Ukraine bắn phá cầu then chốt bằng hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp
Pháo binh Ukraine đã đánh trúng một cầu nối chiến lược cần thiết để Moscow tiếp viện cho các lực lượng đang chiếm đóng khu vực phía Nam Ukraine, sử dụng hệ thống tên lửa chính xác do Mỹ cung cấp, Phó lãnh đạo chính quyền Kherson do Moscow bổ nhiệm, Kirill Stremousov, cho biết hôm thứ Ba (26/7).
Quân đội Ukraine đã tấn công cây cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnepr ở miền nam Ukraine vào cuối ngày thứ Ba (26/7).
Ông Kirill Stremousov xác nhận hôm thứ Tư (27/7) rằng, cây cầu vẫn đứng vững nhưng bề mặt cây cầu bị thủng nhiều chỗ, gây khó khăn cho các phương tiện qua lại và hiện đang tiếp tục được sửa chữa.
Cây cầu dài 1,4 km (0,9 dặm) đã chịu thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc pháo kích của Ukraine vào tuần trước, khi nó bị tên lửa đánh trúng nhiều lần. Mặc dù vậy, cây cầu vẫn được sử dụng để các phương tiện chở khách qua lại cho đến khi có cuộc tấn công gần đây nhất.
Lực lượng Ukraine đã sử dụng nhiều bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp để bắn trúng cây cầu, ông Stremousov nói.
Hôm 27/7, quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn HIMARS vào cầu Antonovsky bắc qua sông Dnieper vào khoảng 1 giờ sáng. Một số nhân chứng cho biết đã đếm được 18 vụ nổ trên cầu và hệ thống phòng không Nga “dường như không ngăn được vụ tập kích”.
Hệ thống HIMARS có khả năng tấn công chính xác và đã bổ sung thêm lợi thế công nghệ hiện đại hơn cho các khí tài quân sự cũ của Ukraine.
Trong khi việc ngăn chặn giao thông qua cầu chỉ gây ra một chút suy giảm trong hoạt động quân sự tổng thể của Nga, cuộc tấn công cho thấy lực lượng Nga rất dễ bị tổn thương.
Đây là cây cầu chính bắc qua sông Dnepr ở vùng Kherson. Lựa chọn khác duy nhất là đi qua một con đập tại nhà máy thủy điện ở Kakhovka, cũng bị hỏa hoạn vào tuần trước nhưng vẫn thông thoáng cho hoạt động giao thông vận tải.
Hồi đầu cuộc chiến, quân đội Nga nhanh chóng đánh chiếm khu vực Kherson nằm ngay phía bắc Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Họ đã phải đối mặt với các cuộc phản công của Ukraine, song vẫn giữ vững được thế trận.
Thống đốc Dnipropetrovsk, ở khu vực trung tâm phía đông Ukraine, hôm thứ Tư (27/7) cho biết các lực lượng Nga đã tấn công hai khu vực bằng pháo binh.
Theo một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington DC, trong bối cảnh Moscow đang thúc đẩy kiểm soát hoàn toàn các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk, người Nga đã chiếm được vùng đất biên về phía đông bắc Bakhmut.
Tuy nhiên, các lực lượng Nga không có khả năng chiếm thêm lãnh thổ đáng kể ở Ukraine “trước đầu mùa thu”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết.
Trong một video đăng tối 26/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng khoảng 40.000 binh sĩ Nga đã tử trận ở Ukraine, cùng hàng chục nghìn người bị thương. Ông cũng cáo buộc Moscow che giấu thông tin về thương vong.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky không đưa ra căn cứ cho số liệu. Tuyên bố của ông không thể được xác minh độc lập
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 20/7 cho biết, Nga mất khoảng 15.000 binh sĩ, số bị thương cao gấp ba lần, nhưng Ukraine cũng chịu thương vong đáng kể.
Đô đốc Tony Radakin, quan chức quốc phòng Anh, gần đây nói với đài BBC rằng khoảng 50.000 binh sĩ Nga thương vong trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Quân đội Nga lần cuối cùng báo cáo về tổn thất của mình vào tháng 3, khi nói rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương.
Kyiv không tiết lộ con số cụ thể ở phía mình, nhưng hồi tháng 6 cho biết 100-200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng mỗi ngày trong giai đoạn cao điểm của chiến sự tại miền đông.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times
WHO thông báo bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 78 quốc gia
Hôm 27/7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo ghi nhận trên 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới tại 78 quốc gia, trong đó phần lớn nằm ở khu vực châu Âu.
Trước đó, ngày 23/7, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu – cấp độ cảnh báo cao nhất với một đợt bùng phát dịch bệnh. Cơ quan này thông báo rằng cho đến nay, 98% số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở các nước ngoài châu Phi (nơi coi đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành) là ở nhóm nam giới có quan hệ đồng tính.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đợt bùng phát lần có thể ngăn chặn được và cách tốt nhất là giảm nguy cơ phơi nhiễm, đồng nghĩa rằng mỗi người cần thực hiện những lựa chọn an toàn cho bản thân và những người khác.
WHO khuyến nghị tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những nhân viên y tế, những nam giới có quan hệ đồng tính với nhiều bạn tình. WHO cũng cảnh báo phải mất vài tuần sau khi tiêm phòng mũi vắc-xin thứ 2 để vắc-xin phát huy đầy đủ hiệu quả bảo vệ. Vậy nên, mọi người cần tiếp tục phòng tránh cho tới thời điểm vắc-xin thực sự hiệu quả. Trong đợt bùng phát lần này, khoảng 10% các bệnh nhân phải nhập viện và 5 người tử vong đều ở châu Phi.
Bệnh đậu mùa khỉ vốn không nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu vì từ nhiều thập kỷ qua khi chỉ lưu hành ở châu Phi. Tuy nhiên, đến tháng 5, các ca bệnh lần đầu được ghi nhận ở ngoài châu lục này. Các bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, trong đó có sốt, choáng váng, nổi mẩn mưng mủ trên da và có thể khỏi bệnh sau vài tuần.
Phan Anh
Sri Lanka khủng hoảng y tế không có thuốc điều trị, không có thuốc bán
Sri Lanka đã tuyên bố phá sản vào ngày 5/7, trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương vỡ nợ trong 20 năm qua, gây chấn động toàn cầu. Toàn bộ bệnh viện lớn nhất nước này trở nên hoàn toàn tối tăm và gần như trống rỗng, chỉ còn lại một vài bệnh nhân không được điều trị và vẫn trong cơn đau đớn. Thậm chí các bác sĩ không thể đến bệnh viện trong giờ giao ca vì thiếu xăng dầu.
Cách đây vài tháng, quốc gia Nam Á Sri Lanka, với hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí, từng khiến các nước láng giềng ghen tị, hiện đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Bà Theresa Mary, một bệnh nhân 70 tuổi bị tiểu đường và huyết áp cao, gây viêm khớp đã đến Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka tại thủ đô Colombo để điều trị. Nhưng đến đoạn đường cuối cùng, bà không thể bắt được xe, nên phải tập tễnh đi bộ suốt 5km cuối cùng.
4 ngày sau, dù đã xuất viện nhưng bà Mary vẫn đi đứng rất khó khăn, chủ yếu là do hiệu thuốc đã hết thuốc giảm đau được trợ cấp.
Bà Mary nói với AFP rằng bác sĩ yêu cầu bà đến mua thuốc tại một hiệu thuốc tư nhân, nhưng bà không có tiền. Hiện đầu gối của bà vẫn còn sưng và bà không có nhà ở Colombo, vì vậy bà không biết mình còn phải đi bộ bao lâu nữa.
Đến nay, Bệnh viện quốc gia Sri Lanka, nơi thường điều trị cho các bệnh nhân cần điều trị chuyên khoa trên khắp đất nước, chỉ hoạt động với số lượng nhân lực bị cắt giảm. Trong số 3.400 giường bệnh của bệnh viện, nhiều chiếc đều để trống.
Nguồn cung cấp thiết bị phẫu thuật và thuốc cứu sinh gần như đã cạn kiệt. Tình trạng thiếu xăng triền miên đã khiến bệnh nhân và bác sĩ không thể đến bệnh viện.
Ông Vasan Ratnasingham, một thành viên của Hiệp hội Nhân viên Y tế Chính phủ, nói với AFP rằng các bệnh nhân được lên lịch phẫu thuật cũng không được báo cáo. Một số nhân viên y tế đều phải làm việc 2 ca, chủ yếu là do những người khác không thể đi làm, dù có ô tô, nhưng họ không có xăng.
Sri Lanka nhập khẩu 85% thuốc và thiết bị y tế, cũng như nguyên liệu thô để sản xuất các mặt hàng cần thiết còn lại. Nhưng hiện giờ Sri Lanka đã tuyên bố phá sản. Việc thiếu ngoại hối khiến đất nước này không có đủ xăng để duy trì nền kinh tế, cũng như không đủ thuốc để chữa bệnh.
Ông chủ hiệu thuốc K. Mathiyalagan nói với AFP rằng các loại thuốc giảm đau thông thường, thuốc kháng sinh và thuốc dành cho trẻ em đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng, hơn nữa các loại thuốc khác cũng đã đắt gấp 4 lần trong vòng 3 tháng qua.
Mathiyalagan cho biết các đồng nghiệp của ông cứ 10 đơn thuốc lại phải 3 đơn, vì không có thuốc bán. Ông cũng cho biết thêm, nhiều loại thuốc thiết yếu đã hết sạch. Bác sĩ cũng không biết nhà thuốc có những loại thuốc gì để kê đơn.
Quan chức Bộ Y tế Sri Lanka cũng từ chối tiết lộ chi tiết về tình trạng hiện tại của các dịch vụ y tế công cộng mà 90% dân số nước này phụ thuộc vào.
Các bác sĩ làm việc trong các bệnh viện chính phủ cho biết, họ đang bị buộc phải cắt giảm các hoạt động thường ngày, để ưu tiên các trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng và thay thế bằng các loại thuốc kém hiệu quả hơn.
Trong một tuyên bố, ông Hanaa Singer-Hamdy, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, cho biết hệ thống y tế vững mạnh một thời của Sri Lanka đang bị đe dọa, khiến các nhóm dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, Sri Lanka sẽ chứng kiến nhiều trẻ sơ sinh chết hơn, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ lan tràn và hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ đứng trước bờ vực sụp đổ, ông Ratnasingham nói.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới đã chuyển hướng quỹ phát triển để giúp Sri Lanka thanh toán các loại thuốc cần thiết khẩn cấp, gồm cả vaccine chống bệnh dại. Các quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản cũng hỗ trợ quyên góp cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, và người Sri Lanka sống ở nước ngoài cũng gửi dược phẩm và thiết bị y tế về nước.
Tuy nhiên trong tương lai gần, tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm sau.
Sri Lanka đang phải vật lộn để chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cho 22 triệu dân, khi nước này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại hối.
Lạm phát đã tăng khoảng 50%, giá thực phẩm cao hơn 80% so với một năm trước. Đồng rupee của Sri Lanka đã giảm giá trị so với đồng đô la Mỹ và các loại tiền tệ lớn khác trên toàn cầu trong năm nay.
“Các quốc gia có mức nợ cao và không gian chính sách hạn chế sẽ phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn. Hãy nhìn vào Sri Lanka như một dấu hiệu cảnh báo,” Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Bảy (16/7).
Bình Minh (t/h)