Miêu Vi
Nhà báo Mỹ tiết lộ rằng Tôn Lực Quân, Thứ trưởng Bộ Công an đã “ngã ngựa” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từng yêu cầu Tencent theo dõi và cung cấp thông tin về các quan chức cấp cao khác. Đồng thời, Tencent còn phát triển một phần mềm để dự đoán xem ai là người kế nhiệm thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ. Việc này đã khiến Trung Nam Hải cảnh giác, sau khi Tôn Lực Quân “ngã ngựa”, Tencent cũng bị chỉnh đốn.
Tôn Lực Quân sử dụng WeChat để theo dõi quan chức ở cao tầng của ĐCSTQ và dự đoán người kế nhiệm
Phóng viên Bloomberg Lulu Yilun Chen lần đầu tiên tiết lộ trong cuốn sách sắp xuất bản “Đế chế ảnh hưởng: Câu chuyện về Tencent và dã tâm công nghệ của Trung Quốc” (Influence Empire: The Story of Tencent and China’s Tech Ambition), rằng Tôn Lực Quân đã yêu cầu Tencent theo dõi và cung cấp thông tin về các quan chức cấp cao khác. Đồng thời, Tencent cũng đang phát triển một phần mềm dự đoán ai sẽ là người kế nhiệm thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Bloomberg nói rằng những người quen thuộc với vấn đề này, những người yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù, đã tiết lộ rằng Tôn Lực Quân đã yêu cầu WeChat thuộc sở hữu của Tencent cung cấp cho ông ta thông tin về các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết, Tôn Lực Quân không chỉ sử dụng WeChat để theo dõi các quan chức cấp cao mà còn ủy quyền cho Tencent phát triển một hệ thống dự báo để dự đoán những người kế vị quyền lực chính trị, nhưng dự án này vẫn chưa được hoàn thành. Việc Tôn Lực Quân giám sát các quan chức cấp cao và dự đoán của ông về các ứng cử viên cho Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã khiến cho tầng lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ cảnh giác. Tencent cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn tin cho biết, mặc dù chính quyền chưa bao giờ tiết lộ công khai các hoạt động giám sát của Tôn Lực Quân, nhưng trong thời gian Tôn bị điều tra, các hành động đã bị lộ ra, từ đó dẫn đến cuộc tấn công của chính quyền Bắc Kinh đối với Tencent.
Một quản lý cấp cao của Tencent bị bắt vì liên quan đến vụ Tôn Lực Quân
Ngày 11/2/2021, tờ Wall Street Journal (WSJ) trích dẫn nguồn tin nói rằng một quản lý cấp cao của Tencent, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, đã bị chính quyền bắt giữ vì liên quan đến một vụ tham nhũng liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Tôn Lực Quân.
Theo bài báo của WSJ, Trương Phong (Zhang Feng), một quản lý cấp cao của Tencent, do liên quan đến việc cung cấp dữ liệu WeChat cho Tôn Lực Quân, nên đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ điều tra từ đầu năm 2020.
Xét thấy các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Tencent luôn đồng lõa với chính quyền ĐCSTQ để theo dõi công chúng, thì việc dữ liệu WeChat được giao cho Bộ Công an ĐCSTQ là điều không thể tránh khỏi. Tại sao Trương Phong bị bắt vì điều này, đây cũng là chỗ khiến ngoại giới khá khó hiểu.
Về vấn đề này, WSJ cho rằng trường hợp của Trương Phong đã cho thấy rõ các công ty công nghệ cao Trung Quốc bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh chính trị ở tầng cao nhất của ĐCSTQ.
Phát ngôn viên của Tencent từng có thời điểm thừa nhận rằng một cựu nhân viên đang bị điều tra chống tham nhũng, nhưng phủ nhận mọi liên quan đến phần mềm WeChat.
Phiên tòa sơ thẩm Tôn Lực Quân: Những tội danh thực sự đã bị che giấu
Vụ án Tôn Lực Quân được xét xử vào ngày 8/7 tại Tòa án sơ thẩm thành phố Trường Xuân. Các cáo buộc về tội trạng của Tôn đã chuyển từ cấp độ chính trị của một năm trước (bành trướng dã tâm chính trị, cất giấu riêng một lượng lớn tài liệu mật, v.v.) sang nhận hối lộ 646 triệu nhân dân tệ, thao túng chứng khoán và sở hữu vũ khí bất hợp pháp.
Ngày 30/9 năm ngoái, quan chức ĐCSTQ đã đưa ra những cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng trong thông báo ‘song khai’ (khai trừ đảng, khai trừ công chức) đối với Tôn Lực Quân, bao gồm “dã tâm chính trị cực kỳ bành trướng, phẩm chất chính trị cực kỳ tồi tệ”, “cất giấu riêng một lượng lớn tài liệu mật”.
Vào tháng Một năm nay, tập đầu tiên của bộ phim chống tham nhũng “Không khoan nhượng” do truyền thông chính thức của ĐCSTQ là Đài CCTV phát sóng, một lần nữa đề cập đến việc bành trướng dã tâm chính trị của Tôn Lực Quân, đưa ra “kế hoạch 15 năm” của cá nhân, mỗi 5 năm lên một bậc mới.
Chính quyền không tiết lộ mục tiêu cao nhất của Tôn Lực Quân là gì. Một số nhà quan sát phỏng đoán rằng Tôn là thứ trưởng trẻ nhất của Bộ Công an. Trong 5 năm đầu, nếu tăng một bậc thì sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an; trong 5 năm thứ hai, nếu tăng thêm một bậc nữa thì sẽ là Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Quốc vụ hoặc Phó Thủ tướng; 5 năm thứ ba thăng cấp là Bí thư Ủy ban Chính trị – Pháp luật Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị và cả ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị.
Nhà bình luận chính trị Vương Hách có bài viết chỉ ra rằng Tôn Lực Quân đã trở thành một cán bộ cấp thứ trưởng của một đơn vị có thực quyền của Bộ Công an ở độ tuổi 40. “Nếu không có thực lực rất mạnh, và không phải là một ông lớn trong đội ngũ cốt cán của ĐCSTQ đích thân chỉ tên, thì việc có được vị trí như Tôn gần như là một điều viển vông. Ông ta chắc chắn là kết quả của một kế hoạch dài hạn của các thế lực chính trị có liên quan.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một học giả tại Mỹ và là một nhà quan sát các vấn đề thời sự chính trị kỳ cựu, phân tích rằng tội ác thực sự của Tôn Lực Quân là chống lại ông Tập Cận Bình, bởi vì ĐCSTQ liên tục nói về bè phái chính trị của Tôn Lực Quân một thời gian trước, và cũng có báo cáo rằng các quan chức công an địa phương âm mưu chống lại các nhà lãnh đạo trung ương, trên thực tế, chính là chống lại nhà lãnh đạo cao nhất. Đó là tội trạng thực sự của Tôn Lực Quân. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ không thể nói ra.
Vào ngày 1/3, Cao Tân (Gao Xin), người phụ trách chuyên mục của Đài Á Châu Tự Do, đã đăng một bài viết trong chuyên mục “Buổi tối nói chuyện Trung Nam Hải”, rằng gần đây có được thông tin nội bộ nói tiểu tổ lãnh đạo chuyên án đặc biệt nhằm thanh trừng bè phái chính trị của Tôn Lực Quân do Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), tân Bộ trưởng Bộ Công an, đứng đầu. Trong quá trình điều tra, đương kim ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hàn Chính cũng bị liên đới.
Khi ông Hàn Chính giữ chức Thị trưởng Thượng Hải đã điều chuyển Tôn Lực Quân đến Văn phòng Đối ngoại của Chính quyền Thành phố Thượng Hải. Năm 2008, ông Hàn Chính tiến cử Tôn Lực Quân cho ông Mạnh Kiến Trụ, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an, kể từ đó Tôn gia nhập hệ thống công an. Sau khi Mạnh Kiến Trụ nghỉ hưu, Quách Thanh Côn tiếp tục lên thay và đề bạt Tôn lên làm Thứ trưởng Bộ Công an.
Mã Hóa Đằng: Tencent có thể bị thay thế bất cứ lúc nào
Bloomberg đưa tin, sau vụ việc Tôn Lập Quân theo dõi các quan chức cấp cao, Bắc Kinh càng quyết tâm rằng Tencent phải bị kiểm soát.
Bài viết của Bloomberg nói, “Mã Hóa Đằng phải đối mặt với một sự lựa chọn: Hoặc định hình lại doanh nghiệp của mình và bản thân theo hình ảnh ‘Trung Quốc mới’ của ông Tập Cận Bình, hoặc mạo hiểm với nguy cơ có thể mất tất cả”.
Cùng với việc Tôn Lực Quân bị “ngã ngựa”, người sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng cũng lặng lẽ biến mất khỏi các sự kiện công khai. Thực tế, ông đã không đích thân tham dự hội nghị trí tuệ nhân tạo ở Thượng Hải, Hội nghị Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, hay cuộc họp thường niên của Tencent.
Cho đến năm 2021, Mã Hóa Đằng xuất hiện tại cuộc họp cuối năm của công ty và bày tỏ suy nghĩ của mình về hàng loạt thay đổi diễn ra trong năm qua. Ông nói rằng Tencent chỉ là một công ty bình thường có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Khi Tencent phục vụ đất nước và xã hội, cần làm được “không để trống vị trí và không vượt quá vị trí của mình”.
Miêu Vi, Vision Times