Cuba đang bị giảm dân số lớn nhất kể từ sau cách mạng
Các chuyên gia nhấn mạnh trong bối cảnh di cư toàn cầu tăng kỷ lục, Cuba không là ngoại lệ và đảo quốc vùng Caribe này đang bị giảm dân số hơn bao giờ hết.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với tờ New York Times (NYT): “Số lượng [người Cuba di cư] là cao kỷ lục. Mọi người thừa nhận rằng ngày nay trên quy mô toàn cầu người dân đang di cư nhiều hơn bao giờ hết và xu hướng đó chắc chắn cũng đang diễn ra tại tây bán cầu của chúng ta”.
Chính quyền Biden cho rằng xu hướng di cư toàn cầu gia tăng xuất phát từ đại dịch COVID-19 bùng nổ, cùng với chính sách của chính quyền Trump áp lên Cuba là nguyên nhân khiến quốc đảo Caribe bị giảm dân số. Từ nhận định đó, Nhà Trắng đã đang tìm cách đảo ngược các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Cuba.
Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes dưới thời chính quyền Obama nói với NYT: “Đây không phải là điều gì quá khó hiểu: Nếu quý vị tàn phá bằng các lệnh trừng phạt một quốc gia chỉ cách biên giới của mình 90 dặm, thì người dân ở đó sẽ kéo đến biên giới của quý vị để tìm kế sinh nhai”.
Ông Ben Rhodes là quan chức hạt nhân của chính quyền Obama trong chính sách can dự vào Cuba. Chính sách này mở cửa du lịch từ Mỹ tới quốc đảo Caribe. Tuy nhiên, ông Trump sau khi lên cầm quyền đã thực thi chiến dịch chế tài “áp lực tối đa” và giới hạn dòng tiền USD có thể chảy vào quốc gia cộng sản tây bán cầu.
Nhà nghiên cứu Elaine Acosta của Đại học Quốc tế Florida nói với NYT: “Cuba đang giảm dân số”.
Bà Acosta nói thêm rằng ‘chảy máu dân số’ đang “tàn phá” Cuba. Trong khi, nhà nhân chủng học Katrin Hansing của Trường Đại học New York và hiện đang sống tại Cuba cho biết người dân quốc đảo Caribe ngoài việc di cư đến Mỹ cũng trốn chạy tới các quốc gia khác nữa.
“Đây là vấn nạn chảy máu chất xám lớn nhất cả về số lượng và chất lượng mà đất nước này từng phải hứng chịu từ cuộc cách mạng. Những người rời đi là giỏi nhất, sáng giá nhất và nhiệt huyết nhất”, bà Acosta chia sẻ với NYT.
Theo các chuyên gia, dân số Cuba đang già đi và là một trong những quốc gia có dân số già nhất tây bán cầu cũng là gánh nặng cho quốc gia cộng sản này. Người già trong nước sẽ phải trông chờ tiền trợ cấp của những người di cư vốn trẻ hơn và đang ở độ tuổi lao động.
Theo NYT, chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có gần 250.000 người Cuba (chiếm hơn 2% tổng dân số 11 triệu người) đã di cư tới Mỹ, phần đông là vượt biên tại biên giới miền Nam. Cũng có một số người Cuba liều mạng vượt khoảng cách 90 dặm trên biển để tới tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.
Ông Roger García Ordaz, một người di cư Cuba, nói với NYT: “Tất nhiên tôi vẫn sẽ tiếp tục lao mình xuống biển cho tới khi tới được đó, nếu biển cả có lấy đi mạng sống của tôi, thì cũng được thôi”.
Hải Đăng (Theo Newsmax)
Những người đoạt giải Nobel Hòa bình lên án ông Putin vì ‘sự xâm lược điên cuồng’
Lễ trao giải Nobel Hòa bình đã được tổ chức tại Oslo vào Thứ Bảy (ngày 10 tháng 12 theo giờ địa phương). Trong bài phát biểu nhận giải, ba người chiến thắng đến từ Ukraine, Nga và Belarus đã lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã phát động “cuộc chiến tranh xâm lược điên cuồng chống lại Ukraine” và gọi “đó là một tội ác”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế không cúi đầu trước chính phủ Putin.
Theo báo cáo của RFI, Giải Nobel Hòa bình năm 2022 đã được trao tại Tòa thị chính thành phố Oslo vào thứ Bảy. Những người chiến thắng là nhà hoạt động nhân quyền người Belarus – Ales Beliatski, Tổ chức phi chính phủ Nga Memorial và Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine (CCL). Họ đã được trao giải vì “cam kết đối với nhân quyền, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình.”
Oleksandra Matviichuk, Giám đốc Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine (CCL), cho biết trong 9 tháng Nga xâm lược Ukraine, trung tâm do bà lãnh đạo đã ghi nhận hơn 27.000 tội ác chiến tranh do Nga gây ra đối với Ukraine, bao gồm phá hủy nhà cửa, nhà thờ, trường học, bệnh viện và đánh bom các lối thoát hiểm cho người tị nạn; Bà cũng đã phải trải qua các cuộc tấn công bằng bom của quân đội Nga và bà đã viết bài phát biểu nhận giải này dưới ánh nến.
Bà lên án cuộc chiến do Nga tiến hành đã biến con người thành những con số (ý nói họ bị liệt kê dưới dạng con số người bị thương và thiệt mạng”, bà nói rằng: “Tội ác chiến tranh mà chúng tôi ghi nhận chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.”
Bà cũng nói rằng người dân Ukraine khao khát hòa bình hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng Ukraine sẽ không cúi đầu trước cuộc xâm lược bạo lực của Nga.
Bà nói: “Một quốc gia bị tấn công bởi một cuộc xâm lược không thể đạt được hòa bình bằng cách hạ vũ khí, bởi vì đó không phải là hòa bình, đó là sự chiếm đóng”.
Báo cáo cho biết, giọng của bà Matvichuk nghẹn ngào trong bài phát biểu nhận giải, bà một lần nữa kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế để xét xử “Putin, đồng minh của Putin – nhà lãnh đạo Belarus Lukashenko và những tội phạm chiến tranh khác.”
Trong bài phát biểu nhận giải của mình, Ian Rachinski, người phụ trách Tổ chức phi chính phủ Nga Memorial đã lên án “những tham vọng đế quốc vẫn còn phổ biến ở Nga”.
Ông nói: “Câu chuyện bị bóp méo này cung cấp sự biện minh về ý thức hệ cho cuộc chiến tranh xâm lược tội ác và điên rồ của Nga chống lại Ukraine”.
Báo cáo cho biết, Tổ chức Memorial được thành lập vào năm 1989. Trong vài thập niên qua, họ đã cam kết vạch trần những tội ác mà chế độ toàn trị đã gây ra trong thời kỳ Stalin, lưu giữ hồ sơ về tác hại của chế độ toàn trị đối với các nạn nhân và thu thập các tội ác trong nước của chính phủ Nga, bao gồm bằng chứng về sự vi phạm các quyền tự do. Do đó, tổ chức đã bị chính quyền Nga đàn áp, hệ thống tư pháp Nga đã ra lệnh giải thể tổ chức vào cuối năm 2021. Chính quyền Nga cũng ra lệnh tịch thu văn phòng của tổ chức vào ngày 7 tháng 10.
Ông Raczynski nói trong bài phát biểu nhận giải: “Số lượng tù nhân chính trị ở Nga ngày nay nhiều hơn số lượng tù nhân chính trị trên cả nước vào năm 1980, thời điểm bắt đầu cải cách và mở cửa của Liên Xô cũ”.
Bên cạnh đó, Ales Beliatski, người sáng lập tổ chức phi chính phủ nhân quyền Viasna của Belarus , cũng đã được trao giải thưởng. Ông Beliatski, 60 tuổi, đã bị chính phủ Lukashenko bắt giam từ tháng 7 năm 2021. Ông bị chính phủ buộc tội “buôn lậu tiền mặt” vì cáo buộc chính phủ Lukashenko đàn áp phe đối lập và phải đối mặt với 12 năm tù giam.
Vợ ông, bà Natalia Pinchok, đã đại diện cho ông tại lễ trao giải vào ngày mùng 10. Trong bài phát biểu nhận giải, thay mặt cho ông Beliatski, bà Pinchok cáo buộc chính phủ ông Putin đang cố gắng biến Ukraine thành một chế độ độc tài chư hầu tương tự như Belarus.
Bà nói: “Nga đang tìm cách để Ukraine giống như Belarus ngày nay, tức là chính phủ phớt lờ tiếng nói của những người dân bị áp bức và cho phép Nga xây dựng các căn cứ quân sự của họ ở trong đất nước, phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Nga, và Nga hóa văn hóa và ngôn ngữ của Ukraine”.
Bà cũng kêu gọi, “Lòng tốt và sự thật phải có khả năng tự bảo vệ mình.”
Báo cáo cho biết, trong khi giải Nobel Hòa bình được trao tại Oslo, lễ trao giải Nobel Vật lý, Toán học, Hóa học và Kinh tế cũng được tổ chức tại Thụy Điển vào ngày mùng 10.
Liên Thành
Hoa Kỳ trừng phạt quan chức Trung Quốc vì bức hại Pháp Luân Công
Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (9/12) tuyên bố xử phạt năm quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có ông Đường Dũng (cựu phó giám đốc Nhà tù khu vực Trùng Khánh), vì tùy tiện bắt giữ các học viên Pháp Luân Công, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng. Theo các quy định liên quan của Hoa Kỳ, ông Đường Dũng cùng người thân sẽ không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Đường Dũng phải chịu trách nhiệm về “hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cụ thể là việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công, cấu thành một tội ác đặc biệt nghiêm trọng – xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Có rất ít thông tin về ông Đường Dũng trong danh sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố trước Ngày Nhân quyền, ngày 9/12. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhắm vào một danh sách dài các cá nhân tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền.
“Tất cả mọi người đều được hưởng những quyền này và nên được tự do thực hiện mà không bị phân biệt đối xử, bất kể họ tin vào điều gì, yêu ai hay sinh sống ở đâu”, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố ngày 9/12.
“Mọi thứ có nghĩa là tất cả mọi thứ”.
Huyền Anh
Ông Zelensky cảm ơn ông Biden vì hỗ trợ “chưa từng có” cho Ukraine
Hôm 11/12, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Ukraine đã cảm ơn Washington vì những hỗ trợ “chưa từng có”, theo hãng tin Reuters.
“Tôi cảm ơn vì những nỗ lực hỗ trợ tài chính cũng như quốc phòng chưa từng có mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine”, Tổng thống Volodymir Zelensky viết trên tài khoản Telegram của mình. “Điều này không chỉ góp phần mang lại thành công trên chiến trường mà còn hỗ trợ ổn định cho nền kinh tế Ukraine”.
“Chúng tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của Mỹ nhằm giúp Ukraine khôi phục hệ thống năng lượng”, ông cho hay.
Lưới điện của Ukraine liên tục bị Nga tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) kể từ tháng 10, qua đó gây mất điện liên tục cho hàng triệu người dân trong mùa đông giá rét.
Hồi tuần trước, Mỹ đã công bố gói viện trợ mới nhất trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các tên lửa dành cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, 80.000 đạn pháo 155mm, xe quân sự Humvee và khoảng 150 máy phát điện. Bên cạnh đó, trong gói viện trợ nêu trên, Mỹ còn lần đầu tiên cung cấp hệ thống đánh chặn UAV cho Ukraine.
Gói viện trợ mới nhất nâng tổng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2 lên hơn 19,3 tỷ USD.
Đây là lần thứ 27 Mỹ sử dụng Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) cho Ukraine, trong đó cho phép Mỹ chuyển các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng từ các kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, xác nhận rằng số thiết bị này đang trên đường vận chuyển tới Ukraine.
Phan Anh
Nga không nhận thấy triển vọng đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine
Hôm thứ Ba (6/12), Nga cho biết, Điện Kremlin có thể đồng ý với Washington về sự cần thiết đối với một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã hạ thấp triển vọng đàm phán cho đến khi Moscow đạt được các mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình.
Cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều cho biết, hai bên sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cuộc gặp nào giữa hai nhà lãnh đạo và không bên nào nhất trí về các điều kiện đàm phán.
Hôm thứ Hai (5/12) Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, cuộc xung đột ở Ukraine gần như chắc chắn sẽ kết thúc bằng ngoại giao và đàm phán, và “hòa bình công bằng và bền vững” là điều cần thiết.
Đáp lại những bình luận của ông Blinken, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông nhất trí về sự cần thiết của hòa bình.
“Chúng tôi có thể nhất trí với quan điểm này”, ông Peskov nói nhưng nhấn mạnh rằng, Nga không thấy có triển vọng về đàm phán vào lúc này.
Khi được hỏi điều gì dẫn đến triển vọng để tiến hành đàm phán, ông nói: “Các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt phải đạt được. Nga phải và sẽ đạt được những mục tiêu mà họ đã đặt ra”.
Cho đến nay, các mục tiêu của Nga ở Ukraine vẫn chưa đạt được. Moscow dường như đã thay đổi mục tiêu trong bối cảnh các lực lượng của họ đối mặt với những thất bại trên chiến trường. Trước đó, Nga tuyên bố rằng sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ đã chiếm đóng ở miền nam và miền đông Ukraine.
Kyiv đã bác bỏ việc nhượng bất kỳ vùng lãnh thổ nào cho Nga để đổi lấy hòa bình. Đồng thời, chính quyền Kyiv yêu cầu Nga trả lại tất cả các lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ và chiếm đóng (bao gồm cả Bán đảo Crimea) cùng những vùng lãnh thổ do Nga hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Nga nắm giữ kể từ năm 2014.
Hôm 5/12, Ukraine cảnh tình trạng mất điện trên diện rộng sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Các cuộc tấn công đã khiến nhiều vùng của Ukraine trở lại bóng tối khi nhiệt độ dưới 0 độ C. Đây là vụ tấn công mới nhất trong nhiều tuần nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
Nga thường xuyên tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine kể từ đầu tháng 10 và nói rằng đây là nỗ lực để làm suy yếu quân đội Ukraine. Phía Kyiv nói rằng các cuộc tấn công như vậy nhằm mục tiêu vào dân thường và cấu thành tội ác chiến tranh. Nga phủ nhận cáo buộc này.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Nga sẽ thất bại trong “nước cờ hiện tại là cố gắng thuyết phục người dân Ukraine đầu hàng”.
“Vấn đề là thế này, trừ khi và cho đến khi Nga chứng tỏ rằng họ quan tâm đến chính sách ngoại giao có ý nghĩa, còn không thì họ sẽ không thể đi đến đâu. Một khi điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ là người đầu tiên sẵn sàng giúp đỡ”, ông nói.
Nga nói rằng họ đang tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine để xóa sổ những người theo chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga. Ukraine và các đồng minh cáo buộc Nga gây chiến vô cớ hòng chiếm lãnh thổ nước này.
Tại khu vực miền nam Zaporizhzhia của Ukraine, ít nhất hai người đã thiệt mạng và một số ngôi nhà bị phá hủy bởi cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga hôm 5/12, theo Reuters.
Thanh Hải
Ông Putin: Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu đối với quốc gia áp đặt giá trần ‘ngu ngốc’
Hôm thứ Sáu (9/12), Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga – nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới – có thể cắt giảm sản lượng dầu và sẽ từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia phương Tây nào áp đặt giá trần ‘ngu ngốc’ đối với dầu của Nga.
Nhóm Bảy cường quốc công nghiệp (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Úc tuần trước đã đồng ý với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, sau khi các thành viên EU vượt qua sự kháng cự từ Ba Lan.
“Về phản ứng của chúng tôi, tôi đã nói rằng chúng tôi đơn giản là sẽ không bán cho những quốc gia đưa ra quyết định như vậy”, ông Putin nói với các phóng viên ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.
“Có thể chúng tôi sẽ tính tới [phương án] giảm sản xuất nếu cần thiết”, ông nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cai trị nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê Út và là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, cho biết, Nga đã có thỏa thuận sản xuất với các thành viên khác trong câu lạc bộ các nhà sản xuất dầu OPEC +, vì vậy một bước quyết liệt như vậy vẫn chỉ là “khả năng”.
“Chúng tôi vẫn đang cân nhắc về quyết định này, vẫn chưa có giải pháp nào. Và các bước cụ thể sẽ được vạch ra trong Sắc lệnh của Tổng thống Nga sẽ được công bố trong vài ngày tới”, ông Putin nói.
Bán dầu và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Nga kể từ khi các nhà địa chất Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng đầm lầy Siberia trong những thập kỷ sau Thế chiến II.
Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo rằng, lời đe dọa của ông Putin không nằm ngoài dự đoán nhưng vẫn còn phải xem Moscow rốt cuộc sẽ làm gì.
Ông Putin bác bỏ nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt tài chính của Nga, đồng thời nói rằng mức giá trần 60 USD/thùng tương ứng với giá mà Nga đang bán dầu.
“Tất cả chỉ gói gọn trong con số này. Vì vậy, đừng lo lắng về ngân sách”, ông Putin nói.
Người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo rằng, những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt giá trần sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu của ngành dầu mỏ và sau đó là sự gia tăng thảm khốc về giá.
“Điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính ngành công nghiệp, bởi vì người tiêu dùng luôn yêu cầu giá thấp. Ngành công nghiệp này đã được đầu tư, tài trợ dưới mức và nếu chúng ta chỉ lắng nghe người tiêu dùng, thì khoản đầu tư này sẽ bị giảm về 0”, ông Putin nói.
“Tất cả những điều này ở một giai đoạn nào đó sẽ dẫn đến một đợt tăng giá thảm khốc và dẫn đến sự sụp đổ của ngành năng lượng toàn cầu. Đây là một đề xuất ngu ngốc, thiếu cân nhắc và thiếu suy nghĩ”, Tổng thống Nga nói.