Tin thế giới chiều thứ Năm: Ukraine dùng ‘pháo HIMARS giả’ bẫy tên lửa tối tân của Nga

Ukraine dùng ‘pháo HIMARS giả’ bẫy tên lửa tối tân của Nga

Hình ảnh cho thấy ngày 15/11/2021, hệ thống tên lửa HIMARS của quân đội Mỹ được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Dubai. (Ảnh: Giuseppe Cacace/Getty Images)

Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS giả bằng gỗ để dụ quân đội Nga khai hỏa, khiến Moscow lãng phí tên lửa.

Chiến thuật nghi binh không phải là hiếm gặp trên chiến trường Trung Quốc cổ đại và nay đã tái hiện tại chiến trường Ukraine. Theo báo cáo của truyền thông Mỹ, quân đội Ukraine đã làm các mô hình hệ thống tên lửa bằng gỗ và thành công đánh lừa quân đội Nga, khiến cho Moscow tiêu tốn ít nhất 10 tên lửa hành trình tầm xa đắt đỏ.

Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng chiến thuật nghi binh thông qua những mô hình được ngụy trang giống như các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ để khiến Nga tiêu tốn các tên lửa hành trình tầm xa đắt đỏ vào những mục tiêu vô giá trị.

Theo báo cáo của Newsweek, để đối phó với việc Nga xâm lược Ukraine, Mỹ đã cung cấp 16 tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) kể từ tháng 6 cho Ukraine để phòng thủ chống lại kẻ thù. Quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa này để tấn công các mục tiêu quân sự như sở chỉ huy và kho đạn của Nga.

Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao Ukraine giấu tên hôm 30/8 cho biết, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga, Ukraine đã sử dụng pháo HIMARS bằng gỗ để “nhử” máy bay không người lái (UAV) Nga khai hoả tên lửa hành trình tầm xa.

Theo đó, quân đội Ukraine đã đánh lừa quân đội Nga bằng mô hình HIMARS bằng gỗ, dụ đối phương phóng ít nhất 10 tên lửa hành trình Kalibr để tấn công các mục tiêu giả.

Quân đội Ukraine quyết định mở rộng quy mô sản xuất các loại mồi nhử này. Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 của Mỹ (HIMARS) phóng hỏa lực trong một cuộc tập trận ở vùng Grier Labouihi, ở Morocco, hôm 9/6/2021. (Ảnh: Fadel Senna/AFP/Getty Images)

Một quan chức Ukraine nói với tờ Washington Post rằng máy bay không người lái của quân đội Nga không thể phân biệt được đâu là mô hình HIMARS thật và giả. Khi máy bay không người lái phát hiện ra các mô hình này, nó sẽ truyền vị trí của các mô hình cho các tàu Hải quân Nga ở Biển Đen, như thể họ đã phát hiện ra mục tiêu và lập tức khai hỏa tấn công các mục tiêu giả.

Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, quân đội Nga vẫn tuyên bố rằng họ đã phá hủy nhiều tên lửa do Mỹ sản xuất. Một nhà ngoại giao Mỹ cho biết người Nga tuyên bố đã phá hủy nhiều đảo HIMARS hơn số quân đội Mỹ giao cho Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng các hệ thống tên lửa do phương Tây cung cấp là yếu tố quyết định đối với thành công của Ukraine trong việc ngăn chặn các bước tiến của Nga. Quân đội Ukraine dường như đã thực hiện một số bước để bảo vệ vũ khí do phương Tây cung cấp và làm cạn kiệt kho tên lửa chính xác của Nga.

Cơ quan tình báo Ukraine tuần trước chỉ ra rằng kho tên lửa của Nga đã giảm đáng kể, nhiều nhất là 45%, trong đó tên lửa Iskander bị thiếu hụt nhiều nhất, khoảng 20%. Tương tự đối với tên lửa Calibre. Loại vũ khí này tuy hiệu quả nhưng số lượng hiện nay không còn lại nhiều.

Tên lửa Kalibr là một tổ hợp tên lửa hành trình đa năng do phòng thiết kế Novator của Nga phát triển. Tổ hợp này được thiết kế để có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, cho phép nó tiêu diệt được nhiều loại mục tiêu, từ các tàu mặt nước, tàu ngầm tới các mục tiêu cố định trên đất liền.

Lam Giang

Đức tuyên bố sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Khin hạm Bayern lớp Brandenburg của Đức có chuyến đi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Đức

Đức sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách gửi thêm tàu ​​chiến và tham gia các cuộc tập trận với các đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói với Reuters, trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục việc xây dựng lực lượng vũ trang “khổng lồ” tại khu vực.

Đức đang cùng các quốc gia phương Tây đồng minh khác mở rộng sự hiện diện trong khu vực trong bối cảnh ngày càng báo động về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Năm ngoái, Berlin đã lần đầu tiên sau gần 20 năm cử tàu chiến tới khu vực tranh chấp ở Biển Đông, và trong tháng này, họ đã cử 13 máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận chung ở Australia.

Tướng Eberhard Zorn nói với Reuters rằng Bundeswehr có kế hoạch cử binh sĩ tham gia các cuộc tập trận ở Australia vào năm tới, trong khi hải quân sẽ cử một hạm đội gồm một số tàu nữa đến khu vực này vào năm 2024.

“Đây là cách chúng tôi muốn củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực”, ông Zorn nói trong một cuộc phỏng vấn tại Bộ Quốc phòng ở Berlin.

Đức từ trước đến nay tỏ ra rụt rè hơn trong chính sách an ninh so với các đồng minh do vai trò của nước này trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Thay vào đó, Đức tập trung nhiều hơn vào thương mại trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó bao gồm việc mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các đối tác gần đây đã kêu gọi Đức thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn, phát huy sức mạnh của mình với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân nhất châu Âu.

Năm 2020, Berlin công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mới với trọng tâm là tăng cường liên minh với các nền dân chủ trong khu vực – được coi là sự kiện bước ngoặt. Sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 2 đã cam kết tăng đáng kể chi tiêu cho quân sự sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Căng thẳng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gia tăng đặc biệt cao vào thời điểm hiện tại sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay xung quanh Đài Loan vào đầu tháng 8.

Khi được hỏi liệu Đức có thể cử một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan như Hoa Kỳ hay không, ông Zorn cho biết đây là một vấn đề nhạy cảm được quyết định ở cấp chính trị cao nhất.

Ông nói: “Chúng tôi không muốn khiêu khích bất cứ ai với sự hiện diện của chúng tôi mà muốn gửi một dấu hiệu đoàn kết mạnh mẽ với các đồng minh của chúng tôi. “Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và bảo vệ các chuẩn mực quốc tế.”

Ông Zorn cho biết sức mạnh quân sự của Trung Quốc từng nằm ở số lượng binh sĩ của họ, nhưng bây giờ các lực lượng vũ trang của họ cũng được trang bị công nghệ tốt.

Nhật Minh (theo Reuters)

Nhiều tờ báo đưa tin Nga có thể cạn kiệt vũ khí và đạn dược trước cuối năm nay

Một cầu vượt bằng phao của Nga bị phá hủy cùng với các phương tiện bọc thép trên hai bờ sông Siverskyi Donets. (Nguồn: Văn phòng báo chí Tổng thống Ukraine)

Các hãng tin quốc tế đưa tin trong tuần này, quân đội Nga có thể thiếu hụt vũ khí trầm trọng trước cuối năm nay khi tiếp tục chiếm đóng Ukraine. Vấn đề này sẽ gây thêm nhiều vấn đề cho quân đội của Moscow, vốn đang gặp nhiều khó khăn để duy trì chỗ đứng tại các vùng đất chiếm đóng.

Hôm thứ Ba (30/8), tờ Insider của Latvia đưa tin, các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đối với Nga và cuộc phản công thành công của quân đội Ukraine đã khiến Nga tiêu hao nhanh chóng đạn pháo và xe bọc thép, trong khi khả năng tiến hành không kích và bắn tên lửa được dẫn hướng của Nga có khả năng sẽ cạn kiệt trước cuối năm nay.

Với việc Moscow không có khả năng bổ sung đủ vũ khí cùng với tốc độ bắn hiện tại, tờ Insider dự đoán rằng quân đội Nga sẽ cạn kiệt vũ khí trước cuối này. Vấn đề này đã khiến quân đội Nga phạm một loại sai lầm, dẫn đến tổn thất hàng nghìn phương tiện và số lượng thương vong gia tăng.

Tờ Insider nhận định: “[Mặc dù] bị phương Tây cắt đứt nguồn cung thiết bị, phụ tùng và vật liệu, cũng như sự hạn chế về nguồn nhân lực và năng suất lao động, nhưng trong tương lai gần, các nhà sản xuất pháo và đạn dược của Nga chắc chắn sẽ chưa gặp tình trạng trì trệ nghiêm trọng như cắt giảm sản xuất. Có thể trong giai đoạn 2022 – 2023, họ vẫn duy trì được tốc độ sản xuất đạt được trong những năm trước, nhưng trong những năm tiếp theo, sự suy giảm sản xuất của họ là điều không thể tránh khỏi.”

Đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện truyền thông độc lập nhận định rằng kho vũ khí của Nga đang suy giảm. Các bài báo hồi tháng 5 đã đặt câu hỏi về mức độ cung cấp tên lửa được dẫn đường của Moscow khi các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã bắt đầu giảm vào mùa hè. Trước đó hồi tháng 3, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý, họ tin rằng các lực lượng Nga đang gặp các vấn đề về nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược.

Trong những tuần gần đây, các quan chức tình báo châu Âu đã phát hiện, Nga đã bắt đầu nhập khẩu các thiết bị vật tự quân sự từ các nguồn bên ngoài. Bloomberg News đưa tin, cuối tháng trước, một tàu hàng của Syria đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã đi qua Eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Nga, chở theo các phương tiện quân sự nhằm hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy, quân đội Nga tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhận định bi quan của tờ Insider về triển vọng của Nga trong cuộc chiến được đưa ra khoảng một tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố một sáng kiến mới nhằm tăng cường thêm cho quân đội nước này khoảng 137.000 đến 1,15 triệu binh sĩ. Đây là một nỗ lực của Điện Kremlin được cho là để thay thế số lượng binh sĩ thương vong ước tính từ 60.000 đến 80.000 người trong cuộc chiến cho đến nay.

Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nghi ngờ khả năng đạt được các mục tiêu đó của Nga, khi viện dẫn các kết quả không khả quan trong các đợt tuyển dụng binh sĩ trước đó của Nga, cũng như số lượng lính nghĩa vụ Nga tham gia vào cuộc chiến đã ở mức tương đối cao.

Phát biểu với các phóng viên trong tuần này, trích dẫn lời của một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc lưu ý: “Trên thực tế, nếu bạn xem xét các lực lượng vũ trang Nga, trước cuộc xâm lược, họ có thể đã thiếu 150.000 quân so với mục tiêu triệu quân của họ.”

Gia Huy (Theo Newsweek)

Ukraine nói Nga điều động 1,200 dân thường tham gia chiến đấu tại Crimea

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga đã “cưỡng bức tòng quân quy mô lớn” với 1.200 dân thường để bảo vệ Crimea.

Các quan chức Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng “các chính ủy quân sự” của các khu vực Moscow và Leningrad đã nhận được chỉ thị yêu cầu các công dân, được mô tả là “Muscovite” và “St. Petersburgers,” tham gia vào hoạt động điều động bí mật và gia nhập các đơn vị quân đội đóng tại Crimea.

Lệnh này được cho là do Tướng quân đội Aleksandr Dvornikov, Tư lệnh Quân khu phía Nam, ra chỉ thị.

“Vì các hoạt động chiến đấu vẫn chưa được tiến hành trên lãnh thổ của Cộng hòa tự trị Crimea, những người lính này không được đề nghị ký hợp đồng. Điều này có thể cho thấy Nga muốn tiết kiệm chi phí và không muốn trả tất cả các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật Liên bang Nga,” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.

“[Vì vậy] 1.200 lính nghĩa vụ này sẽ phục vụ và chết dưới các đòn tấn công của quân đội Ukraine .. chỉ với mức lương … khoảng 5.000 rúp [~ 82 USD).”

Các khoản tiền của Nga sẽ được bảo toàn vì gia đình của các quân nhân sẽ không được bồi thường thêm trong trường hợp con em họ tử vong, các quan chức Ukraine cho biết thêm.

Nếu tuyên bố của Ukraine là sự thật, động thái của Nga đưa công dân tham gia chiến đấu diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phản công nhằm chiếm lại Crimea.

“Cuộc chiến này, bắt đầu với việc Nga chiếm đóng Crimea của chúng tôi [vào năm 2014], và với nỗ lực chiếm Donbass, phải kết thúc chính xác ở đó – tại Crimea được giải phóng, tại các thành phố được giải phóng của Donbass,” ông Zelensky nói vào ngày 29 tháng 8 trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm thứ Hai (29/8) cho biết Nga đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ thêm binh sĩ chiến đấu ở Ukraine, thậm chí còn phải tìm kiếm ở các nhà tù, hay tuyển các tân binh lớn tuổi, thể trạng kém và thiếu huấn luyện.

Vào thứ Năm tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh nhằm tăng khoảng 10% số lượng binh sĩ trong quân đội nước này lên 1,15 triệu quân nhân.

Sau khi trải qua những thất bại đáng kể và tổn thất quân số nặng nề trong sáu tháng xâm lược Ukraine, Lầu Năm Góc tin rằng “nỗ lực này khó có thể thành công, vì Nga trong lịch sử đã không đạt được các mục tiêu về nhân sự và sức mạnh”, quan chức này cho biết.

“Họ đã thực hiện điều này một phần bằng cách loại bỏ giới hạn độ tuổi đối với những tân binh và cũng bằng cách tuyển mộ tù nhân”, quan chức này cho biết. “Nhiều tân binh được cho là già hơn, không đủ sức khỏe và không được đào tạo bài bản.”

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, Nga đã mất khoảng 47.900 người và gần 1.100 hệ thống pháo trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 31 tháng 8, trong đó “thiệt hại lớn nhất” phải chịu ở các khu vực Donetsk và Kurakhiv.

Lê Vy

Người dân hoang mang khi phát hiện mây tím bí ẩn tại một thành phố ở Chile

Chủ nhật vừa qua, một đám mây màu tím kỳ lạ xuất hiện trên thành phố Pozo Almonte ở Chile. Hiện tượng này gây ra nhiều sự lo lắng cho người dân và các quan chức địa phương.

Hình ảnh đáng kinh ngạc cho thấy sắc tím trải dài trên đường chân trời vào ban ngày. Hiện tượng này được cư dân địa phương phát hiện vào sáng Chủ nhật ngày 21/8 vừa qua.

Theo một báo cáo trên hãng thông tấn ‘Al Dia’ có trụ sở tại Philadelphia, người dân địa phương đã đăng tải hình ảnh đám mây màu tím lơ lửng trên bầu trời ở Pozo Almonte, điều kỳ lạ là khi đó bầu trời đang rất trong xanh. Cơ quan chức năng địa phương đã mở một cuộc điều tra để tiến hành tìm hiểu hiện tượng đang gây ra sự hoang mang này trong cộng đồng. Cơ quan này cho biết, đám mây màu tím bắt nguồn từ khu vực mỏ Cala Cala gần thị trấn.

Tờ Al Dia dẫn lời của phó Giám đốc khu vực Tarapaca, Christian Ibanez: “Chúng tôi đang thực hiện kiểm tra và thấy rằng trên thực tế là do động cơ của máy bơm tăng áp bị hỏng.”

Các quan chức môi trường Emanuel Ibarra cho biết, sự cố của máy bơm đã khiến iốt tại nhà máy chuyển từ trạng thái rắn sang thể khí.

Theo công ty truyền thông Meaww, khu mỏ này thuộc quyền sở hữu của công ty Saltpetre and Iodine Company (Cosayach).

“Cho đến nay, không có cuộc tham vấn hoặc ảnh hưởng y tế nào do tình huống mà chúng tôi đang gặp phải”, đại diện vùng Tarapaca Daniel Quinteros cho biết.

Người đại diện vùng cho biết thêm: “Đồng thời chúng tôi cũng liên hệ với giám đốc môi trường, trong ngày mai sẽ đánh giá việc có nên nộp đơn khiếu nại liên quan đến việc không tuân thủ các quy định và các cam kết của công ty trong các vấn đề môi trường hay không.”

Các quan chức địa phương đã ở lại mỏ trong 48 giờ cho đến khi đám mây biến mất.

Trúc Nhi/ Theo NTDV

Related posts