Tin VN tối thứ Tư: Diễn viên Hồng Đăng tường trình gì với Nhà hát Kịch Hà Nội?

Diễn viên Hồng Đăng tường trình gì với Nhà hát Kịch Hà Nội?

Diễn viên Hồng Đăng (trái) và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh tại Tây Ban Nha. (Ảnh cắt từ clip)

Hôm 18/7, báo chí nhà nước dẫn lời NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho biết diễn viên Lê Hồng Đăng đã đến Nhà hát Kịch Hà Nội và có bản tường trình lại sự việc vắng mặt tại cơ quan trong khoảng thời gian từ ngày 21/6/2022 đến ngày 12/8/2022.

Trong bản tường trình, diễn viên Lê Hồng Đăng đã trình bày lý do đi ra nước ngoài là để thăm hỏi người thân và đi du lịch ngắn ngày. Do nhận thức chủ quan và là nghệ sĩ diễn viên, không nắm rõ quy định nghỉ phép để đi ra nước ngoài của viên chức nên mới chỉ gọi điện báo cáo Giám đốc Nhà hát mà chưa làm đơn xin nghỉ phép theo quy định.

Diễn viên Lê Hồng Đăng đã trình bày lịch trình di chuyển dự kiến là sang Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Đức. Thời gian đi dự kiến từ ngày 21/6/2022 đến ngày 1/7/2022 sẽ về lại Việt Nam. Nhưng đến ngày 24/6/2022, do “gặp phải sự cố bất khả kháng” tại Tây Ban Nha, nên Hồng Đăng phải ở lại để giải quyết mà không thể bay về Việt Nam như dự kiến trước đó. Đến ngày 6/8/2022, Hồng Đăng mới về đến Việt Nam.

“Đến nay qua bản tường trình, ông Lê Hồng Đăng đã nhận thức được việc thiếu sót trong vấn đề hoàn thành thủ tục xin nghỉ phép đi nước ngoài đối với đơn vị. Ông Lê Hồng Đăng có gửi lời xin lỗi đến Ban Giám đốc Nhà hát và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước vi phạm của mình. Sau khi nhận được bản tường trình của diễn viên Hồng Đăng, Nhà hát Kịch Hà Nội đã có công văn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, do mấy ngày qua nam diễn viên này bị ốm, nói không ra tiếng nên chờ sức khỏe hồi phục sẽ lên gặp lãnh đạo Nhà hát để giải trình sự việc liên quan đến chuyện ồn ào ở Tây Ban Nha.

Nhà hát sẽ áp dụng hình thức kỷ luật đối với Hồng Đăng vì đi ra nước ngoài không xin phép và nghỉ việc hơn một tháng không rõ lý do. “Nếu Hồng Đăng có ý muốn xin thôi việc tại Nhà hát thì ban lãnh đạo cũng sẽ xem xét”, ông Hiếu cho hay.

Cũng liên quan đến vụ việc, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, bà Phạm Thị Mỹ Hoa nói trên báo Thanh Niên: “Hiện tại mọi thứ đang là tin đồn chưa có văn bản. Nếu Hồng Đăng vi phạm pháp luật, phòng tổ chức cán bộ sẽ hướng dẫn Nhà hát Kịch thành lập hội đồng, xem xét kỷ luật theo hình thức nào thì hội đồng Nhà hát Kịch Hà Nội và phòng tổ chức cán bộ sẽ phải đề xuất lên Sở. Lúc đó Sở mới tổ chức họp, xem xét, lắng nghe theo đúng quy trình. Hiện tại thì chúng tôi vẫn chưa nhận một văn bản chính thức nào từ bên nước ngoài. Tôi chỉ nghe thông tin báo chí như thế, cụ thể thế nào thì chưa biết”.

Về việc Hồng Đăng có bị thôi việc khi ra nước ngoài không xin phép, theo bà Hoa, kể cả Sở hay Nhà hát Kịch cũng không thể trực tiếp trả lời là Hồng Đăng có bị sa thải hay không. “Vấn đề này tôi đã nói rồi là phải thành lập hội đồng. Còn chuyện đi nước ngoài không xin phép, theo như tôi hiểu thì chỉ đến giải trình, bị khiển trách chứ làm gì đến mức phải sa thải. Sa thải một cán bộ phải có quy trình trong luật Viên chức”.

Về phía nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã yêu cầu Khoa Âm nhạc truyền thống (trực tiếp quản lý Hồ Hoài Anh) liên lạc và làm việc với nhạc sĩ sau khi về nước. Phía Học viện cũng yêu cầu nam nhạc sĩ phải trình diện vào ngày 15/8 để làm việc. Tuy nhiên, vì bận việc cá nhân nên Hồ Hoài Anh xin phép Ban Giám đốc dời lịch sang 10h sáng hôm qua (16/8).

Tuy nhiên, theo báo Dân Trí, NS.NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã từ chối tiết lộ nội dung buổi họp với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và cho biết sẽ cung cấp thông tin với báo chí sau.

Trước đó, xác nhận với báo chí nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông cho biết ngày 7/8, Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh đã về nước an toàn sau hơn 1 tháng bị mắc kẹt tại Tây Ban Nha. Song giới chức Tây Ban Nha vẫn sẽ tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Nếu Tây Ban Nha yêu cầu 2 nghệ sĩ quay lại để tiếp tục điều tra thì họ phải có mặt tại lãnh thổ quốc gia này theo đúng quy định. Trường hợp giới chức quốc gia này ủy thác cho phía Việt Nam thực hiện lấy lời khai, cung cấp chứng cứ thì 2 nghệ sĩ phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Minh Long

Mua bán 1.500 viên thuốc lắc, nữ Tiktoker Hải Dương lĩnh án chung thân

Bị cáo Lê Thị Bích Ngọc nhận án chung thân do mua bán ma túy. (Ảnh: conganbacgiang.gov.vn)

Nổi danh trên mạng xã hội Tiktok hơn 39.000 lượt theo dõi, Lê Thị Bích Ngọc thực tế là nghi phạm bị truy nã về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trong thời gian trốn truy nã, Ngọc tiếp tục mua bán ma túy số lượng lớn, bị bắt tại Bắc Giang.

Ngày 16/8, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thị Bích Ngọc (SN 1999, trú xã Quyết Thắng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Theo hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, tháng 6/2021, Ngọc bị Công an thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam.

Tuy nhiên, bị cáo đã trốn khỏi địa phương. Trong thời gian trốn truy nã, Ngọc chung sống với Phạm Xuân Biển (SN 1991, trú xã Việt Cường, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Biển từng bị Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Do Biển mắc bệnh tâm thần nên được đưa đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 (TP Hà Nội). Trong quá trình điều trị, Biển thường trốn ra ngoài để gặp Ngọc.

Đầu tháng 7/2021, Ngọc rủ Biển đến quán karaoke Sunny (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) chơi. Tại đây, Ngọc gặp Hòa (chưa rõ danh tính), biết người này đang muốn mua ma túy loại “kẹo”, “ke”. Hai bên thống nhất giá cả, thời gian giao nhận hàng.

Khoảng 2h10 ngày 23/7/2021, trước cửa quán karaoke Sunny, khi Ngọc, Biển đang bán ma túy cho Hòa thì bị tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an huyện Lạng Giang bắt quả tang. Hòa chạy thoát, Biển và Ngọc bị bắt giữ.

Phạm Xuân Biển và Lê Thị Bích Ngọc khi bị bắt cùng số ma túy đang mua bán trái phép vào tháng 7/2021. (Ảnh: conganbacgiang.gov.vn)

Tang vật thu giữ tại hiện trường là 1.500 viên thuốc lắc (653,854 gam ma túy loại MDMA), 1 gói heroin, 5 điện thoại di động, 1 ô tô và một số tài liệu liên quan.

Sau đó, nghi phạm Biển có kết quả giám định mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, được đưa đi điều trị bắt buộc. Cơ quan điều tra tách trường hợp này ra một vụ án khác và xử lý sau. Ngọc bị khởi tố.

Tại phiên tòa ngày 16/8, sau khi xem xét tính chất vụ việc, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Lê Thị Bích Ngọc tù chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Ngoài án tù mới, bị cáo Ngọc phải chấp hành thêm hình phạt 7 năm 9 tháng tù về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” do TAND thị xã Mỹ Hào tuyên hồi tháng 1/2022.

Minh Sơn

Dự kiến đầu tư gần 91.400 tỷ đồng cho 2 tuyến Đường sắt dài 102km

Một đoàn tàu đến ga Sài Gòn. (Ảnh minh họa: Saigoneer/Shutterstock)

Văn phòng Chính phủ Việt Nam truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư 2 tuyến Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Thủ Thiêm – Long Thành với số tiền gần 91.400 tỷ đồng, tổng chiều dài gộp lại 2 tuyến khoảng 102 km, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5241/VPCP-CN ngày 16/8 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM đối với phương án đầu tư 2 tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành.

Theo kế hoạch đề xuất, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu với chiều dài khoảng 65km. Điểm đầu là Ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu).

Tuyến này sẽ dùng đường sắt khổ 1.435 mm, trong đó, đoạn Biên Hòa – Thị Vải là đường đôi, đoạn Thị Vải – Vũng Tàu dùng đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành với chiều dài khoảng 37,5km. Điểm đầu là ga Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM và điểm cuối là Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Tuyến đường này cũng được đề xuất làm đường đôi, khổ 1.435mm và chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Tổng chiều dài 2 tuyến trên khoảng 102 km, với số vốn đầu gần 91.400 tỷ đồng.

PPP là đầu tư theo phương thức đối tác công tư, là từ viết tắt của Public Private Partnership.

Đây là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP (theo khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020).

Theo Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1/11/2021), có tới 157 dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, trong 24 dự án hạ tầng giao thông, có tới 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP.

Kiến Minh

Nữ hành khách nhảy múa quay Tiktok sát máy bay đang di chuyển bị cấm bay

Hình ảnh nữ hành khách gây nguy hiểm an toàn bay khi tiến lại gần máy bay đang di chuyển trên sân đỗ, nhảy múa để đăng TikTok. (Ảnh chụp màn hình clip/TikTok)

Cục Hàng không Việt Nam vừa áp dụng hình thức xử phạt cấm vận chuyển bằng đường hàng không (cấm bay) đối với nữ hành khách L.M.X.Y., do hành vi nhảy múa quay Tiktok sát máy bay di chuyển ở sân bay Phú Quốc vi phạm quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không.

Hành khách L.M.X.Y. (SN 1996, trú tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị cấm bay trong 6 tháng, tính từ ngày 17/8/2022 đến hết ngày 16/2/2023.

Theo quyết định do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng ký, các hãng hàng không của Việt Nam và các hãng hàng không nước ngoài khai thác tại Việt Nam không được vận chuyển bà Y. trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam theo thời hạn bị cấm vận chuyển.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ giấy tờ về nhân thân, nhận dạng của hành khách sử dụng đi tàu bay để phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối với bà Y. theo thời gian cấm bay.

Phía Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam được yêu cầu ra thông báo bằng văn bản đến Công an, Hải quan cửa khẩu hàng không để phối hợp; các hãng hàng không nước ngoài và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất thuộc khu vực quản lý để thực hiện, giám sát việc thực hiện.

Sự việc vi phạm an toàn hàng không, an ninh hàng không nói trên bị phát giác qua một clip đăng trên mạng xã hội TikTok vào giữa tháng 7/2022, ghi lại cảnh một cô gái trẻ mặc trang phục màu đen, hở bụng và lưng, đội mũ đen, đeo khẩu trang đen chạy ra nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay, dần tiến lại gần một máy bay đang di chuyển phía sau. Cô gái chỉ dừng lại trước khi chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay. Từ nền tảng Tiktok, clip này được chia sẻ rộng trên các trang mạng xã hội và nhận nhiều bình luận, trong đó có nhiều ý kiến chỉ trích khi đang gây nguy hiểm cho bản thân và những người trên máy bay phía sau.

Sự việc sau đó được xác định diễn ra vào ngày 18/5/2022, tại sân bay Phú Quốc. Khi chiếc xe bus chở khách từ nhà ga hàng không Phú Quốc ra máy bay vừa mở cửa, nữ hành khách L.M.X.Y. đã rời khỏi xe bus, chạy ra tạo dáng, nhảy múa để quay Tiktok. Sau khi hành động xảy ra, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không tiếp cận và yêu cầu hành khách quay trở lại vị trí an toàn, nhưng cho rằng chưa xảy ra hậu quả gì nên không giữ hành khách lại để xử lý về hành vi gây rối, không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không.

Sau khi clip được lan truyền và bị cộng đồng phản ứng, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nữ hành khách về hành vi không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Theo ý kiến nhận định, khi máy bay đang hoạt động, lực hút của động cơ của máy bay rất mạnh, vật thể ở gần có nguy cơ bị hút vào động cơ. Trường hợp hành khách tiếp cận gần động cơ máy bay sẽ rất nguy hiểm, chỉ cần một vật dụng nhỏ trên người bị hút vào động cơ cũng nguy cơ gây hư hỏng bộ phận này, thậm chí uy hiếp tính mạng của chính người đó.

Sơn Nguyên

Chủ tịch tỉnh Gia Lai bị cách chức

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành. (Ảnh: Báo Gia Lai).

Ông Võ Ngọc Thành bị cách chức Phó bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai hai nhiệm kỳ liên tiếp do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc…

Quyết định cách chức Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 với ông Thành được Ban Bí thư đưa ra sau cuộc họp ngày 16/8, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh.

Tập thể này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong quản lý, điều hành thực hiện một số dự án trên địa bàn.

Về trách nhiệm cá nhân, ông Võ Ngọc Thành với cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026.

Ông Thành cũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy định pháp luật khi kết luận, ký một số văn bản vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở, lâm nghiệp, xây dựng, quy hoạch.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và ông Võ Ngọc Thành đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021; khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026.

Hình thức kỷ luật cách chức Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 được áp dụng với ông Võ Ngọc Thành. Ngoài ra đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật.

Trước đó tại kỳ họp thứ 18, đầu tháng 8, với tỉnh Gia Lai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo quyết định thi hành kỷ luật đối với hàng loạt lãnh đạo tỉnh Gia La. Cảnh cáo ông Đỗ Tiến Đông (Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh).

Kpă Thuyên (Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh).

Hồ Phước Thành (Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh).

Nguyễn Đức Hoàng (nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai).

Ba giám đốc sở bị khiển trách là ông Nguyễn Anh Dũng (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính).

Lưu Trung Nghĩa (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Phạm Duy Du (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường).

Tại kỳ họp thứ 17, giữa tháng 7, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, UBND tỉnh Gia Lai và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư… trong thực hiện một số dự án trên địa bàn; báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa.

Hội An

Quảng Ninh lên tiếng về thông tin ‘phân lô bán nền’ trên vịnh Hạ Long

Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên (ảnh: Zing).

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây đã lên tiếng về hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cùng nghi vấn vịnh Hạ Long bị san lấp, phân lô bán nền.

Báo Dân Trí đưa tin, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh hôm 16/8 cho hay, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cùng nghi vấn vịnh Hạ Long bị san lấp, phân lô bán nền là “không đúng”. Hình ảnh đó chụp ở Ao Tiên, thuộc huyện Vân Đồn, nằm trong khu kinh tế Vân Đồn, không thuộc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Khu vực Ao Tiên được tỉnh phê duyệt phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn do Thủ tướng phê duyệt, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Ao Tiên cho biết, dự án rộng hơn 86 ha trước đây là vùng bãi triều sình lầy, không cây cối. Trên đó có hòn núi Dê, chính là “hòn non bộ khổng lồ” đang gây xôn xao dư luận.

“Khi triển khai dự án, chúng tôi giữ lại hòn Dê, quy hoạch thành hồ nước sinh thái làm không gian sinh hoạt cộng đồng, không hề tác động vào nó. Hình ảnh lan truyền trên mạng cũng là ảnh chụp cách đây nhiều năm, khi đó cơ sở hạ tầng còn chưa được xây dựng hoàn chỉnh”, ông Quyết nói.

Trước đó hình ảnh về một dự án ven biển với một hòn núi khá lớn nằm giữa những lô đất được một số tài khoản Facebook đăng tải kèm các nội dung như: “Tôi sống ngần này tuổi mà chưa thấy các bể cá koi, hòn non bộ nào siêu to khổng lồ như thế này”, “Hòn non bộ vĩ đại nhất ở vịnh Hạ Long”, “Cho san lấp, bê tông hóa vịnh, xây dựng hạ tầng“…

Hình ảnh sau khi xuất hiện đã thu hút nhiều luồng ý kiến. Nhiều người cho rằng, với quỹ đất vốn hạn hẹp thì việc phát triển ra phía biển là đương nhiên, miễn sao phù hợp quy hoạch, đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên đa phần ý kiến dư luận không đồng tình, cho rằng những dự án lấn biển sẽ phá nát cảnh quan thiên nhiên.

Liên quan đến sự việc trên, một số người dùng mạng xã hội đưa tin, bình luận về hình ảnh “hòn non bộ” ở vịnh Hạ Long bin phân lô đã bị đã và đang bị Công an Quảng Ninh triệu tập.

Hội An

Related posts