Trung Quốc vận động hành lang cho Pakistan, một quốc gia khủng bố

Anders Corr

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Pakistan Imran Khan trước một cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/04/2019. (Ảnh: Madoka Ikegami/Getty Images)

Bắc Kinh tẩy trắng hành vi rửa tiền quốc tế và bạo lực của Islamabad

Một lần nữa Trung Quốc đang tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố của Pakistan, lần này là bằng cách vận động hành lang chống lại các biện pháp cứng rắn từ các tổ chức quốc tế chống rửa tiền. Một phiên họp toàn thể của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) diễn ra tại Berlin, từ ngày 12/06 đến 17/06, được cho là nơi “âm thầm vận động hành lang” của Bắc Kinh nhân danh Islamabad.

Hai đồng phạm lâu năm đang ủ mưu tính toán từ phía Tây Afghanistan, băng qua những dãy núi Himalaya đến vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ về phía đông. “Huynh đệ sắt son”, như cách ông Tập Cận Bình nói về hai nhà nước khủng bố này, đã phá hủy một nền dân chủ non trẻ ở Afghanistan bằng sự hậu thuẫn của họ dành cho quân khủng bố Taliban. Hiện hai nước này đang cố gắng đẩy Ấn Độ ra khỏi vùng lãnh thổ cực bắc của họ thông qua bạo lực chính trị.

Bạo lực của Trung Quốc và Pakistan

Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan bắt nguồn từ việc vi phạm của Pakistan về thỏa thuận phân vùng hồi năm 1947, quy định rằng các thổ bang có thể gia nhập bất kỳ quốc gia nào mà họ mong muốn. Ông Hari Singh, Maharaja (quốc vương) của vùng Kashmir rộng lớn hơn, đã quyết định không chọn Pakistan mà gia nhập Ấn Độ. Kể từ đó, chính quyền Islamabad đã cố gắng đảo ngược quyết định này bằng bạo lực, và Bắc Kinh đã nhân cơ hội này chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Kashmir bằng chính quân đội của họ.

Trung Quốc từng hành động một cách lén lút và sử dụng bạo lực để đánh chiếm một khu vực rộng lớn của Kashmir, được gọi là Aksai Chin, từ tay Ấn Độ vào năm 1962. Kể từ đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã lấn chiếm ranh giới của họ với Ấn Độ về phía nam và gần đây đã chiếm thêm 15 đến 23 dặm vuông (từ 40 đến 60 km vuông).

Bắc Kinh tìm cách xóa nhòa ranh giới của Ấn Độ bằng cách để Pakistan chống lại quốc gia theo đạo Hindu này và gieo rắc sự hỗn loạn để rốt cuộc sẽ khiến việc tranh giành lãnh thổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên dễ dàng hơn. Đây là hành động gây hấn ở vùng xám chống lại Ấn Độ, một quốc gia ưa chuộng hòa bình vẫn luôn ủng hộ hiện trạng. Điều đó cũng sẽ khiến Pakistan trở nên suy yếu, dẫn đến việc nước này ngày càng phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh.

Ảnh chụp một binh đoàn xe của quân đội Ấn Độ di chuyển trên đường cao tốc Srinagar-Ladakh tại Gagangeer, phía đông bắc Srinagar, ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, Ấn Độ, ngày 09/09/2020. (Ảnh: Dar Yasin/AP Photo)

Ngoài các lực lượng quân sự chính quy của mình, Trung Quốc và Pakistan còn hỗ trợ những kẻ khủng bố gây bất ổn cho Ấn Độ. Pakistan hỗ trợ cho các chiến binh ở Kashmir, và Trung Quốc hỗ trợ các chiến binh Nagaland ở phía đông Ấn Độ. Theo giới truyền thông Ấn Độ, hồi tháng Một mới đây, các chiến binh Nagaland đã trú đóng tại tỉnh Côn Minh của Trung Quốc.

Pakistan khủng bố Ấn Độ

Các cuộc tấn công khủng bố của Pakistan nhắm vào Ấn Độ là một dạng thành kiến, điều này rất rõ ràng trong trường hợp của khu vực Kashmir. Vào những năm 1990, chủ nghĩa khủng bố ở Pakistan đã buộc hàng chục ngàn người theo đạo Hindu phải trốn chạy khỏi Kashmir trong sợ hãi.

Hiện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang khuyến khích họ quay trở lại với [những hứa hẹn về] việc làm và các lợi ích khác. Điều này gây bất ổn cho người dân địa phương theo đạo Hồi và tạo ra mảnh đất màu mỡ để chính phủ Pakistan hỗ trợ các chiến binh, những người cố gắng duy trì sự tồn tại của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này đến ngày nay. Điều này gây áp lực lên New Delhi, nên năm 2019 họ buộc phải đáp trả bằng việc chấm dứt tình trạng tự trị của vùng Kashmir và áp dụng các biện pháp chấp pháp cứng rắn, mà trong một số trường hợp, đã dẫn đến thiết quân luật.

Mặc dù Pakistan đã phàn nàn tại thời điểm đó, nhưng “nhiều nhà phân tích cho biết Pakistan có rất ít độ khả tín về vấn đề này,” theo The New York Times. “Pakistan có một lịch sử lâu đời về việc ngấm ngầm hỗ trợ các nhóm chiến binh ở khu vực Kashmir, bất chấp áp lực từ các nước đồng minh để ngừng làm như vậy.”

Và chủ nghĩa bạo lực của Pakistan vẫn tiếp diễn. Các chiến binh đã sát hại tối thiểu bốn người theo đạo Hindu trong vài tháng qua. Theo chủ tịch Đảng Bharatiya Janata (BJP), một người đàn ông đã bị bắn thiệt mạng trong chính ngân hàng của mình ở Kulgam, một người khác bị “những kẻ khủng bố do Pakistan tài trợ” sát hại trong một văn phòng chính phủ.

BJP là đảng chính trị của thủ tướng Ấn Độ đương nhiệm, thường được giới truyền thông phương Tây mô tả một cách kém mỹ miều là “đảng theo chủ nghĩa dân tộc Hindu.”

Có quan niệm thành kiến cố hữu, sự tham vọng quá mức, và những trường hợp bạo lực cá biệt của người Hindu. Cuộc thảo luận của một số người ủng hộ việc khôi phục một “Đại Ấn Độ (“Akhand Bharat”) gồm cả Pakistan và Bangladesh của BJP nên kết thúc.

Nhưng điều khiến những người chỉ trích ủng hộ chủ nghĩa sáp nhập lãnh thổ của BJP chính là chủ nghĩa khủng bố do Trung Quốc và Pakistan hậu thuẫn, cũng như sự xâm lược quân sự hóa đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ.

Hồi tháng 10/2021, một chủ tiệm thuốc nổi tiếng theo đạo Hindu đã bị sát hại, khiến nhiều người theo đạo Hindu phải trốn chạy khỏi Kashmir một lần nữa.

Hồi tháng Năm năm nay (2022), chỉ huy quân đội ở phương Bắc của Ấn Độ, Trung tướng Upendra Dwivedi nói rằng “Pakistan đã tạo ra một bộ giống (phục trang) ‘tanzeem’ để mang lại một màu sắc bản địa cho lực lượng nổi dậy ở Thung lũng sau khi nước này phải đối mặt với áp lực quốc tế để ngừng tài trợ cho các hoạt động khủng bố ở Jammu và Kashmir,” theo The Print.

Jammu là một phần của khu vực Kashmir rộng lớn.

Người dân tuần hành trong một cuộc biểu tình chống lại các vụ sát hại người thiểu số ở Jammu, Kashmir, Ấn Độ, hôm 02/06/2022. (Ảnh: Channi Anand/AP Photo)

Do hậu quả của cuộc khủng bố dai dẳng do nhà nước hậu thuẫn ở Kashmir, những người theo đạo Hindu chuyển đến khu vực này lo sợ cho tính mạng của mình, với một số người ở nhà trong nhiều tuần liền. Một số kênh truyền thông phương Tây đổ lỗi tình trạng bạo lực này cho chính phủ của ông Modi hơn là cho Pakistan. Họ đang đổ lỗi cho nạn nhân vì các mục tiêu chính trị.

Trong khi ĐCSTQ vận động hành lang để đưa Pakistan ra khỏi danh sách những quốc gia ủng hộ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố của FATF, thì Islamabad tiếp tục sử dụng bạo lực chính trị như một công cụ pháp chế. FATF không nên bỏ qua vấn đề này.

Theo giới truyền thông Ấn Độ, một báo cáo hồi tháng Năm chưa được Liên Hiệp Quốc công bố cho thấy, những kẻ khủng bố do Taliban hậu thuẫn vẫn tiếp tục vận hành các trại huấn luyện ở khu vực Afghanistan, trong đó có cả những trại có định hướng chống lại Ấn Độ. Cả Trung Quốc và Pakistan đều ủng hộ Taliban.

Tin tức bổ sung của tờ Sunday Guardian ở New Delhi cho thấy, “các trại này … được điều hành bởi các quan chức của cơ quan tình báo Pakistan, Tổng cục ISI, bên trong lãnh thổ Pakistan, tới phía đông tỉnh Nangarhar của Afghanistan.”

Bắc Kinh hậu thuẫn cho khủng bố

Bà Joyeeta Basu, biên tập viên của tờ Sunday Guardian lưu ý rằng, Bắc Kinh muốn đưa Pakistan ra khỏi danh sách FATF để khai thông hàng tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Bà cho biết khoản đầu tư đó là “một sai lầm nghiêm trọng” khi Pakistan tiếp tục là một quốc gia khủng bố.

Hơn nữa, bà còn viện dẫn các báo cáo nói rằng PLA có liên quan đến chính chủ nghĩa khủng bố của Pakistan.

Các binh sĩ Trung Quốc trong cuộc tập trận dưới trời tuyết gần đèo Khunjerab giáp ranh với Pakistan ở Taxkorgan, vùng Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc hôm 06/01/2021. (Ảnh; Chinatopix qua AP)

“Đã có những báo cáo đáng tin cậy về việc các tướng lĩnh Trung Quốc thiết lập liên lạc với các nhóm khủng bố mà Pakistan sử dụng để chống lại Ấn Độ, kể cả việc cố gắng khôi phục một nhóm cụ thể ở Ấn Độ được gọi là Al Badr, vốn đã không còn tồn tại,” bà Basu cho biết hôm 14/06.

“Chính vì Trung Quốc mà phải mất đến 10 năm — từ năm 2009 đến năm 2019 — Ấn Độ mới bắt được chỉ huy của nhóm Jaish-e-Mohammad đóng tại Pakistan, Masood Azhar, người bị liệt kê trong một danh sách khủng bố toàn cầu của Ủy ban Trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC), bất chấp việc Ấn Độ có được sự hậu thuẫn của các thành viên khác của UNSC.”

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ gặp khó khăn trong việc có được sự ủng hộ chống chủ nghĩa khủng bố của Liên Hiệp Quốc, vì quyền giám đốc điều hành của Cục Điều hành Chống Chủ nghĩa khủng bố của Liên Hiệp Quốc (CTED) là ông Trần Vĩ Hùng (Chen Weixiong), một công dân Trung Quốc được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Theo hiểu biết của tác giả bài viết này, ông Trần đã không công khai chỉ trích chủ nghĩa khủng bố do nhà nước Pakistan bảo trợ chống lại Ấn Độ và Afghanistan, cũng như không chỉ trích việc Bắc Kinh sử dụng chủ nghĩa khủng bố để viện cớ cho tội ác diệt chủng ở khu vực Tân Cương.

Dưới thời ông Trần, CTED của Liên Hiệp Quốc có sự thiên vị trong cách tiếp cận của mình. Mặc dù trang web của họ hiển thị nổi bật một báo cáo chống lại “chủ nghĩa khủng bố cực đoan cánh hữu” (không phải tất cả chủ nghĩa khủng bố đều cực đoan sao?), song không có báo cáo tương tự nào về “chủ nghĩa khủng bố cực đoan cánh tả”, trong đó ĐCSTQ là ví dụ rõ ràng nhất.

Cần phải thấy rõ từ việc ủng hộ Pakistan rằng, Bắc Kinh đang sử dụng chủ nghĩa khủng bố như một công cụ trong chính sách bang giao của họ theo cách đạo đức giả. Ông Đằng Bưu (Teng Biao), một học giả pháp lý tại Đại học Chicago, và bà Terri Marsh, một luật sư nhân quyền ở Hoa Thịnh Đốn, cho rằng bản thân ĐCSTQ là một tổ chức khủng bố vì các chiến thuật vùng xám của họ.

Điều đó hoàn toàn phù hợp với lịch sử ủng hộ các tổ chức ngầm theo chủ nghĩa Mao trên toàn cầu, như nhà sử học Julia Lovell, người đạt Giải thưởng Lịch sử Cundill năm 2019, đã lập luận rõ ràng trong cuốn sách “Chủ Nghĩa Mao: Một Lịch Sử Toàn Cầu” (“Maoism: A Global History”) của mình.

Trong toàn bộ lịch sử của mình, ĐCSTQ không chỉ can dự vào chính chủ nghĩa khủng bố của họ mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố cũng như các quốc gia khủng bố khác trên khắp thế giới.

“Trung Quốc được cho là đã — hoặc đang trả — tiền bảo kê cho các nhóm khủng bố đang hoạt động ở khu vực Af-Pak [Afghanistan-Pakistan] nhằm bảo vệ các dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) của họ, khi các nhóm khủng bố này tăng cường các cuộc tấn công chống lại các lợi ích của Trung Quốc,” bà Basu cho hay.

“Nếu chúng ta nhìn vào vùng Đông Bắc của Ấn Độ, thì Trung Quốc đã đang tài trợ cho các cuộc nổi dậy ở đó. Các báo cáo cho biết điều này cũng đã xảy ra ở Myanmar và Thái Lan.”

Ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố của ĐCSTQ

FATF có một danh sách đen và một danh sách “theo dõi” vùng xám. Tổ chức này liệt kê Pakistan nằm trong danh sách thứ hai, một sự trừng phạt quá nhẹ nhàng. Sự ủng hộ của Islamabad đối với chủ nghĩa khủng bố đủ để đưa nước này vào danh sách đen, cùng với hai quốc gia bất hảo ủng hộ chủ nghĩa khủng bố khác là Iran và Bắc Hàn. FATF cũng nên đưa Trung Quốc và Nga vào danh sách đen của mình.

Bất kỳ hành động ít hơn nào cũng cho thấy rằng FATF quá nhạy cảm với việc vận động hành lang của ĐCSTQ và vì vậy cơ quan này là một phần của vấn đề khủng bố hơn là giải pháp.

Đã đến lúc thế giới ngừng cho phép ĐCSTQ, một tổ chức khủng bố ủng hộ các hình thức khủng bố khác, tự chèn vào các tổ chức quyền lực về chính trị và kinh tế trên toàn cầu để rồi từ đó họ có thể vận động cho các chính sách có lợi cho khủng bố.

Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Nhật Bản, Ấn Độ, và các chính phủ hợp pháp khác coi trọng dân chủ, nhân quyền, và sự ổn định, nên phủ nhận tầm ảnh hưởng và lớp vỏ bọc hợp pháp của ĐCSTQ trong các tổ chức quốc tế như FATF. Chúng ta nên chặn đứng cơ hội mà ĐCSTQ có thể gây thiệt hại thực tế xuất phát từ bên trong đối với hòa bình và an ninh của thế giới.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts