Tin thế giới tối thứ Sáu: Nhật Bản đạt được các thỏa thuận an ninh mới, đặt nhiều trọng tâm vào chống Trung Quốc

Nhật Bản đạt được các thỏa thuận an ninh mới, đặt nhiều trọng tâm vào chống Trung Quốc

Rishi Sunak, UK prime minister, right, Fumio Kishida, Japan’s prime minister, during the signing of a defence agreement at the Tower of London in London, UK, on Wednesday, Jan. 11, 2023. The UK and Japan will allow military forces to be deployed to one anothers nations, as Tokyo expands bilateral cooperation with other US allies amid concerns about Chinas rise. Photographer: Chris J. Ratcliffe/Bloomberg via Getty Images

Tăng cường phòng thủ không gian, triển khai thêm quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản và một thỏa thuận “cực kỳ quan trọng” với Anh là những thành tích mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang thu được trong chuyến công du ngoại giao của mình.

Các nhà phân tích cho biết, quốc phòng là lĩnh vực chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của ông Kishida trong tuần này với các cuộc gặp với các đồng minh của Nhóm G7 ở châu Âu và Bắc Mỹ, khi nhà lãnh đạo Nhật Bản tìm cách tập hợp đồng minh trước áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Amy King, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói với AFP rằng Nhật Bản muốn bình thường hóa “vai trò là một cường quốc”.

Theo bà, Nhật Bản đang tăng cường “các loại quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ quốc phòng – vốn là điều khá bình thường đối với các quốc gia khác, nhưng phần lớn là vượt ra ngoài giới hạn đối với Nhật Bản” vì bản hiến pháp hòa bình sau chiến tranh của nước này.

Các cuộc trò chuyện của Kishida cũng đã đề cập đến nhiều lĩnh vực khác, từ thương mại đến các vấn đề khí hậu, cho thấy ông đang cố gắng mở rộng mối quan hệ của Tokyo với các đồng minh.

Chính phủ Nhật Bản đã công bố một cuộc đại tu quốc phòng lớn vào tháng 12, bao gồm tăng gấp đôi chi tiêu lên 2% GDP vào năm 2027 và chỉ định Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất từ ​​trước đến nay” đối với an ninh của Nhật Bản.

Mitsuru Fukuda, giáo sư tại Đại học Nihon, người nghiên cứu về quản lý khủng hoảng, cho biết những nỗ lực ngoại giao của ông Kishida “phản ánh rằng quốc phòng của Nhật Bản không thể được thực hiện bởi một mình Nhật Bản”.

“Trong quá khứ, Nhật Bản có thể tách rời kinh tế và chính trị,” làm ăn với các nước như Trung Quốc và Nga trong khi được hưởng sự bảo vệ an ninh của liên minh với Hoa Kỳ.

Nhưng xích mích ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia dân chủ và độc tài, bao gồm cả cuộc chiến của Nga ở Ukraine, có nghĩa là “chúng ta không thể làm điều đó nữa”, ông nói.

Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay và ông Kishida sẽ đến thăm tất cả các thành viên của khối ngoại trừ Đức, trong chuyến đi được kết thúc bằng cuộc hội đàm ở Washington vào thứ Sáu với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đồng ý gia hạn hiệp ước phòng thủ chung trong không gian, đồng thời tuyên bố triển khai một đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tinh nhuệ hơn trên đất Nhật Bản.

Tại Anh, ông Kishida đã ký một thỏa thuận tạo cơ sở pháp lý để hai bên triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau.

Nhật Bản đã đưa ra một thỏa thuận tương tự với Australia vào năm ngoái và các cuộc thảo luận đang được tiến hành đối với Philippines.

Năm ngoái, Tokyo cũng đồng ý phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Ý, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quốc phòng với Australia.

Bắc Kinh đã cảnh báo Nhật Bản vào năm ngoái về việc “đi chệch hướng” khỏi quan hệ song phương.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Tokyo đang hành động thận trọng để tránh thách thức trực tiếp nước láng giềng hùng mạnh của mình.

“Mở rộng mạng lưới quân sự chắc chắn là một cách hiệu quả để chống lại hoặc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc”, Daisuke Kawai, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, cho biết.

Tuy nhiên, vì các thỏa thuận không có liên minh đầy đủ với các cam kết phòng thủ chung, nên chúng vẫn “được Bắc Kinh chấp nhận vào lúc này”, ông Kawai nói.

Yee Kuang Heng, giáo sư về an ninh quốc tế tại Trường Chính sách Công của Đại học Tokyo, cho biết các động thái này “ít nhất sẽ làm phức tạp thêm các tính toán của Trung Quốc về việc nước này có thể đẩy mạnh giới hạn các hoạt động của mình trong khu vực bao xa”. Nhưng chúng “vẫn không làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự trong khu vực đối với Trung Quốc,” ông nói.

Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản ngăn cản nước này tiến hành chiến tranh và kế hoạch mua tên lửa của chính phủ đã gây tranh cãi về giới hạn của khung pháp lý.

Nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Nhật Bản phần lớn ủng hộ sự thay đổi, ngay cả khi có một số bất đồng ý kiến ​​về cách chi trả.

Lê Vy (theo AFP)

Tiêu dùng cả thế giới ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc thấp nhất trong 3 năm

Công nhân đang sản xuất bàn để xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Đức và các nước khác, tại một nhà máy ở Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 4 tháng 9 năm 2019. (STR/AFP/Getty Images)

Chỉ số niềm tin tiêu dùng suy giảm khắp Châu Âu trong tháng cao điểm nhất về tiêu dùng đón lễ Noel và Năm mới 2023. Tại Mỹ chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng 12 nhưng nguy cơ suy thoái 2023 và nỗi lo lạm phát vẫn là hạn chế lớn. Đây là lý do khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh trong tháng vàng về tiêu dùng suy giảm thấp nhất trong 3 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm 9,9% so với cùng kỳ vào tháng 12/2022 xuống còn 306,08 tỷ USD.

Mức giảm này tương đương với dự báo của thị trường là 10%. Trước đó, vào tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh đã giảm 8,7% so cùng kỳ. Đây là tháng thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc giảm; đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hoá toàn cầu giảm mạnh do lạm phát bùng phát sau đại dịch, tăng trưởng phục hồi sau đại dịch không tốt như kỳ vọng. Tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, niềm tin tiêu dùng giảm mức kỷ lục, thấp hơn nhiều so với bình quân dài hạn. Vào tháng 12/2022, tháng tiêu dùng mạnh nhất nhờ Lễ Noel và đón năm mới 2023, niềm tin tiêu dùng của khu vực này vẫn là -22,2 điểm, chỉ tốt hơn mức -23,9 điểm của tháng 11/2022. Niềm tin tiêu dùng khu vực đồng tiền chung Châu Âu giảm sâu ở mức kỷ lục (Nguồn: Trading Economics)

Người Châu Âu thu hẹp tiêu dùng khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm 17,5% vào tháng 12/2022 sau khi đã giảm tới 10,62% vào tháng 11/2022.

Tại Mỹ, mặc dù chỉ số niềm tin tiêu dùng phục hồi nhẹ trong tháng 12/2022 nhưng lạm phát kéo dài từ 2021- 2022, Fed tăng mạnh lãi suất trong suốt năm 2022 đã tác động tiêu cực tới thu nhập khả dụng của người Mỹ. Điều này cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Trung Quốc giảm 19,51%, giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Trong cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7% so với cùng kỳ lên 3,6 nghìn tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng 17,7%, trong khi xuất khẩu sang EU tăng 8,6%.

Quang Nhật

LHQ xác nhận nhiệt độ thế giới tăng cao kỷ lục trong vòng 8 năm qua

Ngày 12/1, Liên Hợp Quốc xác nhận rằng khoảng thời gian 8 năm qua là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận, kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển.

Một cánh đồng ô liu nhìn từ trên cao khi hạn hán trên khắp châu Âu đe dọa ngành nông nghiệp ở Jaen, Tây Ban Nha vào ngày 6/1/2023 (Ảnh minh họa: Getty Images) 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm ngoái, khi thế giới phải đối mặt với một loạt các thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,15 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

“8 năm qua là khoảng thời gian nóng kỷ lục nhất trên toàn cầu, gây ra bởi nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng và nhiệt tích lũy,” cơ quan của Liên Hợp Quốc nêu rõ trong một tuyên bố.

Năm nóng nhất được ghi nhận là năm 2016, tiếp theo là năm 2019 và 2020.

Đáng lưu ý, năm 2022 đánh dấu năm thứ tám liên tiếp nhiệt độ toàn cầu hàng năm cao hơn ít nhất một độ so với mức thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến 1900.

Thỏa thuận Paris, được gần như tất cả các quốc gia trên thế giới nhất trí vào năm 2015, kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5C. Các nhà khoa học đánh giá, mức này sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, WMO đã cảnh báo hôm 12/1, “nguy cơ nhiệt độ tăng vượt giới hạn 1,5C… đang gia tăng theo thời gian.”

WMO đưa ra kết luận dựa trên việc hợp nhất sáu bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, bao gồm bộ theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (C3S) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). Các tổ chức này đã công bố những phát hiện tương tự trong tuần này.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, khoảng thời gian 8 năm nóng nhất được ghi nhận là kể từ năm 2015, bất chấp các sự kiện La Nina liên tiếp kể từ năm 2020.

Nhờ sự kiện La Nina, năm 2022 chỉ là năm nóng thứ năm hoặc thứ sáu từng được ghi nhận, theo WMO.

Dù vậy, tình hình cục bộ khá nghiêm trọng hơn ở một số khu vực.

Copernicus liệt kê trong báo cáo thường niên hôm 10/1, các vùng cực của Trái Đất đã trải qua nhiệt độ kỷ lục vào năm ngoái, cùng với nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi.

Châu Âu cũng đã trải qua năm nóng thứ hai từ trước đến nay khi Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy lập kỷ lục nhiệt độ trung bình mới. Các đợt nắng nóng cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên khắp lục địa.

WMO nhận định, tác động của La Nina đối với hành tinh nói chung dự kiến sẽ kết thúc trong vòng vài tháng và đây chỉ là hiệu ứng ” trong thời gian ngắn”. Hiện tượng La Nina cũng “sẽ không đảo ngược xu hướng ấm lên trong thời gian dài do mức độ khí nhà kính đang ngày càng tăng mạnh trong bầu khí quyển của chúng ta”.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tiết lộ kế hoạch 5 năm trị giá 3 tỷ USD để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Minh Ngọc (Theo AFP)

Related posts