Cuối năm Nhâm Dần nhìn lại…

Trương Nhân Tuấn

9-1-2023

Cuối năm nhìn lại Việt Nam thấy có vô số vấn đề cần được quan tâm, cần xét lại, hoặc cần giải thích lại. Từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, giáo dục, y tế, pháp lý… cho tới những vấn đề lịch sử như chiến tranh VN, về lăng kính chính trị của tuyên giáo, vấn đề tham nhũng… Một số sự kiện đặc biệt, theo ý kiến chủ quan của tôi, cần được nhắc lại. Đó là:

1/ Tình trạng thối nát cấp quốc gia, đảng viên CSVN “ăn của dân không từ một thứ gì”, xuyên qua hai vụ (Test Kits) Việt Á và “các chuyến bay giải cứu”.

2/ Từ vụ “cúp điện” buổi trình diễn ở Hà Nội của ca sĩ Khánh Ly sau khi bài “Gia tài của mẹ” được trình diễn.

3/ Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine và chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

4/ Vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

5/ Chuyện “hồi hương” cái ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Bảo Đại trở thành chuyện “hài hước” của các tập đoàn “báo lớn” hải ngoại.

I. Vụ Việt Á và vụ “Các chuyến bay giải cứu”

Vụ Việt Á, dưới cái nhìn của bộ Chính trị đảng CSVN, đó chỉ đó là một vụ “tham nhũng” đơn thuần. Trên BBC có bài báo cho rằng, vụ Việt Á “cho thấy quản lý nhà nước có vấn đề”. Báo chí còn đăng bài viết khác, cho rằng vụ Việt Á là một “hình thức lũng đoạn nhà nước”.

Theo luật Việt Nam, tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức…

Tháng 6 năm 2022, sau khi họp Bộ Chính Trị kết luận:

Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế…”

Bộ Chính trị đóng khung vụ Việt Á ở các vấn đề chính trị, kinh tế và đạo đức của đảng viên. Nội dung này không ra ngoài nội hàm cán bộ tham nhũng. Không thấy Bộ Chính Trị nói một chữ về nạn nhân, hàng chục ngàn người, có thể chết oan vì kít Việt Á, chết vì các hành vi vô luân, vô đạo, phi nhân… của lớp “tinh hoa” trong đảng CSVN.

Báo “lề trái” nói ông Trọng đã “nghẹn ngào” khi ra quyết định (như trên) để kỷ luật các “đồng chí thân thương” của mình.

Theo tôi, vụ Việt Á không phải là một vụ “tham nhũng”, suy đồi đạo đức hay “trục lợi” đơn thuần. Hành vi “tham nhũng”, theo luật đã dẫn trên, chỉ đóng khung ở không gian kinh tế.

Thực tế cho thấy đã có chết người. Nạn nhân là hàng chục ngàn người đã chết. Vụ Việt Á lý ra phải xử như một đại án giết người có tổ chức.

Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Nếu “quản lý nhà nước có vấn đề”, nói như BBC, thì vấn đề ở đây chính là đảng.

Cũng không thể có cái gọi là “lũng đoạn nhà nước”, với ý nghĩa nhân sự Việt Á sử dụng tiền bạc để điều khiển công chức nhà nước.

Đây là cách tác giả phê phán “bẻ cổ logic” và đơn thuần dựa trên kinh tế.

Vụ Việt Á cũng không đơn giản là một chỉ dấu “suy thoái” (về tư tưởng, chính trị, đạo đức…) của một số quan chức.

Sự việc xảy ra tuần tự là: Việt Á mua kít của TQ với giá rẻ (như bèo) khoảng 1 đô la/kit. Bộ quốc phòng nhập cuộc, qua đại diện là “Học viện Quân y”, biến kít TQ thành sản phẩm phát minh khoa học nội địa. Tới phiên Bộ Khoa học, Bộ này “bảo kê” kít Việt Á là hàng thứ xịn, do quốc nội sáng chế, được chuẩn nhận phẩm chất ngang hàng kít quốc tế. Kế tới là Bộ Y tế. Bộ này ra đủ thứ luật lệ buộc dân chúng phải thử nghiệm “đại trà”, ai cũng có thể bị ép ngoáy mũi thử nghiệm. Giá kít được đội lên 470.000 đồng/ kít.

Cuối cùng (trùm cuối) ra chỉ thị khuyến cáo các cơ sở y tế địa phương phải mua kít Việt Á trong chiến dịch “chống dịch như chống giặc”. (Trùm này có vẻ là Vũ Đức Đam?)

Hàng chục ngàn người dân đã có thể không bị chết oan. Hàng ngàn xí nghiệp đã có thể không bị phá sản. Hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu cá nhân, gia đình… gia sản đã không bị tiêu tan, gia đình không bị ly tán (do cách ly). Vô số gia đình nhuốm cảnh tang thương, của mất, người chết…

Ngoài việc gây thiệt hại kinh tế, “hệ thống Việt Á” còn giết chết nhiều người và gây xáo trộn xã hội. Tổn thất kinh tế chưa thể kiểm kê. Suy trầm kinh tế dĩ nhiên có đóng góp của hệ thống Việt Á.

Nhưng trầm trọng hơn cả là cú chấn thương tâm lý và đạo đức.

Dân nhìn cán bộ đảng viên như những kẻ tội phạm.

Đó là chưa nói tới vụ “các chuyến bay giải cứu” của Bộ Ngoại giao.

Còn lại gì ở cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” qua các vụ này?

Không đơn thuần chỉ là tham nhũng. Cũng không hẵn là do nhà nước yếu kém trong mục quản lý. Cũng không phải là nhà nước bị lũng đoạn.

Luật lệ không ra gì thì tất cả những gì của nhà nước là một cái thây ma thúi nát. Thúi nát toàn diện. Hệ thống Việt Á, bao gồm các bộ quốc phòng, bộ y tế, bộ khoa học công nghệ… cho tới “các chuyến bay giải cứu” của bộ ngoại giao.

Đảng viên nào có quyền lực đảng viên đó thúi nát.

Tất cả nhân sự lãnh đạo “nhà nước và xã hội” hiện nguyên hình là những con giòi đang rỉa rói cái thây ma tên gọi “nhà nước pháp quyền XHCNVN”.

Tội giết người, do cố ý hay do vô tình, cũng là tội giết người. Tội phá hoại nền kinh tế quốc dân là chống lại lợi ích của nhân dân và đất nước.

Ông Trọng xử các đảng viên của đảng ông bằng kỷ luật đảng, trên quan điểm đạo đức, buộc họ “chịu trách nhiệm chính trị” bằng cách cảnh cáo, hay nặng hơn là đuổi họ ra khỏi đảng. (Điển hình Vũ Đức Đam).

Còn trách nhiệm hình sự của đảng viên (như Vũ Đức Đam) về các tội giết người, các tội phá hoại nền kinh tế quốc dân, tội gây xáo trộn xã hội và bần cùng hóa đời sống đại đa số nhân dân thì sao?

Riêng cá nhân ông Trọng, ngoài trách nhiệm liên đới đối với các đảng viên dưới quyền, về các tội trạng đã dẫn trên. Ông còn có trách nhiệm hình sự về tội bao che đàn em phạm tội.

II. Vụ “Gia tài của mẹ một bọn lai căng”

Vụ sô nhạc “Mùa thu Hà Nội” của bà Khánh Ly (KL) ở Hà Nội ngày 24 tháng 9 bị “cúp điện”, cho thấy bà bị tuyên giáo VN trừng phạt, sau khi bà hát bài “Gia tài của mẹ” (không có trong danh mục bài hát được trình diễn) trong buổi trình diễn vào tháng 6 ở Đà Lạt.

Các “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” núp dưới các nick Facebook “chửi” bà Khánh ly vụ “gia tài của mẹ” không tiếc lời. Báo chí trong nước có bài nói bà KL “tráo trở”. Có bài báo vịn vào “luật”, cho rằng bà Khánh Ly có thể bị phạt vì hát các bài hát chưa được phép.

Vấn đề là vụ “cúp điện” hội trường trước giờ mở cửa khiến nhà tổ chức phải hủy sô, hiển nhiên không phải là một cử chỉ văn minh của giàn lãnh đạo thủ đô Hà Nội. Nó cũng không phải là “hành vi có giá trị pháp lý”, đến từ một quyết định pháp lý của nhân sự có thẩm quyền.

Theo luật, bà KL bị phạt vì hát nhạc cấm. Và theo luật, lãnh đạo thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến phải là phía bồi thường thiệt hại cho người tổ chức sô nhạc Mùa thu Hà Nội (vì hành vi vô văn hóa, phản văn minh).

Tuyên giáo xài “luật rừng” với ca sĩ Khánh Ly.

Luận về công – tội trong công cuộc “chống Mỹ cứu nước”, theo tôi, thay vì tuyên giáo viết báo chửi bậy bà KL dưới các bút hiệu nặc danh (và thủ đô Hà Nội nhỏ nhen trả thù vặt), đảng CSVN nên tạc tượng thờ bà KL ở trước lăng Ba Đình, trái tim của thủ đô hòa bình thế giới, dựng song song với tượng Trịnh Công Sơn (TCS). Công lao “giải phóng miền Nam, đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” của hai nhân vật phản chiến này rất lớn, không hề thua Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Không có KL thì nhạc TCS không ai biết tới. Không có nhạc TCS thì bà KL cũng chỉ là một ca sĩ tỉnh lẻ vô danh. Hai bên hợp lại tất cả thành danh.

Nhờ các bản nhạc phản chiến của TCS và với giọng hát “cần sa” của bà KL mà quân của CS miền Bắc giành được chiến thắng.

Một đạo quân đông đảo cách mấy, trang bị vũ khí tối tân tới đâu cũng không ăn thua. Thiếu ý chí, không có tinh thần chiến đấu thì đạo quân đó phải thua. Chớ quân VNCH có tinh thần vệ quốc như quân Ukraine thì sẽ không bao giờ có vụ “debellatio” năm 1975.

Tuyên giáo CSVN bày đặt chống đối khi bà KL hát bài hát có những câu: “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giăc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ một bọn lai căng…”.

Tuyên giáo CSVN dị ứng với hai chữ “nội chiến” “lai căng”.

Nhưng đối với phe VNCH, những lời hát này như những trái đạn bắn phá vào thành trì của họ. Không có con người văn minh, có tình có nghĩa nào lại muốn cảnh “gà nhà bôi mặt đá nhau” suốt 20 năm hết cả.

Về bài “Gia tài của mẹ”, theo tôi, rất phù hợp trở thành bài “quốc ca VN” thời cộng sản trị hiện nay. Bài sáng tác (nghe nói) năm 1965 mà câu chữ “linh nghiệm” như là “sấm truyền”.

“Gia tài của mẹ một bọn lai căng”.

Lai căng là gì? Định nghĩa của Việt Nam, “lai căng” là hiện tượng có pha tạp nhiều yếu tố ngoại lai sống sượng, lố lăng. “Lai căn” (không g) là mất gốc.

CSVN rõ ràng là là một “bọn lai căn(g)”. Thờ Marx, thờ Lenin, thờ lý thuyết cộng sản là thờ chủ nghĩa “ngọai lai”, “mất gốc”.

Mô hình nhà nước VN rập khuôn mô hình nhà nước TQ. Ông Trọng bắt chước từ câu chữ, từng ý tưởng của Tập Cận Bình. Đúng là vừa sống sượng vừa lố lăng.

Đảng CSVN còn là là một lũ “bội tình”.

“Gia tài của mẹ một lũ bội tình”. Bội tình, bội nghĩa, bội ước. Kiểm lại lịch sử 70 năm đảng CSVN chưa bao giờ làm được một điều gì đó phù hợp với truyền thống đạo lý VN.

Ông Hồ ra lịnh giết bà Cát Hanh Long, kẻ ơn của cá nhân mình và cũng là người ơn của cả đảng CSVN. Không có vàng của bà thì ông Hồ lấy gì hoạt động? Lấy gì đút miệng bọn tướng Tàu ? Không có số vàng này thì toàn bộ lực lượng của ông Hồ (ở bắc vĩ tuyến 16) bị quân Tưởng tiêu diệt. Quyền hành đất nước sẽ lọt vô phe Việt Nam Quốc dân Đảng.

Đây là một vụ sát nhân nhưng bản chất là bội tình, bội nghĩa.

Vụ giết chết Lê Đình Kình, đảng CSVN cạn tàu ráo máng với đồng chí. Đó là bội tình. Tình ở đây là “tình đồng chí”.

Đảng viên cộng sản, khi chưa nắm quyền, họ hứa hẹn “lấy của người giàu đem chia cho người nghèo”.

Thấy gì, sau khi đảng CSVN “cướp” được chánh quyền?

Đảng viên CS cũng hứa hẹn “lấy ruộng địa chủ chia cho nông dân”.

Họ cam kết đánh đuổi giặc ngoại xâm sẽ xây dựng một nước VN “độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Chỉ thấy toàn là bánh vẽ và một phường bội bạc.

Độc lập là dân tộc độc lập. Làm gì có độc lập khi đảng CSVN rập khuôn, từ tư tưởng tới hành vi của TQ và lãnh đạo TQ? Việt Nam hiện thời là chư hầu trung thành của TQ.

Tự do là dân quyền tự do. Bản nhạc “Gia tài của mẹ” sáng tác cách đây hơn 1/2 thế kỷ, không hề có tư tưởng phản động hay kích động hận thù. Lý lẽ bài ca là “chống chiến tranh” và kể chuyện “lịch sử”. Bài ca bị cấm trình diễn.

Tự do ở đâu?

Toàn bộ các cơ quan truyền thông, ngôn luận đều nằm trong tay đảng. Toàn bộ đại biểu quốc hội là đảng viên, hoặc phò đảng.

Hầu hết chùa chiền, tăng ni nếu không là “cơ sở kinh tài” thì cũng là cơ quan tuyên truyền đạo Phật theo định hướng của đảng.

Đâu là tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do chính kiến?…

“Hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Tuyên giáo VN còn bắt bẻ câu “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Tuyên giáo VN trước khi bắt bẻ người khác về từ “nội chiến” thì phải cho người dân biết “nội chiến” có ý nghĩa là gì?

Theo luật về chiến tranh (của công pháp quốc tế chớ không phải theo chữ nghĩa “lính thủy đánh bộ” của tuyên giáo) thì thuật ngữ “chiến tranh – war” chỉ sử dụng riêng biệt cho “chiến tranh quốc tế”, xảy ra giữa “quốc gia – state” và “quốc gia – state”.

Còn “nội chiến – guerre civile – civil war” thì ý nghĩa khá rộng. “Chiến tranh giải thực”, kiểu chiến tranh “đánh Pháp”, đuổi Mỹ v.v… đều được (công pháp quốc tế) xếp vào mục “nội chiến”.

TCS viết bài “Gia tài của mẹ” năm 1965, trong đó có câu “20 năm nội chiến từng ngày”. Viết sai ở chỗ nào mà bắt bẻ?

Trong một cuộc “nội chiến” sự hiện diện của yếu tố “bên ngoài” là chuyện thường tình. Quân Mỹ có mặt ở miền Nam VN cũng như quân TQ, cố vấn Liên Xô, quân chí nguyện Triều Tiên… có mặt ở miền Bắc VN.

Chiếu theo “luật” thì không thể bắt bẻ TCS về một ý tưởng, một lập trường chính trị… của ông này đã thể hiện từ 1/2 thế kỷ trước.

“Gia tài của mẹ để lại cho con. Gia tài của mẹ là nước Việt buồn”.

Nước Việt chưa bao giờ buồn như hôm nay.

Rừng đã hết và biển đã chết. Người Việt muốn sống cho ra vẻ con người thì phải bỏ nước ra đi. Số may mắn qua được Mỹ, Anh, Pháp… Số không may phải làm dâu, làm tì, làm lao động ở các xứ mà trước kia thua xa VNCH về mọi mặt.

Bài “Gia tài của mẹ” điển hình là bài “quốc ca” của VN hôm nay. Bài quốc ca thể hiện đúng mức tình trạng thê thảm của đất nước và dân tộc VN dưới triều đại nhà Hồ.

Related posts