1-9-2022
Kể từ sau sự ra đi của cựu Tổng Bí Thư Liên Xô Mikhail Gorbachev trong đôi ngày qua, truyền thông thế giới cùng mạng xã hội đã bàn luận khá nhiều về chính sách cùng vai trò của ông để dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô cùng các quốc gia cộng sản Đông Âu, kết thúc cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản.
Ở vị trí một nhà lãnh đạo đứng đầu Liên Xô, các chính sách tất nhiên nằm trong quyền hành, trách nhiệm cùng là di sản của Gorbachev. Tuy nhiên nhắc đến chính sách cởi mở và đổi mới kinh tế và chính trị (glasnost và perestroika) dưới thời Gorbachev, cũng nên nhắc đến chiến lược gia Alexander Yakovlev, một cố vấn thân cận của Gorbachev và người được xem như cha đẻ của các lý thuyết và chính sách này.
Alexander Yakovlev là một đảng viên cao cấp, một nhà ngoại giao và sử gia trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Liên Xô, từng phục vụ trong Hải quân Liên Xô thời Đệ Nhị Thế Chiến. Alexander cũng là một lý thuyết gia, từng lãnh đạo ban tư tưởng và tuyên giáo của Liên Xô, tham gia vào ban tu chính hiến pháp.
Đồng thời ông cũng bị xem là nhân vật có tư tưởng phản kháng trong đảng, không hứng thú trước một tân chủ nghĩa cộng sản mang đầy chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà ông từng theo và phục vụ.
Năm 1972, sau những bài viết bất đồng mạnh mẽ, Alexander bị tước quyền nhưng được cho ân huệ là ra sống lưu vong ở nước ngoài. Ông chọn và được đưa sang làm đại sứ Canada như một cách chấp nhận bị trục xuất ra khỏi Liên Xô. Ông trở thành bạn thân của cựu Thủ Tướng Canada Pierre Trudeau. Mối thâm tình sâu đậm đến độ truyền thông Canada bảo là Thủ tướng Trudeau đã lấy tên ông để đặt tên cho con trai mình, tức Thủ tướng Alexandre Trudeau hiện nay của Canada.
Với sự can thiệp của Gorbachev khi đã vào Bộ Chính Trị, năm 1983 Alexander Yakovlev được cho về nước và trở thành Viện trưởng Kinh Tế Thế Giới và Đối Ngoại của Học Viện Khoa Học Liên Xô. Năm 1985, khi Gorbachev được bầu làm Tổng Bí Thư, Alexander trở thành cố vấn cao cấp tín cẩn cho Gorbachev. Lớn hơn Gorbachev gần 10 tuổi và đầy kinh nghiệm, ông là kiến trúc sư, một lực đẩy về tư tưởng và trí tuệ sau lưng Gorbachev để khởi xướng và thực hiện phong trào cải cách chính trị tại Liên Xô. Trong tất cả các cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Ronald Reagan hay cùng giới lãnh đạo phương Tây, Alexander cũng luôn tháp tùng cận kề với Gorbachev để cố vấn cho ông.
Alexander Yakovlev có tư tưởng chống Mỹ và chỉ trích một số chính sách của Canada. Tuy nhiên người ta cũng có thể hỏi rằng, liệu việc tu nghiệp tại đại học Columbia qua học bổng Fulbright lúc trẻ cùng với việc sống và làm việc tại Canada trong hàng chục năm trời đã tiêm vào ông những tư tưởng và ảnh hưởng gì về dân chủ, trực tiếp hay gián tiếp, để dẫn đến những chính sách cởi mở, cấp tiến mà ông đã cố vấn cho Gorbachev?
Một quốc gia nếu thiếu những lãnh đạo xuất chúng thì cần có những cố vấn lỗi lạc để thay đổi đất nước. Họ ở đâu hay quốc gia đó chưa có được những người tài trí như vậy?
Đó là một vấn đề khác. Còn ở đây, khi nhắc về Mikhail Gorbachev, không thể không nhắc đến người cố vấn và kiến trúc sư của glasnost và perestroika phía sau lưng Gorbachev là Alexander Yakovlev.