từ năm 1266 đến 1427 và hoàn tất vào năm 1479, sau khi đất nước trải qua 20 năm bị Trung Hoa đô hộ (1407-1428). Đặc biệt, trong bộ sử này, Ngô Sĩ Liên đã thêm vào phần “Ngoại kỷ” ghi lại lịch sử từ thời Hồng Bàng đến hết thời An Dương Vương. Cần nhớ rằng trong dã tâm đồng hóa để sáp nhập Việt Nam vào lãnh thổ của mình, quân Minh đã ra tay phá sạch, đốt sạch bất cứ thứ gì có chữ và, như thế, kẻ xâm lăng đã tận lực hủy diệt “tự sự Việt”, tận lực xóa sạch căn cước Việt, đẩy Việt tộc vào tình thế trở thành một phần của Hoa tộc. Chính vì thế nên, khi đã tống cổ bọn cướp đất và cướp luôn căn cước về bên kia biên giới, cha ông ta càng chú trọng đến căn cước của mình hơn, càng chú ý đến tự sự của mình hơn, và đã đào sâu hơn vào quá khứ hơn qua việc làm sống lại truyền thuyết về các vua Hùng.
Sau đó là đến Thực dân Pháp. Choáng váng trước sức mạnh Âu Tây và thất vọng trước sự bất lực của văn minh Trung Hoa từng tôn thờ là hình mẫu, các thế hệ sĩ phu thời ấy lại tìm cách tái khẳng định căn cước Việt qua việc khai thác các truyền thuyết xa xưa, trong đó có việc khai sinh ra cách gọi “đồng bào” dựa trên truyền thuyết trăm trứng trăm con, có việc khơi lại chiến công hiển hách của Quang Trung vốn bị nhà Nguyễn kiểm duyệt gắt gao.
Như thế thì, so ra, các bộ sử hình thành sau các cuộc nội chiến không được như vậy.
Như Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn. Với phần “tiền biên” viết từ thời Nguyễn Hoàng đến thời Nguyễn Phúc Thuần và phần “chính biên” từ đời Gia Long, bộ sử này chỉ chú trọng đến “trung tự sự” của riêng dòng họ nhà Nguyễn. Phải chăng, với sự ngạo mạn của người chiến thắng, triều đại này chỉ nhắm đến “câu chuyện lớn” của dòng tộc mình, từ con đường khai phá của Chúa Tiên đến con đường phục hận của “Đấng Thế Tổ Cao Hoàng”? Và, phải chăng, đó là bộ sử hình thành từ nỗi sợ về nguy cơ phục hận của “phe thua cuộc” Tây Sơn nên canh cánh với mục tiêu phá hoại căn cước của cựu đối thủ dưới danh xưng “Ngụy Tây”, nghĩa là phải “ngụy hóa”, phải hạ thấp nhân cách của kẻ cựu thù?
Xem ra thứ sử bị kiểm duyệt nặng nề này hình thành từ nỗi sợ…. mất chính quyền và, phải chăng, đó cũng là cách viết sử hiện tại đang làm học trò chán sử?
Vì phải phục vụ cho quyền lợi của thế lực thao túng chính quyền nên lịch sử đã bị sử dụng như một thứ công cụ chính trị nhất thời, như có thể thấy qua số phận oan khiên của Phan Thanh Giản: chính trị thời vụ đang nhuốm màu bạo lực cách mạng thì một nhân vật “chủ hòa” như thế phải bị diễn tả như là người bán nước. [2]
Mà không chỉ là lịch sử về những thời kỳ xa xưa, cực ký khó kiểm chứng, cả những mẩu vụn sự thật rất gần, rất dễ kiểm toán với ăm ắp tư liệu và tràn trề nhân chứng, như mười mấy phút đầu hàng của ông Dương Văn Minh vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 cũng lại là một mớ rối ren, lộn xộn khiến người dân ngơ ngác và bối rối, không biết tin vào ai. [3]
Cuộc nội chiến kết thúc ngày hôm đó còn mang màu sắc ý thức hệ nên “sử” của nó còn vướng lụy với những ân oán ý thức hệ, kéo dại đến tận hôm nay ở tình trạng tự kiểm duyệt, không dám viết hay viết một cách rón rén, viết bâng quơ về những sự kiện lịch sử trọng đại và đẫm máu, đau lòng, như cuộc xâm lược năm 1979, vụ tàn sát Gạc Ma năm 1988.
“Lịch sử”, qua cách viết như thế đã không còn là lịch sử nữa mà chỉ là cái xác sống vật vờ của một con điếm chuyên phục vụ kẻ có tiền và có quyền.
Đây là nhận xét cay đắng của Trương Chính Long (Zhang Zhenglong), sử gia Trung Quốc đã bị truy tố vào đầu thập niên 1990 sau khi phanh phui hoạt động kinh tài bằng thuốc phiện của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc trong thời kháng chiến: “History is a whore: anyone with money or power can srew it.” (Lịch sử là một con điếm: bất cứ ai có tiền hay có quyền đều chơi được tất.” [4] Bộ “sử” đang “nghiên cứu – tổng kết” và giảng dạy cũng có một góc khuất như thế và, mãi đến nay vẫn chưa có sử gia nào có dũng khí như là Trương Chính Long. Trong cuốn Đêm giữa ban ngày, chương 19, nhà văn Vũ Thư Hiên có kể về nhân vật từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch nước:
“Những năm đầu kháng chiến chống Pháp Nguyễn Lương Bằng làm giám đốc Công ty Bắc Thắng ở Tuyên Quang. Ông làm công tác kinh tài cho Ðảng từ hồi bí mật. Cha mẹ tôi là hai người cộng sự.
Bề ngoài Công ty Bắc Thắng chuyên sản xuất lương khô cho bộ đội. Những cái bánh nướng hình khối chữ nhật nhỏ hơn bìa đậu phụ một chút bằng bột đậu xanh trộn bột gạo có pha đường ăn rất ngon. Bề trong, công ty lo toan mọi khoản chi tiêu cho chính phủ kháng chiến. Công ty mua gom thuốc phiện ở các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, rồi bán qua Thái Lan lấy tiền mua súng đạn cho bộ đội. Chính phủ vừa mới tuyên bố xá mọi thứ thuế, lại không có nguồn thu này khác cho nên việc buôn ma túy trở thành nguồn thu nhập chính. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi chẳng thấy một ai nói tới hoạt động này trong những hồi ký cách mạng và kháng chiến.
[..] Mùa hè năm 1947 địch lần ra dấu vết những hoạt động của Nguyễn Lương Bằng. Bốn máy bay Spitfire quần đảo bên trên kho thuốc phiện của ông ở cây số 7 đường Tuyên-Hà, bắn “đui-xết” (12,7 ly) không ngừng cho tới khi cái kho cháy trụi. Vụ thiệt hại rất lớn – hơn bốn tấn thuốc phiện biến thành khói. Ông gày rộc đi sau trận oanh kích bất ngờ. Hôm đó tôi ở gần cái kho bị cháy. Mùi thuốc phiện cháy gây gây, ngầy ngậy lan đi rất xa. Ông Nguyễn Lương Bằng đi chân đất bụi phủ bạc phớ lủi thủi trên con đường hàng tỉnh, mặt bệch như xác chết.”
Bị xem như là con điếm, lịch sử còn bị sử dụng như là cái đòn kê, một thứ dê tế thần, hay một thứ thân tằm gánh chịu trăm dâu. Như trong báo cáo của Thượng tướng Lê Chiêm, nguyên là Thứ trưởng Quốc phòng, trình bày với nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 23/6/2017, về vấn đề “sân golf trong Phi trường Tân Sơn Nhất” đang làm xã hội sôi sục. Máy bay kẹt đường bay trên trời hay kẹt bãi đỗ: mặc; giao thông kẹt cứng bên ngoài phi trường, mặc; trời mưa nước ngập phi đạo, cũng mặc: cái sân golf và hàng loạt quán nhậu nhà hàng thuộc quân đội vẫn tà tà hoạt động và thu lợi. Lý do? Theo viên tướng thì đó “là do yếu tố lịch sử để lại”. [5]
“Lịch sử”, như thế, đã trở thành một thứ thân tằm gánh chịu trăm dâu và, thử google “do lịch sử để lại”, tôi đã tìm ra hàng loạt bằng chứng cho số phận hẩm hiu của… lịch sử:
– Lạm phát vụ trưởng, vụ phó ở Bộ KH&ĐT: “Do lịch sử để lại”
– Một sở có 6 phó giám đốc: Do lịch sử để lại?
– Tồn tại về nhà đất do lịch sử để lại – khó cũng phải làm
– Trạm thu phí đặt nhầm chỗ: Do lịch sử để lại
– Vỉa hè trước cổng Sở TNMT Hải Phòng thành bãi đỗ xe: Do lịch sử để lại
– Lương giáo viên mầm non không đủ sống do… lịch sử để lại
“Lịch sử để lại” và “lịch sử để lại”, cái gì cũng có thể vu khống cho… lịch sử được cả nên, nó, trong trường hợp này, đã trở thành một thứ thùng rác.
Lịch sử bị xem như cái thùng rác nên chẳng có gì khó hiểu khi “khoa học lịch sử” trở nên bát nháo, bừa bãi đến độ cả một nhân vật trên sân khấu chèo cũng có thể bò vào sách sử như trường hợp của Dương Vân Nga. Sách sử cha ông chỉ ghi tên nhân vật Dương Thái Hậu còn Dương Vân Nga thì chỉ là màu mè sân khấu mà soạn giả chèo Trúc Đường, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính, tưởng tượng ra trong tuồng chèo lịch sử của mình vào giữa thập niên 60. [6] Thế nhưng không hiểu bằng cách nào mà một cái tên chỉ nên dùng riêng trên sân khấu lại có thể thoải mái lọt vào không ít tài liệu lịch sử: cẩu thả, ngu xuẩn, vô trách nhiệm và phản khoa học không thể nào chấp nhận nổi. [7]
Ở trên tôi đã nhắc đến Cựu Ước của người Do Thái và, trên phương diện này, có lẽ chúng ta cũng cần học hỏi chút ít từ dân tộc đã giữ vững căn cước của mình suốt mấy ngàn năm và, sau khi lập quốc, đã đứng vững giữa vòng vây trùng điệp của kẻ thù. Cựu Ước kể cảnh nhà tiên tri Moses dẫn dắt người Do Thái lưu lạc đi tìm miền đất hứa và để làm điều này, đầu tiên ông ta phải thiết lập kỷ cương với “Mười điều răn”, xem như bộ luật dân đầu tiên của nhân loại. Để khôi phục ý nghĩa và thế giá của môn lịch sử hay rộng hơn là ý niệm lịch sử, có lẽ đã đến lúc phải xem lại kỷ cương của môn học hay “khoa học” này, ít ra là từ điều răn thứ tư và thứ tám của Moses.
Nếu điều thứ tư nghiêm cấm việc “dùng danh thánh Chúa một cách bất xứng” thì điều thứ tám lại không cho nghiêm cấm việc “làm chứng gian”.
Viết gian về quá khứ cũng là làm chứng gian và, như trong trường hợp Phan Thanh Giản hay chuyện đầu hàng của ông Dương Văn Minh nói trên, đã có bao nhiêu người viết sử chấp nhận làm chứng gian?
Còn lại, điều cấm thứ tư dành cho những nhà chính trị hay những quan lại có thói quen réo tên lịch sử một cách bất xứng. Triệt hạ đối thủ chính trị hay cưỡng đoạt gia sản của nhân dân thì mệnh danh chiều quay của “bánh xe lịch sử”, còn biện hộ cho những sai lầm mang tính hệ thống của mình thì lại quy trách cho… lịch sử. Nếu hạ sát đối thủ là một hành vi của sức mạnh thì đó là một thứ sức mạnh… hèn hay, ít ra, là thiếu tự tin: chính vì thiếu tự tin vào lẽ phải của mình nên mới nấp dưới cái bóng lịch sử như một thứ chiêu bài. Còn khỏa lấp tội lỗi, khỏa lấp sự sai lầm hay ngu dốt của mình như là sự để lại của lịch sử thì chính là cái hèn của bọn người không dám nhìn thẳng vào những gì mình đã làm.
Nghĩa là họ không thể ngửng mặt sống như những con người và, xét ra, cái gọi là “lịch sử” nói trên đang bị chán ngán và rẻ rúng chẳng qua đó là một thứ sản phẩm thiếu phẩm tính con người, không để phục vụ con người. Trên phương diện chính trị, nó bao che cho những chủ trương chà đạp con người. Trên phương diện khoa học, nó được “nghiên cứu” và “tổng kết” với thái độ khinh miệt trí thông minh của con người.
Tham khảo:
[1] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-mon-lich-su-se-gay-hoa-kho-luong-20151106211528458.htm
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52485111
[4] Zhang Zhenglong (1990). “What Is History?”. China Documents Annual, August, Volum II.
[5] https://vnexpress.net/thuong-tuong-le-chiem-thanh-tra-toan-bo-dat-quoc-phong-o-tp-hcm-3603651.html
[6] Đinh Công Vĩ (2006), Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam. Hà Nội: Phụ Nữ, tr. 64.
[7] Thí dụ một số bộ “sử” mà tôi đang có trong tay:
– Hà Văn Thư & Trần Hồng Đức (2003). Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa – Thông tin, tr. 46.
– Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng (2001). Các triều đại Việt Nam. Hà Nội: Thanh Niên, tr. 78.