Lãnh đạo Úc và Trung Quốc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20

Lam Giang

Lãnh đạo Australia và Trung Quốc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20
Thủ tướng Australia Anthony Albanese đến Bali ở Indonesia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, hôm 14/11/2022. (Ảnh: Firdia Lisnawati/Pool/AFP/Getty Images)

Hôm 15/11, các nhà lãnh đạo Australia và Trung Quốc đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia). Động thái này được cho là tín hiệu nhằm góp phần cải thiện mối quan hệ song phương.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong hơn hai năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu chính phủ của cựu Thủ tướng Úc Morrison ngừng điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Đáp lại, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch cưỡng bức kinh tế đối với hàng xuất khẩu của Úc kéo dài 18 tháng. Theo ước tính, chiến dịch này đã khiến các nhà sản xuất Australia tiêu tốn 20 tỷ AUD (13,4 tỷ USD) về thương mại.

Trong buổi họp báo tại Bali, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, ông rất mong muốn một cuộc gặp mang tính xây dựng với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Chúng tôi tham gia cuộc thảo luận này với thiện chí và không có điều kiện tiên quyết nào hết”, ông nói vào ngày 14/11.

“Từ trước khi trở thành Thủ tướng Úc, tôi đã luôn nhấn mạnh rằng, đối thoại luôn là một điều tốt lành. Chúng ta cần đối thoại để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”, ông Albanese nhấn mạnh.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi Thủ tướng Úc Albanese có cuộc trao đổi ngắn với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh, Campuchia, hôm Chủ nhật (13/11).

Bắc Kinh muốn Úc giải quyết các khiếu nại trước khi nối lại quan hệ song phương

Đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiếu Thiên (Xiao Qian) trước đó đã nói với đài ABC của Úc rằng, chính phủ nước này nên nỗ lực hơn nữa để có “bầu không khí thuận lợi” trước khi nối lại quan hệ cấp cao.

Tuy nhiên, ông đã bỏ qua các câu hỏi (của giới truyền thông) về các điều kiện mà ĐCSTQ mong muốn.

Vào năm 2020, các quan chức Trung Quốc đã công bố một văn bản liệt kê “14 khiếu nại” cho giới truyền thông. Trong đó, Trung Quốc khuyến nghị chính phủ Australia nên giải quyết những khiếu nại này trước khi nối lại quan hệ song phương.

Tài liệu này yêu cầu các phương tiện truyền thông và các nghị sĩ Úc chấm dứt các bình luận tiêu cực về ĐCSTQ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng yêu cầu chính phủ Australia điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19; ngừng xây dựng liên minh các đối tác ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; chấm dứt lệnh cấm Huawei tham gia hệ thống mạng 5G của quốc gia này; và loại bỏ các luật can thiệp nước ngoài của Australia.

Thủ tướng Úc khẳng định ông sẽ đứng vững vì lợi ích quốc gia

Thủ tướng Australia Albanese đã khẳng định rằng, ông sẽ không thỏa hiệp về vấn đề lợi ích quốc gia của Australia.

“Không phải Úc đã thay đổi”, Thủ tướng Albanese nói với các phóng viên hồi tháng Năm.

“Chính Trung Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Australia mà không có lý do biện minh cho việc này. Đó cũng là nguyên nhân [các lệnh trừng phạt đó] cần phải được dỡ bỏ”, ông nói.

Thủ tướng Albanese cũng cho biết, Bắc Kinh cần rút lại danh sách “14 khiếu nại” trên.

“Có lẽ đã hàng trăm lần được hỏi nhưng tôi xin khẳng định rằng, những yêu cầu do Trung Quốc đặt ra là hoàn toàn không phù hợp. Chúng tôi từ chối tất cả những yêu cầu đó. Chúng tôi sẽ xác định giá trị của chính mình. Chúng tôi sẽ xác định hướng đi trong tương lai của Úc”, ông Albanese nói.

Tại Bali, Thủ tướng Albanese nhắc lại lập trường trên và nhấn mạnh rằng, ông sẽ đặt các lợi ích của Úc lên trên (cuộc gặp với) nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Úc sẽ xây dựng lập trường của riêng mình. Tôi mong muốn có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Chủ tịch Tập vào ngày mai (15/11)”, ông nói.

Trong khi đó, các nghị sĩ Úc đang kêu gọi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này.

“Những hạn chế thương mại này rõ ràng không phải vì lợi ích của Úc, không phải vì lợi ích của người sử dụng lao động và các nhà xuất khẩu của Australia. Chúng tôi mong muốn dỡ bỏ những hạn chế này”, Thủ quỹ Jim Chalmers của Australia cho biết vào ngày 15/11.

“Nếu [các hạn chế thương mại này được dỡ bỏ], điều đó sẽ mang lại lợi ích cho một mối bang giao ổn định hơn. Chúng tôi đã làm rõ điều đó trong một thời gian. Một phần của việc ổn định mối quan hệ này sẽ loại bỏ những hạn chế đó”.

Ông Chalmers cũng nhận định rằng, sự khác biệt của Úc và Trung Quốc không thể được giải quyết trong “một sớm một chiều”.

Ông nói: “Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, những khác biệt to lớn giữa Úc và Trung Quốc sẽ không được giải quyết chỉ thông qua một cuộc họp”.

“Như tôi đã nói, vấn đề chính nằm ở sự tương tác. Điều này đã diễn ra trong một thời gian khá lâu rồi. Do vậy, đây cũng là cơ hội để mở ra một cánh cửa đối thoại. Tôi không cho rằng có ai đó giả vờ rằng một số vấn đề mà Trung Quốc đã nêu ra – chắc chắn là một số vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra – sẽ được giải quyết trong một sớm một chiều”.

Lam Giang

Related posts