Bình Minh
Dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang lan tràn khắp Trung Quốc, hệ thống lò hỏa táng và bệnh viện lần lượt sụp đổ. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với số người chết hàng loạt lớn nhất kể từ thời kỳ Đại Nhảy Vọt của thời đại Mao Trạch Đông.
Tháng 12/2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ hủy bỏ zero-COVID mà không có sự chuẩn bị trước, khiến dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát khắp cả nước.
Ngày 5/1, ông Ben Lowsen, nhà Trung Quốc học và chiến lược quân sự, đã đăng bài trên ấn bản trực tuyến của tạp chí “The Diplomat” (Nhà Ngoại giao), nói rằng cuối tháng 11/2022, người dân Trung Quốc có nguy cơ bị cầm tù vì phản đối chính sách zero-COVID của Chính phủ.
Trong một thể chế chuyên đàn áp những ý kiến bất đồng, người dân Trung Quốc đã thách thức tính hợp pháp của ĐCSTQ và địa vị của nhà lãnh đạo hàng đầu Tập Cận Bình. Đây là điều trước nay chưa từng có.
Đầu tháng 12/2022, sau khi các cuộc biểu tình dừng lại, hoặc bị đàn áp, chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng “tự ý” hạ thấp mức độ nguy hiểm của virus.
Ngày 9/1, tài khoản twitter “yu (Tokyo Star)” tweet rằng một bác sĩ từ bệnh viện ở Bắc Kinh tiết lộ: “Hiện tại, các bệnh nhân tái nhiễm lần 2 trong bệnh viện đang trong tình trạng rất nghiêm trọng, những chuyện này hoàn toàn không được báo cáo.”
“Đừng nghe các chuyên gia nói trên TV. Tất cả những điều họ đang nói hiện giờ đều là để ổn định xã hội. Nếu họ nói thật, tôi nói với bạn rằng xã hội sẽ hỗn loạn.”
Ông Lowsen cho biết, trên thực tế những sự kiện này đại diện cho một “bước ngoặt lịch sử”. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc kiên quyết thực hiện các chính sách chống dịch đắt đỏ trong 3 năm qua, nhưng người dân Trung Quốc hiện vẫn đang phải đối mặt với “sự kiện chết chóc hàng loạt quy mô lớn nhất kể từ Đại nhảy vọt“.
Ông cũng nói rằng từ năm 1958 – 1961, các chính sách của Mao đã dẫn đến cái chết của hơn 20 triệu người vì nạn đói. Giữa sự hỗn loạn và thảm kịch, chính quyền Trung Quốc đã quyết định không cung cấp số liệu thống kê về số người chết vì nạn đói.
“Một sự đối chiếu không may khác là về cơ bản, chính quyền Tập Cận Bình ngày nay cũng từ bỏ việc cung cấp số liệu thống kê về COVID-19,” ông nói.
Cuối tháng 12/2022, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo vào rằng họ sẽ ngừng công bố dữ liệu hàng ngày về các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và tử vong. Thay vào đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu này. Động thái trên làm dấy lên sự ngờ vực.
Từ khi chấm dứt chính sách zero-COVID vào ngày 7/12 đến cuối tháng 12/2022, ĐCSTQ chỉ báo cáo chính thức 10 trường hợp tử vong vì COVID, điều này hoàn toàn trái ngược với quang cảnh tại các lò hỏa táng và bệnh viện.
Không chỉ khiến các nhà tang lễ tại các thành phố cấp 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu chật kín người, mà ngay cả các thành phố cấp 2 và cấp 3 như Nam Xương ở Giang Tây, An Sơn ở Liêu Ninh, và Trừ Châu ở An Huy cũng đều quá tải.
Gần đây, khi trả lời điện thoại, một nhân viên tại nhà hỏa táng Thượng Hải nói với Bloomberg: “Toàn bộ hệ thống hiện đã tê liệt”, “ở đây quá bận rộn”.
Những cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại các nhà tang lễ trên khắp Trung Quốc.
Tháng 12/2022, tại Nhà tang lễ Long Hoa ở Thượng Hải, một số gia đình đã có mặt lúc 3:00 sáng, với hy vọng lấy được một số trong số 200 số thứ tự được phát vào buổi trưa.
Ngày 30/12/2022, Airfinity, tổ chức dữ liệu y tế có trụ sở tại Anh, đã cập nhật dữ liệu, và cho biết hiện có khoảng 11.000 người ở Trung Quốc tử vong vì COVID mỗi ngày. Số người tử vong cộng dồn trong tháng 12 đã lên tới 110.000 người.
Airfinity cũng dự đoán khi số người tử vong lên đến đỉnh điểm vào tháng 1/2023, 25.000 người sẽ chết mỗi ngày. Đến giai đoạn đó, số người chết kể từ khi COVID bắt đầu gia tăng trên toàn Trung Quốc vào tháng 12/2022 sẽ lên tới 584.000 người.
Tổ chức này cho biết, họ dự kiến vào cuối tháng 4/2023, sẽ có 1,7 triệu người tử vong vì dịch bệnh ở Trung Quốc.
Ông Lowsen tin rằng ông Tập Cận Bình chưa bao giờ sử dụng thời gian có được nhờ kiểm soát dịch bệnh trong 3 năm qua, để chuẩn bị cho việc mở cửa đất nước trong tương lai.
Ông nói: “Ông ấy (Tập Cận Bình) không giải quyết được tỷ lệ cao dân số già của Trung Quốc (có thể trạng) từ chối vắc-xin, không dự trữ thuốc cứu chữa bệnh khi dỡ bỏ phong tỏa, cũng không xây dựng những kế hoạch nhằm giảm thiểu sự gia tăng số người nhiễm COVID không thể tránh khỏi sau khi đất nước mở cửa trở lại.”
“Đáng chú ý là trong khi các nhà sản xuất (nước ngoài) không từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của mình, ông ấy đã khiến người dân Trung Quốc dễ bị lây nhiễm hơn vì từ chối cho phép vắc-xin mRNA hiệu quả hơn được nhập vào Trung Quốc.”
Ông nói thêm rằng một số yếu tố đã chỉ ra sự thất bại nghiêm trọng về chính sách của ông Tập Cận Bình, như thái độ cứng rắn của những người phản đối zero-COVID khi đối mặt với việc bị cầm tù. Họ nhắm thẳng vào ông Tập và ĐCSTQ. Sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Chính phủ và thực tế là các quan chức của ĐCSTQ dường như vẫn sẵn sàng làm việc, mà không cần sự hậu thuẫn của ông Tập Cận Bình.
Ông cho biết hiện ông Tập vẫn đứng ngoài cuộc, không rõ liệu ông ấy có đưa ra bất kỳ phương án chung nào hay không.
“Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang ẩn mình cho đến khi điều tồi tệ nhất qua đi, để trốn tránh trách nhiệm giải trình, hoặc đã thất bại trong việc xây dựng các chính sách, khiến đất nước mất kiểm soát trong cơn bão dịch bệnh”.
Ông cũng cho biết trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, ông Tập vẫn tiếp tục từ chối viện trợ nước ngoài, gợi nhớ đến việc Mao Trạch Đông từ chối viện trợ lương thực trong thời kỳ đỉnh điểm của nạn đói thời Đại nhảy vọt.
Bình Minh