Bão Noru là ‘cơn bão lịch sử’, gió giật cấp 15 khi ở trên đất liền
Chuyên gia khí tượng nhận định bão Noru là “cơn bão lịch sử” với sức gió giật cấp 15 khi ở trên đất liền. Từ trước đến nay, cơ quan khí tượng chỉ ghi nhận bão có cấp gió 13 trên đất liền.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định khi đổ bộ vào đất liền, bão Noru được dự báo vẫn còn rất mạnh, cấp 12 – 14, giật đến cấp 15.
Từ trước đến nay trong các số liệu quan trắc, chúng ta mới chỉ ghi nhận được cấp gió 13 trên đất liền, ông Năng nói.
“Đây đều là những con số lịch sử mà từ trước đến nay bản tin dự báo của trung tâm chưa đề cập đến”, ông nhận định.
Với cấp 14-15, kèm theo các cột sóng cao từ 4-6m, sức tàn phá của bão là rất lớn.
Tất cả các tàu có trọng tải lớn nằm trong vùng hoạt động của bão đều có thể bị đánh đắm. Tàu thuyền chỉ neo đậu bằng cách buộc dây vẫn có thể bị sức mạnh của cơn bão cuốn phăng, kể cả là đang neo đậu ở các cầu cảng kín.
Khi vào ven bờ, toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền.
Nhiều công trình cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các hoạt động từ giao thông, xây dựng…
Ông Năng khuyến cáo với thời điểm sức gió mạnh nhất diễn ra từ khoảng 9-10h tối nay (27/9) kéo dài đến khoảng 7h sáng mai (28/9), đây là thời gian rất nguy hiểm. Khuyến cáo toàn bộ người dân ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía bắc của Bình Định cần thực hiện tránh trú an toàn, không đi ra ngoài, phải giới nghiêm để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão lịch sử này gây ra.
Theo cơ quan khí tượng, lúc 20h30 tối nay (27/9), tâm bão Noru chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Nam khoảng 150km về phía Đông, phần hoàn lưu đậm đặc có mưa lớn và gió mạnh bắt đầu chờm vào đất liền tại các tỉnh từ Huế đến Quảng Ngãi, cường độ mạnh cấp 13, giật cấp 15-16.
Trong 6-12h tới, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với vận tốc khoảng 15-20km/h, cường độ suy yếu dần và hướng về ven biển các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Nam, khoảng 3-4h sáng sớm ngày mai (28/9), tâm bão có khả năng đổ bộ vào đất liền.
Minh Long
Quảng Trị: Toàn bộ vàng tại một tiệm vàng bị cuốn phăng do ảnh hưởng từ bão Noru
Một trận lốc mạnh đã khiến toàn bộ số vàng tại cửa hàng vàng Phước Thịnh bị cuốn bay, văng tứ tung. Hiện chưa thống kê được con số thiệt hại.
Trận lốc xoáy mạnh do ảnh hưởng từ cơn bão Noru đã càn quét tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) vào chiều 27/9.
Trận lốc đã khiến cửa hàng vàng Phước Thịnh bị thổi bay phần mái. Toàn bộ số vàng, trang sức tại cửa hàng bị cuốn bay lên không trung, văng tứ tung. Rất nhiều người dân đã tập trung tìm giúp tài sản cho chủ cửa hàng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm rất khó khăn.
Anh Hoàng Tiến, chủ tiệm vàng Phước Thịnh, cho biết anh đang dọn cửa hàng để tránh bão, thì bất ngờ cơn lốc kéo đến.
Cơn lốc thổi bay phần mái, cuốn luôn cả hai tủ kính chứa vàng, trang sức lên không trung. Quá hốt hoảng, anh đã dùng tay níu tủ lại và bị gương vỡ ra, cắt nhiều nhát vào tay, phải khâu 25 mũi.
“Giờ tôi cũng không nhớ là tôi mất bao nhiêu vàng, trang sức, cũng không biết là bà con đã lượm lại giúp bao nhiêu nữa. Nói chung là giờ tôi không biết tính sao”, anh Tiến buồn bã nói, theo báo Thanh Niên.
Giới chức địa phương cũng xác nhận hiện chưa thể thống kê số vàng đã mất.
Qua thống kê sơ bộ, ngoài cửa hàng vàng bị thiệt hại, chợ Cửa Việt cũng bị tốc mái, 2 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, 300 ngôi nhà dân và hàng quán bị tốc mái, có 4 người bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Trận lốc xoáy cực mạnh cũng đã làm hư hỏng bảng biển quảng cáo, làm bật gốc cây cối ở khu vực.
Minh Long
Vụ chuyến bay giải cứu: Bắt trợ lý của Phó thủ tướng vì nhận hối lộ
Ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, bị bắt để điều tra về tội Nhận hối lộ.
Ngày 27/9, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, để điều tra về tội “nhận hối lộ”.
Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từ ngày 31/12/2013.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng trên. Cơ quan điều tra cũng thực hiện khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Linh.
Ông Linh bị bắt trong quá trình cơ quan an ninh điều tra mở rộng vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.
Ông Linh bị Ban Bí thư kết luận có sai phạm trong việc tham mưu, trình phê duyệt cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19, “gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội”.
Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Linh.
Liên quan đến vụ việc, mới đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ, bị cơ quan điều tra bắt tạm giam về tội “Nhận hối lộ”.
Hai chuyên viên của Vụ Quan hệ quốc tế cũng bị bắt là bà Nguyễn Thị Mai Anh và ông Nguyễn Tiến Thân.
Vụ án này được cơ quan điều tra khởi tố từ cuối tháng 1. Đến nay, đã có gần 20 người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Trong đó, có ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị điều tra về tội nhận hối lộ…
Hồi cuối tháng 6, cơ quan điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19 vừa qua. Mỗi chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.
Phạm Toàn