Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ngành phát trực tiếp, người có ảnh hưởng bị phạt 16 triệu USD vì trốn thuế

Alex Wu

Công ty TNHH thiết bị gia dụng phát trực tiếp SKG China tại Bắc Kinh hôm 09/11/2021. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc đã phạt một người có ảnh hưởng hàng đầu trên mạng xã hội 16 triệu USD vì tội trốn thuế. Đây là hình phạt mới nhất của Bắc Kinh đối với những người nổi tiếng trên mạng hàng đầu của đất nước này và là một phần trong cuộc đàn áp trên toàn quốc của nhà cầm quyền đối với ngành phát trực tiếp.

Hôm 16/06, Cục Thuế Thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây thông báo trực tuyến rằng họ yêu cầu Từ Quốc Hào (Xu Guohao) trả 108 triệu nhân dân tệ (khoảng 16 triệu USD) tiền thuế, phí chậm nộp, và tiền phạt vì trốn thuế từ năm 2019 đến năm 2020.

Được biết đến với tên gọi “Từ Trạch”, Từ Quốc Hào là một trong những nhân vật hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Momo của Trung Quốc từ năm 2019 đến năm 2020 và có 1.3 triệu người theo dõi. Anh có thu nhập hàng tháng là 11.57 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.72 triệu USD) vào tháng 11/2019. Anh Từ không còn phát trực tiếp từ năm 2020.

Theo thông tin trên trang web tìm kiếm doanh nghiệp Thiên Nhãn Tra (Tianyancha) của Trung Quốc, anh Từ là đại diện pháp lý, giám đốc điều hành, và tổng giám đốc của công ty điện ảnh và truyền hình Trạch Mộc Giang Tây, được thành lập vào tháng 12/2020 với vốn đăng ký 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 30 triệu USD).

Nhà cầm quyền cộng sản đã ban hành một loạt các quy định nhằm thắt chặt kiểm soát việc phát trực tuyến, bao gồm cả tăng cường việc thực thi luật thuế nhắm vào ngành này.

Hôm 07/05, bốn bộ của nhà nước này đã ban hành một quy định chung tên là “Ý kiến về việc Quản lý Phần thưởng Trực tiếp Trực tuyến và Tăng cường Bảo vệ Trẻ vị thành niên.” Theo quy định này, nền tảng trực tuyến phải hủy bỏ tất cả các danh sách phần thưởng trong vòng một tháng kể từ khi công bố quy định, đồng thời không được xếp hạng và giới thiệu những người có ảnh hưởng dựa trên số điểm thưởng kiếm được, cũng như không được xếp hạng người dùng dựa trên số tiền tặng thưởng.

Các nhân vật trực tuyến nổi tiếng khác của Trung Quốc quảng cáo sản phẩm trong các buổi phát trực tiếp gần đây cũng đã biến mất khỏi mạng xã hội.

Các buổi phát trực tiếp của Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi, bên phải) và Vi Á (Viya, bên trái) trên ứng dụng thương mại điện tử Taobao của Alibaba được hiển thị trên điện thoại di động hôm 14/12/2021. (Ảnh: Florence Lo/Reuters)

Hôm 12/06, La Vĩnh Hạo (Luo Yonghao), người dẫn chương trình phát trực tiếp xếp hạng thứ tư của quốc gia này đã tuyên bố rút khỏi tất cả các phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng thương mại điện tử. Ba người có ảnh hưởng nổi tiếng nhất ở Trung Quốc đại lục: Vi Á (Viya), Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi), và Tân Ba (Simba) cũng đã ngừng phát trực tiếp.

Cô Hoàng Vi (Huang Wei), được biết đến trên mạng với cái tên Vi Á (Viya), đã bị phạt 1.3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 210 triệu USD) vì tội trốn thuế vào tháng 12/2021. Cô không xuất hiện trước công chúng kể từ đó.

Sau đó, Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) trở thành nhân vật nổi tiếng nhất trên mạng. Hôm 03/06, anh Lý đã đưa lên một lát bánh kem hình xe tăng trong một buổi phát trực tiếp. Năm nay đánh dấu tưởng niệm 33 năm Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06 xảy ra vào năm 1989 khi quân đội nổ súng sát hại hàng chục ngàn người biểu tình không vũ trang, những người muốn dân chủ và chống lại sự tham nhũng của các quan chức cộng sản. Buổi phát sóng của anh Lý đã ngay lập tức bị ngắt và anh đã dừng phát trực tiếp kể từ đó.

Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi, bên trái) và miếng bánh kem hình chiếc xe tăng đã thúc đẩy sự kiểm duyệt nhanh chóng từ ĐCSTQ. (Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Hôm 01/06, Tân Ba (Simba), tên thật là Tân Hữu Trí (Xin Youzhi), cho biết trong một video “họp nội bộ công ty” rằng anh sẽ cống hiến hết mình cho một lĩnh vực khác và giao toàn bộ công việc kinh doanh của công ty cho trợ lý của mình. Năm 2020, anh Tân đã chỉ trích công ty viễn thông Trung Quốc Huawei vì không cung cấp tai nghe miễn phí cho người hâm mộ của anh khi mua điện thoại di động của hãng trên nền tảng này. Khi chính phủ ông Trump đã cấm các sản phẩm của Huawei tại Hoa Kỳ, những người dùng internet Trung Quốc ủng hộ chế độ đã tấn công anh Tân bằng lời nói vì cho là anh đã làm điều tương tự (tẩy chay Huawei). Cơ quan quản lý thuế của nhà nước đã nhắm mục tiêu vào các sản phẩm khác mà anh đang quảng cáo trực tuyến.

Ông Lý Nguyên Hóa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nói với The Epoch Times hôm 16/06 rằng có nhiều lý do đằng sau việc những người có ảnh hưởng từ bỏ các nền tảng mạng xã hội.

“Những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm là ‘sát kê cảnh hầu’. Đó là để cho họ thấy rằng dù các vị có ảnh hưởng đến thế nào, thì các vị vẫn thực sự nằm trong tầm kiểm soát của tôi, bao gồm cả việc sử dụng tội trốn thuế để trừng phạt những người đó. Chẳng phải trước đây họ cũng trốn thuế sao? Tại sao lúc đó chi cục thuế không làm gì?” ông đặt câu hỏi.

“ĐCSTQ muốn lấy đi số tiền mà họ [những người có ảnh hưởng và công ty của họ] kiếm được để đặt vào tay mình. Có cả những lý do chính trị lẫn lý do kinh tế để ĐCSTQ đàn áp họ,” ông Lý nói.

Ông nói thêm rằng các doanh nhân tư nhân là mục tiêu bị ĐCSTQ đặc biệt đàn áp, điều này có liên quan đến hệ tư tưởng của ông Tập, vì ông Tập luôn muốn thành lập các doanh nghiệp nhà nước lớn. Các doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân không nằm trong quyền kiểm soát hoàn toàn của ông.

Ông nói, “Trung Quốc hoàn toàn không phải là một xã hội bình thường, vì vậy dù những người này nổi tiếng hay quyền lực đến đâu, họ đều phải phục vụ cho ĐCSTQ. Một khi ĐCSTQ cảm thấy rằng đảng không còn có thể kiểm soát quý vị hoặc ảnh hưởng của quý vị quá lớn, đảng chắc chắn sẽ nhân cơ hội để trừng phạt quý vị.”

Ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), người nhà của một quan chức quân đội hàng đầu, nói với The Epoch Times hôm 16/06 rằng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội này đã bị đàn áp vì lý do chính trị.

“Những người tổ chức phát trực tiếp trên nền tảng này có lượng người hâm mộ khổng lồ và sức ảnh hưởng lớn. Khi họ đưa ra một tuyên bố trên các nền tảng mạng xã hội, nó sẽ sớm lan rộng trên toàn quốc. Vì vậy, ĐCSTQ rất sợ sức ảnh hưởng của các nền tảng này. Nó hoàn toàn không được phép tồn tại, nếu nó có bất kỳ tác động chính trị nào. Cơ quan Quản lý Thông tin Internet của ĐCSTQ giám sát chặt chẽ các nền tảng này, cũng như tất cả các phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng,” ông nói.

Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.

Huệ Giao biên dịch

Related posts