Phía Ukraine tuyên bố không dừng việc giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát
Thời tiết đang làm chậm tốc độ phản công của phía Ukraine, tuy nhiên, khi mặt đất bắt đầu đóng băng, Kyiv sẽ phản công mạnh trở lại, theo tờ Ukrainska Pravda.
Cụ thể, phát biểu tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Thụy Điển Pal Jonson ở Odessa ngày 11/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố: “Tình hình thời tiết, giai đoạn giao mùa từ mùa thu hanh khô sang đầu đông chưa đạt mức lạnh cực điểm. Mưa nhiều gây khó khăn cho hoạt động tiến công của tất cả các bên do mặt đất lầy lội, xe quân sự không thể di chuyển”.
“Tôi tin rằng, tốc độ phản công đang chậm lại liên quan đến các vấn đề thời tiết. Dẫu vậy, quân đội Ukraine không nghĩ đến chuyện dừng lại. Do đó, khi mặt đất bắt đầu rắn hơn, chúng tôi sẽ nối lại chiến dịch phản công và giành lại lãnh thổ”.
Bộ trưởng Reznikov cho hay rằng phía Ukraine sẽ giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát, đưa về thời điểm năm 1991 khi đường biên giới của Ukraine được quốc tế công nhận.
Liên quan đến cuộc tập kích Nga thực hiện nhắm đến hạ tầng quan trọng của Ukraine hiện nay, ông cho biết rằng Moscow dường như đang tìm cách gây sức ép, buộc Kyiv bắt đầu đàm phán theo các điều khoản của Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng Nga khó duy trì được chiến thuật này bởi kho vũ khí sẽ cạn kiệt rất nhanh. “Đây là một cuộc chiến về nguồn lực, các nguồn lực của họ đang hao mòn rất nhanh”, Bộ trưởng Reznikov nói.
Phan Anh
Nhiều binh sĩ Nga ở Ukraine không hài lòng với giới lãnh đạo quân sự
Nhiều binh sĩ Nga chiến đấu ở Ukraine cho biết họ không hài lòng với giới chức quân sự hàng đầu và Tổng thống Vladimir Putin vì cách điều hành cuộc chiến tồi tệ, một blogger người Nga theo chủ nghĩa dân tộc có ảnh hưởng cho biết sau khi đến thăm khu vực xung đột, Reuters đưa tin.
Gần 10 tháng kể từ khi ông Putin ra lệnh đưa quân vào Ukraine, cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II vẫn chưa có hồi kết.
Igor Girkin, một người theo chủ nghĩa dân tộc và là cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), người đã giúp Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và sau đó tổ chức các lực lượng dân quân thân Nga ở miền đông Ukraine, cho biết có một số bất mãn với giới lãnh đạo hàng đầu.
Trong một đoạn video gay gắt dài 90 phút phân tích việc Nga thực hiện cuộc chiến, ông Girkin nói rằng “đầu cá đã thối rữa hoàn toàn”, ám chỉ đến giới lãnh đạo quân sự, và rằng quân đội Nga cần cải cách cũng như thu hút những người có năng lực để có thể lãnh đạo một chiến dịch quân sự thành công.
Ông Girkin cho biết, một số người ở cấp trung của quân đội đã cởi mở bày tỏ sự không hài lòng của họ với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và thậm chí cả với ông Putin.
“Không chỉ có tôi… mọi người không mù và điếc chút nào: những người cấp trung ở đó thậm chí không che giấu quan điểm của họ, rằng họ không hoàn toàn ca ngợi Tổng thống hay bộ trưởng quốc phòng,” ông Girkin nói.
Cả Ukraine và Nga đều nói rằng phía bên kia đã phải chịu thương vong cao, mặc dù không đưa ra số liệu rõ ràng về tổn thất của chính họ.
Một vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ ước tính vào ngày 9/11 rằng Nga và Ukraine mỗi bên có hơn 100.000 binh sĩ của họ thiệt mạng hoặc bị thương.
Nga đã thông qua luật ngay sau cuộc xâm lược cho phép kết án lên đến 5 năm tù đối với các hành động được coi là “làm mất uy tín của lực lượng vũ trang” hoặc lên đến 15 năm đối với hành vi “phổ biến thông tin sai lệch có chủ ý.”
Ông Girkin cũng cho biết Nga thiếu tên lửa chiến thuật hiệu quả và không rõ liệu họ có thể sản xuất đủ hay không trong khi Nga đã thất bại trong việc thiết lập ưu thế trên không.
Ông nói: “Bộ Quốc phòng của chúng tôi đơn giản là đã ngủ quên trước thực tế là cả thế giới đã chuyển sang sử dụng các chiến thuật mới trên không.”
Ông Girkin đã bị các thẩm phán Hà Lan kết án vắng mặt vì tội giết người liên quan đến vai trò của ông ta trong vụ bắn rơi chuyến bay MH17 trên bầu trời Ukraine vào năm 2014 khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Nga, nước đã nhiều lần phủ nhận việc bắn rơi máy bay phản lực, đã bác bỏ phán quyết trên.
Ngân Hà (theo Reuters)
Ngũ Giác Đài: Ngăn ĐCSTQ tấn công Đài Loan là nhiệm vụ quan trọng của Mỹ năm tới
Quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ngũ Giác Đài hôm 8/12 cho biết, năm tới sẽ là một năm quan trọng về việc thay đổi quan điểm trong cuộc đối đầu của quân đội Hoa Kỳ với ĐCSTQ. Với hành vi quân sự ngày càng khó lường của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, quân đội Hoa Kỳ sẽ dứt khoát ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan và chống lại sự bành trướng hạt nhân của Bắc Kinh.
Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng, mặc dù Mỹ đang tập trung sự chú ý đến Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng Washington vẫn xem ĐCSTQ là mối đe dọa hàng đầu trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường quân sự và lăm le xâm lược Đài Loan.
Ông Ratner nói thêm rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới sẽ “ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và cơ động hơn khiến cho việc can thiệp của Mỹ vào khu vực này trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn”.
Các nhà phân tích quân sự và các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ suy đoán rằng Tập Cận Bình có thể đang chuẩn bị xâm chiếm Đài Loan sớm nhất là vào năm 2027. Nhưng các quan chức Hoa Kỳ tin rằng không có gì là chắc chắn và thời điểm của bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan phụ thuộc phần lớn vào sự cảnh giác của các lực lượng Hoa Kỳ.
Ratner nói: “Liệu Tập Cận Bình đã sẵn sàng phát động tấn công Đài Loan vào năm 2027? Câu trả lời của chúng tôi là không. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn ĐCSTQ làm điều đó một cách nhanh chóng. Điều đó không bao giờ là dễ dàng. Sẽ là một ý tưởng rất tồi nếu Bắc Kinh ấn định năm 2027 là năm hành động quân sự để kiểm soát Đài Loan”.
Trong khi đó Phó trợ lý thư ký phụ trách Trung Quốc của Ngũ Giác Đài, Michael Chase, cho biết Hoa Kỳ cam kết duy trì “lợi thế phi đối xứng” trong các lĩnh vực chiến tranh mạng, không gian và điện tử liên quan đến Trung Quốc.
Ông nói, Đài Loan cần tăng cường khả năng phòng thủ phi đối xứng của mình.
Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Kathleen Hicks cũng cho biết hôm thứ Năm rằng các chuyến hàng vũ khí của Hoa Kỳ đến Ukraine không làm chậm các chuyến hàng đến Đài Loan, điều này sẽ dẫn đến việc tăng cường huấn luyện và các chiến thuật độc đáo để phòng thủ tốt hơn trước quân đội lớn hơn nhiều.
Tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, Ratner cho biết Trung Quốc đang sử dụng năng lực quân sự ngày càng tăng của mình để thực hiện tham vọng trong việc “phát huy và duy trì sức mạnh” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Khi Trung Quốc tìm kiếm các căn cứ mới ở nước ngoài thông qua các thỏa thuận cơ sở hạ tầng cảng ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á, thì Hoa Kỳ cũng đang tìm cách dàn trải các lực lượng tập trung nhiều ở Bắc Á và duy trì sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ông cho biết rất nhiều công việc về các thỏa thuận căn cứ mới nhằm kiềm chế tốt hơn tham vọng của Trung Quốc đã được Mỹ thực hiện với các nước bao gồm Philippines và Australia. Trong đó, có kế hoạch Mỹ sẽ hợp tác với Australia và Anh để phát triển lực lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dự kiến kế hoạch chi tiết sẽ được 3 nước đưa ra vào tháng 3 năm sau.
Bá Long