Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, nơi không bị chiến loạn, nhưng số người buộc phải đào thoát và tìm kiếm tị nạn chính trị đã tăng gấp 10 lần so với một thập kỷ trước, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Ở Trung Quốc, nơi không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hay tấn công bạo lực và được cho là đã bước vào một xã hội “tiểu khang” (khá giả), nhưng số lượng công dân bỏ trốn và xin tị nạn chính trị cũng đang tăng lên hàng năm. Mặc dù dịch bệnh bùng phát và ra vào Trung Quốc bị hạn chế, nhưng xu hướng tăng này không thay đổi.
Theo dữ liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số người Trung Quốc xin tị nạn chính trị ở nước ngoài trong các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 104.248 người, 108.071 người và 118.476 người.
Theo thống kê, trong năm 2012, khoảng 12.000 người ở Trung Quốc đã ra nước ngoài xin tị nạn, đến năm 2019, con số này đã vượt quá 100.000 người. Do dịch bệnh hoành hành, đi lại trên toàn cầu cũng bị ảnh hưởng và hạn chế nghiêm trọng, nhưng số lượng người Trung Quốc xin tị nạn ở nước ngoài tiếp tục tăng từ năm 2020 đến năm 2021, đạt mức cao kỷ lục gần 120.000 người vào năm ngoái.
Theo phân tích của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders, số người xin tị nạn ở Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2021 đã vượt quá số người xin tị nạn trong suốt 8 năm dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) với các nước như Mỹ, Úc xấu đi rõ rệt trong những năm gần đây, nhưng Mỹ và Úc vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những người Trung Quốc xin tị nạn chính trị. Tổng cộng 88.722 công dân Trung Quốc đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Mỹ vào năm ngoái, trong khi 15.774 người Trung Quốc nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Úc.
Dữ liệu cho thấy, 5.904 công dân Trung Quốc khác đã nộp đơn xin tị nạn chính trị ở Mỹ Latinh vào năm ngoái, trong khi 2.428 và 2.323 công dân khác nộp đơn xin tị nạn lần lượt ở Vương quốc Anh và các nước Châu Âu khác. Ngoài ra, hơn 1.000 người Trung Quốc đã xin tị nạn ở Canada, Hàn Quốc và Brazil; 149 người Trung Quốc khác đã xin tị nạn ở châu Phi và 16 người khác xin tị nạn chính trị ở Nga.
Tổ chức Safeguard Defenders cho rằng khi số lượng công dân Trung Quốc xin tị nạn chính trị ở nước ngoài tăng lên, cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ cũng có thể gia tăng, bao gồm cả việc sử dụng chương trình “trở về nước không tự nguyện“. Trong khi đó, ĐCSTQ từng cho biết năm nay sẽ mở rộng chiến dịch “Thiên Võng” (Lưới Trời), tìm kiếm để gây áp lực buộc các nghi phạm được gọi là “kẻ đào tẩu” trở về nước quy án.
Theo Ngô Mân Châu, Epoch Times