Tin VN sáng thứ Năm: Trước ngày bị bắt, ông Chu Ngọc Anh ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Biệt thự gần 100 tỷ của ông Chu Ngọc Anh

Mỹ An

Ảnh tổng hợp.

Bị chất vấn giá xăng tăng cao, Bộ trưởng Tài chính nói vẫn rẻ hơn Lào

NLĐ – Báo chí trong nước đưa tin, tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng nay (8/6). Nhấn mạnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang ở mức cao, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng về biện pháp giảm các khoản thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết so với nước lân cận như Lào, giá xăng tại quốc gia này còn cao hơn giá xăng ở Việt Nam từ 10.000 – 11.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, giá xăng ở Campuchia, Thái Lan đều cao hơn Việt Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết vấn đề có giảm thuế xăng đầu để giảm giá mặt hàng này hay không hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Ngoài ra, ông Phớc cũng cho biết muốn giảm giá xăng dầu, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hiện nhu cầu xăng dầu trong nước là 21 triệu tấn/năm, trong đó, sản xuất trong nước cung cấp 11 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu 10 triệu tấn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước hiện nay không ổn định, trong khi nhà máy Bình Sơn đạt công suất 100% thì nhà máy Nghi Sơn lại chỉ có sản lượng rất thấp, có giai đoạn dừng cả sản xuất.

Liên quan tới vấn đề giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính xem xét lại toàn bộ công cụ, giải pháp để hỗ trợ kiểm soát giá.

Biệt thự gần 100 tỷ (khoảng 6 triệu Úc kim) của ông Chu Ngọc Anh có bị kê biên tài sản?

Dantri – Sau khi ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh căn biệt thự hạng sang của gia đình ông này nằm trong Khu đô thị Vinhomes Gardenia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Giới buôn bán bất động sản ước tính giá trị căn biệt thự hiện nay vào khoảng 80-100 tỷ đồng. Đã có nhiều ý kiến thắc mắc liệu căn biệt thự này có bị kê biên để bảo đảm thi hành án, thu hồi tài sản sau này?

Thắc mắc tương tự cũng được dư luận đặt ra khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Nguyễn Thanh Long- cựu Bộ trưởng Bộ Y tế – ở khu liền kề số 671 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội.

 Sáng 8/6, trao đổi dưới góc độ pháp luật, một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết: “Theo quy định của pháp luật, trong các vụ án gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội rất lớn như Việt Á – số tiền các đối tượng khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và “bôi trơn” khoảng 800 tỷ đồng, cơ quan điều tra sẽ có tính toán để xác định thiệt hại của những đối tượng tham gia, liên đới trách nhiệm bồi thường”.

Cụ thể, nếu đó là các khoản tiền liên quan đến việc nhận hối lộ, hoa hồng như lãnh đạo CDC một số tỉnh thành thì sẽ bị cơ quan điều tra thu hồi, yêu cầu bị can nộp lại.

Trường hợp liên quan đến vi phạm các quy định gây thất thoát tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn thì cơ quan điều tra sẽ rà soát các t. ài sản của bị can liên quan để kê biên, phong tỏa phục vụ cho việc thu hồi tài sản sau này được bảo đảm.

Vị này  cho biết thêm: “Trước đây có rất nhiều vụ án mà bản án của tòa tuyên mức bồi thường rất lớn nhưng tài sản bảo đảm thi hành án rất nhỏ, khiến cơ quan thi hành án dân sự gặp vô cùng nhiều khó khăn. Tuy nhiên sau khi có  quy  định  mới  về  vấn  đề này, việc kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn điều tra được làm chặt chẽ hơn. Vì vậy, căn biệt thự của gia đình ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và nhiều tài sản khác của các ông này hoàn toàn có thể bị cơ quan điều tra xác minh, tiến hành các thủ tục để kê biên, phong tỏa”.

Việt Nam nhập 10 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

VnExpress – Cũng tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sáng 8-6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó thủ tướng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đều tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%.

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí, thương hiệu trên thị trường quốc tế như: xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%; xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%.

Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, dù sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng nhưng việc xuất khẩu khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

Ông Thành cho biết, nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát.

Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%. Năm 2021, nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu gần 10 tỷ USD, trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Phân bón nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu, năm 2021 nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn, giá trị 1,4 tỷ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.

Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hằng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế – xã hội.

Hai bộ hợp lực bình ổn giá sách giáo khoa

VnExpress – Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội các giải pháp ổn định lâu dài cho giá sách giáo khoa.

Trả lời chất vấn tại nghị trường sáng 8/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết việc này sẽ được hai bộ thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Sơn cho biết đã yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp do Bộ làm cơ quan chủ quản, tiết giảm chi phí, giảm khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và cạnh tranh lành mạnh để giảm giá sách giáo khoa. Tuy nhiên, hiện có 5 đơn vị đang biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa nên việc tác động và chỉ đạo các doanh nghiệp không do Bộ chủ quản có phần khó khăn.

Để ngăn chặn tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, Bộ trưởng Sơn cho biết Thông tư 21 về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục đã nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua sách không thuộc danh mục sách giáo khoa. Ông đề nghị lãnh đạo địa phương giúp Bộ kiểm soát việc này ở trường học để tránh gây bức xúc dư luận.

Với mong muốn học sinh được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu các đơn vị xuất bản sách có thể dùng lại nhiều lần, tiết giảm chi phí để giảm giá sách. Đồng thời, nhà xuất bản có giải pháp cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc vùng khó khăn, cấp bản sách PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành…

“Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ là Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được nhà nước định giá và có chính sách trợ giá”, ông Sơn nói.

Năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách giáo khoa cao hơn 3-4 lần so với sách cũ. Năm nay, khi NXB Giáo dục Việt Nam công khai giá sách các lớp 3, 7, 10, sử dụng cho năm học 2022-2023, mức giá tiếp tục cao hơn các bộ sách cũ 2-3 lần.

Điều tra vụ hiệu trưởng trường cấp III ở Bình Phước tử vong tại trường

Trường THPT Đắk Ơ – nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Nhà chức trách tỉnh Bình Phước đang điều tra nguyên nhân vụ một hiệu trưởng trường cấp III được phát hiện tử vong tại sân trường.

Công an tỉnh Bình Phước đang phối hợp với Công an huyện Bù Gia Mập điều tra nguyên nhân tử vong của ông Lê Duy Bình (51 tuổi, ngụ TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) – Hiệu trưởng trường THPT Đắk Ơ (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập).

Theo thông tin ban đầu, sáng ngày 8/6, ông Bình từ phòng ở tập thể trong trường đến trường làm việc.

Đến khoảng 6 giờ, một số nhân viên của trường nghe thấy tiếng động mạnh như vật gì rơi từ trên xuống. Tuy nhiên, do nghĩ không có chuyện gì xảy ra nên mọi người tiếp tục làm việc.

Đến khoảng 7h, một số cán bộ, giáo viên đến trường tìm ông Bình thì phát hiện ông Bình nằm bất động dưới sân trường, xung quanh có nhiều vết máu.

Đến gần kiểm tra, mọi người phát hiện ông Bình đã tử vong, gần thi thể ông Bình có một cục đá trước đó để ở phía trên gần lan can lầu 3.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Công an huyện Bù Gia Mập đến hiện trường để khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Theo nhận định ban đầu, có thể ông Bình rơi từ lầu 3 xuống sân trường tử vong.

Được biết, ông Bình chuyển về làm Hiệu trưởng trường THPT Đắk Ơ hơn 5 năm nay. Trong quá trình làm việc, ông Bình được đánh giá là người lãnh đạo và là người thầy nghiêm túc, hết mình trong công việc, sống hòa đồng, tôn trọng đồng nghiệp cấp dưới, luôn yêu quý các em học sinh.

Huy Hoàng

Trước ngày bị bắt, ông Chu Ngọc Anh ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ

Ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã ký bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp sở, phòng của TP trước khi bị kỷ luật và bắt giam.
Đại diện Sở Nội vụ hôm 6/6 công bố quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, ông Chu Ngọc Anh về việc bổ nhiệm ông Mai Xuân Trường (SN1981) giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở này. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.. (Ảnh: hanoitv.vn)

Ông Chu Ngọc Anh bị bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Hà Nội hôm 7/6 do có sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến công ty Việt Á.

Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017…

Đáng chú ý, trước ngày bị bắt, hôm 2/6, ông Chu Ngọc Anh đã ký các quyết định số 1855, 1868, 1869, 1886, 1888, 1889, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo một số đơn vị, cơ quan.

Cụ thể, quyết định 1855/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Cù Ngọc Trang (SN1984), phụ trách Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND TP. Hà Nội, giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội.

Quyết định 1868/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sáng (SN1971), Chi cục trưởng Chi cục Tài chính, Sở Tài chính TP. Hà Nội, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội.

Quyết định 1869/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Vũ Trung Thành (SN1972), Chánh văn phòng Sở Tài chính TP. Hà Nội, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội.

Quyết định 1886/QĐ-UBND bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN1978), Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ TP. Hà Nội, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hà Nội.

Quyết định 1888/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Nguyễn Danh Toàn (SN1988), Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội giữ chức Phó Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

Quyết định 1889/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Mai Xuân Trường (SN1981), Trưởng phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ TP. Hà Nội, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội.

Phạm Toàn

Related posts