Tin thế giới chiều Chủ Nhật

Ông Zelenskyy: ‘Còn quá sớm để nói về việc kết thúc chiến tranh’

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo vào ngày 23/4/2022 tại Kyiv, Ukraine. (Ảnh: John Moore/Getty Images)

Trước những thay đổi của cục diện chiến tranh Nga-Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với giới truyền thông rằng còn quá sớm để khẳng định tình hình chiến sự sẽ đảo ngược và nói về việc kết thúc chiến tranh. Nếu Ukraine không phản công, các nước phương Tây có thể giảm viện trợ quân sự.

Gần đây, chính quyền Kyiv tuyên bố đã tái chiếm được 6.000 km vuông lãnh thổ và tiếp tục gây áp lực buộc quân đội Nga phải rút lui.

Ông Zelenskyy thừa nhận còn quá sớm để lật ngược tình thế

Theo một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters, mặc dù quân đội Ukraine đã nhanh chóng chinh phục một số vùng lãnh thổ thông qua các cuộc phản công vào đầu tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tin rằng còn quá sớm để khẳng định tình hình chiến sự được đảo ngược theo hướng có lợi cho Ukraine. Kết quả của cuộc chiến còn phụ thuộc nhiều vào sự xuất hiện nhanh chóng của vũ khí và viện trợ đến từ phương Tây.

Ông Volodymyr Zelenskyy cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh nghiêm trọng ở khu vực đông bắc Kharkiv. Ông nói: “Tính đến nay, 450 người chết đã được chôn cất ở vùng đông bắc Kharkiv. Nhiều người được chôn cất một mình, có những người bị tra tấn, và ở một số khu vực, toàn bộ thành viên gia đình được chôn cất cùng nhau”.

Khi được hỏi liệu có bằng chứng nào về tội ác chiến tranh không, ông Zelenskyy nói: “Tất cả đều ở đó … có một số bằng chứng mà Ukraine và cộng đồng quốc tế đang đánh giá, điều này rất quan trọng đối với chúng tôi để thế giới công nhận điều đó”.

Sau khi thăm Izyum đã được Ukraine tái chiếm, ông Zelenskyy một lần nữa kêu gọi các nước phương Tây và cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi muốn có thêm viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi muốn thêm viện trợ từ châu Á, bao gồm cả viện trợ từ Hàn Quốc và các nước Ả Rập”.

Ông Zelenskyy cho biết ông luôn tin rằng nếu Kyiv không tiến hành một cuộc phản công, viện trợ quân sự nước ngoài cho Ukraine sẽ giảm và các nước khác sẽ bị ấn tượng trước sự phục hồi của Ukraine.

“Tôi nghĩ điều này ảnh hưởng hoặc sẽ ảnh hưởng đến một số điểm rất quan trọng đối với các quốc gia khác trong việc ra quyết định”, ông nói.

Ông Zelenskyy cũng thừa nhận rằng: “Còn quá sớm để nói về việc kết thúc chiến tranh”.

Điện Kremlin đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về những cáo buộc mới nhất của ông Zelenskyy.

Ngày 16/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan ngày 15/9 và 16/9. Tại đây, ông Putin không tán thành hành động phản công của Ukraine, đồng thời ông cảnh báo rằng nếu quân đội Nga bị gây sức ép thêm, Nga sẽ phản công mạnh mẽ hơn nữa.

Châu Âu và Hoa Kỳ thận trọng quan sát những thay đổi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Dựa trên các báo cáo từ các phương tiện truyền thông châu Âu và Mỹ như The New York Times, The Washington Post Associated Press, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ rằng lý do Ukraine chọn thực hiện một cuộc phản công vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 là vì mùa đông sắp đến và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang leo thang. Do đó, Ukraine cần đẩy lùi quân đội Nga càng sớm càng tốt để giành lại nhiều lãnh thổ hơn nữa.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, quân đội Nga đang thực hiện “các cuộc tấn công quy mô nhắm vào tiền tuyến của Ukraine, trước thất bại quân sự to lớn kể từ nỗ lực tái chiếm Kyiv bất thành hồi đầu cuộc chiến Nga-Ukraine”. Các quan chức chính phủ Ukraine cũng khẳng định việc rút quân không ngăn cản được đà tiến công của quân đội Nga. Thống đốc Kharkiv Oleh Synyehubov cho biết, pháo binh Nga đã nã pháo vào thành phố Lozova của Kharkiv, khiến 3 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Cuộc tấn công của Nga vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, cũng đang tiếp diễn. Khu vực này cũng đã bị nã pháo trong nhiều tháng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết quân đội Ukraine đang thực hiện “các hoạt động quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ tái chiếm ở phía nam và phía đông nước này, đồng thời bao vây và quét sạch quân đội Nga và đồng minh của họ. Ông Zelenskyy cũng hứa hẹn sẽ khôi phục cuộc sống bình thường ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Mặc dù chính quyền Kyiv lạc quan về tình hình hiện tại, nhưng Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn theo dõi mọi phản ứng của Moscow, vì biết rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tiếp tục triển khai binh lính và các nguồn lực hậu cần vào chiến trường.

Chưa thể coi cuộc phản công của Ukraine là một bước ngoặt của cuộc chiến Nga-Ukraine năm nay bởi vì:

  1. Kharkiv Oblast không nằm trong các khu vực mục tiêu quân sự chính của Oblast Ukraine và Crimea mà Nga tuyên bố chủ quyền;
  2. Các hoạt động quân sự của Ukraine ở Kherson Oblast không có tiến triển đáng kể;
  3. Địa hình của Ukraine dễ bị tấn công. Nếu một mặt trận mới được mở ra ở vùng Donbas, Ukraine rất dễ bị bao vây và tiêu diệt;
  4. Nga hiện đang chiếm giữ một khu vực rộng 90.000 km vuông ở Ukraine.

Đồng thời, các nhà phân tích quân sự đang cố gắng tìm hiểu bức tranh thực sự về tổn thất quân sự của Nga. Ngoài ra, có rất nhiều tin tức về việc rút quân của Nga, và thậm chí có nguồn tin cho biết quân đội Nga đang đầu hàng tập thể. Tuy nhiên, tin tức này chưa được xác nhận.

Huyền Anh

TT Biden phản đối chuyển hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine: ‘Cố gắng tránh Thế chiến III’

Tổng thống Joe Biden vẫn chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí mạnh hơn, với mong muốn giữ cho giới hạn cuộc chiến không đi xa hơn nữa.

Tờ New York Times đưa tin hôm 17/9, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tăng cường thúc giục ông Biden sớm chuyển giao cho Kyiv các hệ thống tên lửa tầm xa uy lực hơn, có khả năng vươn tới chính nước Nga, thì ông Biden lại phản hồi rằng, ông không muốn kích động Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

“Chúng ta đang cố gắng tránh Thế chiến III,” tờ Times dẫn lời ông Biden nhắc nhở các trợ lý của mình, lặp lại tuyên bố mà ông đã từng đưa ra trước đó.

NBC cũng dẫn các nguồn thạo tin cho hay: “Chính quyền Biden đã từ chối yêu cầu của Ukraine chuyển giao tên lửa tầm xa vì lo ngại loại vũ khí này có thể gây ra phản ứng nguy hiểm từ Nga, các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc cũng phản đối ý tưởng này.”

Các quan chức Lầu Năm Góc quan ngại, phía Ukraine có thể sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS nhằm vào các mục tiêu ở Nga, điều này có thể dẫn đến leo thang.

Hiện TT Zelensky đang thúc giục Mỹ cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), có tầm bắn lên đến 190km và có thể tấn công thẳng vào Crimea hoặc thậm chí tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Ông Zelensky đang kỳ vọng có thể tiến thêm các bước tiến quân sự trên thực địa, vốn đã buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi khu vực rộng vài dặm vuông ở miền Đông đất nước. Có thể nói, những bước tiến này một phần là nhờ hàng tỷ đô la viện trợ quân sự mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine trong các hệ thống vũ khí và quân trang.

“Nếu Washington quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kyiv, thì nước này sẽ vượt qua ranh giới đỏ và sẽ trở thành một bên trực tiếp gây ra xung đột,” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 15/9, cảnh báo đây là “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Putin và Nga.

Cùng ngày, Mỹ đã công bố thêm khoản viện trợ 600 triệu USD cho Ukraine. Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự Mỹ tiết lộ, gói hỗ trợ này bao gồm nhiều hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và đạn dược.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder nói với NBC hôm 16/9, các lãnh đạo cấp cao đã tiếp xúc với Ukraine để đánh giá nhu cầu của nước này.

Ông Ryder nhấn mạnh: “Bằng chứng là qua những tiến bộ gần đây của Ukraine, họ tiếp tục vận dụng những gì Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cung cấp cho mình để tạo ra hiệu quả to lớn trên chiến trường. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ họ trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.”

Tính đến nay, Hoa Kỳ đã gửi hơn 40 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24/2.

Minh Ngọc (T/h)

Nga phản ứng cảnh báo của ông Biden về không sử dụng vũ khí hạt nhân

Điện Kremlin đã đưa ra phản ứng ngắn gọn khi được hỏi về lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng nhà lãnh đạo Nga không nên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong cuộc xâm lược Ukraine.

TT Biden đã được CBS News hỏi về thông điệp của ông ấy đối với Tổng thống Nga Putin là gì nếu ông Putin cảm thấy cách tốt nhất để trả thù và giành lại ưu thế là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc hóa học.

Tổng thống Mỹ đa trả lời “Đừng, đừng, đừng [làm như vậy]” và nói thêm rằng một hành động như vậy sẽ “thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai”.

Khi được hỏi về phản ứng của Moscow đối với tuyên bố của ông Biden, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy, “Hãy đọc học thuyết. Mọi thứ đều được viết ở đó”, hãng tin RIA Novosti đưa tin.

Học thuyết hạt nhân của Nga nói rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được tiến hành sau “một hành động gây hấn chống lại Nga hoặc đồng minh của họ với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc nếu đất nước phải đối mặt với sự xâm lược và “sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa.”

Trong suốt cuộc chiến, đã có nhiều thông điệp trái chiều đến từ Moscow về triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngay sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Khách mời và những người đứng đầu các kênh truyền hình nhà nước phản ánh suy nghĩ của Điện Kremlin đã thường xuyên mô tả các khả năng hạt nhân của Nga và triển vọng sử dụng chúng như một phần trong nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng trước nói rằng vũ khí hạt nhân là không cần thiết từ góc độ quân sự và “mục tiêu chính của kho vũ khí hạt nhân của Nga là ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”.

Ông Peskov, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, trước đó đã nói rằng sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.

Nga có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng ở khoảng cách tương đối gần, trong khi vũ khí hạt nhân “chiến lược” có thể được phóng ở khoảng cách xa hơn nhiều và làm tăng triển vọng của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Ngày càng có nhiều suy đoán về việc ông Putin sẽ làm gì tiếp theo sau một cuộc rút lui bẽ mặt ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine, cũng như Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.

Rose Gottemoeller, Phó tổng thư ký NATO từ 2016 đến 2019, trước đó nói rằng bà lo ngại ông Putin có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), chẳng hạn như vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Nhưng vẫn có sự hoài nghi về việc ông Putin sẽ đi bước như vậy.

Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á-Âu tại Đại học Wesleyan, Connecticut cho biết: “Một cuộc tấn công hạt nhân sẽ có tác động gây sốc nhưng nó không có khả năng răn đe Ukraine, và nó chỉ nhằm mục đích thống nhất phương Tây hơn và khiến các đồng minh của Nga như Trung Quốc lùi bước”.

Lê Vy (theo Newsweek)

Related posts