21-12-2022
Năm 2011, trong lễ tiếp Tập Cận Bình, xuất hiện lá cờ Trung Quốc 6 sao, không chỉ trên tay các em bé mà còn trên VTV, gây ngỡ ngàng cho những người Việt từng biết cờ Trung Quốc chỉ có 5 sao (Hình 1 và 2).
Năm 2013, trên quyển sách Học vần lớp 1, phần học phụ âm C với từ Cờ có hình ảnh minh họa không phải cờ Việt mà là cờ Trung Quốc. Cũng năm này, trên quyển sách có nhan đề ‘Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho trẻ vào lớp 1’, xuất hiện hình ảnh cổng trường cắm cờ Trung Quốc (Hình 3 và 4).
Năm 2019, Giáo trình tiếng Trung Quốc của Trường Đại học Kinh – Công đưa bản đồ có hình lưỡi bò vào đó cho sinh viên học về đất nước Trung Quốc (Hình 5).
Năm 2022, pano Chào mừng 78 năm thành lập Quân đội Nhân dân, 33 năm Hội quốc phòng toàn dân, 50 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, xuất hiện hình nền cờ 5 sao và ba anh lính hải quân Trung Quốc với khẩu lệnh “Bát nhất tiến công” (Hình 6).
Riêng đối với đại học Kinh – Công, dư luận kết tội quân bán nước. Những người thận trọng hơn thì biện minh đó là do sai sót, nhầm lẫn.
Tốt nhất là hỏi các giáo sư, tiến sĩ Đại học Kinh – Công. Chắc chắn họ cũng sẽ biện minh là do sai sót, nhầm lẫn. Nếu hỏi, vì sao có sự sai sót, nhầm lẫn ấy? Xem chừng họ sẽ trả lời: “Là do hồi bé xem VTV thấy lá cờ Trung Quốc 6 sao, tưởng đó là cờ nước mẹ“, “Là do khi đi vào lớp 1 thấy cổng trường treo cờ Trung Quốc“, “Là do ngay khi học vần âm C, em giáo sư, tiến sĩ hồi bé học cờ Trung Quốc chứ có học cờ Việt Nam đâu mà biết?“
Với lý do trên, tôi đề nghị, hoặc là trả các giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại Trường Đại học Kinh – Công về lại Trung Quốc; hoặc là, bắt buộc các giáo sư, tiến sĩ Trường Đại học Kinh – Công học lại lớp 1 với sách giáo khoa in rõ hình quốc kỳ Việt Nam.