Tin thế giới chiều thứ Tư: Ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc đang theo đuổi ‘lợi ích quân sự chiến lược’ ở Bắc Cực

Ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc đang theo đuổi ‘lợi ích quân sự chiến lược’ ở Bắc Cực

Ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc đang theo đuổi 'lợi ích quân sự chiến lược' ở Bắc Cực
Cảnh sát biên phòng bán quân sự Trung Quốc huấn luyện trong tuyết tại huyện Mohe ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc, giáp ranh biên giới với Nga, hôm 12/12/2016. Mohe là điểm cực bắc của Trung Quốc, với khí hậu cận Bắc cực, nơi các lính biên phòng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp tới -32 độ F. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Theo cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Bắc Cực bằng cách tuyên bố là một quốc gia ‘cận Bắc Cực’ để tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo các tuyến đường thương mại nhằm giành được lợi thế quân sự để đối đầu với Washington.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chủ tịch Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc vào con đường đối đầu với Mỹ bằng cách theo đuổi các mục tiêu chiến lược trong khu vực, ông Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Viện Nghiên cứu Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

“Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rõ ràng rằng ông ấy muốn cai trị mãi mãi và sự cai trị của ông ấy phải vượt lên trên tất cả mọi thứ”, ông Pompeo nói. “Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét điều đó một cách nghiêm túc”.

“Xin đừng nhầm lẫn về điều đó. ĐCSTQ có những ý định quân sự sâu sắc và mang tính chiến lược ở Bắc Cực”, ông nói.

Cựu Ngoại trưởng Pompeo cho biết,  ĐCSTQ đang lấn chiếm khu vực Bắc Cực như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đảm bảo an ninh quân sự và kinh tế chống lại phương Tây. Nỗ lực đó cho dù bị lùi lại vài năm nhưng cũng đã đạt mức cao mới vào năm 2017, khi ĐCSTQ cố gắng mua một căn cứ hải quân đã ngừng hoạt động ở Greenland.

Ông Pompeo nói, khu vực Bắc Cực rất quan trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ. Không chỉ bởi các nguồn tài nguyên dồi dào ở Bắc Cực, mà các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc hoặc Nga nếu muốn phóng vào Mỹ sẽ phải băng qua khu vực này.

Bắc Cực có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Hiện nay, mỏ kẽm lớn nhất thế giới hiện đang ở bang Alaska của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga

Cựu Ngoại trưởng cho hay: “An ninh quốc gia Mỹ phụ thuộc vào khu vực này. Mọi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Trung Quốc đều phải bay qua khu vực Bắc Cực để đánh trúng các mục tiêu ở Mỹ và Canada”.

“Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chống lại các ICBM như vậy, cho dù chúng đến từ Nga hay Trung Quốc, đều được triển khai chủ yếu ở Bắc Cực, ở Greenland và Alaska”.

Ông Pompeo nói rằng tám quốc gia của Hội đồng Bắc Cực cần lên tiếng cấm sự hiện diện quân sự của các quốc gia không thuộc Bắc Cực.

Tám quốc gia có chủ quyền đối với đất liền trong khu vực Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

ĐCSTQ tuyên bố Trung Quốc là “quốc gia cận Bắc Cực” để hợp pháp hóa việc di chuyển của mình vào khu vực. Tuy nhiên, tuyên bố này không có thẩm quyền pháp lý và không được công nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

“Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố chính đáng nào về chủ quyền trong khu vực Bắc Cực, mặc dù họ đã tuyên bố rằng họ là một ‘quốc gia cận Bắc Cực'”, ông Pompeo nói.

“ĐCSTQ không bao giờ được phép trở thành một phần của bất kỳ tổ chức nào, kể cả Hội đồng Bắc Cực”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Pompeo cảnh báo rằng, mối quan hệ hợp tác “không có giới hạn” giữa ĐCSTQ và Điện Kremlin sẽ làm suy yếu phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Theo đó, Nga và Trung Quốc hiện đang bị thế giới cô lập, song hai quốc gia này có thể thắt chặt liên minh để vươn tầm ảnh hưởng đến Bắc Cực, ông nói.

Ông Pompeo cho rằng quyết định gần đây của Phần Lan và Thụy Điển về việc xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một “kết quả tốt”. Ông hy vọng rằng việc kết nạp hai thành viên vào liên minh phòng thủ sẽ tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Bắc Cực.

“Tôi không nghĩ rằng quý vị sẽ tìm thấy một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực”, ông Mike Pompeo cho biết trong phiên hỏi đáp sau bài phát biểu của mình.

Nhà Trắng hôm thứ Sáu (7/10) đã công bố Chiến lược Bắc Cực, nhấn mạnh sẽ ngăn chặn sự hiện diện của Nga và Trung Quốc ở khu vực này, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ mặt đất và biển lên cao, kéo theo tình trạng nóng lên toàn cầu và khiến băng tan nhanh.

Chiến lược này kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Alaska và các quốc gia NATO, mở rộng các cuộc tập trận quân sự và cam kết xây dựng lại hạm đội phá băng của nước này.

“Nga, Trung Quốc và các quốc gia dân chủ cần tuân thủ các quy tắc trong khu vực”, ông Pompeo nói. Các quy tắc này nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền và tính minh bạch của các quốc gia khác. Điều đó sẽ giúp Mỹ dẫn đầu ở khu vực Bắc Cực, ông Pompeo khẳng định.

Huyền Anh

TT Zelensky đề nghị G7 giám sát biên giới của Ukraine với Belarus

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị các nhà lãnh đạo G7 cung cấp thêm hệ thống phòng không và sứ mệnh giám sát quốc tế ở biên giới Belarus, khi Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine bằng một đợt tấn công tên lửa mới vào hôm thứ Ba.

Bình luận của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc và một số quốc gia NATO cảnh báo rằng Moscow có thể đang phạm tội ác chiến tranh với những cuộc tấn công chết người liên tục vào các mục tiêu dân sự.

Cảnh báo rằng Tổng thống Nga “vẫn còn khả năng leo thang thêm”, ông Zelensky nói rằng việc cung cấp nhanh chóng thêm các hệ thống phòng không sẽ thúc đẩy chiến tranh kết thúc.

“Khi Ukraine nhận được đủ số lượng hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả, yếu tố chính gây ra khủng bố của Nga, các cuộc tấn công bằng tên lửa, sẽ ngừng phát huy tác dụng,” ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu trên video.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, John Kirby, cho biết Mỹ đang làm việc để xúc tiến việc vận chuyển hệ thống phòng không NASAMS tinh vi có khả năng tấn công tên lửa hành trình của Nga. Tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin hôm thứ Ba rằng Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không Iris-T của Đức.

Trong khi TT Zelensky được cho là sẽ gây sức ép để bổ sung các hệ thống phòng không nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa của Nga và tái kêu gọi các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Moscow, yêu cầu giám sát quốc tế biên giới của Ukraine với Belarus của ông được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng Minsk sẽ bị lôi kéo thêm nữa vào cuộc chiến của Điện Kremlin.

Nhà độc tài của Belarus, Alexander Lukashenko, hôm thứ Hai tuyên bố đất nước của ông sẽ tham gia một bộ chỉ huy quân sự khu vực chung với Nga, sau khi Belarus được sử dụng để dàn dựng các cuộc tấn công quân sự vào Ukraine trong cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2.

Ông Zelensky cho biết: “Ở biên giới Ukraine và Belarus, chúng ta có thể đặt một phái đoàn quan sát viên quốc tế để theo dõi tình hình an ninh. Các nhà ngoại giao của chúng tôi có thể tìm ra định dạng này. Tôi đề nghị các ngài, ở cấp độ G7, ủng hộ sáng kiến ​​này.”

Đáp lại bài phát biểu của ông Zelensky, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra một tuyên bố nói rằng họ sẽ “đứng vững với Ukraine cho đến khi còn cần thiết”.

Động thái ngoại giao mới nhất diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công liên tục ở Ukraine mà các đồng minh của Kyiv cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Moscow. Nga cho biết hôm thứ Ba rằng họ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine.

“Mục đích của cuộc tấn công đã đạt được. Tất cả các cơ sở được chỉ định đều đã bị tấn công,” Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng việc phương Tây chuyển giao các hệ thống phòng không sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ thêm đau đớn.

Ngân Hà

TT Biden: Ông Putin đã “tính toán sai hoàn toàn” khả năng chiếm đóng Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một người lý trí, nhưng đã đánh giá sai về triển vọng chiếm đóng Ukraine của mình. Ông Biden cũng không tin rằng ông sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tổng thống Mỹ nói với CNN hôm thứ Ba rằng ông tin người đồng cấp Nga đã đánh giá thấp sự kiên định của người Ukraine khi đối mặt với cuộc xâm lược.

“Tôi nghĩ… ông ấy nghĩ rằng ông ấy sẽ được chào đón với vòng tay rộng mở, rằng đây là quê hương của Mẹ Nga ở Kyiv, và đó là nơi ông ấy sẽ được chào đón, và tôi nghĩ rằng ông ấy đã hoàn toàn tính toán sai,” ông Biden nói.

“Tôi nghĩ ông ấy là người lý trí, [nhưng] đã tính toán sai lầm đáng kể.”

Khi được người phỏng vấn Jake Tapper hỏi ông tin rằng việc ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ thực tế như thế nào, ông Biden trả lời: “Chà, tôi không nghĩ ông ấy sẽ làm như vậy”.

Tuần trước, ông Biden đã cảnh báo rằng thế giới có nguy cơ phải đối mặt với thảm họa hủy diệt “Armageddon”, được cho là một nhận xét bất thường về nguy cơ ông Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để hỗ trợ nỗ lực đang chùn bước của Nga tại Ukraine.

Tình trạng tinh thần của ông Putin đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận gần đây.

Nhận xét của ông Biden được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị các nhà lãnh đạo G7 cung cấp thêm hệ thống phòng không và một sứ mệnh giám sát ở biên giới Belarus, khi Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine bằng hàng loạt tên lửa.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, John Kirby, hôm thứ Ba cho biết Mỹ đang làm việc để xúc tiến việc vận chuyển hệ thống phòng không NASAMS có khả năng tấn công tên lửa hành trình của Nga. Tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin hôm thứ Ba rằng Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không Iris-T của Đức.

Nhật Minh

Related posts