Lần đầu…

Du Uyên

Mấy cuốn sách dạy con nít hay viết: khi bạn cảm thấy đôi giày của mình không đẹp, hãy nhìn vào những người tàn phế, họ còn không có chân để mang giày.

“Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Albert Einstein – Ảnh: Facebook

Xấu tánh ghê, khi không đem cái giò tàn tật của người ta ra so. Mưu cầu có đôi giày đẹp hơn tốt mà, khi không đi cản người ta. Giống y gần đây, chắc dân Việt ta thán xăng tăng, giá cả leo núi quá, báo trong nước liên tục đăng các bài như: “Khủng hoảng lạm phát Mỹ: Bố mẹ bỏ bữa cho con có cái ăn, cân đo đong đếm từng lát bánh mì vì sợ suy thoái kinh tế”, “Dân Mỹ mang bao nilông đi mua xăng về trữ”… Thương dân Mỹ quá, thôi ăn cá gỗ, rồi đọc báo sống qua ngày?

Như mới đây, ở Ấn Ðộ có một vụ kiện làm rất nhiều người hớn hở lôi phụ nữ Việt Nam vào so sánh, và cho là phụ nữ Việt thời nay vẫn sung sướng hơn phụ nữ Ấn quá nhiều. Trong khi, phụ nữ Mỹ, phụ nữ Úc, phụ nữ Pháp… quá trời quá đất, họ không đem ra so.

Chuyện là, ông Sanjeev (61 tuổi) và Sadhana Prasad (57 tuổi) đã kiện con trai ruột và con dâu ra tòa vì họ không sinh con sau 6 năm kết hôn. Ông bà yêu cầu con trai và con dâu phải sinh con trong vòng một năm, nếu không phải bồi thường khoản tiền 50 triệu rupee (650,000 USD, hơn 15 tỷ VND). Ông bà cho biết họ đã dùng hết tiền tiết kiệm để nuôi dạy con trai trở thành phi công và chi tiền tổ chức một đám cưới xa hoa, nếu không có cháu ẵm bồng thì phải trả lại tiền cho họ.

Việc có con ở Ấn Ðộ tới nay, chưa bao giờ là quyết định chỉ của một cặp vợ chồng. Tất cả mọi người, từ cha mẹ đến họ hàng gần xa lẫn xã hội đều có tiếng nói trong vấn đề này. Vì vậy mà bà Sadhana nói với BBC Hindi: Việc con trai và con dâu từ chối sinh con khiến vợ chồng bà nhận nhiều lời chế giễu từ xã hội, bà mô tả đó là “sự tàn độc về mặt tinh thần”. Xã hội ép ông bà, nên ông bà ép lên con trai con dâu, nếu con trai con dâu ông bà đẻ con, thì sau này con họ – cháu ông bà lại bị ép uổng?

“Nhiều gia đình Mỹ đã phải chuyển sang chế độ ăn chay trường chỉ vì giá thịt quá đắt đỏ”(?!) – Ảnh: soha.vn

Chuyện kiện tụng này làm tôi nhớ, cách đây vài năm, có người đàn ông sinh năm 1992 tại Ấn Ðộ cho rằng cha mẹ mình chưa được sự đồng ý của anh mà đã sinh anh ra. Người đàn ông này đưa giả thuyết rằng, giả sử ai đó không xin phép bạn trước mà đã bắt cóc và đưa bạn đến một thế giới mới, nơi cuộc sống ồn ào, khó hiểu và đầy đau khổ, thì bạn có kiện họ không? Và cách cha mẹ làm điều này chính là sinh bạn ra. Và thế là, anh ta đã kiện cha mẹ mình vì đã sinh ra mình. Người đàn ông đó là Raphael Samuel, Giám đốc điều hành kinh doanh tại Mumbai (Ấn Ðộ).Xem thêm:   Tái chiếm Quảng Trị trận chiến dài nhất (kỳ cuối)

Raphael Samuel nói: “Tôi yêu cha mẹ và gia đình tôi hiện tại rất hạnh phúc. Cuộc sống của tôi rất tuyệt vời, chẳng có gì đáng để phàn nàn nhưng tôi vẫn cảm thấy không có lý do gì mà mình phải sống, phải trải qua kỳ thi cử khắc nghiệt, phải có sự nghiệp vì tôi không muốn có mặt trên đời. Tôi không có nhu cầu được sinh ra.” Trước đó, Raphael Samuel đã đăng tải một video lên ứng dụng mạng xã hội Youtube. Trong video, anh mặc một cách kỳ quái, đeo bộ râu giả đen và kính râm nói về suy nghĩ của mình, đồng thời cũng chia sẻ việc không một luật sư nào chịu nhận vụ kiện của anh. Trong khi cha mẹ anh ta lại là những luật sư cứng cựa tại Ấn, đang rất hào hứng với vụ kiện của con mình.

Ước gì, cha mẹ của Raphael Samuel là ông bà Sanjeev và Sadhana Prasad (hai người đang kiện con trai và con dâu ở trên), chắc là gia đình này sẽ rất là náo nhiệt. Cha mẹ kiện con không sanh cháu, con kiện cha mẹ sanh ra chính mình… “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”. Biết đâu, nhờ gia đình họ mà xã hội Ấn thay đổi, cả thế giới cũng thay đổi khi nhìn thấy Ấn Ðộ thay đổi.

Có bao giờ bạn nghĩ tới việc không muốn tồn tại trên đời? Hoặc bạn đã từng nghĩ là không muốn đẻ thêm một đứa trẻ để nó phải tồn tại giữa xã hội này? Hay từng muốn kiện ba má vì sinh mình ra không đẹp như hoa hậu, không giỏi như tỷ phú, không thông minh như bác học, không… bà tám như Du Uyên? Tôi đã gặp rất nhiều người giỏi, nhưng chính họ cũng cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống ở Việt Nam, với xã hội nặng nề bệnh thành tích, với tiêu chuẩn kép, với lối sống luồn cúi, cách làm ăn ẩu tả… Với gia đình mang nặng tư tưởng cũ, toàn sống bằng sự công nhận của xã hội chứ không phải sống vì sự hạnh phúc của bản thân. Phụ huynh thì cứ vin vào cái công sinh thành mà áp đặt con cái nhiều thứ chúng không thích và làm cho cuộc sống của chúng thành một mớ bòng bong (hoặc trở thành đứa con bất hiếu/bất trị trong mắt gia đình và xã hội). Nhiều người viện lý do “lần đầu làm ba mẹ” để cho thấy bản thân cũng thiếu kinh nghiệm trong việc dạy dỗ con cái, con cái phải tha thứ cho họ thay vì trách móc, so sánh với “ba má nhà người ta”. Nhưng con nít cũng lần đầu làm người, lần đầu làm con. Hãy dạy nó ước mơ sẽ có đôi giày đẹp hơn, thay vì dạy nó nhìn đôi chân tàn tật của tha nhân mà… mừng, vì nó còn chân để mang giày.

Ông bà Sanjeev và Sadhana Prasad kiện con trai vì không sinh con sau 6 năm kết hôn. – Ảnh: phunuvietnam.vn

Dĩ nhiên, xã hội luôn có những cha mẹ tốt, luôn muốn con mình vui vẻ/hạnh phúc, làm mọi điều nó mong muốn nhất, không cần bận tâm tới xã hội, tới lề lối cũ. Nhưng ở Việt Nam có lẽ chưa nhiều. Vì vậy mà cổng các trường chuyên mùa nhập học đều kín người nằm ngủ sáng đêm để lấy số, tốn bao nhiêu tiền/công sức cũng ráng “chạy” cho con vào trường có tiếng bằng được. Sau khi con vào được rồi thì lại ép con học ngày/học đêm, học trường xong lại học thêm nhà cô/thầy… để vừa không uổng tiền “chạy” trường, vừa không bị tuột lại phía sau, làm thành tích lớp/trường bị ảnh hưởng. Khi con lớn một chút, lại ép con chọn nghề kiếm ra tiền chứ không phải nghề mà con yêu thích/đam mê. Bạn tôi kể, đi du học, thấy sinh viên Châu Á toàn học tài chính, ngân hàng, kinh tế, cơ khí… còn các bạn sinh viên Châu Âu, Mỹ chọn đủ thể loại từ khoa học, nghệ thuật,  môi trường, khí hậu, thiên văn, họa, văn học, lịch sử… không hề gò bó trong nhóm các nghề kiếm ra tiền.Xem thêm:   Ai mượn?

Tôi có thấy một câu chuyện trên mạng, tìm hoài thì không có nguồn chính xác nên có lẽ đây là một câu chuyện được “sáng tác”. Nhưng dầu sáng tác hay là chuyện có thật, nó cũng rất hay, đáng tham khảo trong việc dạy con nít:

“Năm 1968, tại tiểu bang Neveda nước Mỹ, có cô bé 3 tuổi tên là Edith một hôm chỉ vào chữ cái đầu tiên của chữ “O-p-e-n” trên chiếc hộp đựng quà trong nhà mình, và nói với mẹ rằng đó là chữ “O”. Mẹ của cô bé rất ngạc nhiên nên hỏi, vì sao con biết được đó là chữ “O”? Edith trả lời là cô giáo ở trường dạy thế!

Thật không ngờ, người mẹ ngay lập tức viết đơn khởi kiện trường mầm non mà cô bé đang theo học. Lý do khởi kiện của bà: trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith. Bởi vì khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “O” là mặt trời, là trái táo, là trứng gà… Nhưng sau khi trường mầm non dạy cô bé nhận biết đó là chữ “O”, thì Edith đã bị mất khả năng tưởng tượng này. Và bà mẹ đòi phí bồi thường tổn hại tinh thần cho con gái mình là 1,000 USD.

Raphael khẳng định mình yêu bố mẹ nhưng vẫn muốn kiện họ vì tội đẻ ra anh ta. – Ảnh: Daily Star

Ðơn kiện gửi lên tòa án đã làm cho toàn bộ tiểu bang Nevada vô cùng kinh ngạc và không ngừng tranh luận. Các thầy cô giáo của trường mầm non cho rằng bà mẹ này nhất định là bị điên. Những phụ huynh khác thì cho rằng bà mẹ này có chút chuyện bé xé ra to, ngay cả luật sư cũng không tán thành cách làm của thân chủ mình. Ba tháng sau, nằm ngoài dự đoán của mọi người, kết quả là trường mầm non thua kiện. Bởi vì toàn bộ thẩm phán của đoàn thẩm phán đều bị câu chuyện mà bà kể khi biện hộ làm họ xúc động.

Câu chuyện bà kể như sau: “Tôi đã từng đến ở một số nước ở Phương Ðông du lịch. Một lần tôi ở trong một công viên, nhìn thấy 2 con thiên nga, một con bị cắt bỏ 1 cánh bên trái được thả ở cái hồ lớn; con kia thì còn nguyên vẹn không bị gì và được thả ở cái hồ nhỏ. Tôi hỏi nhân viên quản lý ở đó thì họ trả lời rằng: Làm như thế là để cho 2 con thiên nga này không bay đi mất. Con thiên nga bị mất cánh bên trái không thể bay vì không giữ được thăng bằng, còn con kia vì thả ở hồ nhỏ nên không đủ không gian để lấy đà bay. Lúc đó tôi vô cùng khiếp sợ, khiếp sợ sự thông minh của người Phương Ðông.

Hôm nay, tôi kiện cho con gái tôi, vì tôi cảm thấy con gái tôi giống con thiên nga đó trong nhà trẻ. Họ đã cắt đứt một cánh tưởng tượng của Edith, đã nhốt con bé trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái quá sớm. Edison cũng có trí tưởng tượng không thực tế, mới phát minh ra được bóng đèn điện; Newton là bởi có tư tưởng sáng tạo ra cái mới từ đó mới phát hiện ra lực hấp dẫn của trái đất. Có thể khả năng tưởng tượng của Edith không phong phú, nhưng bạn không thể cướp đoạt quyền tưởng tượng của con bé, bởi vì một con thiên nga không có cánh thì vĩnh viễn không thể bay lên được.”

Từ 0 giờ sáng 12-3-2022, nhiều phụ huynh đã thức trắng đêm để xếp hàng mua hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 cho con vào trường có tiếng ở Hà Nội, có người còn mang con theo để xếp hàng. Cảnh năm nào cũng thấy… – Ảnh: tienphong.vn

Sau khi bà biện hộ, tiểu bang Nevada đã căn cứ vào toàn bộ đoạn biện hộ trước tòa của bà mẹ để sửa đổi “Luật bảo hộ giáo dục cho công dân”, trong đó có quy định quyền lợi của trẻ em tại trường học:

– Quyền được chơi

– Quyền được hỏi tại sao?

Vòng tròn là gì? Trong não trẻ em có thể có hàng vạn câu trả lời, xin đừng nói với các em rằng đó chỉ là 1 vòng tròn, đừng bẽ gãy chiếc cánh tưởng tượng của các em. Khi con thiên nga bị mất đi chiếc cánh thì nó không thể bay, khi chúng ta bị mất đi chiếc cánh thì sẽ không bao giờ tìm được thiên đường của niềm vui sáng tạo nữa.” – Hết Trích.

Ngăn không cho con mình được hỏi, được phát biểu là bệnh chung của nhiều người làm cha mẹ ở Việt Nam, nên đôi khi, hậu quả cũng rất lớn. Ví dụ như:

Con: “Ba ơi, chúng ta có thể ăn con sâu không?”
Ba: “Gớm quá! Ðừng nói về điều này trong bữa tối.”

Ăn tối xong, người cha thủ thỉ: “Nào, con trai muốn hỏi gì nào?”.

Con: “Vừa rồi có một con sâu trong chén canh của ba, nhưng giờ thì nó không còn nữa”.

Du Uyên

Related posts