Tin thế giới sáng thứ Năm

Ông Ranil Wickremesinghe kêu gọi dừng chia rẽ ngay sau khi trở thành tân Tổng thống Sri Lanka

Người dân Sri Lanka biểu tình phản đối Tổng thống mới đắc cử Ranil Wickremesinghe, ngày 20/07/2022, tại Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: Abhishek Chinnappa / Getty Images)

Quốc hội Sri Lanka đã bầu Tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe làm tân Tổng thống, bất chấp việc ông ngày càng không được lòng những người biểu tình chống chính phủ.

Ông Wickremesinghe đã giành được 134 trong tổng số 219 phiếu bầu trong Quốc hội, đánh bại 2 đối thủ là ông Dullas Alahapperuma (với 82 phiếu) và ông Anura Kumara Dissanayake (với 3 phiếu), Colombo Page đưa tin.

Tân Tổng thống cho biết ông đã trải qua 45 năm cuộc đời mình trong Quốc hội và rất vui vì điều đó đã mang lại cho ông vinh dự trở thành Tổng thống. 

“Tôi không cần phải nói cho quý vị biết tình trạng đất nước của chúng ta là như thế nào. Bây giờ cuộc bầu cử đã kết thúc, chúng ta phải chấm dứt sự chia rẽ này. Chúng ta đã có 48 giờ chia rẽ nhưng từ bây giờ tôi sẵn sàng đối thoại với quý vị”, ông nói và yêu cầu các đảng chính trị khác tại Sri Lanka làm việc với mình.

Cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm ông Wickremesinghe làm Thủ tướng vào tháng 05/2022, với hy vọng mang lại sự ổn định cho một đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Ông Wickremesinghe trở thành Tổng thống tạm quyền sau khi ông Rajapaksa bỏ trốn khỏi đất nước vào tuần trước và từ chức qua email.

Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, là một chính trị gia với nhiều năm kinh nghiệm trong các vấn đề ngoại giao và quốc tế. Tuy nhiên, ông không được lòng cử tri – những người coi ông là người từ thời chính phủ Rajapaksa. Dân chúng biểu tình bên ngoài dinh thự của Tổng thống đã hô vang “Về nhà đi Ranil” sau khi ông được bầu.

Với tư cách là tân Tổng thống, ông Wickremesinghe hiện có toàn quyền quyết định bổ nhiệm một Thủ tướng mới.

Các Tổng thống ở Sri Lanka thường được bầu bởi công chúng. Trách nhiệm chỉ thuộc về Quốc hội nếu chức vụ Tổng thống bị bỏ trống trước khi nhiệm kỳ chính thức kết thúc. Điều này chỉ xảy ra một lần trước đây ở Sri Lanka khi cựu Tổng thống Ranasinghe Premadasa, cha của nhà lãnh đạo đối lập hiện tại, bị ám sát. Thủ tướng Dingiri Banda Wijetunga được Quốc hội lựa chọn làm Tổng thống Sri Lanka vào năm 1993.

Xuân Hoa

AOC và hàng chục Nghị sĩ Mỹ thuộc phe Dân chủ bị bắt

Vào ngày 19/7/2022, Nghị sĩ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) bị bắt trong khi ngồi trước Tòa án Tối cao (Nguồn: Al Drago/Bloomberg / Getty).

Chiều ngày 19/7, Cảnh sát Quốc hội Mỹ đã bắt giữ 16 nghị sĩ Dân chủ tổ chức kháng nghị về vấn đề phá thai trước Tòa án Tối cao.

CNN đưa tin, những người biểu tình đeo khăn trùm đầu màu xanh lá cây có dòng chữ “Sẽ không lùi bước” đã tuần hành từ Điện Capitol đến Tòa án Tối cao. Không lâu sau khi bị rò rỉ dự thảo quyết định lật lại vụ án Roe kiện Wade liên quan đến vấn đề phá thai, trụ sở Tòa án Tối cao đã bị rào lại trong nhiều tuần vì lý do an ninh.

Trong vòng 2 phút sau khi những người biểu tình đến, cảnh sát bắt đầu ra lệnh cho họ “dừng lại” nhưng thay vì lắng nghe thì họ ngồi trên đường cho đến khi bị cảnh sát bắt đi.

“Người biểu tình bắt đầu chặn Đường số 1 ở Nebraska. Việc chặn giao thông là vi phạm luật, vì vậy cảnh sát ra 3 cảnh báo theo quy định trước khi tiến hành bắt giữ”, Cảnh sát Capitol viết trên Twitter.

Cảnh sát Capitol cho biết tổng cộng 34 người đã bị bắt, trong đó có 16 thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ.

Thời báo Washington đưa tin rằng Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez và Omar đã bị chụp ảnh giả vờ bị còng tay. Các phương tiện truyền thông xã hội đã tràn ngập các clip về dân biểu Đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez đặt tay ra sau lưng như thể cô ấy bị còng tay, mặc dù thực tế không phải vậy. Khoảng 10 giây sau cô ấy đã được quay cảnh giơ nắm đấm tay phải hướng về những người xung quanh thờ ơ.

Dân biểu Đảng Dân chủ Ilhan Omar là thành viên của “Nhóm 4 người trong Quốc hội” cũng bị quay video với hai tay quặt sau lưng như thể bị còng, tuy nhiên sau đó lại thấy giơ tay phải chào đám đông.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Nhật Bản ghi nhận trên 150,000 ca mắc COVID-19 mới trong ngày

Ngày 20/7, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới vượt 150.000 – con số cao kỷ lục mới – trong bối cảnh đợt dịch thứ 7 đang hoành hành tại “xứ sở hoa anh đào” do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan với tốc độ cao, theo hãng tin Japan Times.

Cụ thể, hơn 20 trong tổng số 47 tỉnh ở Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức kỷ lục mới, trong đó có Aichi, Osaka, Hyogo và Okinawa.

Thủ đô Tokyo ghi nhận 20.401 ca mắc mới, qua đó lần đầu vượt 20.000 ca kể từ đầu tháng 2. Tỉnh Osaka báo cáo con số kỷ lục mới với 21.976 ca nhiễm mới. Tỉnh Kanagawa gần Tokyo cũng ghi nhận con số kỷ lục 11.443 ca, lần đầu tiên vượt mức 10.000 ca.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản đã duy trì ở mức tương đối thấp cho đến giữa tháng 6 vừa qua, trước khi bắt đầu tăng mạnh trong thời gian gần đây do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lan nhanh trên cả nước. Tuần trước, cố vấn hàng đầu về COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, ông Shigeru Omi, xác nhận rằng nước này đã bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 7.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20/7, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno khẳng định lại rằng chính phủ nước này sẽ không áp đặt các hạn chế liên quan đến đi lại.

Các chính phủ trên khắp khu vực châu Á, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, đang tăng gấp đôi nỗ lực bảo vệ người dân trước các biến thể COVID-19 mới với khả năng lây lan cao, đồng thời khiến gia tăng số ca nhiễm trong thời gian gần đây.

Phan Anh

Mỹ hứa chuyển thêm cho Ukraine 4 hệ thống pháo cơ động cao HIMARS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Tư (20/7) nói rằng Washington sẽ chuyển thêm 4 Hệ thống Pháo Cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine ngay sau khi gói viện trợ quân sự mới được loan báo.

Ông Austin cho biết gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine sẽ được loan báo chi tiết hơn vào cuối tuần này. Với việc được Mỹ chuyển thêm 4 hệ thống HIMARS, tổng cộng Ukraine sẽ nhận được 16 vũ khí công nghệ cao này từ Mỹ và thêm 4 hệ thống như vậy nữa từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng họ cần khoảng gấp ba số lượng hệ thống HIMARS đó để “ngăn chặn kẻ thù” một cách hiệu quả.

Đại Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Quân đội Mỹ, nói rằng thông thường các vũ khí của Mỹ sẽ bắt đầu được chuyển tới Ukraine sau “khoảng 48 – 72 giờ” từ khi tổng thống ký lệnh và sẽ đến được tiền tuyến trong vòng “trên dưới 1 tuần”.

Cũng theo Tướng Milley, binh sĩ Mỹ đã huấn luyện cho khoảng 200 đồng nghiệp Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tại các địa điểm huấn luyện bên ngoài quốc gia cựu Soviet.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm thứ Ba (19/7) nói rằng quân đội nước này cho đến nay đã sử dụng các hệ thống HIMARS để “phá hủy khoảng 30 trạm chỉ huy” của Nga. Ông Reznikov nói thêm rằng Ukraine cần “tối thiểu” 100 hệ thống HIMARS để tiến hành phản công quân Nga “hiệu quả”.

Như Ngọc (Theo Washington Examiner)

Related posts