Nữ đại hải tặc có một không hai trên thế giới – nỗi kinh hoàng của người phương Tây

Trung Hòa

Trong con mắt người phương Tây, Trịnh Nhất Tẩu là đại hải tặc có một không hai trên thế giới. (Ảnh qua Aboluowang)

Trong con mắt người phương Tây, Trịnh Nhất Tẩu là đại hải tặc có một không hai trên thế giới, và là người có tên trong danh sách “10 đại hải tặc nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới”, “7 hải tặc hung tàn nhất lịch sử thế giới”.

Bất kỳ quyển sách nghiên cứu về hải tặc nào đều không bỏ sót Trịnh Nhất Tẩu. Từ Jorge Luis Borges của Argentina đến Hollywood ngày nay, Trịnh Nhất Tẩu nhờ các loại tác phẩm đã đi khắp năm châu bốn bể. Nhà văn Argentina Borges đã viết tiểu thuyết “Nữ hải tặc, quả phụ nhà Thanh” (Lady Pirate, the widow Ching). Đạo diễn người Italy Ermanno Olmi đã dựng bộ phim “Tiếng hát sau bình phong” (Singing Behind Screens) năm 2003. Bộ phim này hoàn toàn lấy cuộc đời Trịnh Nhất Tẩu làm vai diễn chính. Trịnh Nhất Tẩu còn được hóa thân vào trong Games, và truyện tranh.

Trịnh Nhất Tẩu là vợ của hải tặc nổi tiếng Trịnh Nhất. Sau lần Trịnh Nhất bị rơi xuống biển chết trong một cơn bão lớn, Trịnh Nhất Tẩu liền kế vị, trở thành lãnh tụ của Hồng bang. Từ đó, Hồng bang thay đổi tác phong cướp bóc xưa nay, bắt đầu cướp của nhà giàu giúp đỡ người nghèo, chỉ ra tay với những con tàu của phương Tây qua lại, do đó rất được lòng ngư dân trong các vùng biển xung quanh. Hồng bang ngày càng lớn mạnh, và trở thành bang phái hải tặc mạnh nhất.

Tháng 9 năm 1809, quan chức của công ty Đông Ấn Độ là Richard Glasspoole, và 7 thủy thủ bị hải tặc bắt cóc đòi tiền chuộc ở vùng biển gần Macao. Trong 11 tuần hải tặc và công ty Đông Ấn Độ mặc cả trả giá, Richard Glasspoole đã tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật của hải tặc. Sau khi trở về Luân Đôn, ông đã viết một cuốn hồi ức “Hải tặc kinh hoàng” (The terrible Ladrones).

Sách “The terrible Ladrones” (Ảnh qua Aboluowang)

Ông miêu tả rằng: Hồng bang có năm, sáu trăm chiếc thuyền lớn nhỏ, tổng số ba, bốn vạn người. Căn cứ chính của chúng ở Đại Dữ Sơn, Hồng Công. Trên đảo Hồng Công, chúng có trại, còn có xưởng đóng tàu thuyền. Phạm vi hoạt động của chúng từ cửa sông Châu Giang đến eo biển Quỳnh Châu. Hiện nay, ở Đại Dữ Sơn (nay gọi là Thái Bình Sơn) và vịnh Đồng La, vẫn còn di chỉ trại của Hồng bang.

Trong sách, Richard Glasspoole đã ghi chép lại đủ các loại hoạt động thường nhật của hải tặc Trung Quốc, nhưng điều khiến người phương Tây thấy thú vị nhất là Trịnh Nhất Tẩu đặt ra chế độ quy định để quản lý hải tặc: “Kẻ nào dám tự tiện chuyên quyền, hoặc trái lệnh thượng cấp, lập tức chém đầu không tha. Kẻ nào trộm cắp tài sản chung, hoặc trộm cắp của những người dân làng, những người cung cấp vật phẩm cho hải tặc, cũng luận tội xử tội chết. Bất kỳ người nào cũng không được cất giấu chiến lợi phẩm riêng mà chưa giao nộp kiểm tra, những chiến lợi phẩm này trước tiên phải đăng ký với Sự vụ trưởng, sau đó do Kỳ chủ thống nhất phân phối. Kẻ tự đi làm việc riêng, hoặc chưa được phép mà vắng mặt, kẻ ra trận lùi bước, thì bị cắt tai thị chúng”.

Đặc biệt là trong mệnh lệnh của Trịnh Nhất Tẩu còn có một quy định riêng cho con tin là phụ nữ: “Nếu chiếm con tin nữ làm vợ, thì phải trung thành với cô ấy. Nếu hãm hiếp con tin nữ, thì sẽ bị xử tử. (Hải tặc) nam nữ thông dâm, thì nam bị chặt đầu, nữ bị buộc vật nặng vào chân và ném xuống biển”.

Có thể thấy, những kẻ cướp biển này sống cuộc sống phi pháp nhưng rất có phép tắc quy củ. Đúng như người ta thường nói “Đạo tặc cũng có Đạo”.

Dưới sự lãnh đạo của Trịnh Nhất Tẩu, Hồng bang huấn luyện bài bản, kỷ luật nghiêm minh. Thời kỳ toàn thịnh, Hồng bang có trên 800 chiếc tàu thuyền lớn, trên 1000 chiếc thuyền nhỏ, quân số có thời đạt trên 100.000 người. Căn cứ hải tặc của Trịnh Nhất Tẩu ở Hồng Công, những hạm đội hải tặc không chỉ hoạt động ở vùng ven biển Quảng Đông và đồng bằng sông Châu Giang, mà còn thực tế kiểm soát cả vùng biển Đông, tương đương với một quốc gia biển lớn nhất Đông Nam Á.

Quy mô và tố chất của băng nhóm hải tặc Trịnh Nhất Tẩu khi đó có thể nói là số 1 thế giới, hải quân nước Anh và hải tặc Bắc Âu đều không thể thắng được.

Trên thực tế, Trịnh Nhất Tẩu đã có những chiến tích huy hoàng như nhiều lần đánh bại Thủy quân của nhà Thanh, những người đến để tiễu trừ cướp biển. Trịnh Nhất Tẩu còn đánh hạm đội Bồ Đào Nha – Macao (trong đó có cả lính đánh thuê Mỹ), bao vây Macao đến mức suýt nữa thì kiệt lương thực. Thấy hạm đội nước Anh đi trong các sông nội địa Quảng Châu như chỗ không người, Trịnh Nhất Tẩu đưa quân đánh, còn bắt sống được một tàu chiến Anh, chém chết mấy chục binh sĩ Anh, khiến quân Anh kinh sợ.

Để tiễu trừ hải tặc, mùa thu năm 1809, chính quyền nhà Thanh cùng với Bồ Đào Nha và Anh tổ chức hạm đội liên hợp, đột kích Đại Dữ Sơn. Trịnh Nhất Tẩu quyết định “Vây Ngụy cứu Triệu”, đích thân trấn thủ Đại Dữ Sơn để cầm chân quân chủ lực kẻ địch, một mặt phái kỳ binh tập kích vịnh Quảng Châu, giết chết Tổng binh Hổ Môn Lâm Quốc Lương và san phẳng pháo đài. 

Liên quân không đánh hạ được Đại Dữ Sơn, thấy hậu phương không giữ được, đành phải cuống quýt rút quân. Kết quả trên đường rút quân lại gặp phải mai phục của quân chủ lực hải tặc đã chuẩn bị từ sớm. Trải qua 9 ngày đêm kịch chiến, hơn 20 chiến thuyền của liên quân bị đánh chìm, Trịnh Nhất Tẩu chỉ tổn thất hơn 40 người.

Trịnh Nhất Tẩu đang chiến đấu. (Tranh: phạm vi công cộng)

Sau nhiều lần liên tiếp thất bại, Hoàng đế Gia Khánh đứng ngồi không yên, ông liên tiếp cách chức mấy vị Tổng đốc Lưỡng Quảng, cuối cùng bổ nhiệm Tuần phủ Sơn Đông Trương Bách Linh làm Tổng đốc Lưỡng Quảng. Trương Bách Linh vừa đến Quảng Châu, liền ra lệnh cho tất cả vận tải đường biển chuyển thành vận tải đường bộ, và tạm dừng tất cả việc thương mại trên biển. Một mặt khác, ông tăng cường huấn luyện thủy quân, và đánh tan một số nhóm hải tặc nhỏ.

Trịnh Nhất Tẩu nhìn nhận thời thế, cuối cùng quyết định tiếp nhận chiêu an.

Bà không đem vũ khí, không chào, chỉ dẫn “nhóm đàm phán” cả bà là 18 người, gồm phụ nữ và trẻ em, tiến vào Quảng Châu, xông thẳng đến nha môn Tổng đốc Lưỡng Quảng.

Cần biết rằng, theo luật lệ Đại Thanh, cầm đầu nhóm cướp bị bắt thì sẽ xử tử bằng hình thức lăng trì. Cuối cùng, bà tự nguyện ở lại trong thành làm con tin, để Trương Bách Linh có thể diện, cũng thể hiện sự thành ý. Điều này khiến Trương Bách Linh không thể không khâm phục, và đã đồng ý toàn bộ những điều kiện của bà.

Tranh cãi về việc quỳ, Trương Bách Linh, người tinh thông mưu kế, đã đề xuất: “Do Hoàng đế ban cho hôn nhân, cho phép Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo Tể kết phu thê hợp pháp. Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo Tể quỳ bái tạ ơn, đồng thời cũng coi là quỳ tiếp nhận chiêu an”.


Tranh chân dung Trương Bảo Tể. (Phạm vi công cộng)

Sau khi chiêu an, Trương Bảo Tể được phong chức quan tam phẩm, sau này thăng lên quan nhị phẩm, nhậm chức Phó tướng Mẫn An và Bành Hồ, Phúc Kiến. Trịnh Nhất Tẩu được ban làm Cáo mệnh phu nhân nhị phẩm.

Trịnh Nhất Tẩu đã tạo nên một truyền kỳ về nữ hải tặc.

Trung Hòa
Theo Tôn Khải Lệ – SOH

Related posts