Tin thế giới trưa thứ Tư: Tổng thống Zelenskyy bị ám sát hụt 12 lần kể từ khi Nga xâm lược Ukraina

Tổng thống Zelenskyy bị ám sát hụt 12 lần kể từ khi Nga xâm lược Ukraina

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy.

Các quan chức Ukraina cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã sống sót sau hơn 12 lần bị ám sát hụt kể từ khi các lực lượng của Nga bắt đầu cuộc xâm lược nước này vào tháng 2 năm 2022.

Theo trang tin The Independent, thông tin trên được tiết lộ trong cuốn sách chuẩn bị xuất bản có tên “Cuộc chiến của đời mình: Nhà Trắng của Joe Biden”, của tác giả Chris Whipple.

Theo cuốn sách đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông William Burns, đã cảnh báo Tổng thống Zelenskyy về nguy cơ bị ám sát tại một cuộc họp bí mật trong chuyến thăm Ukraina trước cuộc xâm lược của Nga.

Khi đó, ông Zelenskyy đã công khai bác bỏ những cảnh báo từ Mỹ.

Tác giả Chris Whipple tiết lộ rằng Tổng thống Joe Biden đã giao nhiệm vụ cho giám đốc CIA cung cấp cho ông Zelenskyy chi tiết chính xác về âm mưu của Nga. Điều này lập tức thu hút sự chú ý của ông Zelenskyy, và ông ấy rất ngạc nhiên.

Trong số những lần ông Zelenskyy bị ám sát hụt, ít nhất có 2 lần thoát chết là nhờ thông tin tình báo của Mỹ được ông Burns chia sẻ trong chuyến thăm Kyiv đó.

Huệ Liên

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chuyện với các phóng viên tại Đại học Stanford ở Stanford, California, Mỹ, ngày 17/10/2022. (Ảnh: Josh Edelson/AFP/Getty Images)

Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới nước này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (17/1).

“Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang liên lạc về các thỏa thuận cụ thể”, phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói khi trả lời câu hỏi về một bản tin của truyền thông Hoa Kỳ rằng ông Blinken sẽ đến thăm Trung Quốc vào ngày 5/2, theo hãng thông tấn Reuters.

“(Trung Quốc) cũng hy vọng Hoa Kỳ sẽ có quan điểm đúng đắn về Trung Quốc, đề cao đối thoại thay vì đối đầu, đôi bên cùng có lợi thay vì hơn thua”, ông Uông nói thêm.

Tờ Politico đưa tin, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh vào ngày 5/2 đến ngày 6/2.

Chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2 của ông Blinken sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc, kể từ cuộc gặp của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo (dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump) với Ngoại trưởng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Vương Nghị tại Bắc Kinh vào tháng 10/2018. Tại cuộc gặp này, hai quan chức đã đấu khẩu gay gắt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang.

Việc Trung Quốc xác nhận chuyến thăm diễn ra sau cuộc gặp hồi tháng 11/2022 giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở đảo Bali của Indonesia.

Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ liên lạc thường xuyên hơn nữa vào thời điểm xảy ra nhiều bất đồng về vấn đề Đài Loan, nhân quyền, việc Nga xâm lược Ukraine và các vấn đề kinh tế.

Tháng trước, một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) tại Lang Phường (Langfang), một thành phố lân cận Bắc Kinh, để thảo luận về chuyến thăm của ông Blinken, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Tờ Politico cho hay, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc lần này là phép thử cho thiện chí đối thoại của hai bên để xem cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập có mở đường cho mối quan hệ Mỹ – Trung hiệu quả hơn hay không.

Bà Susan Shirk, cựu Trợ lý Ngoại trưởng và chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 tại Trường Đại học California San Diego, cho biết: “Đôi khi quan hệ Mỹ – Trung phải xấu đi một cách nguy hiểm, từ đó hai chính phủ mới có thể đầu tư nhiều hơn cho các nỗ lực cải thiện quan hệ”.

Bà Shirk cho biết, chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Blinken sẽ phản ánh liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền vừa đột ngột đảo ngược các chính sách phòng chống dịch của mình “có sẵn sàng điều chỉnh các chính sách đối ngoại và đối nội khác nhằm giảm thiểu tác động xấu lên nước này hay không”.

Ngoại trưởng Blinken cũng có kế hoạch đưa ra giải pháp “làm tan băng” đối thoại quân sự song phương, vốn bị đình chỉ sau chuyến thăm hồi tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi tới Đài Loan.

Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho hay, ông sẵn sàng thúc đẩy chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken thành công. Trong một bài đăng trên Twitter vào đầu tháng này, ông đã ca ngợi “các cuộc gặp thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng” trước đây với ông Blinken và nói rằng, ông mong đợi “việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ông để xây dựng mối quan hệ Mỹ – Trung theo hướng tích cực hơn”. Điều đó cho thấy Bắc Kinh muốn ngăn chặn sự trượt dốc trong quan hệ song phương – vốn đã khiến Mỹ hạn chế xuất khẩu vi mạch (được sử dụng trong các ứng dụng quân sự và điện toán tiên tiến) sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vẫn giữ quan điểm cứng rắn trong mối bang giao Mỹ – Trung.

“Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của mình và tham gia vào các hành động phong tỏa, đàn áp và khiêu khích trắng trợn chống lại Trung Quốc”, ông Vương nói trong một bài phát biểu vào tháng trước.

Huyền Anh tổng hợp

Ông Trump: DeSantis tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 là dấu hiệu bất trung

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (16/1) tuyên bố rằng nếu Thống đốc Florida Ron DeSantis chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, thì đó là dấu hiệu bất trung và “chúng tôi sẽ xử lý việc đó”.

“Bây giờ tôi nghe thấy ông [DeSantis] có thể muốn chạy đua chống lại tôi. Vậy thì, tôi sẽ xử lý việc đó theo cách mà tôi xử lý mọi thứ”, ông Trump nói trong chương trình podcast “The Water Pooler” phát sóng hôm thứ Hai (16/1).

Một cuộc thăm dò do Club for Growth (Câu lạc bộ vì sự phát triển) công bố hôm thứ Ba (17/1) cho thấy ông DeSantis chứ không phải ông Trump có thể đặt ra mối đe dọa lớn hơn cho nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.

Ông Trump hồi tháng 11/2022 đã chính thức tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024, trong khi cả ông DeSantis và ông Biden đều chưa tuyên bố sẽ tham gia chạy đua.

Trong chương trình podcast nêu trên, ông Trump đã khẳng định rằng chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông DeSantis sẽ là dấu hiệu bất trung. Cựu tổng thống lặp lại quan điểm cho rằng chính nhờ vào sự bảo chứng của ông mà ông DeSantis đã chiến trắng trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang Florida vào năm 2018.

“Tôi đã giúp ông ta đắc cử, đơn giản chỉ vậy thôi”, ông Trump nói.

Chuyên gia chính trị Dick Morris từ tháng 12/2022 đã nhận định trên Newsmax TV rằng ôngTrump thậm chí có thể đánh bại ông DeSantis trước khi Thống đốc Florida quyết định thách thức cựu tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024.

“Tôi nghĩ vấn đề là ông Trump thậm chí sẽ đánh bại ông DeSantis trước khi ông [DeSantis] chạy đua. Và tôi cho rằng khả năng cao ông [Trump] sẽ ngăn cản ông [DeSantis] tranh cử [năm 2024] bởi vì [Thống đốc Florida] có cơ hội rất rõ ràng trong năm 2028”, ông Morris nói.

Cho đến nay, một số nhà tài trợ chính trị lớn của Đảng Cộng hòa đã công khai tuyên bố sẽ ủng hộ ông DeSantis nếu ông ta quyết định chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

CEO của Quỹ đầu tư Tỷ phú Ken Griffin hồi tháng 11/2022 đã nói với tờ Politico rằng nước Mỹ sẽ được điều hành tốt nếu ông DeSantis làm tổng thống. Ông cũng nói “đã đến lúc” Đảng Cộng hòa “phải loại bỏ” ông Trump.

Chủ tịch kiêm CEO của Blackstone, ông Stephen Schwarzman nói với tờ Axios rằng ông sẽ không ủng hộ ông Trump trở thành đề cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024.

Xuân Thành

Hỏa tiễn mạnh nhất của SpaceX chính thức hoạt động trở lại

Hỏa tiễn đẩy Falcon Heavy của SpaceX. (Ảnh: Kent Weakley/Shutterstock)

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX cất cánh vào 9h56 sáng ngày 16/1 (theo giờ Sydney Úc) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở tiểu bang Florida, qua đó đánh dấu chuyến bay thành công thứ 5, theo hãng tin CNN.

Cụ thể, chuyến bay mới nhất của Falcon Heavy trong nhiệm vụ mang tên USSF-67 chở thiết bị an ninh quốc gia lên quỹ đạo cho quân đội Mỹ. Tên lửa này ra mắt vào năm 2018 khi CEO SpaceX Elon Musk sử dụng xe điện Tesla Roadster làm hàng hóa thử nghiệm khi phóng. Chiếc xe vẫn trôi nổi trong vũ trụ, bay theo quỹ đạo dài quanh Mặt Trời.

Sau nhiệm vụ thử nghiệm nêu trên, Falcon Heavy đã phóng thêm 2 lần vào năm 2019 trước khi vắng bóng suốt 3 năm do phần lớn nhiệm vụ của SpaceX không đòi hỏi lực đẩy lớn của phương tiện. Ngoài ra, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng hơn 60 lần chỉ riêng trong năm 2022, đưa 2 đoàn phi hành gia vào không gian cũng như phóng vệ tinh Starlink và nhiều tàu vũ trụ khác.

Falcon Heavy bay trở lại vào tháng 11/2022 với nhiệm vụ USSF-44 của quân đội Mỹ. Theo Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, nhiệm vụ USSF-44 bao gồm 6 trang bị trên một vệ tinh giúp nâng cấp liên lạc, cảm biến thời tiết vũ trụ và nhiều công nghệ khác trên quỹ đạo cận địa đồng bộ. Nhiệm vụ USSF-67 sẽ tận dụng cùng loại tàu vũ trụ triển khai trong USSF-44 mang tên LDPE. Về cơ bản, đó là một loại xe buýt ngoài không gian chuyên chở vệ tinh nhỏ. Falcon Heavy cũng chở một vệ tinh liên lạc gọi là Continuous Broadcast Augmenting SATCOM cho Lực lượng Không gian Mỹ.

Sau nhiệm vụ, công ty thu hồi 2 động cơ đẩy ở tầng đầu tiên của Falcon Heavy. Sau khi dùng hết phần lớn nhiên liệu, động cơ đẩy phụ tách ra xa khỏi lõi trung tâm và tự điều hướng để rơi qua khí quyển Trái Đất. Khi tới gần mặt đất, chúng kích hoạt động cơ và hoàn thành hạ cánh đồng thời trên bệ gần vùng ven biển Florida. SpaceX không thu hồi động cơ đẩy trung tâm do yêu cầu về nhiên liệu.

Trong nhiều năm, Falcon Heavy giữ danh hiệu tên lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Nhưng vào tháng 11/2022, tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA chiếm ngôi với lần phóng đầu tiên trong nhiệm vụ không người lái Artemis 1 bay vòng quanh Mặt Trăng, mở đường cho các nhiệm vụ chở người trong tương lai. Trong khi Falcon Heavy cung cấp lực đẩy gần 2,3 triệu kg, SLS tạo ra lực đẩy gần 4 triệu kg, gấp hơn 15% tên lửa Saturn V dùng trong chương trình Apollo.

Phan Anh

Hoàn cảnh bi thảm của người cao tuổi Trung Quốc qua đời vì COVID vùng nông thôn

Ảnh minh hoạ.

Đại dịch COVID đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người lớn tuổi ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Nhiều người không được tính vào số ca tử vong vì họ qua đời tại nhà.

Làn sóng lây nhiễm COVID gần đây đã quay trở lại Trung Quốc, khiến hệ thống y tế và tang lễ tại nước này sụp đổ. Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết ngày 14 tháng 1 rằng gần 60.000 ca tử vong liên quan đến dịch bệnh đã được thống kê tại các bệnh viện trên cả nước xảy ra từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên, kênh truyền thông The Epoch Times đã thu thập thông tin từ các nguồn tin khác và nhận thấy rằng đại dịch đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người lớn tuổi ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Nhiều người không được tính vào số ca tử vong vì họ qua đời tại nhà.

Các phóng viên đã phỏng vấn hai cư dân ở Sơn Tây, Lin và Liu, hôm 16 tháng 1.

Theo chị Lin, tình hình dịch bệnh ở làng hiện rất nghiêm trọng, có nhiều ca nhiễm bệnh. Ở làng của chị, nhà nào cũng có bốn, năm sào ruộng nhưng khoảng cách không đủ để ngăn ngừa lây lan. Tất cả dân làng thiệt mạng đều là người lớn tuổi và phần lớn hài cốt được chôn cất trên đất của họ.

Chị Lin tiết lộ rằng mọi người phải trở về làng để tổ chức đám tang vì không có đủ chỗ, đặc biệt là sau khi một số công chức làng đã nghỉ hưu qua đời. Mặc dù vậy, họ vẫn phải xếp hàng từ 8 đến 10 ngày để chờ đến lượt. 

Một cư dân khác, anh Liu, cho biết có rất nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các thành viên của một gia đình hàng xóm đã tử vong. Khi đi ra ngoài, anh đã bị sốc vì không có ai trong khu vực của mình.

Anh cho biết, nhân sự các ngành chức năng địa phương tê liệt, không ai đi làm, ủy ban khu phố đóng cửa.

Không chỉ Sơn Tây mà cư dân ở Giang Tô cũng gặp tình cảnh tương tự.

Theo một cư dân ở Giang Tô, ba người thân của cô đã chết cùng ngày vì đại dịch. Cô và gia đình đã phải vội vàng đăng ký trực tuyến từ sáng sớm để bảo đảm rằng người thân của cô có thể được hỏa táng.

Theo hãng tin Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nghiên cứu số liệu mới nhất. Tuy nhiên, họ kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin chi tiết hơn, bao gồm cả các biến thể phụ đang lan truyền trên toàn quốc.

Trao đổi với Giám đốc Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc Mã Tiểu Vệ (马晓伟), Giám đốc điều hành WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần tăng cường hợp tác và minh bạch.

Jin Dong-yan, một nhà virus học tại trường đại học Hồng Kông, cho biết, “Việc chia sẻ số liệu thống kê về COVID kịp thời, cởi mở và minh bạch hơn với người dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới là việc đã phải làm từ lâu, và giờ làm thì đã quá muộn rồi.”

Liên Thành

Related posts