Tin VN sáng thứ Hai: Hai tàu cá cùng 19 ngư dân Việt Nam bị Malaysia bắt giữ

Hai tàu cá cùng 19 ngư dân Việt Nam bị Malaysia bắt giữ

Một tàu cá mang số hiệu tỉnh Quảng Nam neo đậu tại cảng cá Duy Hải, cửa sông Thu Bồn, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, tháng 10/2021. (Ảnh minh họa: Marco Gallo/Shutterstock)

Hai tàu cá, ngư cụ, 3 tấn hải sản cùng 19 ngư dân Việt Nam vừa bị Lực lượng Chấp pháp Hàng hải Malaysia (MMEA) bắt giữ vào ngày 27/9 vừa qua với lý do vi phạm vùng biển và đánh bắt bất hợp pháp tại quốc gia này.

Thông cáo ngày 28/9 của MMEA cho biết 2 chiếc tàu lưới rà của Việt Nam bị ngư dân địa phương phát hiện cách bờ biển Pulau (đảo) Aur gần 13 hải lý về phía đông bắc, sau đó báo cho lực lượng chức năng hàng hải của Malaysia.

Việc bắt giữ này do Khu vực quản lý Hàng hải Mersing cùng với Đội Cảnh sát Biển (PPM) thực hiện vào khoảng 2h30 chiều ngày 27/9.

Giám đốc Khu vực quản lý Hàng hải Mersing, Tư lệnh Hàng hải – ông Khairul Nizam Bin Misran cho biết 2 tàu cá bị bắt giữ khi “xâm phạm bất hợp pháp” vùng biển quốc gia của nước này. Hai thuyền trưởng và các ngư dân bị bắt khai là người Việt Nam, trong độ tuổi từ 18 đến 51, đều không xuất trình được giấy tờ tùy thân. Sau đó họ bị đưa về trụ sở MMEA Teluk Gading để điều tra.

“Vụ việc được điều tra theo Đạo luật Thủy sản 1985 vì xâm nhập và đánh bắt cá trong vùng biển Malaysia mà không được phép của Cục trưởng Thủy sản Malaysia và Đạo luật Nhập cư 1959/1963 vì không xuất trình được tài liệu tự nhận dạng hợp lệ”, thông cáo cho biết.

Cả hai thuyền cùng toàn bộ ngư cụ và khoảng 3 tấn hải sản các loại, trị giá 3,1 triệu RM (tương đương gần 16 tỷ đồng), bị giới chức hàng hải Malaysia thu giữ. 19 ngư dân bị đưa về trụ sở MMEA Teluk Gading để điều tra.

Sang ngày 29/9, MMEA tiếp tục phát một thông báo cho biết họ đã tiêu hủy 3 tàu cá Việt Nam bằng cách đánh chìm. Ba tàu cá này bị thu giữ từ năm 2020 đến năm 2021 ở bang Pahang “vì xâm phạm vùng biển quốc gia và đánh bắt cá mà không được phép của Cục trưởng Thủy sản Malaysia”.

Theo thông báo, 3 chiếc thuyền vừa bị tiêu hủy ước tính trị giá 4,2 triệu RM (tương đương hơn 21,6 tỷ đồng). Việc xử lý này giúp giảm tắc nghẽn tàu thuyền giam giữ người nước ngoài tại cầu cảng của Trung tâm giam giữ Vesel.

Vào ngày 23/9 vừa qua, 37 ngư dân của tỉnh Quảng Nam (hoạt động trên tàu cá QNa 95005 TS) bị Malaysia bắt giữ hôm 11/6 đã về tới Việt Nam. Nhóm ngư dân được trở về sau hơn 20 ngày kể từ khi nộp phạt tổng số tiền 870.000 RM (hơn 5 tỷ đồng) về tội vi phạm Luật Thủy sản 1985 theo phán quyết của tòa án Malaysia ngày 30/8 (chưa kể tàu cá, ngư cụ trị giá hơn 6 tỷ đồng cùng toàn bộ ngư cụ, tư trang bị thu giữ).

Tổng số ngư dân bị bắt giữ trên thực tế là 42 người, nhưng 5 người gồm người ở độ tuổi vị thành niên và người có bệnh nền được Malaysia cho về vào giữa tháng 7.

Theo quan điểm của phía Việt Nam, tàu cá bị bắt giữ nói trên vẫn đánh bắt trên vùng biển Việt Nam được phép khai thác. Tại văn bản ngày 29/6 của UBND tỉnh Quảng Nam, hệ thống giám sát của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ghi nhận tại thời điểm bị cảnh sát biển Malaysia bắt, tàu cá QNa 95005 TS hoạt động cách bãi đá Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 9 hải lý về phía Đông Nam.

Kết quả trích xuất dữ liệu giám sát hành trình tàu cá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng cho thấy từ 25/4 – 11/6, tàu cá trên hoạt động trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản của Việt Nam.

Nguyễn Minh

Nghệ An: Lũ ống cuốn trôi người và hàng loạt nhà dân

Lũ quét kinh hoàng ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An (ảnh: Tuổi Trẻ).

Lũ ống đổ về sau mưa lớn khiến một bé gái thiệt mạng, nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, ngập tại huyện Kỳ Sơn.

Video: Lũ ống cuốn trôi người và hàng loạt nhà dân (Video: VnExpress).

Cụ thể theo VTC, UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), sáng 2/10, bé gái 4 tháng tuổi ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, bị nước lũ cuốn trôi, thiệt mạng.

Trận lũ ống cũng cuốn đi 15 ngôi nhà của người dân ở xã Tà Cạ, làm ngập 50 ngôi nhà của người dân bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) và thị trấn Mường Xén. Lãnh đạo địa phương đã sơ tán 25 người dân tại thị trấn Mường Xén đến nơi an toàn.

Đến 12h ngày 2/10, mưa lũ làm cô lập 2 xã Tây Sơn và Tà Cạ, trong đó bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) có 236 hộ với 966 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn, chưa thể tiếp cận được.

Ngoài ra còn có nhiều tài sản có giá trị của người dân như ô tô bị lũ cuốn. Nhiều công sở ở trung tâm thị trấn Mường Xén bị ngập nặng.

Về thông tin một số ô tô của người dân bị lũ cuốn trôi ra sông, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho hay thời điểm xảy ra sự việc trên ô tô không có người nên không có thương vong về người.

Huệ Liên

Quảng Ngãi: Rác thải ùn ứ do nhà máy rác bị nợ tiền

Chủ nhà máy xử lý rác thải lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi đóng cửa nhà máy vì các địa phương nợ tiền và nhà máy bị điện lực cắt điện, khiến rác ùn ứ nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: vov.vn)

Chủ nhà máy xử lý rác thải lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi đóng cửa nhà máy vì các địa phương nợ tiền và nhà máy bị điện lực cắt điện, khiến rác ùn ứ nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 2/10, đại diện Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Quảng Ngãi cho biết đã tạm dừng hoạt động thu gom rác thải tại TP. Quảng Ngãi kể từ ngày 1/10 đến khi có thông báo mới.

Dọc theo các tuyến đường Hùng Vương, Quang Trung, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo… thuộc TP. Quảng Ngãi, rác thải ùn ứ khắp nơi vừa gây ô nhiễm môi trường vừa mất mỹ quan đô thị.

Tình trạng rác chất đống do không có đơn vị thu gom cũng diễn ra tại huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa.

Rác thải ở ba địa phương này do Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nghĩa Kỳ xử lý, song từ trưa qua nhà máy đã dừng tiếp nhận.

Lý giải về vấn đề này, ông Cao Ngọc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc, chủ đầu tư nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ, cho hay sau bão số 4, doanh nghiệp tập trung nguồn nhân lực tiếp nhận, xử lý lượng rác thải tăng đột biến.

Trung bình mỗi ngày đêm, nhà máy tiếp nhận, xử lý hơn 500 tấn. Tuy nhiên hợp đồng đặt hàng xử lý rác thải giữa các địa phương, công ty với TP. Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành đến 30/9 hết hạn. Từ ngày 1/10, hợp đồng mới giữa công ty với các địa phương chưa được ký kết. Mỗi quý công ty ký hợp đồng hàng trăm triệu đồng với từng địa phương tuỳ lượng rác thu gom.

Mặt khác, doanh nghiệp phải tạm dừng tiếp nhận rác là do kinh phí xử lý rác thải từ tháng 7 đến tháng 9 ở các địa phương chưa được thanh toán. Do đó, Công ty không đủ kinh phí để cung cấp nguyên, nhiên liệu phục vụ tiếp nhận, xử lý rác thải.

“Thiếu kinh phí nên công ty không có tiền để đóng tiền điện nên Công ty Cổ phần Điện lực huyện Tư Nghĩa đã cắt điện tại nhà máy từ ngày 1/10 nên không thể hoạt động”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa nói trên báo Vnexpress, vì ngày 30/9 là vào ngày cuối tuần nên địa phương chưa kịp thanh toán. Đầu tuần tới huyện làm việc với công ty xử lý rác sớm giải quyết. Trước mắt địa phương đề nghị người dân giữ rác tại chỗ, tránh ảnh hưởng môi trường.

Trước đó, tháng 3 năm nay, nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ từng dừng tiếp nhận, xử lý rác thải ở ba địa phương cũng vì lý do chậm thanh toán tiền xử lý rác thải như trong hợp đồng được ký kết giữa các bên.

Hoàng Minh

Thuyền viên Trung Quốc nghi ngộ độc tập thể: Thêm một người tử vong trên Côn Đảo

Một thuyền viên trong 8 người may mắn qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. Hiện 13/21 thuyền viên của tàu đã tử vong, nghi do ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: baobariavungtau.com.vn)

Một thuyền viên Trung Quốc vừa được ghi nhận đã tử vong trong tình trạng bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa tạng nặng, sau gần 2 ngày cứu chữa tại Trung tâm Y tế Dân quân y Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Sáng 2/10, Zing dẫn lời một lãnh đạo Trung tâm Y tế Dân quân y Côn Đảo (không nêu danh tính) xác nhận có thêm một nạn nhân nghi ngộ độc thực phẩm tử vong. Người này là một trong 11 nạn nhân được cơ quan chức năng đưa vào trung tâm y tế cấp cứu vào chiều 30/9.

Trước đó, chiều 1/10, một trường hợp nguy kịch được báo Dân Trí đưa tin, tên B.Y. (SN 1983), nằm trong số 9 thuyền viên Trung Quốc đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Côn Đảo.

Bệnh nhân trên nhập viện ngày 30/9 trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa tạng, có chỉ định lọc máu.

Tại thời điểm có tin báo nguy kịch, ekip điều trị hội chẩn và chờ đại diện lãnh sự quán Trung Quốc có mặt để xem xét các thủ tục chuyển bệnh nhân trên vào đất liền bằng đường hàng không để điều trị (dự kiến là Bệnh viện Quân y 175).

Vẫn theo bản tin trên, trong sáng 1/10, Bệnh viện đa khoa Lê Lợi (TP Vũng Tàu) đã cử một Phó giám đốc phụ trách chuyên môn và một bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức di chuyển ra huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để hỗ trợ điều trị cho 9 thuyền viên.

Theo đó, với ca tử vong mới nhất, số thuyền viên trên tàu MV. WUZHOU 8 (Trung Quốc) tử vong đã nâng lên 13/21 thuyền viên.

8 người còn lại đã ổn định sức khỏe, đang tiếp tục được điều trị tại Trung tâm Y tế Dân quân y Côn Đảo. 13 thi thể đang được giữ lạnh tại cơ sở y tế.

Như đã đưa tin, trên hải trình từ Thái Lan đến Trung Quốc, khi đi ngang qua vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt nam), tàu MV. WUZHOU 8 (Trung Quốc) phát tín hiệu cần trợ giúp khi hàng loạt thuyền viên nguy kịch nghi do bị ngộ độc thực phẩm.

Khoảng 14h30 ngày 30/9, trực thăng cứu hộ của Công ty Trực thăng miền Nam đưa 11 thuyền viên tới Trung tâm Y tế Dân quân y Côn Đảo (10 người đã tử vong, thi thể trên tàu). Khi trực thăng hạ cánh, 1 người đã tử vong. Trong quá trình cấp cứu, thêm 1 người không qua khỏi.

Theo lời kể của một số thuyền viên tỉnh táo, trưa 29/9, các thuyền viên ăn cơm với thịt vịt đóng hộp; buổi chiều ăn cá và một số rau củ mang theo từ Trung Quốc. Khoảng 22-23h, các thuyền viên xuất hiện tình trạng ói mửa, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong đêm. Một số người tới khoảng 3h sáng xuất hiện triệu chứng tương tự.

Cơ quan y tế tại Côn Đảo đã lấy mẫu thịt vịt và một số thực phẩm khác để phân tích, tìm độc chất. Một lãnh đạo Trung tâm Y tế Dân quân y Côn Đảo cho biết trước khi chạy qua vùng biển Côn Đảo, tàu chở sắn từ Thái Lan được thuyền viên phun khử khuẩn thuốc diệt côn trùng, Zing cho hay.

Minh Sơn

Gần 40,000 công chức, viên chức nghỉ việc: Bộ Nội vụ kiến nghị tăng lương

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. (Ảnh: Nhật Bắc/ VGP)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam cho biết, trong 2.5 năm qua, các bộ, ngành và địa phương có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua.

Ông Thăng cho hay, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành về số lượng công chức, viên chức nghỉ việc.

Theo đó, trong 2,5 năm qua, có 39.552 công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân (chiếm khoảng gần 2% tổng biên chế). Trong đó, 18% thuộc cấp Trung ương và 82% thuộc các địa phương.

Cụ thể, số công chức thôi việc là hơn 4.000 người; số viên chức thôi việc khoảng 35.000 người. Ngành giáo dục có số lượng nhân sự nghỉ việc nhiều nhất với hơn 16.000 người; tiếp sau đó là ngành y tế với hơn 12.000 người.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc.

Theo ông Thăng, một trong những nguyên nhân chính là do chính sách tiền lương trong khu vực công vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề tiền lương khiến thu nhập của công chức, viên chức tại một số địa phương bị chênh lệch so với mặt bằng thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác từ việc quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chuyên gia chưa được tốt. Trong khi khu vực tư nhân có nhiều chính sách thu hút hơn thì quá trình tinh giảm biên chế tại một số cơ quan, đơn vị khiến khối lượng công việc tăng, gây sức ép, áp lực cho người lao động…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, Bộ sẽ cùng Bộ Tài chính báo cáo Trung ương, Quốc hội xem xét sớm có chính sách tăng lương phù hợp.

Minh Nguyệt

Related posts