Tân đặc khu trưởng của Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), đã tuyên bố trước khi ông nhậm chức, “Có rất nhiều vấn đề ở Hồng Kông, mỗi một ngày chúng ta hãy giải quyết một vấn đề. Tôi cũng sẽ ưu tiên vấn đề nhà ở của chúng ta ngay sau khi tôi tuyên thệ nhậm chức.”
Công chúng đặt nhiều kỳ vọng vào ông Lý. Hôm 03/06/2022, một hội thanh niên đã phát hành một báo cáo nghiên cứu có nhan đề là “Tầm nhìn của Thanh niên Hồng Kông về Tương lai của Hồng Kông.” Nghiên cứu này cho thấy vấn đề nhà ở cho thanh niên đã trở thành vấn đề hàng đầu, mà những người trẻ tuổi mong mỏi tân trưởng đặc khu sẽ giải quyết đầu tiên.
Gần hai phần ba số người được phỏng vấn cho rằng tân chính phủ cần nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu nhà ở tại Hồng Kông.
Mặt khác, khoảng 50% thanh niên Hồng Kông bi quan về sự phát triển tương lai của thành phố, và gần 40% trong số họ hy vọng Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố tự do sau mười năm nữa.
Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên, được thành lập bởi Hiệp hội Thanh niên Hồng Kông (HKFYG), đã xuất bản một nghiên cứu về “Tầm nhìn của Thanh niên Hồng Kông đối với Tương lai của Hồng Kông.” Cuộc khảo sát trực tuyến này được thực hiện từ ngày 13 đến ngày 29/05/2022, với sự tham gia của 1,054 thành viên HKYFG trong độ tuổi từ 15 đến 34.
Kết quả cho thấy những gì mà thanh niên Hồng Kông mong đợi chính phủ mới có thể làm cho họ. 45% cho rằng giải quyết vấn đề nhà ở cho thanh niên là vấn đề cấp bách nhất, tiếp theo là lắng nghe tiếng nói của giới trẻ với 35.3%, và sau cùng là hàn gắn mối liên hệ của chính quyền với giới trẻ Hồng Kông.
Trong hầu hết các vấn đề xã hội đang được thảo luận, gần 2/3 (66.5%) đồng ý rằng chính phủ mới phải giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu nhà ở.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy gần một nửa thanh niên Hồng Kông bi quan về tương lai phát triển của Hồng Kông, trong khi chưa đến 20% bày tỏ sự lạc quan.
Ngoài ra, gần 40% số người được phỏng vấn hy vọng Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố tự do trong 10 năm tới, tiếp theo là sự ổn định và thịnh vượng ở mức 32.4%, và một thành phố đáng sống là 25.2%.
Không có gì ngạc nhiên khi các giá trị cốt lõi mà giới trẻ muốn chính phủ đạt được nhất là tự do ở mức 59.7%, dân chủ ở mức 41% và pháp quyền ở mức 35.9%. Kết quả này cho thấy rằng tự do là điều mà giới trẻ quan tâm.
Hai phần ba số người được phỏng vấn (66,6%) tin rằng chính quyền Hồng Kông không tin tưởng vào giới trẻ, trong khi hơn 50% tin rằng công chúng không tin tưởng vào giới trẻ Hồng Kông.
Ngược lại, 63.6% số người được hỏi không tin tưởng vào các cơ quan có thẩm quyền, điều này cho thấy có những vấn đề về lòng tin giữa hai bên.
Về mặt cá nhân, gần 50% thanh niên được khảo sát nghĩ rằng họ có thể vẫn sống ở Hồng Kông trong 10 năm tới, và 20% cho biết họ sẽ rời đi hoặc di cư ra ngoại quốc.
Dựa trên dữ liệu điều tra dân số của chính phủ Hồng Kông vào năm 2021, dân số thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 của Hồng Kông là 590,000 người. Nếu làm phép tính dựa theo tỉ lệ trên, thì tức là có hơn 100,000 thanh niên Hồng Kông sẽ rời khỏi thành phố.
Hồng Ân biên dịch