Đặng Duy Hưng
Nàng kể cho tôi nghe với giọng trầm buồn, khi mẹ ly hôn với ba, cô có nói một câu nhớ đời: “Chuyến tàu quá xa cho cuộc đời hiện tại!” Nàng nhấn mạnh thêm: “Ba mẹ ly hôn bởi ba thường gõ tàn thuốc vào chậu hoa mẹ trồng!”
Mẹ nàng người Bắc nề nếp từ bé, đi xuống gác đổ rác cũng mặc đồ chỉnh tề. Lúc nàng lên mười ba mẹ nàng ly hôn bởi ba hay gạt tàn thuốc lá vào các chậu hoa mẹ trồng. Mẹ đã nói cằn nhằn khá nhiều lần nhưng ông vẫn không nghe.
Bạn bè anh chị em trong nhà xúm lại khuyên nhủ, bà chỉ nói một câu: “Anh ấy rất tốt, chỉ là không hợp đi với nhau nữa thôi.” Mẹ nàng cứng đầu lắm dù ông Trời lúc đó xuống can cũng không ăn thua!
Thời đó bà ngoại giận lắm mắng mẹ: “Mày cứ đọc nhiều sách của đám Tự Lực Văn Đoàn vào rồi vẽ thêm chuyện.” Trong mắt bà ngoại, bà chỉ biết có một anh con rể cao ráo, dễ nhìn, biết kiếm tiền chịu trách nhiệm lo lắng gia đình là đủ rồi.
Bà ngoại chửi mẹ thêm như nước tát vào mặt: “Mày là con gái, bản thân tuỳ hứng năm nóng, năm lạnh, không cảm nhận theo ý nghĩ của con cái và cha mẹ.”
Mẹ cũng khó giải thích cho bà ngoại hiểu ba nàng tính tình thích ở dơ, rất ít tắm, quần áo tất vớ về liệng khắp nơi; ăn uống thì cẩu thả, bẩn thỉu rớt đồ trên sàn nhà như con nít. Sống với nhau 12 năm mà ba không hề nhớ ngày sinh nhật mẹ hay kỷ niệm ngày cưới. Mẹ chịu đựng gồng mình cho mọi người thân được vui nên hay nằm khóc một mình hằng đêm.
Mẹ biết có giải thích gì cũng chỉ làm ông bà ngoại giận thêm. Bị đuổi ra khỏi nhà mẹ ôm nàng, nước mắt chảy xuống má: “Hy vọng sau này con hiểu mẹ về chuyến tàu cuộc đời quá dài.”
Năm năm sau ba dượng nàng xuất hiện. Ông có khuôn mặt bình thường dáng người cao vừa phải nhưng quần áo sạch sẽ gọn gàng. Giọng nói tạo ra âm hưởng vui tươi, nụ cười hiền hoà khoan khoái nhẹ nhàng. Không hiểu sao nàng chẳng tìm được một khuyết điểm nào của ông dượng để bài xích.
Ba dượng thay những chậu hoa xinh đẹp, thế vào miếng trải bàn màu hồng nhạt mẹ ưa thích, và hợp với màu chén điã trong nhà.
Ba dượng hay cầm tay mẹ dẫn đi dọc theo bờ sông mỗi khi mặt trời xuống. Hay cùng mẹ đi vào thăm vườn bông hoa cây cỏ đẹp. Ông giải thích tên loài hoa hay kể chuyện liên quan về loại đó. Ông hay nhặt những nhánh hoa cắm vào lọ để trên bàn học của nàng.
Mẹ thích tìm tòi học hỏi thêm món ăn mới từ cuốn sách mới mượn từ thư viện. Ba dượng kéo mẹ nàng ngồi xuống bàn, giỡn đùa về màu sắc mùi thơm. Những câu nói thành thật đến ngây ngô làm mẹ cười khanh khách không ngừng.
Một ngày đang đi làm nghe mẹ ngã bệnh phải nhập viện, nàng chạy đến nơi thì thấy trên bàn có một bó hoa vàng hồng đủ loại. Bên cạnh dĩa trái cây đã cắt sẵn cam lột từng múi. Ông ngồi đó cầm sách đọc cho mẹ nghe câu chuyện tình yêu mới nhất. Mấy cô y tá cùng hai người dì, em mẹ vào thăm cùng lúc với nàng. Họ đứng nhìn và ngưỡng mộ hình ảnh tuyệt vời của 2 con người gắn bó trái tim cho nhau.
Lúc đó nàng mới hiểu câu nói của mẹ về chuyện ngồi trên “chuyến tàu quá xa” mà phải giả bộ đóng kịch sống tạm bợ cho đến bao giờ tàu đến bến!
Nếu 2 con người chỉ vì cuộc sống nương vào nhau, cuộc sống sẽ mãi mãi không vui! Không cảm thông, không vui vẻ, không lãng mạn thì chỉ nên gọi là đối tác trong thương mại mà thôi.
Tôi không nhớ bao nhiêu lần trong những năm bên nhau nàng kể lập đi lập lại câu chuyện mẹ nàng. Nàng âu yếm cầm tay tôi: “Hôn nhân vì người khác chấp nhận, sẽ hời hợt dễ nhạt nhoà không có lối về anh hiểu không?”
Hôm qua là 50 năm kỷ niệm tôi và nàng hai đứa lấy nhau nhưng cả tuần nay tôi nằm viện vì phải mổ do bệnh nghẽn mạch tim. Hình ảnh bó hoa với dĩa dâu đỏ cắt thật nhỏ loại tôi thích trên bàn lúc tôi tỉnh dậy làm tôi rất vui. Nàng nhìn tôi âu yếm dù khuôn mặt bơ phờ như mấy ngày không ngủ. Nắm chặt tay nàng tôi thỏ thẻ: “Ngồi chung chuyến tàu với anh từ đây chắc lắm chông gai trắc trở lắm hả em?”
Nàng cười cảm động: “Suốt 50 năm cộng thêm 1 ngày tàu chở chúng ta qua bao nhiêu nhà ga hạnh phúc nhưng chưa một lần em hối hận lấy anh làm chồng anh a!”
Đặng Duy Hưng