Từ cuộc “Cách mạng Giấy trắng” đến “Phong trào pháo hoa”, từ cuộc biểu tình của công nhân tại một nhà máy dược phẩm ở Trùng Khánh đến cuộc tuần hành phản đối của công nhân tại một công ty công nghệ sinh học ở Hàng Châu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải lùi bước một cách bất thường và có phần nhượng bộ. Giới quan sát cho rằng, người Trung Quốc đã bắt đầu rũ bỏ nỗi sợ hãi đối với ĐCSTQ và chế độ này có khả năng sụp đổ vào năm 2023.
Vào ngày 7/1, hàng nghìn công nhân đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Zybio, một công ty sản xuất dược phẩm ở Quận Đại Độ Khẩu (Dadukou) của Trùng Khánh, Cuộc biểu tình là kết quả của việc sa thải đột ngột gần 8.000 nhân viên cùng với việc không trả lương người lao động.
Công ty này là nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên Covid-19.
Các video được đăng trực tuyến cho thấy khung cảnh các công nhân tức giận đang phá hủy các hộp chứa bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, phá hoại văn phòng của công ty và đụng độ với cảnh sát trong trang phục chống bạo động. Người biểu tình đã ném hộp nhựa, chai nước và mũ nhựa vào cảnh sát, khiến họ phải bỏ chạy. Đây là điều hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc.
Jan 7, at #Chongqing city, #CCPChina, workers clashed with #CCP police whn they protested against their employer, ZY Bio(中元汇吉药厂) ‘s sudden announcement that some 10K employees would be laid off.#ChinaProtests #China #ChinaUprising pic.twitter.com/Ptt1t0qBbg
— Inconvenient Truths by Jennifer Zeng 曾錚真言 (@jenniferzeng97) January 7, 2023
Cuối cùng, chính quyền ĐCSTQ cũng buộc phải thỏa hiệp, và người đứng đầu quận Đại Độ Khẩu đã tiến tới và hứa hẹn rằng, người lao động sẽ nhận được tiền lương, tiền thưởng và trợ cấp thôi việc mà công ty chưa thanh toán cho họ. Cuối cùng thì đó là một chiến thắng vang dội cho những người biểu tình.
Vào ngày 6/1, một cuộc biểu tình tương tự đã nổ ra ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, khi Tập đoàn Công nghệ sinh học ACON bất ngờ tuyên bố đình chỉ hoạt động kinh doanh và sa thải 2.800 nhân viên. Công ty này buộc nhân viên ký cam kết thôi việc và chỉ trợ cấp cho họ 1.600 nhân dân tệ (tương đương 237 USD). Hơn nữa, một số công nhân tạm thời chưa thể nhận được tiền lương.
Những người biểu tình đã đối đầu với cảnh sát và hét lên, “hãy trả tiền cho chúng tôi”. Cuối cùng, chính quyền địa phương đã thương lượng với họ và hứa sẽ trợ cấp cho mỗi công nhân 3.000 nhân dân tệ (khoảng 444 USD).
Cuộc cách mạng pháo hoa
Tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, hàng nghìn người đã vượt qua hàng rào cảnh sát và tập trung trước tượng đài Tôn Trung Sơn, cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, vào đêm giao thừa.
Đám đông đã đặt hoa và thả bóng bay trước bức tượng để bày tỏ sự bất bình của họ đối với ĐCSTQ cầm quyền hiện tại, cũng như sự khao khát tự do và dân chủ.
Tại huyện Luyi, tỉnh Hà Nam, người dân đã phớt lờ lệnh cấm đốt pháo của chính quyền vào đêm ngày 2/1, dẫn đến cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân.
Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, khi cảnh sát đang truy bắt những người vi phạm, rất đông người dân đã bao vây xe cảnh sát, yêu cầu thả những người bị bắt. Họ xô đẩy cảnh sát. Một số thanh niên sau đó bắt đầu đập phá xe cảnh sát và kính chắn gió phía trước. Một xe cảnh sát đã bị lật.
Ngoài huyện Luyi, cuộc “Cách mạng pháo hoa” còn nổ ra ở thành phố Trùng Khánh và một số thành phố khác ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Hà Bắc, tỉnh Giang Tô và tỉnh Quảng Tây.
Trước đây, thật khó có thể tưởng tượng được kiểu đối đầu trực diện giữa công chúng và cơ quan thực thi pháp luật tại Trung Quốc. Có vẻ như người dân nước này không còn sợ hãi nữa và đã bắt đầu tận dụng nhiều cơ hội khác nhau để thách thức chính quyền của ĐCSTQ.
Sau khi hàng loạt sự kiện thách thức này nổ ra, ĐCSTQ đã không trả đũa như trước đây mà chọn lùi bước.
Nhiều nơi như thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Liêu Ninh đã nới lỏng “lệnh cấm đốt pháo hoa” ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, Sở cảnh sát thành phố Tây An đã ra thông báo yêu cầu cảnh sát “thực thi pháp luật một cách linh hoạt” và “kiềm chế đối đầu với công chúng hoặc gây dư luận tiêu cực liên quan đến cảnh sát” khi xử lý những người đốt pháo và pháo nổ.
Cục diện hiện nay đang biến chuyển nhanh chóng
Chuyên gia về Trung Quốc, ông Hoành Hà (Heng He) nói với The Epoch Times vào ngày 9/1 rằng, kết quả của cuộc “Cách mạng Giấy trắng” và “Phong trào Pháo hoa” đã giúp công chúng nhìn ra điểm yếu của chế độ cầm quyền. Điều đó có nghĩa là “ĐCSTQ có thể bị đánh bại, hoặc ít nhất thì người dân có thể buộc ĐCSTQ phải nhượng bộ. Đây là điều mà ĐCSTQ đã cố gắng né tránh trong nhiều năm, nhưng lần này cuối cùng họ đã không làm được”, ông nói.
Ông Đặng Hải Yến (Deng Haiyan), một nhà bình luận tự do, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 10/1 rằng, sự bùng nổ của những cuộc biểu tình này vào đầu năm mới phản ánh những thay đổi trong tâm lý của người dân Trung Quốc sau khi họ đạt đến đến đỉnh điểm. Tức là họ không còn sợ hãi nữa.
Ông nói: “Ngày càng có nhiều người dám đứng lên để bày tỏ sự bất bình và phản kháng của họ theo nhiều cách khác nhau. Khi người dân nhận ra rằng nhiều người có chung tâm lý này, [các cuộc biểu tình] sẽ không dễ dàng bị dập tắt”.
Nói về sự nhượng bộ của ĐCSTQ, nhà văn độc lập Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) nói với The Epoch Times vào ngày 13/1 rằng, ĐCSTQ đang phải đối mặt với những câu hỏi chưa từng có về tính hợp pháp của đảng này.
“Từ góc độ môi trường quốc tế, ĐCSTQ không còn ở trong hoàn cảnh như trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Trên thực tế, liên minh chống cộng toàn cầu đã hình thành từ lâu”, ông Chư Cát Minh Dương nói.
“ĐCSTQ chưa bao giờ bị cô lập như bây giờ. Ở trong nước, sự thất bại triệt để của chính sách phòng chống đại dịch, cùng với việc ông Tập Cận Bình đã không hoàn thành được một việc nào kể từ khi lên nắm quyền, đã khiến tính hợp pháp của sự điều hành của ĐCSTQ trở thành một câu hỏi chưa từng có”, ông nói.
Ông Chư Cát Minh Dương giải thích thêm rằng, trong hoàn cảnh như vậy, chính quyền Trung Quốc không dám sát nhân. Và để tồn tại, ĐCSTQ chỉ có thể lùi bước.
“Sự nhượng bộ này sẽ kích thích tinh thần phản kháng của người dân. Khi tình hình đại dịch trở nên trầm trọng hơn, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình có thể sẽ nổ ra trên khắp đất nước. Trước không ít áp lực từ trong và ngoài nước, ĐCSTQ có khả năng sụp đổ trong năm nay (2023) và hoàn toàn rút lui khỏi vũ đài lịch sử”, ông nói thêm.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch