Bão Côn Sơn đêm nay vào Biển Đông, 11 tỉnh lên phương án sơ tán dân

Hiểu Minh

Dự kiến đường đi của bão Côn Sơn. (Ảnh:NCHMF).

Đêm 8/9, bão Côn Sơn sẽ vượt qua Philippines vào Biển Đông, sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9). Để tránh tổn thất, 11 tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán hơn 258.000 dân ở vùng ven biển, ven sông, khu vực vùng núi, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (NCHMF) cho biết chiều 8/9, bão đang ở phía nam đảo Luzon (Philippines). Với hướng tây bắc, tốc độ mỗi giờ 10-15 km, đêm nay bão vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 5 ở khu vực này.

Phía đông Philippines còn một cơn bão khác tên Chanthu, mạnh cấp 13-14, cách bão Côn Sơn khoảng 1.100 km. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc NCHMF, cho biết hai cơn bão này chưa tương tác với nhau, nhưng vài ngày tới sẽ tác động, làm thay đổi đường đi, cường độ của bão Côn Sơn.

Hiện các đài khí tượng quốc tế dự báo còn phân tán, có đài cho rằng bão Côn Sơn suy yếu nhanh khi vào gần vịnh Bắc Bộ, có đài cho rằng bão đi vào bờ, đài khác nhận định bão chỉ loanh quanh trên biển.

Cơ quan khí tượng Việt Nam dự báo bão mạnh nhất cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa và suy yếu khi gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Bão có thể gây gió mạnh trên bắc Biển Đông trong các ngày từ 9 đến 11/9, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong ngày 10/9.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho hay, 11 tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán hơn 258.000 dân ở vùng ven biển, ven sông, khu vực vùng núi, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bộ Quốc phòng đã triển khai phương án ứng phó với bão Côn Sơn, sẵn sàng hơn 500.000 bộ đội, dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 trang thiết bị.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống bão sáng 8/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho hay tỉnh đang gặp khó khăn về phương án sơ tán dân do có nhiều khu vực đang giãn cách xã hội.

“Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương lên phương án sơ tán dân ở khu vực ven biển. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn về phương án sơ tán dân đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do phải ưu tiên phạm vi sơ tán, sàng lọc F1, F2, F3 và bố trí lực lượng phục vụ tại nơi sơ tán” – ông Nam thông tin.

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Minh, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh đã có công văn, công điện chỉ đạo các phương án ứng phó với mưa bão.

Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn nếu như bão đổ bộ vào vì địa phương có nhiều nơi đang thực hiện chỉ thị 16, tỉnh đã lên kịch bản sơ tán dân nhưng cần có hướng dẫn của Bộ Y tế nếu sơ tán thì thực hiện như thế nào khi đang giãn cách.

Tin mưa lớn ở Đồng bằng Bắc bộ, từ khu vực Thanh Hoá đến Quảng Bình

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng nay (08/9), ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to. Một số nơi có lượng mưa lớn (lượng mưa tính từ 07h đến 13h ngày 08/9) như: Quỳnh Phụ (Thái Bình) 99.6mm, Nghĩa Hưng (Nam Định) 93.4mm, Thanh Miện (Hải Dương) 93mm, Ninh Giang (Hải Dương) 88.4mm, Quan Sơn (Thanh Hóa) 120.2mm, Như Thanh (Thanh Hóa) 114mm, Nghĩa Đàn (Nghệ An) 84.2mm,…

Dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung Bộ kết hợp với nhiễu động gió Đông ở rìa Nam áp cao cận nhiệt đới nên từ nay (08/9) đến hết ngày mai (09/9), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm; khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 100-150mm, có nơi trên 150mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.

Khu vực Hà Nội: Từ nay (08/9) đến ngày 09/9, có mưa vừa, mưa to, có lúc mưa rất to và dông.

Ngoài ra: Do ảnh hưởng của rìa Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung Bộ kết hợp với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình nên từ nay (08/9) đến ngày 09/9, ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h (mưa tập trung vào chiều và tối).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Related posts