Tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên đến Hàn Quốc kể từ năm 2018

Lam Giang

Tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên đến Hàn Quốc kể từ năm 2018
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Một tàu  sân  bay Mỹ sẽ thăm Hàn Quốc trong tuần này để tập trận chung lần đầu tiên sau khoảng 4 năm, các quan chức của cả hai nước cho biết hôm thứ Hai (19/9). Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai nước đồng minh Mỹ, Hàn đang tìm cách triển khai “các vũ khí chiến lược” vì lo ngại rằng Triều Tiên sẽ sớm tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ đến một căn cứ hải quân ở thành phố cảng phía nam Busan vào ngày 23/9, Hải quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố cho biết: “Bằng cách tiến hành các cuộc tập trận kết hợp, Hải quân hai nước có kế hoạch tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và thể hiện quyết tâm vững chắc của liên minh Hàn-Mỹ vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc giữa những lo ngại về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng

Giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng dường như cũng chuẩn bị nối lại thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Triều Tiên đã lên án các hoạt động triển khai quân sự trước đây của Mỹ cũng như các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, miêu tả đó là màn tập dượt cho chiến tranh và là bằng chứng về chính sách thù địch của Washington và Seoul đối với Bình Nhưỡng.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên đến Hàn Quốc của tàu sân bay USS Ronald Reagan kể từ năm 2018. Vào năm đó, hai nước Mỹ và Hàn Quốc đã hạn chế nhiều hoạt động quân sự chung trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao được thúc đẩy để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục cắt giảm các cuộc tập trận cho đến năm nay, khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nối lại nhiều cuộc tập trận chung và các cuộc phô diễn sức mạnh quân sự khác như một lời cảnh báo đối với Triều Tiên.

Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành một số vụ thử tên lửa kỷ lục sau các cuộc đàm phán thất bại trong việc thuyết phục nước này chấm dứt việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Vào tháng 4, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã triển khai đến vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 2017, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng Nhật Bản. Lần này  tàu sân bay  và nhóm tấn công của nó sẽ huấn luyện với lực lượng Hàn Quốc.

Hôm thứ Sáu (16/9), Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã lên án học thuyết hạt nhân sử dụng đầu tiên của Triều Tiên được công bố trong tháng này là “leo thang và gây mất ổn định” và Washington tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện các tài sản chiến lược để răn đe và đáp trả Bình Nhưỡng.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo: Trung Quốc sử dụng Triều Tiên như ‘Quốc gia vùng đệm’

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 13/7 cho biết Trung Quốc ngăn cản Triều Tiên tham gia vào các nỗ lực phi hạt nhân hóa do chính phủ Mỹ theo đuổi vì Bắc Kinh “được hưởng lợi từ việc Chủ tịch Kim Jong Un tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Trong một cuộc phỏng vấn video tại Hội nghị Lãnh đạo Châu Á (ALC) ở Seoul, Hàn Quốc, một hội nghị thượng đỉnh do hãng truyền thông Hàn Quốc Chosun Ilbo tổ chức, ông Pompeo nói rằng Trung Quốc sử dụng Bình Nhưỡng như “một quốc gia vùng đệm quan trọng”, vì khi đó Washington phải chi năng lượng để bảo vệ Đông Á trước các hệ thống vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Pompeo tin rằng ông Kim là con rối của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông nói rằng, ông Kim có mức độ tự do hạn chế.

Ngoại trưởng Pompeo là một trong những nhân vật chủ chốt tạo nên cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lịch sử. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp ông Kim ba lần tại Singapore, Hà Nội và Hàn Quốc vào các năm 2018 và 2019. Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng nhau đi bộ về phía nam Đường phân giới quân sự phân chia hai miền Bắc và Nam Triều Tiên vào ngày 30/6/2019. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Mỹ và Triều Tiên không thể đạt được thỏa thuận về việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa tại bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào. Hôm 13/7, ông Pompeo nói rằng trở ngại đến từ Trung Quốc.

“Bất kỳ cuộc gặp nào giữa tôi với Chủ tịch Kim, cũng như cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Trump với Chủ tịch Kim đều diễn ra trước cuộc gặp giữa ông Kim với ông Tập Cận Bình”, ông Pompeo nói. “Có những lần tôi đã có những cuộc trò chuyện nghiêm túc với Chủ tịch Kim chỉ để nhận ra rằng ngay sau khi tôi rời đi, ông Tập Cận Bình gọi đến và nói: ‘Ông đừng có đi theo con đường đó với Ngoại trưởng đó’, tờ United Press International (UPI) đưa tin ngày 13/7.

Ông Pompeo nói rằng ông Kim “hiểu biết” và muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự can dự kinh tế lớn hơn từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc không cho phép ông đi theo hướng đó.

Mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên

Theo cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen), chính quyền Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã ủng hộ lẫn nhau ngay cả trước khi họ kiểm soát các quốc gia tương ứng vào cuối những năm 1940. Trong những năm 1950, Bắc Kinh đã chiến đấu với Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên.

Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Triều Tiên. Theo tờ Nhật báo Kinh doanh Aju của Hàn Quốc, hơn 97% hàng hóa xuất nhập khẩu của Triều Tiên được giao dịch với Trung Quốc trong năm 2019.

“Bắc Kinh đã giúp duy trì chế độ của ông Kim Jong-un, và đã phản đối các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của quốc tế đối với Triều Tiên với hy vọng tránh được sự sụp đổ của chế độ và dòng người tị nạn xuyên qua biên giới dài 870 dặm của nước này”, Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ cho biết vào tháng 6/2019.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts