Trung Quốc: Tập Cận Bình dưới bóng ma của Giang Trạch Dân

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng cố tổng bí thư Giang Trạch Dân tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/12/2022. AP
Chi Phương
Một tuần sau khi làn sóng biểu tình phản đối chính phủ xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc, người dân bất bình với vị lãnh đạo độc tài. Sự ra đi của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đã dấy lên một cảm giác hoài niệm về một dĩ vãng “hoàng kim” trong công chúng Trung Quốc. Hai lãnh đạo, hai thời đại, RFI xin giới thiệu bài phân tích trên báo Le Figaro đăng ngày 05/12/2022.

Bài đăng với tiêu đề « Đừng sợ vì ngây thơ », đính kèm hình ảnh cặp kính đen dày của cố chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, loan truyền trên Internet ở Trung Quốc. Những người biểu tình phản đối chính sách zero Covid của Tập Cận Bình đã bất ngờ tìm được một vị anh hùng không thể tấn công được, để vượt qua kiểm duyệt và làm tiêu hao tầm vóc của lãnh đạo đương nhiệm, độc tài nhất từ thời Mao Trạch Đông.  

« Các bạn còn quá trẻ, quá ngây thơ », là nhận định mà ông Giang Trạch Dân đưa vào năm 2000, với cái nhìn linh hoạt, kêu gọi các nhà báo Hồng Kông bắt chước tính nghiêm khắc, chặt chẽ của các đồng nghiệp Mỹ, trong một cuộc đối thoại không được tổ chức chính thức. Thái độ thân mật này trái ngược với sự lạnh nhạt kiểu hoàng tộc của Tập Cận Bình. Ông Tập đã dạy cho thủ tướng Canada Justin Trudeau một bài học nghiêm khắc vì đã truyền tin cho báo chí nội dung cuộc gặp mặt của hai lãnh đạo bên lề hội nghị G20 ở Bali.

Hoài niệm về cố lãnh đạo “cởi mở”
Một bình luận trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) phổ biến tại Trung Quốc nhận định rằng « cố lãnh đạo đưa ra hình ảnh một con người bằng xương bằng thịt chứ không phải một vị Thượng đế ». Đây là lời gián tiếp châm chọc ông Tập, người đã ghi tư tưởng của mình vào trong Hiến Pháp.    

Một số khác thì hào hứng nói về một vị chủ tịch đi khắp thế gian: « Ông ấy có thể ứng biến mà không cần giấy nhớ và bằng tiếng Anh ». Một người thông thạo ngôn ngữ của Shakespeare và không ngần ngại cất tiếng hát bài O Sole Mio trước George Bush.    

Giang Trạch Dân thường bị chế nhạo vì phong cách lập dị, chủ tịch Giang hiếm khi nhận được sự nhất trí trong các chính sách, quyết định, khi làm lãnh đạo. Nhiệm kỳ của ông bị đánh dấu bằng những lần tái cấu trúc tàn nhẫn các tập đoàn lớn của Nhà nước và cuộc đàn áp không thương tiếc chống lại các nhà bất đồng chính kiến cũng như là giáo phái Pháp Luân Công. Thế nhưng, Giang Trạch Dân, người đã để Hồ Cẩm Đào kế nhiệm mình, lại khiến một số người « mong nhớ » , vào lúc mà Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, không sẻ chia quyền lực cho ai và bỏ qua thông lệ 10 năm mà những người tiền nhiệm của ông tuân theo. Một bài đăng chỉ ra một cách mỉa mai rằng « thời điểm đó, người ta nói rằng ông Tập tầm thường », tất cả các bình luận trong bài đăng này đều bị kiểm duyệt như là để nhấn mạnh đến sự bất ổn hiện nay.  

Sự ra đi của lãnh đạo thường đi liền với phong trào phản kháng?

Buổi lễ tưởng niệm hoành tráng được tổ chức ngày 06/12 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân dưới sự canh chừng an ninh chặt chẽ, tập hợp những thủ lĩnh của chế độ Cộng Sản. Nhiều đại lộ của thủ đô đã bị đóng cũng như là những địa điểm tụ tập của người biểu tình một tuần trước đó, dọc theo sông Lượng Mã (Liangmahe) và khu phố Hải Điến, nơi tập trung nhiều trường đại học.    

Lễ hỏa táng của cố tổng bí thư diễn ra một cách kín đáo hôm 05/12, tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nghĩa trang của các vị anh hùng Cách Mạng, nằm ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh. Xin nhắc lại rằng những tang lễ của các cố lãnh đạo trong quá khứ đã châm lửa cho một Trung Quốc rực đỏ. Các cuộc bạo loạn đã xảy ra sau cái chết của Chu Ân Lai (Zhou Enlai) năm 1976. Phong trào dân chủ năm 1989 được khởi xướng sau cái chết của Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang). Bằng chứng cho thấy sư căng thẳng của chính quyền là việc hệ thống kiểm duyệt giám sát chặt chẽ những lời chia buồn trên Internet, cấm bình luận dưới nhiều video về ông Giang. Sự ra đi của lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng Sản đã tạo ra một không gian tự do hiếm hoi, cho phép các bình luận cay độc dưới vỏ bọc của những lời ca ngợi một lãnh tụ Cộng Sản.    

Thất bại chính trị của Giang Trạch Dân
Tuy nhiên, tang lễ của ông Giang ít có cơ hội làm ngọn lửa của một ngọc đuốc đã bị dập tắt bùng lên trở lại, một tuần sau khi các cuộc biểu tình đã xảy ra ở 18 tỉnh thành của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu của hãng tư vấn Eurasia Group, ông Neil Thomas cho rằng « cái chết của ông Giang sẽ không làm tái sinh phong trào phản kháng, do kết quả mờ nhạt của kế hoạch cải cách chính trị của ông. Đảng Cộng Sản đã chuẩn bị các cơ quan tuyên truyền cũng như là guồng máy an ninh cho sự kiện này, để ngăn chặn các phong trào quần chúng ».  Trong những năm gần đây, những lời đồn được thường xuyên tung ra về việc cố chủ tịch đã từ trần tại biệt thự cũ ở Thượng Hải.

Lòng hoài niệm về ông Giang Trạch Dân tượng trưng cho một nước Trung Quốc đang phát triển, mở cửa với thế giới, gia nhập Tổ Chức Thương mại Thế Giới (WTO), trái ngược với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và sự co cụm về ý thức hệ như dưới thời của ông Tập.  

Một bài đăng phổ biến trên Weibo chỉ ra rằng « thời đó không hoàn hảo nhưng nếu xét lại thì lại có vẻ như đó lại là thời đại hoàng kim ». Lúc đó, nước Trung Quốc trên đà tái sinh đạt tăng trưởng bằng 2 chữ số, trong khi đó tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 3%. Người cha đỡ đầu của Thượng Hải, ông Giang đã đệm nhạc vào khẩu hiệu « giàu có là vinh quang » của Đặng Tiểu Bình.  

Đi kèm với nạn tham nhũng, thời đại của ông Giang mang đến viễn cảnh tương lai không giới hạn cho tầng lớp trung lưu mới, trong khi ngày nay, những người này đang bị bịt miệng vì chính sách « zero Covid » và tăng trưởng đi xuống.  

Sau khi cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị « đuổi » đi một cách tượng trưng vào tháng 10, sự ra đi của Giang Trạch Dân đã lật sang trang mới của kỷ nguyên « mở cửa và cải cách », khiến ông Tập càng cô đơn hơn bao giờ hết, khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang già đi và bị ngạt thở bởi tâm trí bế tắc.    

Giáo sư về lịch sử và chính trị hiện đại Trung Quốc thuộc trường Kings College ở Luân Đôn, ông Kerry Brown, trả lời hãng tin Mỹ AP, cho rằng sự ra đi của Giang Trạch Dân, theo một nghĩa nào đó, đã đánh dấu sự kết thúc của một thời đại trong chính trị Trung Quốc, dĩ nhiên không chỉ liên quan đến chính sách cai trị của riêng ông Giang, đã kết thúc từ năm 2002, mà là một giai đoạn khi chính phủ độc tài Trung Quốc vẫn còn được xem như thể là có khả năng tiếp nhận một loại không gian “tự do” nào đó. Khi ông Giang còn tại vị, báo chí ít ra còn được một chút tự do. 

Related posts