Chuyên gia: ĐCSTQ phản ứng thái quá và hiểu sai về việc bà Pelosi có thể thăm Đài Loan

Bà Nancy Pelosi. (Nguồn: nara.getarchive.net)

Gần đây có thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có kế hoạch dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan vào tháng Tám. Tin tức vẫn chưa được xác nhận, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phản ứng mạnh mẽ. Chuyên gia cho rằng việc ĐCSTQ ‘nhảy dựng lên’ là cách làm xưa nay của họ, hơn nữa đã thổi phồng và hiểu sai thông tin.

Tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Ba (19/7) rằng bà Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan vào tháng Tám. Nhưng tin tức vẫn chưa được xác nhận.

Nếu bà Pelosi được xác nhận sẽ thực hiện chuyến thăm, đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan kể từ sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một đảng viên Đảng Cộng hòa, vào năm 1997.

Bà Pelosi, 82 tuổi, đã nhiều lần bày tỏ thái độ ủng hộ Đài Loan. Trong số đó, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua “Đạo luật Đài Bắc” vào tháng 3/2020, bà đã ra tuyên bố rằng “Mỹ đứng cùng Đài Loan”. Bà đã lên kế hoạch đến thăm Đài Loan vào tháng Tư, khi đó Bắc Kinh gọi đây là “hành động khiêu khích ác ý”. Nhưng sau đó chuyến đi của bà Pelosi bị hủy bỏ vì bà nhiễm virus corona mới.

Ông Đổng Tư Tề, Phó giám đốc điều hành của Taiwan Thinktank tại Đài Loan, nói với Epoch Times vào ngày 20/7 rằng bà Pelosi dường như có nhiều khả năng đến thăm Đài Loan hơn. Chuyến thăm của bà tới Đài Loan tương đương với sự ủng hộ trực tiếp hơn đối với Đài Loan của Quốc hội Mỹ, và cũng là thể hiện thực chất của một mối quan hệ hữu hảo giữa Đài Loan và Mỹ.

ĐCSTQ lại ‘nhảy dựng lên’, bị cho là phản ứng thái quá và hiểu sai

ĐCSTQ đã phản ứng mạnh mẽ trước tin tức về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 19/7, người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói rằng Trung Quốc yêu cầu “Mỹ không nên sắp xếp để Chủ tịch Hạ viện Pelosi thăm Đài Loan”, nếu phía Mỹ nhất mực làm theo ý mình, thì phía Trung Quốc sẽ có biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ, “phía Mỹ phải tự chịu trách nhiệm về mọi hậu quả của việc này”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói rằng bà Pelosi đang gửi một “tín hiệu sai nghiêm trọng” đối với việc “Đài Loan độc lập”.

Ông Đổng Tư Tề cho rằng kiểu ‘nhảy dựng lên’ thế này là cách làm thường thấy của ĐCSTQ, nhưng lần này trông họ có vẻ lo lắng hơn. Sự nâng cấp của mối quan hệ Mỹ – Đài Loan đã khiến ĐCSTQ cảm thấy áp lực.

Ông nói rằng địa vị của bà Pelosi được xếp hạng rất cao trong số các chính trị gia Mỹ và là một nhà lãnh đạo quốc hội quan trọng ở Mỹ. Ngoài ra, từ năm 1997 đến nay, chuyến thăm này sẽ là chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Hạ viện đến Đài Loan, ĐCSTQ sẽ nói rằng Mỹ đang thực hiện một số thay đổi. “Nhưng đối với Mỹ, đây không phải là một sự thay đổi hiện trạng. Quan trọng hơn, đây là một thực tiễn quan trọng cho mối quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Đài Loan.” Mỹ làm điều này, điều mà họ cân nhắc không phải là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là nhu cầu của mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Đổng Tư Tề cho rằng cần phải chú ý đến việc liệu ĐCSTQ có phản ứng theo một số cách quyết liệt hơn hay không, bao gồm cả việc leo thang các cuộc tập trận tuần tra ở eo biển Đài Loan.

Đối với kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi, nó liên quan đến thời điểm nhạy cảm đối với ĐCSTQ. Trong vài tháng nữa sẽ là thời điểm ĐCSTQ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, và ông Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Ông Đổng Tư Tề cho rằng trước Đại hội 20 của ĐCSTQ, nếu họ có những hành động quyết liệt ở eo biển Đài Loan, điều đó có thể không có lợi cho tình hình nội bộ của Trung Quốc hoặc sự ổn định chính trị trước Đại hội 20.

Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, nói với Epoch Times vào ngày 20/7 rằng ĐCSTQ đã phóng đại quá mức tin tức về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi và hiểu sai về hoạt động của một quốc gia dân chủ. Cái mà họ gọi là “đưa ra tín hiệu sai lầm về Đài Loan độc lập”, là một sự hiểu lầm nghiêm trọng.

“Bởi vì Trung Hoa Dân Quốc vốn là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, thủ phạm chia rẽ Trung Quốc là ĐCSTQ, không phải Trung Hoa Dân Quốc, ĐCSTQ đã hoàn toàn đánh tráo khái niệm.”

“Trước đó, chúng ta đã thấy Bộ trưởng Y tế Mỹ và những người khác đến thăm Đài Loan, không phải cái gọi là ‘gửi một tín hiệu sai’, mà là một tín hiệu tích cực, tất cả đều nhằm đảm bảo duy trì hiện trạng eo biển Đài Loan, và còn là sự ủng hộ đối với chế độ dân chủ của Trung Hoa Dân Quốc. Chế độ dân chủ của Trung Hoa Dân Quốc thực sự là ngọn hải đăng quan trọng nhất của tự do trong toàn bộ hệ thống người Hoa. Đây cũng là điều mà cựu Phó Tổng thống Mỹ đã nói công khai.”

Ông Tô Tử Vân nói rằng sự hiểu lầm của ĐCSTQ đối với các nước dân chủ là cơ quan hành pháp của một nước dân chủ không có quyền chỉ huy trực tiếp đối với cơ quan lập pháp.

Ông cho rằng những tuyên bố của các nhà ngoại giao của ĐCSTQ sẽ sinh ra hiệu quả ngược lại. “Vào năm 2020, ĐCSTQ đã áp đặt cái gọi là các biện pháp trừng phạt đối với một số thành viên của Nghị viện châu Âu, kết quả tạo thành sự phản ứng tập thể mạnh mẽ của toàn bộ Liên minh châu Âu. Nếu ĐCSTQ cố ý phóng đại giải thích về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, và đưa ra phản ứng theo phương hướng sai lầm, thì Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu phản ứng dữ dội hơn nữa.”

Hồ Tích Tiến: Máy bay quân sự của ĐCSTQ có thể đi theo máy bay của bà Pelosi vào Đài Loan

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ đã đăng trên Weibo nói rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là một “sự biến trọng đại”. Ông thậm chí còn kêu gào: Máy bay quân sự của ĐCSTQ có thể chọn “bay cùng” với máy bay đặc biệt của bà Pelosi ở một khoảng cách thích hợp, “cùng đi vào đảo Đài Loan, lướt qua bầu trời ở sân bay bà Pelosi hạ cánh, sau đó đi xuyên qua Đài Loan trở về Đại Lục. Trong thời gian này, quân đội của Đài Loan không dám nổ súng đối với máy bay chiến đấu của chúng ta”, v.v.

Hiện tại, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì vấn đề Đài Loan, trong những năm gần đây, quân đội của ĐCSTQ đã đưa ngày càng nhiều máy bay chiến đấu và máy bay ném bom vào “vùng nhận dạng phòng không” của Đài Loan và thường triển khai tàu chiến ở vùng biển phía đông Đài Loan .

Đáp lại phát biểu của ông Hồ Tích Tiến, ông Tô Tử Vân nói rằng dù theo quan điểm luật pháp quốc tế hay thực dụng, nếu một máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận của Đài Loan, Đài Loan có thể thực hiện vũ trang tự vệ và có thể thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn máy bay quân sự của ĐCSTQ xâm phạm vùng trời của mình.

Ông Tô Tử Vân cho rằng việc cố ý tấn công và đe dọa là truyền thống của ĐCSTQ. Phát ngôn của ông Hồ Tích Tiến là một biểu hiện sai lầm về tình hình hai bờ eo biển và là một thái độ bắt nạt vô trách nhiệm.

“Trên thực tế, tình hình ở eo biển Đài Loan hiện đang căng thẳng. Mấu chốt không phải là Mỹ hay Đài Loan, mà là ĐCSTQ. ĐCSTQ đã sử dụng phương thức mở rộng quân sự này để khiến cuộc đối đầu quanh eo biển Đài Loan leo thang. Bây giờ là lần lượt chỉ trích Đài Loan, Mỹ hay Nhật Bản, giải thích thành đối đầu với Trung Quốc. Nhưng thực tế những gì các nước dân chủ đang làm là chống ĐCSTQ chứ không phải chống Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ những gì ông Hồ Tích Tiến nói là rất ngây thơ, và nó là một thái độ bắt nạt vô trách nhiệm, là không nói đạo lý và chỉ muốn dùng vũ lực để bắt nạt người khác.”

Theo ông Tô Tử Vân, những ngôn từ của ông Hồ Tích Tiến ngược lại lại gây bất lợi cho ĐCSTQ, điều này chứng tỏ mối nguy hiểm do ngoại giao chiến lang, chủ nghĩa bành trướng quân sự và hiểu sai về chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ mang lại. “Tôi nghĩ những ngôn từ của ông Hồ Tích Tiến là rất thiếu khôn ngoan, hơn nữa còn là vô trách nhiệm.”

Diễn giải chiến lược của Mỹ từ mơ hồ đến rõ ràng

Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào cuối năm 1978 và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào ngày 1/1/1979. Washington công nhận Bắc Kinh về mặt ngoại giao nhưng vẫn duy trì quan hệ với Đài Bắc, coi là đồng minh quân sự quan trọng của mình.

Nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn duy trì “sự mơ hồ về chiến lược”, tức là không cho biết Washington sẽ đưa ra lập trường gì trước cuộc tấn công của Bắc Kinh vào Đài Loan. Tuy nhiên, gần đây đã có những lời kêu gọi từ giới chính trị Mỹ và Quốc hội Mỹ về việc áp dụng “chiến lược rõ ràng” (tức là Mỹ thể hiện rõ ràng chính sách đáp trả khi ĐCSTQ sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan). Bản thân Tổng thống Biden đã nói rằng nếu Đài Loan bị ĐCSTQ tấn công, Mỹ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan. Mặc dù một số phương tiện truyền thông suy đoán rằng đó là “lỡ miệng”, và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng làm rõ và nhắc lại rằng chính sách “mơ hồ chiến lược” vẫn không thay đổi, nhưng các nhà phân tích tin rằng có nội tình khác.

Ông Tô Tử Vân nói với Epoch Times, giới quan sát cho rằng thông tin chiến lược của Mỹ là mơ hồ, nhưng cần phải nhìn nhận ngược lại, bởi vì chiến lược của Bắc Kinh rõ ràng thì mới thúc đẩy Mỹ trở nên rõ ràng về chiến lược.

“Lý do là hiện nay Bắc Kinh đem ‘một Trung Quốc’’ trước đây nói thành ‘một quốc gia, hai chế độ’ và ‘phương án Đài Loan’. Thứ hai, về thủ đoạn, họ đã liên tục tăng cường mở rộng quân sự, có nghĩa là Bắc Kinh đã hướng tới chiến lược rõ ràng. Hơn nữa kiểu chiến lược rõ ràng này là muốn đe dọa dùng vũ lực để thay thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan, còn có Biển Hoa Đông và thậm chí là biển Đông. Tình huống này chính là đã buộc Mỹ chuyển hướng sang rõ ràng chiến lược mang tính xây dựng.”

Ông Tô Tử Vân giải thích, từ việc chính Tổng thống Biden 3 lần nói ông ấy sẽ gửi quân đến bảo vệ Đài Loan, và sau đó bao gồm bài phát biểu trước công chúng của Bộ trưởng Quốc phòng Austin tại Hội nghị Shangri-La rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan trong việc tự vệ, đồng thời quân đội cũng sẽ tăng cường chuẩn bị chiến tranh để đề phòng việc ĐCSTQ dùng vũ lực thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan. Về cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương gần đây, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Samuel Paparo đã trực tiếp tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn công khai trên phương tiện truyền thông quốc tế, nói rằng cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương là sự chuẩn bị cho việc ĐCSTQ có thể sử dụng vũ lực để xâm lược Đài Loan vào năm 2027.

“Đây chính là một định hướng chiến lược của Mỹ, một hướng đi mang tính chất xây dựng hoặc xây dựng rõ ràng, đối ứng với sự rõ ràng trong chiến lược của Bắc Kinh.”

Ông Đổng Tư Tề cũng cho rằng cái gọi là rõ ràng trong chiến lược của Mỹ không phải là sự rõ ràng dần dần của mối quan hệ Mỹ – Đài Loan, mà là thực tế là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ ràng hơn.

Ông nói, Mỹ hay nhiều nước trên thế giới có sự khoan nhượng đối với ĐCSTQ vì mục tiêu phát triển kinh tế, nhưng việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền và đe dọa chủ quyền đối với các nước khác, đã khiến Mỹ có thái độ rõ ràng hơn đối với ĐCSTQ.

Theo ông, “Thay vì nói rằng (Mỹ) có một chiến lược rõ ràng đối với Đài Loan, chi bằng nên nói rằng họ đã áp dụng một cách tiếp cận rõ ràng hơn đối với ý đồ thay đổi hiện trạng quốc tế hoặc thay đổi trật tự thế giới của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Theo Hải Chung, Lạc Á / Epoch Times

Related posts