Vụ thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng tại mỏ than Minh Tiến: Bắt 6 lãnh đạo ở Thái Nguyên

Số lượng than tại mỏ than Minh Tiến bị khai thác lậu lên đến cả triệu tấn, diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn. (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Bộ Công an đã bắt giữ 6 lãnh đạo tại tỉnh Thái Nguyên có liên quan trực tiếp đến sai phạm xảy ra tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ).

Báo chí nhà nước hôm 24/12 dẫn thông tin từ một lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên (không nêu danh tính) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam 6 người do liên quan đến sai phạm ở mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ). “Những người này đã bị Bộ Công an bắt giữ từ tháng 6”, vị này nói.

6 người bị bắt gồm: ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên. 3 người còn lại đều là lãnh đạo cấp phòng của Sở Công thương, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 21/12 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành thông báo khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thế Giang.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình…

Trước đó, hồi năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, buôn lậu, tham nhũng (C03), Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 19 bị can tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị liên quan, để điều tra về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.

Trong số này, có bị can Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước và Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (2 anh em ruột quê Quảng Ninh, nổi tiếng với vụ giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng) là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.

Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2014, Công ty Cổ phần Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.

Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2018, Công ty Cổ phần Yên Phước mới bắt đầu đi vào hoạt động khai thác than mỏ than lộ thiên.

Tuy nhiên, khoảng một năm sau, bà Châu Thị Mỹ Linh đã bán toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.

Theo đó, Công ty Cổ phần Yên Phước đồng ý cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, có thời hạn trong 5 năm.

Như vậy, bà Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).

Cơ quan điều tra xác định từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, số lượng than bị khai thác lậu lên đến cả triệu tấn, diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.

Minh Long

‘Vẽ bệnh án’, một bác sĩ Trung Quốc tại TP.HCM bị tước chứng chỉ hành nghề

Tòa nhà Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (số 80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5, TP.HCM). (Ảnh: phongkhamdakhoahoancau.webflow.io)

Bác sĩ Li Guang Qiu, quốc tịch Trung Quốc, chuyên sản phụ khoa tại một phòng khám ở quận 5 vừa bị Sở Y tế TP.HCM tước chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có thời hạn do có hành vi vi phạm trong khám chữa bệnh. 

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang liên tiếp công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại TP. Gần đây nhất, trong danh sách xử phạt từ ngày 16 đến 22/12, có 5 bác sĩ, 3 phòng khám đa khoa và 1 bệnh viện thẩm mỹ tại TP này, trong đó có một bác sĩ người Trung Quốc.

Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Li Guang Qiu (quốc tịch Trung Quốc), đăng ký hành nghề tại Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (số 80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5, TP.HCM) bị phát hiện 2 sai phạm, gồm lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật và chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì vụ lợi.

Với các hành vi trên, bác sĩ Li Guang Qiu bị xử phạt 9,5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời gian 3 tháng.

Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Võ Nguyễn Kim Tuyên (kiêm Chủ hộ kinh doanh Võ Nguyễn Kim Tuyên, số 404 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP.HCM) bị phạt 45 triệu đồng vì khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Trần Thị Bạch Vân – Phòng khám đa khoa Đại Việt (số 1503-1505-1507-1509 đường 3/2, phường 16, quận 11, TP.HCM) bị phạt 15 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong 2 tháng do kê đơn thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh.

Ngoài ra, Phòng khám đa khoa Đại Việt bị phạt 64 triệu đồng vì lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; không bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh cá nhân cho người làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh và người khác; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.

Ngoài phạt tiền, phòng khám này bị tước giấy phép hoạt động 2 tháng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sai phạm.

Bác sĩ Trần Minh Vũ (địa chỉ 99-109 đường Thuận Kiều, phường 4, quận 11, TP.HCM) bị phạt 36 triệu đồng về hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 1 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân – Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Đinh Tiên Hoàng (địa chỉ số 34-36 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) bị phạt 2 triệu đồng về hành vi lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật; bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong 2 tháng.

Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Đinh Tiên Hoàng bị phạt 20 triệu đồng vì lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; biển hiệu không có đủ thông tin cơ bản theo quy định; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Do chi nhánh tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Jangin (số 212 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) bị phạt 70 triệu đồng, bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.

Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt trong lĩnh vực y tế như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động nếu tái vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề (như “vẽ bệnh, thu tiền”, quảng cáo sai sự thật…). Sở này đã thiết lập đường dây nóng 0989 401 155 để tiếp nhận cuộc gọi phản ánh của người dân và nhân viên y tế khi phát hiện hoặc bị các phòng khám lừa gạt.

Nguyễn Sơn

Related posts