Đông Timor rút con bài Trung Quốc ra mặc cả trong cuộc đàm phán năng lượng với Úc

Victoria Kelly-Clark

Một người lái xe mô tô dọc theo bãi biển lúc hoàng hôn ở Dili, Đông Timor, hôm 13/04/2007. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Tổng thống Đông Timor Jose Ramas-Horta đang sử dụng Trung Quốc như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với chính phủ Úc về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Biển Timor giàu tài nguyên.

Tổng thống cho biết quốc gia của ông rất vui mừng khi tranh thủ sự trợ giúp của Trung Quốc để tạo điều kiện phát triển đường ống dẫn từ dự án mỏ khí đốt Greater Sunrise nếu Woodside Energy của Úc vẫn kiên trì với ưu tiên dẫn khí đốt qua thành phố Darwin, miền bắc nước Úc.

Mỏ khí đốt Greater Sunrise nằm cách Darwin khoảng 450 km về phía tây bắc và cách Timor-Leste 150 km về phía nam. Ước tính trị giá khoảng 70 tỷ USD (tương đương 50 tỷ USD Mỹ) và chứa khoảng 226 triệu thùng khí đốt.

Đó là một điểm tranh chấp không ngừng giữa chính phủ Úc và Đông Timor kể từ năm 2004.

Ông Ramos-Horta cho biết chính phủ của ông coi đường ống này là một phần của mục tiêu chiến lược quốc gia của đất nước.

“Timor-Leste sẽ ưu tiên xem xét quan hệ đối tác với các nhà đầu tư Trung Quốc nếu các đối tác phát triển khác từ chối đầu tư vào việc đưa khí đốt qua đường ống tới Timor-Leste,” ông Ramos-Horta nói với The Guardian.

“Timor-Leste sẽ ở trên bờ vực khủng hoảng tài chính nếu Greater Sunrise không hoạt động trong vòng 10 năm tới. Do vậy, rất sớm thôi, lãnh đạo phải đưa ra quyết định… nếu cần thiết, thì phải đi một chuyến đến Trung Quốc.”

Chính phủ Úc kêu gọi ngoại giao im lặng, không chạy theo truyền thông

Đáp lại, trong cuộc họp báo chung tại Dili hôm 01/09 với Ngoại trưởng Timor Leste Adaljiza Magno, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã kêu gọi những người đồng cấp của bà tham gia vào chính sách ngoại giao im lặng và tránh sử dụng phương tiện truyền thông để làm đòn bẩy.

Bà nói rằng chính phủ Úc công nhận rằng Greater Sunrise là “một dự án cực kỳ quan trọng đối với Đông Timor,” và điều quan trọng là phải công nhận rằng, các đối tác liên doanh đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất một lộ trình tiếp theo.

“Vì vậy, đó là Timor Gap, Woodside và Osaka Gas. Và, đến bây giờ, điều đó vẫn chưa xảy ra,” bà nói. “Tôi đã nói với tổng thống và với những người khác, chúng ta cần phải bỏ nó đi, chúng ta cần xem có thể tìm ra cách thức như thế nào. Điều tôi muốn nói là việc này tốt nhất sẽ được thực hiện một cách tôn trọng và trực tiếp — không thông qua các phương tiện truyền thông.”

Trong khi bà Wong không đề cập đến những căng thẳng hiện tại với Bắc Kinh trong khu vực, bà đã lưu ý đến tình hình địa chính trị căng thẳng.

“Một trong những cách mà các quốc gia — các quốc gia nhỏ hơn và các quốc gia quy mô trung bình — một trong những cách mà chúng tôi tìm ra để vượt qua giai đoạn cạnh tranh chiến lược đó là làm việc cùng nhau, bằng cách làm việc cùng nhau để bảo đảm khả năng phục hồi kinh tế của chính chúng ta và rằng chúng ta có một trật tự trong khu vực phản ánh các quy tắc và chuẩn mực,” bà nói.

“Chúng tôi không muốn một tình huống mà quyền lực và quy mô là cách duy nhất để giải quyết các tranh chấp trên thế giới này. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến một trật tự ổn định, thịnh vượng, nơi chủ quyền được tôn trọng và nơi các tranh chấp được giải quyết bằng các quy tắc.”

Bà Wong cũng nhận thấy rằng hỗ trợ phát triển và các khoản cho vay của Úc được đưa ra trên tinh thần mong muốn Đông Timor có khả năng phục hồi tốt hơn.

“Chúng tôi biết rằng khả năng phục hồi kinh tế có thể bị ảnh hưởng, có thể bị hạn chế bởi gánh nặng nợ không bền vững hoặc bởi những người cho vay có các mục tiêu khác nhau. Chúng tôi, nước Úc, chúng tôi tìm cách giúp khiến cho quốc gia của quý vị vững mạnh hơn. Có thể không phải lúc nào quý vị cũng thích mọi điều chúng tôi nói và làm, nhưng đó chính là động lực của chúng tôi.”

Victoria Kelly-Clark

Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Tịnh Nhi  biên dịch

Related posts