Tin VN trưa Chủ Nhật: Việt Nam xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt hơn 10 tỷ USD

Liên tục phát hiện thêm các gói nghi chứa ma túy dạt bờ biển Quảng Trị

Hai túi bên trong chứa các tinh thể màu trắng nghi là ma tuý (ảnh: VTC/NLĐ).

Người dân và lực lượng chức năng ven biển Quảng Trị liên tiếp phát hiện những túi lạ ghi chữ Trung Quốc bên trong chứa các tinh thể nghi là ma tuý.

Vietnnamnet đưa tin, chiều 26/11, Trung tá Hoàng Bách Tùng – Đồn trưởng Đồn Triệu Vân (thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) xác nhận, đang điều tra, giám định các túi có chữ Trung Quốc, nghi là ma túy vừa được phát hiện trên địa bàn.

Theo đó, vào khoảng 11h cùng ngày (26/11), Đồn Biên phòng Triệu Vân phối hợp với công an xã Triệu Vân tuần tra tại bãi biển từ thôn 7 đến thôn 9 thì phát hiện 2 túi lạ, mỗi gói có khối lượng 1kg, bên trong có màu trắng, có in chữ Trung Quốc.

VTC cho biết, 10h30 cùng ngày, người dân trú thôn 8, xã Triệu Vân cũng đến Đồn Biên phòng Triệu Vân trình báo việc trong lúc đi đánh cá đã vớt được một túi có trọng lượng 1kg, bên trong chứa tinh thể màu trắng nghi là ma tuý.

Trước đó, theo báo Lao Động, vào ngày 25/11, có 4 ngư dân cùng trú tại thôn Đông Tân An (xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã đến Đồn Biên phòng Hải An (Biên phòng Quảng Trị) giao nộp 7 gói nilon như trên được phát hiện khi đánh bắt cá trên vùng biển gần bờ ở tỉnh Quảng Trị.

Như vậy, chỉ trong 2 ngày, tại tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 10 gói nghi là ma túy trôi dạt trên biển. Hiện, các cơ quan chức năng đem đi giám định.

Hội An

Việt Nam xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt hơn 10 tỷ USD

Thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: tongcucthuysan.gov.vn)

Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong 10 tháng năm 2022, ngành thủy sản xuất khẩu đã đạt khoảng 9,4 tỷ USD. Do đó, dự kiến các doanh nghiệp sẽ đạt hơn 10 tỷ USD xuất khẩu vào cuối tháng 11.

Ngày 26/11, tại hội thảo của Ngành thủy sản 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết trong 10 tháng qua, thị trường xuất khẩu thủy sản chủ yếu của Việt Nam là EU, Mỹ và Trung Quốc (cả ba chiếm 50%).

Tính trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,4 – 9,5 tỷ USD.

Theo tốc độ này, dự kiến ngành thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD vào cuối tháng 11 và lần đầu đạt 11 tỷ USD trong cả năm 2022.

Về cơ cấu, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD cả năm, cá tra đạt 2 – 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, cá ngừ cũng có thể xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, nhóm hải sản ước tính đạt 3,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, đa số các sản phẩm xuất khẩu đều tăng trưởng bình quân 18% – 77%; các thị trường tăng trưởng bình quân từ 15 – 75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, Nga tăng 0,2%.

Bốn thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

Ông Hòe lý giải nguyên nhân do các doanh nghiệp thủy sản duy trì việc nuôi thủy sản trong giai đoạn dịch COVID-19. Do vậy, sau khi dịch qua đi, nguồn nguyên liệu có sẵn đáp ứng được nhu cầu tăng khi thị trường mở cửa trở lại.

Từ đầu năm đến nay, có khoảng 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản. Theo đó, 100 doanh nghệp xuất khẩu hàng đầu có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65% giá trị.

10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu gồm 6 doanh nghiệp tôm và 4 doanh nghiệp cá tra.

Thị trường 2023 sẽ có nhiều thử thách

Theo phân tích của các chuyên gia và doanh nghiệp, sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.

Dưới tác động của lạm phát, đồng nội tệ mất giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt hơn so với các đối thủ tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU,…

Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho tăng trong khi việc bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành thủy sản.

Ngoài ra, những yếu tố đáng lo ngại với ngành như: nguồn vốn thắt chặt, kinh tế toàn cầu suy thoái, biến động tỷ giá, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu, cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ có chi phí thấp (Ecuador, Ấn Độ).

Theo TS Đinh Thế Hiển, ngành thủy sản phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, khi các đơn hàng xuất khẩu liên tục giảm, kinh tế thế giới biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của ngành này.

Trong quý 4/2022 và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU.

Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi xuất khẩu qua các nước này, bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ, theo ông Hiển.

Với đặc thù của ngành thủy sản phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi tín dụng thắt chặt; lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp.

Đức Minh

Related posts