Các nước phát triển: Thói quen mua sắm quay về những năm 70 do khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Cao Dương

Các nước phát triển: Thói quen mua sắm quay về những năm 70 do khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Người mua sắm trong siêu thị Aldi ở London, Anh, 23/03/2020. (Dan Kitwood / Getty Images)

Gần 60% người tiêu dùng tại các nước phát triển đang cắt giảm chi tiêu hàng ngày, bao gồm cả thực phẩm và sưởi ấm, để trang trải cuộc sống trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng, theo một báo cáo mới cho biết.

Một cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi IRI — một hãng phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường của Mỹ — cho thấy 71% người tiêu dùng ở các nước phát triển đã có những thay đổi đáng kể trong hoạt động mua sắm khi họ phải chiến đấu với lạm phát đang đạt mức chưa từng thấy trong hàng thập kỷ.

Cuộc khảo sát cũng cho biết, 58% người tiêu dùng ở các nước phát triển đã cắt giảm các nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như cắt giảm bữa ăn và việc sưởi ấm, trong khi 35% đang dựa vào các khoản tiết kiệm và vay nợ để thanh toán hóa đơn.

Tại châu Âu, 30% người tiêu dùng cho biết sẽ thay đổi nơi mình mua các sản phẩm hàng ngày để có được giá tốt hơn, 34% sẽ đến một cửa hàng khác nếu thương hiệu họ thường mua không có khuyến mãi, và 41% sẽ đến nơi khác mua sắm nếu cửa hàng hiện tại không có khuyến mãi.

Khi “sự mệt mỏi vì lạm phát” gia tăng, người tiêu dùng đang thực hiện “những hành vi đối phó chưa từng thấy kể từ cuối những năm 70 và đầu những năm 80”, theo IRI cho biết.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​sự chuyển dịch lớn nhất trong hành vi người tiêu dùng trong hơn 5 thập kỷ, với việc người mua hàng đặt câu hỏi ‘Tôi có thực sự cần nó không?’,… và bây giờ là ‘Sử dụng ít hơn, lãng phí ít hơn'”, theo Ananda Roy — một quản lý mảng Thông tin chi tiết về tăng trưởng chiến lược của IRI — nhận xét.

Báo cáo của IRI cho thấy, 62% người tiêu dùng tại các nước phát triển hiện nay chọn mua hàng từ một thương hiệu mới hoàn toàn dựa vào giá cả, và 40% người tiêu dùng tìm kiếm thường xuyên hơn các mặt hàng giảm giá ngay cả khi chúng đã hết hạn sử dụng.

Nấu ăn tại nhà, mang theo bữa trưa đến công sở, tự pha cà phê tại nhà, uống rượu tại nhà, tắm gội tại phòng tập thể dục, và tạo kiểu tóc tại nhà đang trở nên phổ biến trở lại.

“Rõ ràng là việc người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu đang đi xuống, và xu hướng có thể xấu đi — với khả năng giá sẽ tăng mạnh hơn nữa do chi phí đầu vào cao và giá năng lượng biến động”, ông Roy nói.

Báo cáo của IRI đã xem xét tác động của việc thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng đối với 230 danh mục hàng tiêu dùng nhanh, hơn 2000 phân khúc sản phẩm, và hơn 10 triệu đơn vị lưu kho (SKU) trên 14 thị trường lớn bao gồm Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương, và các thị trường lớn nhất ở châu Âu là Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh, và Hà Lan. IRI đã phân tích các giao dịch mua tại cửa hàng trong năm kết thúc vào tháng 7/2022, kết hợp với khảo sát 3000 người mua sắm toàn cầu.

“Gió đã thực sự đổi chiều và cả một thế hệ người tiêu dùng đang phải kinh qua mức sống ngày càng giảm sút (chứ không chỉ là [khủng hoảng] chi phí sinh hoạt)”, ông Roy cho biết.

Cao Dương

Related posts