Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy thoả thuận ngũ cốc Nga – Ukraine trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Thanh Đoàn

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đàm phán hôm thứ Tư tại Ankara (Reuteurs)

Nga và Ukraina là hai nhà xuất khẩu lương thực lớn thứ 3 và thứ 4 toàn cầu, tuy nhiên, ngũ cốc xuất khẩu đang bị kìm hãm ở Biển Đen bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang, cả hai đều không tìm thấy bất kỳ tiếng nói chung nào. Các đòn trừng phạt từ phương Tây vào Nga và leo thang chiến tranh uỷ nhiệm từ Mỹ và phương Tây vào Ukraine làm “thoả thuận ngũ cốc” trở nên bế tắc trong bối cảnh khủng hoảng lương thực đe doạ nạn đói tồi tệ nhất….

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba và thứ tư thế giới, đã làm gia tăng lạm phát giá lương thực và khiến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu gặp rủi ro.

Giá lương thực toàn cầu tăng vọt do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt hai năm đại dịch và do tác động gián tiếp từ giá năng lượng tăng (khiến giá phân bón tăng, nguồn cung phân bón bị thu hẹp). Tuy nhiên, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn kể từ sau khi Nga mang quân xâm lược Ukraine; giá dầu tăng cao hơn tới 40 – 50%, nguồn cung lương thực từ Nga và Ukraine gián đoạn, nguồn cung phân bón ở Nga và Ukraine cũng gián đoạn trong thúc đẩy giá phân bón toàn cầu tăng mạnh; tất cả đều tác động tiêu cực tới khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Chỉ số giá ngũ cốc của Tổ chức lương thực toàn cầu (FAO) đạt trung bình 173,4 điểm trong tháng 5/2022, tăng 3,7 điểm (2,2%) so với tháng 4/2022 và cao hơn 39,7 điểm (29,7%) so với giá trị tháng 5/2021. Giá lúa mì quốc tế tăng tháng thứ tư liên tiếp, tăng 5,6% trong tháng 5, cao hơn trung bình 56,2% so với giá trị của chúng năm ngoái và chỉ thấp hơn 11% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 3 năm 2008. Giá lúa mì tăng mạnh là do lệnh cấm xuất khẩu do Ấn Độ công bố trong bối cảnh lo ngại về điều kiện nguồn cung thắt chặt ở một số nước xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như triển vọng sản xuất ở Ukraine giảm vì chiến tranh.

Theo Reuters, Nga đã chiếm giữ phần lớn bờ biển của Ukraine trong gần 15 tuần chiến tranh và các tàu chiến của họ kiểm soát Biển Đen và Biển Azov, ngăn chặn hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine và làm tăng giá ngũ cốc.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Moscow sử dụng khả năng kiểm soát nguồn cung lương thực làm vũ khí.

Phát biểu cùng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán hôm thứ Tư (7/6) tại Ankara đã có kết quả và việc khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine dọc theo một hành lang biển là hợp lý.

Ngoại trưởng Nga ông Lavrov cho biết trách nhiệm của việc này là thuộc về phía Ukraine; ám chỉ việc Ukraine liên tục tấn công ở cảng biến khiến Nga không thể xuất khẩu ngũ cốc an toàn nên buộc phải dừng hoạt động này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng một khối lượng lớn ngũ cốc của Nga chỉ có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga được dỡ bỏ.

Liên hợp quốc đang lên kế hoạch khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen của Ukraine. Giải pháp là Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp tàu hộ tống hải quân để đảm bảo qua lại an toàn. Liên hợp quốc tuần trước mô tả các cuộc đàm phán với Nga về xuất khẩu ngũ cốc là mang tính xây dựng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm thứ Tư cho biết các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc đã hội đàm với Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Ukraine, Nga và Mỹ trong 10 ngày qua. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không muốn “gây nguy hiểm cho cơ hội thành công” với thoả thuận về ngũ cốc nên không bình luận thêm (theo tin từ Reuters). .

“Đây là một trong những thời điểm mà ngoại giao im lặng là cần thiết. Phúc lợi của hàng triệu người trên thế giới có thể phụ thuộc vào nó”, ông Guterres nói với các phóng viên.

Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư cho biết Nga đang đưa ra các đề xuất phi lý, chẳng hạn như kiểm tra các tàu đến và rời cảng. Một quan chức Ukraine cũng tỏ ra nghi ngờ về năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.

“Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là người bảo lãnh nhưng lại không đủ lực lượng ở Biển Đen để đảm bảo an toàn cho hàng hóa”, giám đốc hiệp hội thương nhân ngũ cốc Ukraine UGA Serhiy Ivashchenko phát biểu trong một hội nghị trực tuyến hôm thứ Tư.

Ông cho biết có thể mất ít nhất 2-3 tháng để gỡ mìn khỏi các cảng của Ukraine và hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và Romania nên tham gia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong tuần này Ukraine đã thảo luận với Anh và Thổ Nhĩ Kỳ về ý tưởng hải quân từ một nước thứ ba đảm bảo thông hành an toàn cho hàng hóa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.

Ukraine đã xuất khẩu tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24/2. Moscow gọi hành động của mình là một hoạt động quân sự đặc biệt.

Kể từ đó, khối lượng ngũ cốc xuất khẩu đã giảm xuống còn khoảng 1 triệu tấn do Ukraine buộc phải vận chuyển ngũ cốc bằng tàu hỏa qua biên giới phía tây hoặc qua các cảng sông Danube nhỏ của mình; vốn không thể bù đắp cho vận tải đường biển.

Thanh Đoàn

(Theo Reuters)

Related posts