TT Indonesia tại G20: “Không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác”
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Ba (15/11) nói với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới rằng họ không nên chia rẽ thế giới thành nhiều phần và không được để thế giới “rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác”.
Ông Jokowi đã đưa ra nhận xét này với tư cách là người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm 20 (G20), khai mạc tại đảo Bali của Indonesia.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Jokowi cho biết thế giới vẫn đang cố gắng phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh và chiến tranh thế giới ngày càng gia tăng.
“Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, không chỉ đối với người dân của chúng ta mà còn đối với người dân trên thế giới của chúng ta,” ông nói. “Có trách nhiệm nghĩa là tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc một cách nhất quán.”
Ông Jokowi nói thêm rằng các bên phải tạo ra các giải pháp đôi bên cùng có lợi và cũng phải chấm dứt chiến tranh.
“Nếu chiến tranh không kết thúc, thế giới sẽ khó tiến lên phía trước. Chúng ta không nên chia rẽ thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác.”
Hội nghị thượng đỉnh kinh tế hàng năm diễn ra giữa cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và kinh tế toàn cầu, chủ yếu do cuộc chiến ở Ukraine diễn ra vào đầu năm nay.
Ông Jokowi, người là chủ tịch luân phiên hiện tại của G20, cho biết: “Tác động của các cuộc khủng hoảng khác nhau này đối với áp lực về lương thực, năng lượng và tài chính đang được thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, cảm nhận rõ ràng.”
Ông Jokowi cũng cho biết không nên đánh giá thấp vấn đề khan hiếm phân bón. “Nếu chúng ta không ngay lập tức thực hiện các bước để đảm bảo có đủ phân bón với giá cả phải chăng, thì năm 2023 sẽ còn là một năm ảm đạm hơn.”
“Đối với tôi, G20 phải thành công và không thể thất bại. Indonesia sẽ cố gắng hết sức để thu hẹp khoảng cách, nhưng thành công sẽ chỉ đạt được nếu có sự cam kết”, ông lưu ý và cho biết thêm rằng sự hợp tác là cần thiết để cứu thế giới.
Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh năm nay là “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” khi các quốc gia trên toàn cầu đang hy vọng phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng cũng như các vấn đề sức khỏe toàn cầu vào thứ Ba.
Sau đó, họ sẽ bắt đầu ngày thứ Tư bằng cách trồng rừng ngập mặn, một loại cây bụi quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Loại cây này có thể hấp thụ lượng lớn khí thải carbon.
Cuộc chiến ở Ukraine, mà các nước phương Tây đã đổ lỗi cho Nga, rất có thể sẽ là một chủ đề thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh.
Indonesia chủ yếu giữ quan điểm trung lập về cuộc xung đột bằng cách không đứng về bên nào.
Ông Jokowi đã đến thăm Ukraine và Nga khoảng bốn tháng trước và mời các Tổng thống hai nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo.
Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn không tham dự. Thay vào đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đại diện cho Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham dự trực tuyến.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khác – đáng chú ý là giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức gần hai năm trước.
Quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi trong những năm gần đây do căng thẳng gia tăng về các vấn đề từ Hồng Kông và Đài Loan đến Biển Đông và các hoạt động thương mại.
Trong cuộc nói chuyện kéo dài 3 tiếng rưỡi, ông Biden và ông Tập đã nói về tình hình ở Đài Loan, Triều Tiên và cuộc chiến ở Ukraine.
Minh Ngọc (theo CNA)
Hãng Twitter tiếp tục sa thải thêm hàng nghìn nhân sự
Theo tờ The Verge, hãng Twitter được cho là đã chấm dứt hợp đồng với khoảng 5.500 nhân viên của nhà thầu bên thứ 3 mà không thông báo trước. Trước đó, tỷ phú Elon Musk đề cập đến khả năng Twitter có thể phá sản sau khi mạng xã hội này rơi vào tình trạng hỗn loạn với lời cảnh báo từ cơ quan quản lý Mỹ cũng như sự ra đi của hàng loạt người đứng đầu các bộ phận trọng yếu.
Cụ thể, theo phóng viên Casey Newton của Platformer, Twitter tiếp tục thực hiện việc cắt giảm nhân sự trên diện rộng vào hôm 14/11 vừa khi chấm dứt hợp đồng với khoảng 4.400 – 5.500 nhân viên của các nhà thầu bên thứ 3.
Update: company sources tell me that yesterday Twitter eliminated ~4,400 of its ~5,500 contract employees, with cuts expected to have significant impact to content moderation and the core infrastructure services that keep the site up and running.
— Casey Newton (@CaseyNewton) November 13, 2022
People inside are stunned.
Theo đó, hầu hết nhân sự bị sa thải trong đợt này không nhận được bất kỳ thông báo nào rằng họ đã bị chấm dứt hợp đồng. Mọi chuyện chỉ được phát hiện sau khi họ mất quyền truy cập vào email và không thể vào hệ thống liên lạc nội bộ của hãng Twitter.
Platformer cho hay rằng đợt cắt giảm này sẽ bao gồm nhân sự Twitter tại Mỹ và nhân viên trên toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực như kiểm duyệt nội dung, bất động sản, tiếp thị, kỹ thuật và các bộ phận khác.
Trong một email nội bộ được gửi đến các nhà thầu bên thứ 3 được, Twitter giải thích rằng động thái cắt giảm nhân sự lần này là một phần của việc “tái cơ cấu và tiết kiệm chi phí vận hành”.
Sau khi hoàn tất thương vụ, tỷ phú Elon Musk bắt đầu tiến hành đợt sa thải nhân viên lớn nhất trong lịch sử công ty với việc 50% nhân viên bị mất việc làm.
Việc tiếp tục thanh lọc nhân viên đã khiến lực lượng vận hành Twitter trở nên mỏng hơn bao giờ hết. Đội ngũ an toàn bảo mật của mạng xã hội vừa bị cắt giảm 15% nhân sự. Bên cạnh đó, một số giám đốc của Twitter đã từ chức hoặc bị sa thải, trong khi nhiều nhân viên sắp tới có thể mất việc do chính sách mới của công ty yêu cầu chấm dứt hình thức làm việc từ xa.
Phan Anh (Trí Thức VN)
Đảng Cộng Hòa mất bốn viện ở cấp tiểu bang, chịu thất bại lớn nhất của đảng thiểu số trong bầu cử giữa kỳ 90 năm qua
John Haughey
“Làn Sóng Đỏ” được dự đoán của Đảng Cộng Hòa đã hạ xuống thành một gợn sóng trong các cuộc tranh cử vào Quốc hội và bị nhấn chìm bởi một làn sóng xanh trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang, khi Đảng Dân Chủ giành chiến thắng trong hầu hết các cuộc đua thống đốc quan trọng và giành quyền kiểm soát bốn cơ quan lập pháp cấp tiểu bang trên toàn quốc trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra hôm 08/11.
Trước buổi trưa hôm 14/11, GOP (Grand Old Party, Đảng Cộng Hòa) đã dẫn trước trong cuộc chạy đua vào Hạ viện với tỷ lệ 212-204, chỉ còn 6 ghế là giành được thế đa số. Nhưng 19 cuộc đua vào Quốc hội, trong đó có 10 cuộc tranh cử ở California, vẫn chưa được loan báo người chiến thắng.
Hầu hết những dự đoán đều cho rằng Đảng Cộng Hòa sẽ có lợi thế từ tỷ lệ 219-216 đến 222-213 khi nhiệm kỳ Quốc hội cho hai năm tới bắt đầu vào tháng 01/2023.
Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ vẫn có một cơ hội đột phá từ bên ngoài để duy trì quyền kiểm soát Hạ viện bằng cách giành chiến thắng 14 trong số 19 cuộc đua chưa được loan báo người chiến thắng. Hôm 14/11, họ đang dẫn đầu ở 12 tiểu bang.
Theo một cuộc thăm dò của AP VoteCast, cho đến nay, 51.3% — tương đương gần 525 triệu phiếu bầu — trong số các phiếu bầu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 được kiểm đếm trên toàn quốc đến từ cử tri Đảng Cộng Hòa, nhiều hơn 4.6 triệu so với số phiếu bầu của cử tri Đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, lợi thế về số cử tri đi bầu đó đã không chuyển thành chiến thắng trong cuộc bầu cử khi Đảng Cộng Hòa không giành thêm được một ghế để phá vỡ thế hòa 50-50 tại Thượng viện, cũng như không có thêm 25-30 ghế Quốc hội trong một Làn Sóng Đỏ như đã được dự đoán để giành được Hạ viện Hoa Kỳ một cách áp đảo.
Làn sóng được dự đoán đã bị hạ xuống thành một gợn sóng màu tím bởi một bức tường màu xanh có khả năng chống chịu đáng kinh ngạc khi những người đương nhiệm của Đảng Dân Chủ giành được các ghế Quốc hội đang tranh chấp từ New England đến Nevada, an toàn ở con số sít sao — hạ cấp câu hỏi từ “khi” — xuống còn “liệu” GOP có giành được khối đa số hay không.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện ở cấp tiểu bang ‘tránh được một bàn thua trông thấy’
Ở cấp tiểu bang, Làn Sóng Đỏ không bị cắt thành một gợn sóng mà bị dập tắt hẳn bởi một làn sóng ngầm xanh chứng kiến các thống đốc Đảng Dân Chủ tái đắc cử ở Wisconsin, Michigan, và Kansas, và Đảng Dân Chủ giành lấy các chức thống đốc vốn do GOP nắm giữ ở Maryland và Massachusetts trong khi giành chiến thắng các vị trí bổ sung ở Pennsylvania và Oregon.
Làn sóng ngầm xanh đó còn quét qua các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp cấp tiểu bang ở 46 tiểu bang khi Đảng Dân Chủ lật ngược bốn viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ được coi là thành công nhất của đảng tổng thống đương nhiệm — và tệ nhất của đảng thiểu số — kể từ năm 1932.
Theo nhiều dự đoán khác nhau, hôm 14/11, với kết quả ở Arizona và Alaska chưa ngã ngũ, Đảng Dân Chủ có thể bổ sung thêm ba viện nữa vào danh sách đó, mặc dù Đảng Cộng Hòa đang đi trên con đường khá hẹp để giành được thế đa số trong những cơ quan lập pháp này.
Hôm 09/11, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn, ông Tim Storey, Giám đốc điều hành của Hội nghị Quốc gia các Cơ quan lập pháp Tiểu bang (NCSL), cho biết, “Một trong những xu hướng mạnh mẽ nhất trong toàn bộ nền chính trị Mỹ là đảng nắm giữ Tòa Bạch Ốc luôn yếu thế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ.” Ông nói thêm, “Điều đó đã không xảy ra.”
Theo NCSL, bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 08/11, Đảng Cộng Hòa kiểm soát 62 viện lập pháp — Thượng viện đơn viện của Nebraska chính thức là phi đảng phái, nhưng do GOP kiểm soát — so với 37 viện do Đảng Dân Chủ nắm giữ.
Đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hai viện ở 30 tiểu bang, trong đó có 23 tiểu bang trifecta, tức là những tiểu bang mà ở đó Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát cả lưỡng viện và vị trí thống đốc. Đảng Dân Chủ nắm giữ thế đa số tại lưỡng viện ở 17 tiểu bang với 14 tiểu bang trifecta.
Tính đến ngày 14/11, hiện nay Đảng Cộng Hòa kiểm soát 58 viện lập pháp so với 41 viện của Đảng Dân Chủ. Bốn viện vẫn đợi kết quả chưa ngã ngũ, hai viện ở Alaska và hai viện ở Arizona, nơi Đảng Cộng Hòa bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ với một khối đa số 16-14 ở Thượng viện và lợi thế 31-29 ở Hạ viện.
Hiện nay, GOP nắm giữ lợi thế lưỡng viện tại 26 tiểu bang và 22 tiểu bang trifecta trong khi Đảng Dân Chủ giành được đa số lưỡng viện ở 19 tiểu bang và 17 tiểu bang trifecta.
Cả bốn viện lập pháp mà GOP để mất vào tay Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ đều nằm ở các tiểu bang chiến địa quan trọng — Minnesota, Pennsylvania, và Michigan.
Ở Minnesota, toàn bộ 67 ghế Thượng viện và 134 ghế Hạ viện đều đã được đưa ra bỏ phiếu. Bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ, GOP đã kiểm soát Thượng viện Minnesota với tỷ lệ 34-31 với một ghế trống và một ghế độc lập, trong khi Đảng Dân Chủ chiếm đa số Hạ viện với tỷ lệ 70-64.
Với việc ứng cử viên Đảng Dân Chủ đương nhiệm Tim Walz trên đà tái đắc cử hôm 08/11, Minnesota hiện là một tiểu bang chính phủ bộ ba toàn xanh sau khi liên tục nằm trong số ít các tiểu bang được kiểm soát ở thế hòa sít sao đang ngày càng thu hẹp, nơi một đảng kiểm soát ít nhất một viện hoặc văn phòng thống đốc.
Tại Pennsylvania, toàn bộ 203 ghế Hạ viện đều được đưa ra bỏ phiếu hôm 08/11. Đảng Cộng Hòa đã nắm giữ lợi thế 113-88 ở Hạ viện khi bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ. Nhưng tính đến ngày 14/11, sau khi Đảng Cộng Hòa để mất 13 ghế được nắm giữ trước đó, Đảng Dân Chủ đã dẫn trước 101-100.
Đa số Hạ viện sẽ được quyết định bởi kết quả của hai cuộc đua sít sao ở ngoại ô Philadelphia, nơi các ứng cử viên cách nhau vài chục phiếu bầu. Số liệu cuối cùng có thể được đưa ra trong vài ngày nữa. Đảng Dân Chủ đã không nắm giữ được thế đa số tại Hạ viện Pennsylvania kể từ năm 2008.
Với việc ứng cử viên Đảng Dân Chủ Josh Shapiro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang và Đảng Cộng Hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện tiểu bang, nếu Đảng Dân Chủ giành được Hạ viện Pennsylvania, thì tiểu bang này sẽ cùng với Virginia trở thành hai tiểu bang duy nhất chắc chắn sẽ có sự kiểm soát được phân chia giữa hai đảng phái trong các cơ quan lập pháp của họ vào nhiệm kỳ bắt đầu năm 2023.
Virginia, Alaska, và Minnesota là ba tiểu bang duy nhất mà một đảng không kiểm soát cả lưỡng viện sau cuộc bầu cử năm 2020. Minnesota hiện là tiểu bang trifecta do Đảng Dân Chủ kiểm soát trong khi Alaska có khả năng trở thành tiểu bang trifecta do Đảng Cộng Hòa kiểm soát.
Tại Michigan, toàn bộ 38 ghế Thượng viện và toàn bộ 110 ghế Hạ viện của tiểu bang đều đã được đưa ra bỏ phiếu. Đảng Cộng Hòa đã kiểm soát cả lưỡng viện kể từ năm 2010, bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ với tỷ lệ đa số 22-16 tại Thượng viện và lợi thế 56-53 tại Hạ viện.
Kể từ ngày 14/11, Đảng Dân Chủ đã giành được Thượng viện với tỷ lệ đa số 20-18 và Hạ viện với lợi thế 56-54, giành quyền kiểm soát cả hai viện lần đầu tiên kể từ năm 1984.
Với sự tái đắc cử của Thống đốc Gretchen Whitmer, Đảng Dân Chủ giờ đây nắm giữ một chính phủ trifecta tại tiểu bang chiến địa quan trọng Michigan lần đầu tiên sau 40 năm.
Hôm 14/11, NCSL cho biết họ vẫn đang thực hiện “tổng đếm” các trận thắng và thua trong số 6,279 cuộc đua vào cơ quan lập pháp tiểu bang diễn ra hôm 08/11. Nhìn chung, Đảng Cộng Hòa đã bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ với 3,978 nhà lập pháp tiểu bang, chiếm 52% số ghế trên toàn quốc.
“Đảng Cộng Hòa duy trì khối đa số mạnh mẽ trong các cơ quan lập pháp tiểu bang, vì vậy họ vẫn ở vị trí định hướng chính sách của tiểu bang,” ông Storey nói. “Nhưng Đảng Dân Chủ rõ ràng đã tránh được một bàn thua trông thấy.”
GOP giành được thế siêu đa số ở các tiểu bang đỏ
Mặc dù GOP có thể đã mất bốn viện, nhưng đảng này có thể đã thực sự tăng được số lượng các nhà lập pháp của đảng được bầu tại các tiểu bang đỏ, giúp đưa những lợi thế của Đảng Cộng Hòa lên thành những khối siêu đa số.
Ví dụ, ở West Virginia, Đảng Cộng Hòa bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ với tỷ lệ đa số là 78-22 ở Hạ viện và 23-11 ở Thượng viện nhưng sẽ bắt đầu với tỷ lệ đa số 88-12 ở Hạ viện và 30-4 ở Thượng viện vào năm 2023.
Ở Ohio, Florida, và Texas, không chỉ các Thống đốc Đảng Cộng Hòa đương nhiệm gồm Mike DeWine, Ron DeSantis, và Greg Abbott đều giành được các nhiệm kỳ với chiến thắng vang dội, mà các cơ quan lập pháp do GOP kiểm soát của họ vẫn duy trì thế siêu đa số ở tất cả các viện.
GOP cũng đã giành được siêu đa số ở Iowa và South Carolina, nhưng thất bại ở North Carolina và Wisconsin, nơi các nhà lập pháp khối đa số của Đảng Cộng Hòa phải bằng lòng với một thống đốc Đảng Dân Chủ.
Ở Nevada, mọi chuyện sẽ diễn ra hoàn toàn ngược lại, khi Thống đốc Đảng Cộng Hòa Joe Lombardo sẽ phải đàm phán với cơ quan lập pháp do Đảng Dân Chủ kiểm soát sau chiến thắng của ông trước Thống đốc đương nhiệm Steve Sisolak.