Đức Nhã
Chiều ngày 30 tháng 6, ông Tập Cận Bình đã đi tàu cao tốc từ Thâm Quyến đến nhà ga đường sắt cao tốc Tây Cửu Long ở Hồng Kông, sau đó đi “xe limousine chống đạn” vào thành phố để chuẩn bị chủ trì đại lễ ngày 1 tháng 7. Nhưng cùng ngày, ông Tập Cận Bình đã đưa một số lượng lớn đoàn tùy tùng trở lại Thâm Quyến để nghỉ qua đêm, sáng mồng 1 tháng 7 lại đi đường sắt cao tốc từ Thâm Quyến đến Hồng Kông để dự đại hội. Một số nhà bình luận thời sự đã đưa ra lý giải.
Lễ kỷ niệm 25 năm bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 1 tháng 7 cũng là kỷ niệm hai năm thực hiện “Luật an ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Hồng Kông vào ngày hôm đó để chủ trì đại lễ. Tuy nhiên, lại quay về Thâm Quyến trong ngày mà không nghỉ qua đêm ở Hồng Kông, thậm chí bữa tối dự kiến ban đầu cũng bị hủy bỏ, khiến ngoại giới có nhiều đồn đoán. Nhiều nhà quan sát cho rằng ngoài việc lo nhiễm virus, ông Tập Cận Bình còn lo sợ về một vụ ám sát, hoặc một cuộc đảo chính đoạt quyền. Điều này cũng cho thấy, Hồng Kông vẫn chưa hoàn toàn nằm trong tay, và quyền lực trong nước cũng đang phải đối mặt với những thách thức.
Ông Tập Cận Bình đến thăm Hồng Kông, hủy bỏ bữa tối và quay lại Thâm Quyến
Theo bản tin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), lễ thượng cờ kỷ niệm 25 năm chuyển giao chủ quyền của Hồng Kông sẽ được tổ chức tại Quảng trường Kim Tử Kinh vào lúc 8 giờ sáng ngày 1 tháng 7. Chiều ngày 30 tháng 6, ông Tập Cận Bình đã đi tàu cao tốc từ Thâm Quyến đến nhà ga đường sắt cao tốc Tây Cửu Long ở Hồng Kông, sau đó đi “xe limousine chống đạn” vào thành phố để chuẩn bị chủ trì đại lễ ngày 1 tháng 7.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ông Tập Cận Bình sẽ không qua đêm ở Hồng Kông, đồng thời có thông tin cho rằng, bữa tiệc chào mừng do chính quyền Hồng Kông dự kiến tổ chức ban đầu cũng đã tạm thời bị hủy bỏ. Cùng ngày, ông Tập Cận Bình đã đưa một số lượng lớn đoàn tùy tùng trở lại Thâm Quyến để nghỉ qua đêm, sáng mồng 1 tháng 7 lại đi đường sắt cao tốc từ Thâm Quyến đến Hồng Kông để dự đại hội.
Để duy trì an ninh cao cho ông Tập Cận Bình, xung quanh ga Tây Cửu Long đã được phong tỏa kể từ nửa đêm ngày 28 tháng 6. Các khu vực mà Tập Cận Bình có thể ở, thăm và đi qua được chỉ định là khu vực an ninh cốt lõi, xung quanh được chỉ định là khu vực an ninh. Từ rạng sáng ngày 29 tháng 6, khu vực phía Bắc Wanchai đã bị phong tỏa trên diện rộng. Ga Hội chợ và Trạm triển lãm Hồng Kông cũng đóng cửa từ sáng sớm ngày 30 tháng 6. Đồng thời, cứ cách 10 đến 20 mét, các chốt gác được thiết lập tại ga Cửu Long và các đường phố lân cận.
Nhà báo Nhật Bản Akio Yaita: Ông Tập Cận Bình không nắm chắc Hồng Kông
Liên quan đến hành trình kỳ lạ của Tập Cận Bình, ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shinbun, Nhật Bản, phân tích rằng, ông Tập không dám qua đêm ở Hồng Kông, không chỉ vì sợ bị nhiễm dịch bệnh, mà còn sợ bị phản kháng, điều này cũng cho thấy rằng Hồng Kông vẫn chưa hoàn toàn trong tay ông.
Trong một bài trên Facebook ngày 30 tháng 6, ông Akio Yaita đã đăng, kể từ khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, hơn 2 năm nay, ông Tập Cận Bình đã không ra khỏi biên giới, điều này là rất hiếm thấy đối với các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới. “Tại sao Tập Cận Bình không xuất ngoại? Vì sợ lây nhiễm? Sợ bị ám sát? Hay là sợ một cuộc đảo chính trong nước khi ông đang xuất ngoại? Điều này đã khơi dậy trí tưởng tượng vô hạn của mọi người.”
Akio Yaita cho rằng, lễ kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao chủ quyền của Hồng Kông là rất quan trọng. “Các nhà lãnh đạo tiền nhiệm trước Tập Cận Bình đều không bỏ qua các ngày lễ kỷ niệm quan trọng ở Hồng Kông. Nếu ông Tập không đi, một số người sẽ nói rằng ông ấy không chú ý đến Hồng Kông, và, không chừng có thể thành mục tiêu công kích, ông ấy có thể bị tấn công bởi những kẻ thù chính trị”.
Ngoài ra, sau khi thực hiện Luật Luật an ninh Quốc gia, Hồng Kông đã đàn áp các phương tiện truyền thông và quốc hội bắt giữ một số lượng lớn các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, và đã bầu ra Trưởng đặc khu mới Lý Gia Siêu, người xuất thân từ cảnh sát. Theo các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, nó đã đạt đến “từ loạn đến trị”. Chuyến thăm Hồng Kông lần này của ông Tập Cận Bình còn có ý nghĩa thể hiện thành tích đối nội của “những người yêu nước cai trị Hồng Kông”. “Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông Tập Cận Bình không dám qua đêm ở Hồng Kông, thậm chí còn hủy tiệc tối. Buổi tối quay lại Thâm Quyến và ngày mai lại đi Hồng Kông. Kỳ thực, lý do cũng không khó để suy đoán. Thứ nhất là ông ta sợ dịch bệnh, thứ hai là sợ phản kháng.”
Ông Akio Yaita cho rằng, ông Tập Cận Bình đặc biệt sợ các cuộc biểu tình, bởi vì ông cũng biết rằng, những gì ĐCSTQ đã làm ở Hồng Kông trong những năm gần đây đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, “Nhiều thanh niên bị bỏ tù hoặc mất tích, cha mẹ họ muốn ông Tập Cận Bình cho một câu trả lời.”
Ông Akio Yaita cho rằng, mặc dù chính quyền Hồng Kông và cảnh sát sẽ hợp tác toàn diện để ngăn chặn xảy ra những sự việc ngoài ý muốn, nhưng không giống như ở trong Trung Quốc, chính quyền trung ương không thể sai khiến các quan chức chính phủ Hồng Kông như ở Trung Quốc được. Vì vậy, sau khi vội vã đến Hồng Kông, phải trở lại Thâm Quyến thì mới yên tâm. Do đó, ông Akio Yaita phân tích, sự việc này một lần nữa khẳng định ông Tập Cận Bình không yên tâm với đội ngũ mới nhậm chức của ông Lý Gia Siêu, đồng thời cũng cho thấy Hồng Kông ngày nay vẫn chưa hoàn toàn nằm trong tay ông Tập.
Hình chụp facebook của nhà báo Nhật Bản Akio Yaita
Hành trình thăm Hồng Kông siêu kỳ lạ của ông Tập Cận Bình vì sợ bị ám sát, đảo chính?
Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng, gần đây quyền lực của Tập Cận Bình đã bị thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài nước, khiến ông phải đề phòng một vụ ám sát, hoặc một cuộc đảo chính đoạt quyền sau khi ông ra khỏi đất nước.
Ông Phạm Thế Bình, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị Đại học Sư phạm Đài Loan, chỉ ra rằng, đơn vị cao nhất của ĐCSTQ về các vấn đề ở Hồng Kông là “Ban chỉ đạo công tác ở Hồng Kông và Macao”. Trưởng ban đầu tiên là Tăng Khánh Hồng, một cựu phó chủ tịch quốc gia, từng là phó của Giang Trạch Dân, bắt đầu nắm quyền từ năm 2003; Nhiệm kỳ thứ hai là Tập Cận Bình nhậm chức năm 2007, nhưng không có thực quyền; Người thứ ba là Trương Đức Giang, phe của Giang, nắm quyền từ năm 2012 đến 2018. Người hiện tại là Hàn Chính, cựu bí thư Thành ủy Thượng Hải. Phe Giang còn được gọi là “Băng đảng Thượng Hải”, trong khi mối quan hệ của Hàn và Giang là rất khó hiểu.
Nhà bình luận Phạm Thế Bình cho rằng, ông Tập Cận Bình không qua đêm ở Hồng Kông, điều này cũng cho thấy do cuộc tranh giành ngày càng khốc liệt giữa giữa phe Tập và phe Giang, cho nên Tập Cận Bình đã rất đề phòng đối với Hồng Kông.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Tang Phổ nói với Đài Á Châu Tự do rằng, ông Tập Cận Bình và vợ là bà Bành Lệ Viện đã mạo hiểm đến Hồng Kông “để thể hiện quyền lực của mình trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20, không sợ bị nghi ngờ hoặc rủi ro”, và thậm chí còn thể hiện ý nghĩa toàn quyền kiểm soát Hồng Kông.
Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn cho rằng, việc Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm 25 năm lần này đánh dấu sự khởi đầu của “sự trở lại lần thứ hai” của Hồng Kông, và cũng là sự kết thúc của lần một, thể hiện xóa bỏ triệt để ảnh hưởng của quá trình dân chủ hóa Hồng Kông đối với Trung Quốc. Đây cũng là một trong những “chiến tích” mà ông Tập Cận Bình sẽ thể hiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 để có thể tái đắc cử lần thứ ba.
Mặc dù tình hình nền kinh tế Hồng Kông ngày càng xấu đi, và “Hòn ngọc Viễn Đông” không còn rực rỡ, Đường Tĩnh Viễn cho rằng, suy nghĩ của ông Tập Cận Bình là ưu tiên đảm bảo an ninh chính trị, thiệt hại về kinh tế chỉ là thứ yếu, và thậm chí có thể hy sinh nếu cần thiết.
Đức Nhã
Theo Visiontimes