Trung Quốc ngừng công bố số liệu COVID hàng ngày
Reuters đưa tin, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 25/12 đã ngừng công bố dữ liệu COVID-19 hàng ngày trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ về độ tin cậy của các số liệu khi các ca lây nhiễm bùng phát ngày càng mạnh.
“Thông tin liên quan về COVID sẽ được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố để tham khảo và nghiên cứu”, ủy ban cho biết trong một tuyên bố, mà không nêu rõ lý do thay đổi hoặc tần suất CDC Trung Quốc sẽ cập nhật thông tin về COVID.
Việc NHC ngừng báo cáo tổng số ca nhiễm và tử vong hàng ngày diễn ra khi mối lo ngại gia tăng xung quanh việc thiếu thông tin quan trọng kể từ khi Bắc Kinh thực hiện các thay đổi sâu rộng đối với chính sách Zero COVID, khiến hàng trăm triệu công dân của họ bị phong tỏa không ngừng và tàn phá nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bất chấp số ca nhiễm tăng kỷ lục, NHC đã báo cáo không có trường hợp tử vong do COVID nào trên toàn quốc trong 4 ngày liên tiếp trước khi tạm dừng công bố dữ liệu. Trung Quốc đã thu hẹp định nghĩa của mình để báo cáo các trường hợp tử vong do COVID, chỉ tính những người do viêm phổi hoặc suy hô hấp do COVID gây ra, khiến các chuyên gia y tế thế giới phải ngạc nhiên.
Công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh tuần trước ước tính Trung Quốc đang trải qua hơn một triệu ca nhiễm bệnh và 5.000 ca tử vong mỗi ngày.
Sau khi các ca nhiễm COVID phá kỷ lục hàng ngày vào cuối tháng 11, NHC trong tháng này đã ngừng báo cáo các ca nhiễm không có triệu chứng, khiến việc theo dõi các ca bệnh trở nên khó khăn hơn.
Các số liệu chính thức từ Trung Quốc đã trở thành một hướng dẫn không đáng tin cậy vì ít xét nghiệm hơn được thực hiện trên cả nước, trong khi Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc hạ thấp số ca nhiễm và tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới không nhận được dữ liệu nào từ Trung Quốc về các ca nhập viện mới do COVID kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế. Tổ chức này cho biết, lỗ hổng dữ liệu có thể là do chính quyền đang gặp khó khăn trong việc kiểm đếm các trường hợp ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một số mô hình và báo cáo trong những ngày gần đây đã dự báo có tới hai triệu ca tử vong do COVID khi virus lây lan đến các vùng nông thôn của đất nước, đe dọa tấn công nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương nhất và những người chưa được tiêm phòng.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước đã quá tải, với các nhân viên được yêu cầu làm việc khi bị ốm và thậm chí các nhân viên y tế đã nghỉ hưu ở các cộng đồng nông thôn được thuê lại để giúp đỡ các nỗ lực cấp cơ sở.
Dịch bệnh ở Trung Quốc càng trở nên cấp bách khi Tết Nguyên đán đang đến gần, thời điểm người dân đi lại nhiều và có nhiều lễ hội.
Phi cơ chiến đấu cất cánh ở Belarus: cảnh báo không kích vang lên khắp Ukraina
Vào sáng ngày 25/12, một cảnh báo trên không đã được ban bố ở Ukraina do các phi cơ chiến đấu của Nga đã cất cánh trên bầu trời Belarus.
Theo báo cáo của nhóm chuyên theo dõi hoạt động của các lực lượng vũ trang The Belarusian Hajun Project, vào lúc 9h15, một chiếc MiG-31K của Nga, có thể mang hỏa tiễn Kalibr, đã cất cánh từ sân bay ở Machulishchi.
Theo nhóm giám sát trên, thông tin cụ thể về các phi cơ của Nga đã cất cánh như sau:
08h30 – tại Baranovichi, một phi cơ chiến đấu cất cánh.
08h47 – tại Machulishchi, một phi cơ điều khiển và phát hiện radar tầm xa AWACS Il-76 A-50U “Sergey Atayants” đã cất cánh với số hiệu RF-93966.
09h08 – tại Baranovichi, chiếc tiêm kích hộ tống thứ hai cất cánh.
09h15 – tại Machulishchi, chiếc MiG-31K (tàu sân bay mang hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal) của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã cất cánh với số hiệu RF-92445.
Một cảnh báo không kích đã được tuyên bố trên lãnh thổ Ukraina.
Trước đó, vào sáng ngày 24/12, quân đội Nga đã nổ súng vào trung tâm Kherson khiến 10 người thiệt mạng, 55 người bị thương và 18 người trong số họ đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Bá Long
Kinh tế Trung Quốc lao dốc, giao thông tàu điện ngầm Bắc Kinh giảm 80%
Số ca nhiễm tăng đột biến đã khiến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc rơi vào vực thẳm. Việc hủy các các biện pháp phong tỏa không theo trình tự của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19. Điều này khiến mọi người ngại ra ngoài và gây thiệt hại nặng nề cho các hoạt động kinh tế và du lịch.
Theo thống kê, mức độ tắc nghẽn ở các thành phố quan trọng và số lượng chuyến bay nội địa đã giảm mạnh. Và tàu điện ngầm đang chạy với ít hành khách hơn.
Gần đây, số lượng hành khách đi tàu điện ngầm đã giảm mạnh ở các thành phố bao gồm Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Tây An và Nam Kinh khi các ca nhiễm bệnh gia tăng. Tại Bắc Kinh, việc sử dụng tàu điện ngầm đã giảm 80% so với năm 2019.
Theo một chỉ số do tạp chí Tài chính năng lượng mới Bloomberg tổng hợp, mức độ tắc nghẽn ở 15 thành phố lớn của Trung Quốc thấp hơn 56% so với tháng 1 năm 2021.
Công ty dữ liệu hàng không Trung Quốc VariFlight cho biết tần suất bay vào ngày 22 tháng 12 đã giảm xuống 42% so với mức của năm 2019.
Guan Yi Low, người đứng đầu bộ phận tài sản cố định tại công ty quản lý đầu tư M&G, chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm gia tăng sau khi dỡ bỏ một số hạn chế sẽ làm giảm hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào tháng 12 và tháng 1 năm 2023.
Liên Thành