Tin thế giới chiều thứ Ba: Thủ tướng Sunak nói “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh-Trung đã chấm dứt

Biểu tình ở Trung Quốc: Mỹ, Anh và Liên Hợp Quốc bày tỏ sự ủng hộ

Làn sóng biểu tình chống phong tỏa ở Trung Quốc không chỉ khơi dậy tinh thần đoàn kết của lưu học sinh, mà còn nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh và Liên Hợp Quốc.

Nhà Trắng nói rằng mọi người đều có quyền biểu tình ôn hòa, và người Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Vương quốc Anh kêu gọi Chính phủ Trung Quốc lắng nghe dư luận. Liên Hợp Quốc kêu gọi Bắc Kinh không tùy tiện bắt giữ những người biểu tình ôn hòa, và phải minh bạch trong việc đáp ứng các mối quan tâm của công chúng.

Nhà Trắng: Chính sách zero-COVID khó ngăn chặn virus, người Trung Quốc có quyền biểu tình

Hôm thứ Hai (28/11), một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã nói rằng zero-COVID không phải là chính sách mà chúng tôi tìm kiếm ở Hoa Kỳ.”

“Như chúng tôi đã nói, chúng tôi tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn chủng virus này với chiến lược zero-COVID của mình.”

“Từ lâu, chúng tôi đã nói rằng ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, mọi người đều có quyền biểu tình ôn hòa. Điều này bao gồm cả ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Anh: Người dân Trung Quốc đang bày tỏ sự bất bình, chính quyền nên lắng nghe tiếng nói của người dân

Hôm thứ Hai (28/11), Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết, Chính phủ Trung Quốc nên “chú ý” đến các cuộc biểu tình chống lại “chính sách zero-COVID” nghiêm ngặt của họ, và những hạn chế đối với quyền tự do.

“Tôi nghĩ thế giới nên chú ý đến, Chính phủ Trung Quốc cũng vậy,” ông Cleverly nói.

“Rõ ràng là chính người dân Trung Quốc rất bất mãn với những gì đang xảy ra, và với những hạn chế mà Chính phủ Trung Quốc áp đặt lên họ.”

“Đây là tiếng nói của người dân Trung Quốc với chính phủ của họ. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc cần lắng nghe tiếng nói của người dân mới là điều đúng đắn.”

Liên Hiệp Quốc: Không một ai nên bị giam giữ tùy tiện vì các cuộc biểu tình ôn hòa

Hôm thứ Hai (28/11), Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Trung Quốc không giam giữ những người biểu tình ôn hòa, khi ĐCSTQ cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền phản ứng với các cuộc biểu tình phù hợp với luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Không một ai nên bị giam giữ tùy tiện vì biểu đạt ôn hòa”, ông Jeremy Laurence, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết.

“Cho phép tranh luận rộng rãi trong toàn xã hội, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, có thể giúp định hình các chính sách công, đảm bảo chúng được hiểu rõ hơn và cuối cùng hiệu quả hơn.”

“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch trong việc giải quyết các mối quan tâm của công chúng, và rút kinh nghiệm từ thảm kịch sau vụ hỏa hoạn thương vong đáng tiếc tại một tòa nhà chung cư ở Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, nơi phần lớn Tân Cương đã bị áp đặt lệnh phong tỏa zero-COVID nghiêm ngặt kể từ tháng Tám.”

Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc lên án ĐCSTQ cản trở công việc của các nhà báo

Phóng viên Ed Laurence của BBC đã bị cảnh sát ĐCSTQ giam giữ và đánh đập khi anh đưa tin về cuộc biểu tình phản đối “chính sách zero-COVID” ở đường Trung lộ Urumqi, Thượng Hải.

Laurence đã được đưa ra khỏi hiện trường, và bị giữ trong vài giờ trước khi được thả.

“BBC cực kỳ quan ngại về cách đối xử với nhà báo Ed Lawrence, người đã bị bắt và bị còng tay trong khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình tại Thượng Hải”, một phát ngôn viên của BBC nói trong một tuyên bố phát đi hôm 27/11.

“Anh ấy đã bị giữ nhiều giờ trước khi được thả ra. Trong khi bị bắt, anh đã bị cảnh sát đấm đá. Điều này xảy ra trong khi anh đang làm việc với tư cách là một nhà báo được công nhận”, vị phát ngôn viên của BBC nói thêm.

Hôm thứ Hai (28/11), người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Anh cho biết, tin tức về vụ đánh đập một nhà báo BBC ở Trung Quốc là “gây sốc và không thể chấp nhận được”.

Người phát ngôn nhấn mạnh rằng các nhà báo phải có khả năng làm việc trong một môi trường “không sợ bị đe dọa”.

Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Các nhà báo từ các cơ quan truyền thông khác nhau đã bị cảnh sát quấy rối khi đưa tin về các cuộc biểu tình (ở Trung Quốc), ít nhất 2 nhà báo đã bị giam giữ”.

Hiệp hội Nhà báo cũng cho biết họ “rất thất vọng và buồn bã” với những trở ngại ngày càng tăng mà các nhà báo nước ngoài đang phải đối mặt, khi đưa tin ở Trung Quốc và sự hung hăng của cảnh sát đối với họ.

“Trong một vụ việc đặc biệt gây sốc, một nhà báo người Anh đã bị nhiều cảnh sát vật xuống đất và dẫn đi.”

Theo luật pháp Trung Quốc, các nhà báo nước ngoài “có quyền đưa tin không hạn chế ở Trung Quốc”, Hiệp hội Nhà báo lưu ý.

Tối ngày 27/11, rất nhiều người Anh gốc Hoa (bao gồm cả du học sinh Trung Quốc) đứng trước Đại sứ quán của ĐCSTQ ở London phản đối chính sách zero-COVID hà khắc, và tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương. Họ hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình, hãy hạ đài!”, “ĐCSTQ, hãy hạ đài!”

Hòa nhịp vào làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc, hơn 50 trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc đã phát động biểu tình phản đối thể chế toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hưởng ứng “Cách mạng giấy trắng”.

Nói về sự kiện lớn này tại Trung Quốc, giáo sư Feng Chongyi từ Đại học Công nghệ Sydney (Úc) cho hay trên Epoch Times vào ngày 27/11, rằng hoạt động cho thấy điểm khác biệt quan trọng là hiệu ứng dây chuyền chứ không chỉ mang tính đơn lẻ.

Phong trào xuống đường chống lại nhà cầm quyền toàn trị ĐCSTQ có thể cuối cùng đã bắt đầu, phong trào này sẽ sản sinh ra một nhóm anh hùng của thời đại, những người này sẽ thay đổi Trung Quốc. Có thể buổi bình minh của sự chuyển đổi hiến pháp tại Trung Quốc đang mở ra.

Bình Minh

Tổng thống Pháp sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Ukraina với ông Biden trong chuyến thăm Mỹ tuần này

Tổng thống Pháp sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Ukraina với ông Biden. (ảnh: CNN).

Theo một quan chức Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến ​​sẽ thảo luận về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ vào tuần này

Truyền thông Mỹ CNN cho biết, Ông Macron dự kiến ​​​​sẽ đến Washington, DC, vào tối thứ Ba 29/11 theo giờ địa phương. Vào sáng thứ Tư, ông sẽ có một số buổi làm việc tập trung vào lĩnh vực không gian, đa dạng sinh học, khí hậu và năng lượng hạt nhân.

CNN dẫn thông tin từ vị quan chức Pháp cho biết, Các cuộc thảo luận chính trị sẽ diễn ra vào sáng thứ Năm ngày 1/12 tại Tòa bạch ốc. Các cuộc thảo luận riêng sẽ diễn ra sau cuộc họp báo của ông Macron và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Các bộ trưởng và thành viên quốc hội Pháp dự kiến ​​cũng sẽ tới Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước.

Theo CNN, Quan chức Pháp còn cho biết:

“Chúng tôi muốn điều chỉnh sự hỗ trợ của mình dành cho Ukraine trong thời điểm này và Pháp sẽ tham gia cùng với Ukraine”. 

Quan chức Pháp nói thêm rằng đây là thời điểm quan trọng để tái khẳng định, điều chỉnh và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine cũng như đối mặt với những thách thức toàn cầu.

Huệ Liên

Thủ tướng Sunak nói “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh-Trung đã chấm dứt

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Trung Quốc đặt ra một thách thức “có hệ thống” đối với các giá trị và lợi ích của Vương quốc Anh, trong bài phát biểu lên án Bắc Kinh sau vụ một nhà báo BBC bị đánh khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải.

Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên của mình, ông Sunak cho biết cái gọi là “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ của Anh với Trung Quốc “đã kết thúc, cùng với ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ tự động dẫn đến cải cách xã hội và chính trị”.

Do đó, Vương quốc Anh sẽ “cần phát triển cách tiếp cận của chúng tôi đối với Trung Quốc”, ông nói trong bài phát biểu tại Bữa tiệc của Thị trưởng ở London, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đang “cạnh tranh có ý thức để giành ảnh hưởng toàn cầu bằng cách sử dụng tất cả các đòn bẩy của quyền lực nhà nước”.

“Hãy nói rõ rằng, cái gọi là ‘kỷ nguyên vàng’ đã qua, cùng với ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ dẫn đến cải cách chính trị và xã hội,” ông Sunak nói, ám chỉ mô tả của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne về quan hệ Trung-Anh trong 2015.

Chính phủ của ông sẽ ưu tiên tăng cường quan hệ thương mại và an ninh với các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông nói thêm.

“Chúng tôi nhận ra rằng Trung Quốc đặt ra một thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và lợi ích của chúng tôi, một thách thức ngày càng gay gắt hơn khi nước này tiến tới chủ nghĩa độc đoán thậm chí còn lớn hơn,” ông nói, đề cập đến tuyên bố của BBC rằng một trong những nhà báo của họ đã bị cảnh sát Trung Quốc hành hung.

“Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới – đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu. Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng hiểu điều này”.

Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia càng thêm căng thẳng sau khi Ed Lawrence, người đang làm việc tại Trung Quốc với tư cách là một nhà báo được công nhận của BBC, đã bị bắt tại một cuộc biểu tình chống phong tỏa COVID ở Thượng Hải và bị giam giữ trong vài giờ.

Đài truyền hình công cộng của Vương quốc Anh nói rằng anh đã bị cảnh sát hành hung và đá.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly gọi vụ việc là “đáng lo ngại sâu sắc”.

“Tự do truyền thông và tự do biểu tình phải được tôn trọng. Không có quốc gia nào được miễn trừ,” ông viết trên Twitter. “Các nhà báo phải có khả năng thực hiện công việc của họ mà không bị đe dọa.”

Hàng trăm người đã xuống đường ở các thành phố lớn của Trung Quốc vào Chủ nhật trong một làn sóng phẫn nộ hiếm hoi của công chúng đối với nhà nước về chính sách Zero COVID. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng ông Lawrence đã không tự nhận mình là một nhà báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói: “Dựa trên những gì chúng tôi biết được từ các cơ quan chức năng có liên quan ở Thượng Hải, anh ta không tự nhận mình là nhà báo và không tự nguyện xuất trình giấy ủy nhiệm báo chí của mình”.

Ông nói với truyền thông quốc tế rằng hãy “tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc khi ở Trung Quốc”.

Minh Ngọc

Các công ty Nga đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung

Các chuyên gia nói rằng Nga vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của các nước thân thiện, bất chấp tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov rằng họ đã tìm ra “thuốc giải độc” chống lại các lệnh hạn chế.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt được đưa ra sau cuộc xâm lược Ukraine, nhiều công ty ở Nga đã cảm thấy được áp lực to lớn.

Tại Moscow, lượng bia bán ra sụt giảm hẳn so với trước đây, theo CNA. Trong khi không có biện pháp trừng phạt trực tiếp nào ngăn cản các nhà phân phối phương Tây bán đồ uống có cồn cho Nga, nhiều thương hiệu lo ngại về việc bị phát hiện kinh doanh với nước này.

Ngành bia chỉ là một trong nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi các hạn chế nhập khẩu, với việc các doanh nghiệp địa phương phải tìm kiếm các nguồn thay thế.

Kế hoạch của Nga nhằm tìm ra những cách mới để đưa hàng hóa vào đang mang đến những kết quả khác nhau.

Một số mặt hàng đã được thay thế dễ dàng bằng các sản phẩm thay thế trong nước hoặc có nguồn gốc từ các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt, nhưng nhiều mặt hàng khác đã trở nên quá đắt đỏ hoặc hoàn toàn không thể tìm thấy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/2 đã ra lệnh phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Cuộc chiến đang diễn ra đã giết chết hàng nghìn người, phá hủy các thành phố và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Các quốc gia đã phản ứng bằng cách nhắm mục tiêu vào nền kinh tế của Nga, hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới và đang ở trong một tình huống chưa từng có.

Các nhà quan sát cho biết, Nga đang cố gắng tiếp tục hoạt động như thể không có gì thay đổi, mặc dù một loạt sản phẩm phương Tây hiện không còn nữa.

Một số chủ doanh nghiệp ở Nga đã dần thích nghi với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do lệnh trừng phạt.

Bà Anna Sazhinova, đồng sáng lập công ty sản xuất đồ nội thất Archpole có trụ sở tại Moscow, nói với CNA rằng công ty của bà sử dụng gỗ dán bạch dương, loại gỗ có thể tìm thấy ở Nga, như một phần quan trọng trong quy trình sản xuất.

“Nhưng, ví dụ, keo được sử dụng bên trong là từ châu Âu. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tìm một loại keo mới. Và đôi khi chúng tôi không có đủ ván ép,” bà nói. “Sau đó, chỉ trong một tháng, một cái gì đó lại thay đổi.”

Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến thị trường Trung Quốc vì có những lựa chọn thay thế phù hợp. 

Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng Nga sẽ vẫn phải dựa vào sự giúp đỡ của các quốc gia thân thiện, bất chấp tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov rằng nước này đã học được cách đối phó với các hạn chế và đi xa hơn là tuyên bố rằng họ đã tìm thấy “thuốc giải độc” chống lại chúng.

Tiến sĩ Maxim Bratersky từ khoa Kinh tế Thế giới và Các vấn đề Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, nói rằng không một quốc gia nào, kể cả siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể tự sản xuất và chế tạo mọi thứ.

“Tất nhiên, Nga không phải là một ngoại lệ. Đơn giản là không thể, vì công nghệ và vì những lý do khác, để tự làm mọi thứ,” ông nói.

Các tuyên bố gần đây của Ngân hàng Trung ương cũng đã cảnh báo không nên nghĩ rằng nền kinh tế Nga đang ở gần mức bình thường mới, đồng thời dự đoán rằng nó sẽ chỉ bắt đầu phục hồi vào giữa năm tới.

Ngân Hà (theo CNA)

Đệ nhất phu nhân Ukraine cảnh báo đối với tấn công tình dục trong chiến tranh

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska hôm thứ Hai (28/11) đã kêu gọi thế giới phải có phản ứng đối với việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh, đồng thời cho biết các công tố viên Kyiv đang điều tra hơn 100 tội ác tình dục có thể do binh lính Nga gây ra.

Phát biểu tại hội nghị “Sáng kiến ​​ngăn chặn bạo lực tình dục trong xung đột” ở London, bà Zelenska cho biết các cuộc điều tra “chỉ là một phần nhỏ” so với con số thực sự của những tội ác như vậy xảy ra trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà nói: “Những kẻ chiếm đóng đã có cơ hội rộng mở để làm bẽ mặt người Ukraine và thật không may, bạo lực tình dục và tội phạm tình dục nằm trong kho vũ khí của họ”.

“Mọi người đều biết về số lượng lớn các vụ cưỡng hiếp,” bà nói với các đại biểu vào ngày đầu tiên của sự kiện do chính phủ Anh tổ chức.

Bà cảnh báo rằng các nạn nhân sợ lên tiếng về sự kỳ thị và lo sợ rằng những kẻ phạm tội có thể quay lại và làm điều đó một lần nữa.

“Đó là lý do tại sao điều cực kỳ quan trọng là phải công nhận đây là tội ác chiến tranh và đưa tất cả thủ phạm ra trước pháp luật,” bà nói.

“Phải có một phản ứng toàn cầu đối với điều này. Thật không may, những tội ác chiến tranh như vậy sẽ tiếp tục diễn ra trên thế giới chừng nào các quân nhân còn nghĩ rằng họ không bị trừng phạt.”

Chính phủ Ukraine đã đưa ra một chương trình hỗ trợ để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc chiến, bà Zelenska cho biết bà hy vọng có thể là “bước đầu tiên hướng tới một cuộc điều tra và truy tố”.

Bà nói thêm, Ukraine đang tìm cách thiết lập các sáng kiến ​​tương tự bên ngoài đất nước, chẳng hạn như ở Đức và Cộng hòa Séc.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly tuần trước đã công bố khoản viện trợ mới cho Ukraine nhân chuyến thăm Kyiv, bao gồm hỗ trợ cho các nạn nhân bị binh lính Nga bạo hành tình dục.

Hội nghị quy tụ đại diện của khoảng 70 quốc gia để giải quyết tội ác bạo lực tình dục trong xung đột.

Anh đã phát động một chiến dịch kéo dài một năm để làm nổi bật vấn đề này trong nhiệm kỳ chủ tịch của nhóm các quốc gia công nghiệp hóa G8 vào năm 2012, khi đó bao gồm cả Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự hội nghị thượng đỉnh khi đó ở Bắc Ireland, nhưng Nga đã bị đình chỉ tham gia nhóm vào năm 2014 do việc sáp nhập Crimea.

Nữ diễn viên Hollywood Angelina Jolie, người ủng hộ nỗ lực của Anh nhằm chấm dứt bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột, đã phát biểu trong một thông điệp tại cuộc họp mới nhất rằng “phải có một phản ứng toàn cầu mang tính quyết định” đối với những vụ tấn công như vậy.

“Khi không có, nó sẽ gửi một thông điệp tới cả nạn nhân và thủ phạm rằng chúng tôi không thực sự coi đây là một tội ác nghiêm trọng cần phải bị trừng phạt và ngăn chặn”, cô nói thêm.

Lê Vy (theo AFP)

Iran từ chối cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về các cuộc biểu tình

Iran cho biết họ sẽ không hợp tác với phái bộ của Liên Hợp Quốc muốn điều tra về phản ứng của chính quyền đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng Tehran sẽ “không có hình thức hợp tác nào với ủy ban chính trị được ngụy trang giống như một ủy ban tìm hiểu sự thật”.

Tuần trước, Iran thông báo họ đã thành lập một phái đoàn tìm hiểu thực tế tại địa phương, bao gồm các đại diện từ chính phủ, cơ quan tư pháp, quốc hội và những cơ quan khác, để điều tra “các sự kiện, bạo loạn và bất ổn” trong vài tuần qua.

Theo ông Kanani, điều này cấu thành một hành động “có trách nhiệm” của nhà nước Iran và bác bỏ mọi đề nghị điều tra của Liên hợp quốc.

Ông Kanani nói: “[Cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc] đã lợi dụng các cơ chế nhân quyền để gây áp lực chính trị lên các quốc gia độc lập.”

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tuần trước đã bỏ phiếu thành lập một phái đoàn tìm hiểu thực tế để điều tra những hành vi lạm dụng trong việc Iran xử lý các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra trên khắp đất nước.

Các cuộc biểu tình bắt đầu sau cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, vào tháng 9, sau khi cô bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì bị cáo buộc không tuân thủ quy định về trang phục của đất nước.

Trong số 47 thành viên của hội đồng, 25 người đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu Tehran hợp tác với báo cáo viên đặc biệt của hội đồng về Iran, bao gồm cả việc cho phép tiếp cận các khu vực bên trong lãnh thổ Iran, chẳng hạn như các địa điểm nơi người dân bị bắt giữ.

Có 16 phiếu trắng và sáu quốc gia – Armenia, Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Pakistan và Venezuela – đã bỏ phiếu chống lại biện pháp này.

Liên Hợp Quốc cho biết hơn 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và gần 14.000 người bị bắt giữ. Các tổ chức nhân quyền khác đã cung cấp số liệu cao hơn, nhưng Iran không công bố bất kỳ con số chính thức nào, ngoài việc nói rằng hơn 50 nhân viên an ninh đã thiệt mạng.

Theo cơ quan tư pháp Iran, một số người đã nhận án tử hình sơ bộ vì tham gia “bạo loạn”, trong khi một quan chức cho biết Tòa án Tối cao Iran đã bắt đầu xét xử kháng cáo đối với những người bị kết án tử hình.

Trong hai tuần qua, các cuộc biểu tình đã diễn ra dữ dội nhất ở các tỉnh phía tây bắc của người Kurd ở Iran, với việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) xác nhận họ đang “tăng cường” sự hiện diện của mình ở đó.

Các quan chức hàng đầu của Iran đã nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ, Israel, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Ả Rập Xê Út đứng sau tình trạng bất ổn của đất nước.

Trong vài tuần qua, Iran đã đặc biệt tăng cường chỉ trích chống lại Đức, khi cường quốc châu Âu nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Iran.

Cùng với Iceland, Đức đã đưa ra lời kêu gọi chính thức thành lập cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Liên Hợp Quốc về Iran.

Bộ Ngoại giao Iran hôm thứ Hai đã triệu tập đại sứ Đức tại Tehran lần thứ hai kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình để lên án những nhận xét “can thiệp và vô căn cứ” của các quan chức Đức và lên án cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đã đeo mặt nạ phòng độc màu đen và điều hành phiên họp với chiếc mặt nạ này trên bục của mình.

Nó có ý nghĩa như một lời nhắc nhở về việc sử dụng vũ khí hóa học của Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq kéo dài 8 năm vào những năm 1980.

Tehran từ lâu đã cáo buộc Đức cung cấp vũ khí hóa học cho ông Hussein. Ông Kanani cho biết có tới 80% vũ khí hóa học được sử dụng trong chiến tranh là do các công ty Đức cung cấp.

Tehran đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai công ty Đức mà họ cho là chịu trách nhiệm “vận chuyển khí hóa học và vũ khí” tới Iraq trong chiến tranh.

Xuân Lan (theo Al Jazeera)

Related posts